BẤT CỨ Ở ĐÂU, HÃY CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA CHA
Bài Giáo Lý về kinh Lạy Cha của Đức Thánh Cha Phanxico trong buối triều yết chung ngày 22.05.2019
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay chúng ta kết thúc kỳ Giáo Lý về kinh Lạy Cha. Chúng ta có thể nói rằng việc cầu nguyện kitô giáo nảy sinh từ sự liều lĩnh gọi Thiên Chúa với danh xưng “Cha”. Đây là nền tảng của cầu nguyện kitô giáo: gọi “Cha” với Thiên Chúa. Nhưng cần sự can đảm! Ở đây không nói đến hình thức hơn là nói đến sự khiêm nhường của người con trong đó chúng ta được dẫn vào nhờ: Đức Giêsu Đấng mặc khải của Chúa Cha và Ngài làm cho chúng ta nên một gia đình với Ngài. “Ngài không để lại cho chúng ta một công thức để lặp đi lặp lại cách máy móc. Như bất cứ kinh nguyện bằng lời nào, ngang qua Lời của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần dạy những người con của Chúa cầu nguyện với Cha của họ” (GLHTCG 2766). Chính Chúa Giêsu đã dùng nhiều diễn tả khác nhau để cầu nguyện với Cha. Nếu chúng ta đọc các Tin Mừng cách chú tâm, chúng ta khám phá ra rằng những diễn tả cầu nguyện này hé mở trên môi miệng của Chúa Giêsu và chúng gợi lên bản văn của kinh Lạy Cha.
Ví dụ như, trong đêm vườn Dầu Chúa Giêsu cầu nguyện thế này: “Lạy Cha, tất cả đều có thể đối với Cha, xin hãy xa con chén đắng này, tuy nhiên không theo điều con muốn, nhưng là theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúng ta đã phân tích rõ đoạn Tin Mừng theo Thánh Macco này rồi. Làm sao không thể nhận ra trong lời nguyện cầu này, một lời rất ngắn, dấu ấn của kinh Lạy Cha? Giữa những đêm tối, Đức Giêsu cầu xin Thiên Chúa với danh xưng “Abba”, với sự tín thác của người con và cũng vậy khi cảm thấy lo âu, sợ hãi, Ngài xin hãy hoàn tất ý muốn của Cha.
Trong những đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ, lý do cần phải vun trồng tinh thần cầu nguyện. Lời cầu nguyện phải liên lỉ và trước hết cần phải cưu mang những người anh em trong lời cầu nguyện, một cách đặc biệt khi chúng ta sống mối tương quan rất khó khăn với họ. Chúa Giêsu nói rằng: “Khi các con cầu nguyện, nếu có điều gì đối nghịch với anh em mình, hãy tha thứ, bởi vì Cha các con ở trên trời cũng tha thứ cho các con” (Mc 11,25). Lẽ nào không nhận thấy trong những diễn tả này sự tương ứng với kinh Lạy Cha? Và những ví dụ có thể sẽ rất nhiều.
Trong các thư của Thánh Phaolo, chúng ta không tìm thấy bản văn của kinh Lạy Cha, nhưng sự hiện diện của nó thì nổi bật trong đúc kết tuyệt vời, ở đó lời cầu xin của kitô hữu cô đọng chỉ trong một lời duy nhất “Abba” (x. Rm 8,15; Gal 4,6).
Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu làm thỏa mãn cách tròn đầy yêu cầu của các môn đệ, thấy Ngài thường hay tách mình riêng ra một nơi và chìm sâu trong cầu nguyện, một ngày họ quyết định xin Ngài dạy họ cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan dạy các môn đệ ông” (Lc 11,1). Do đó, Thầy đã dạy họ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.
Quan sát trong toàn bộ Tân Ước, chúng ta nhận thấy cách rõ ràng rằng người chủ đạo đầu tiên của kinh nguyện kitô giáo là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng quên điều này, người chủ đạo của mỗi lời nguyện kitô giáo là Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể cầu nguyện mà không với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài cầu nguyện trong chúng ta và Ngài làm cho chúng ta cầu nguyện tốt. Chúng ta có thể xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, bởi vì Ngài là người chủ đạo, Ngài khơi gợi những lời nguyện đích thực trong chúng ta. Ngài thổi vào trong tim mỗi người chúng ta, làm chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng cầu nguyện như những người con của Thiên Chúa, những người con thật sự bởi Bí Tích Thanh Tẩy. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta cầu nguyện trong những con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là mầu nhiệm của kinh nguyện kitô giáo: bởi ân sủng, chúng ta được lôi cuốn vào trong cuộc đàm đạo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế. Nhiều lần Ngài dùng những diễn tả chắc chắn rất xa với bản văn kinh Lạy Cha. Chúng ta nghĩ đến những lời khởi đầu Thánh Vịnh 22, Chúa Giêsu loan báo về thập giá: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con” (Mt 27,46). Có thể nào Cha trên trời bỏ rơi Con của mình? Không, chắc chắn không. Cũng vậy tình yêu dành cho chúng ta, những người tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến điểm này: đến cảm nghiệm sự bỏ rơi của Thiên Chúa, sự xa rời của Ngài, bởi vì Ngài đã mang lấy nơi chính mình tất cả tội lỗi của chúng ta. Ngay cả trong tiếng thét gào của sợ hãi còn đó lời “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Trong từ “của con” hệ tại cốt lõi của mối tương quan với Chúa Cha, hệ tại cốt lõi của đức tin và của cầu nguyện.
Đây, lý do tại sao khởi đi từ cốt lõi này, một kitô hữu có thể cầu nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể dùng tất cả các lời cầu nguyện của Kinh Thánh, đặc biệt các Thánh Vịnh; nhưng cũng có thể cầu nguyện với muôn vàn diễn tả đã được vọt ra từ trái tim của biết bao người trong hàng nghìn năm lịch sử. Và chúng ta không bao giờ ngừng kể với Cha về những anh chị em của chúng ta trong thế giới, bởi vì không ai trong họ, đặc biệt những người nghèo, không có được sự an ủi và phần lương thực của tình yêu.
Kết thúc kỳ Giáo Lý này, chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa Tể trời đất, bởi vì Ngài đã giấu những điều này với những người thông thái và khôn ngoan, mà lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21). Để cầu nguyện, chúng ta cần phải làm cho mình nhỏ bé, để Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta và Ngài hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
Vatican, ngày 22 tháng 05 năm 2019
Đức Thánh Cha Phanxico
Ý kiến bạn đọc