Đăng lúc: Thứ năm - 18/10/2018 10:23
- Người đăng bài viết: menthanhgia
“CHỚ GIẾT NGƯỜI”: LỜI MỜI GỌI YÊU THƯƠNG
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Điều Răn thứ V trong buổi triều yết chung sáng thứ tư, ngày 17.10.2018, tại quãng trường Thánh Phêrô
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay, cha muốn tiếp tục bài Giáo Lý về Lời thứ năm của Thập Giới “chớ giết người”. Chúng ta đã nhấn mạnh điều răn này rằng trước mắt Thiên Chúa sự sống con người thật quý giá, thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Không một ai có thể khinh miệt sự sống của người khác hoặc của chính mình. Thật vậy, con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu không cùng của Ngài, mọi thứ là điều kiện trong đó được mời gọi hiện hữu.
Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa còn sâu xa hơn của điều răn này. Ngài xác định rằng, trước tòa phán xét của Thiên Chúa, ngay cả cơn giận với anh chị em mình cũng là một hình thức của giết người. Bởi đó, Tông Đồ Gioan đã viết: «Phàm ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở điểm này và cũng trong logic đó Ngài thêm rằng xúc phạm, khinh miệt cũng là giết người. Chúng ta có thói quen lăng mạ người khác, đúng như vậy. Lời lăng mạ đến với chúng ta như thể một hơi thở vậy. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy dừng lại, vì lời măng mạ gây ra điều tệ hại, giết người”. Đây là hình thức giết chết nhân phẩm của một nhân vị. Thật đẹp nếu lời dạy này của Chúa Giêsu đi vào trong tâm trí, vào cõi lòng và mỗi người chúng ta nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ lăng mạ một ai”. Sẽ là một điều đẹp, vì Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nhìn xem, nếu bạn khinh miệt, bạn lăng mạ và bạn ghen ghét, đó là giết người”.
Không một lề luật con người nào so sánh với những hành động khác biệt như thế được giao cùng với việc phê phán. Một cách nhất quán Chúa Giêsu mời gọi cách thẳng thắn hãy ngừng dâng hy lễ trong đền thờ nếu chúng ta chợt nhớ có người anh em bất bình với mình, hãy đi tìm, làm hòa với người anh em trước đã. Chúng ta cũng vậy, khi đi dâng Thánh Lễ, chúng ta phải có thái độ hòa giải này với những người mà chúng ta có vấn đề với họ. Ngay cả khi chúng ta nghĩ xấu về họ, chúng ta đã lăng mạ họ. Nhưng rất nhiều lần, trong khi chúng ta chờ linh mục đến dâng Thánh Lễ, chúng ta tán gẫu một chút và nói xấu về người khác. Không thể làm điều này. Chúng ta thử nghĩ về những hậu quả của việc lăng mạ, của khinh miệt và của căm ghét: Chúa Giêsu đã đặt chúng ngang hàng với giết người.
Chúa Giêsu muốn nói điều gì, có phải là mở rộng ra cho đến phạm vi của Lời thứ V? Con người có sự sống rất cao quý, nhạy cảm và sở hữu một cái tôi sâu kín không kém phần quan trọng của thể lý con người. Trong thực tế, để xúc phạm đến sự vô tội của một trẻ thơ chỉ cần một câu nói không thích hợp. Để xúc phạm đến một phụ nữ chỉ cần một thái độ lạnh nhạt. Để làm gẫy vỡ trái tim của một người trẻ chỉ cần từ chối sự tín nhiệm của họ là đủ. Để hủy diệt một con người chỉ cần phớt lờ anh ta. Sự dửng dưng cũng giết chết, như thể nói với người khác: “Bạn là xác chết đối với tôi”. Bởi vì bạn đã giết người ấy trong chính trái tim mình. Không yêu là bước đầu tiên để giết người; không giết người là bước đầu tiên để yêu thương.
Trong Kinh Thánh, từ khởi đầu, người ta đã đọc câu khủng khiếp này từ miệng của kẻ sát nhân, đó là Cain, khi Đức Chúa hỏi anh ta em ngươi đâu. Cain trả lời: “Tôi không biết. Tôi như thể là người giữ em tôi sao? (St 4,9).[1] Những kẻ sát nhân nói thế này: “Tôi không bận tâm”, “chúng là chuyện của bạn” và những lời tương tự. Chúng ta hãy thử trả lời câu hỏi này: Chúng ta có phải là những người trông coi anh chị em mình không? Vâng, chúng tôi là người trông coi anh chị em mình! Chúng tôi là những người trông coi của nhau. Và đây là con đường của sự sống, là con con đường không giết người.
Sự sống con người cần tình yêu. Và đâu là tình yêu đích thực? Đó chính là tình yêu Đức Kitô bày tỏ cho chúng ta, tức là lòng thương xót. Tình yêu, vì đó chúng ta không làm điều gì khác hơn sự tha thứ, đón nhận những ai làm điều tồi tệ cho mình. Không một ai trong chúng ta có thể sống sót mà không cần lòng thương xót, tất cả chúng ta cần sự tha thứ. Bởi vậy, nếu giết người nghĩa là tiêu diệt, hủy bỏ, loại trừ ai đó, thì “không giết người” muốn nói rằng là chăm sóc, đánh giá cao, quan tâm và cả tha thứ.
Không một ai có thể chế nhạo mà nghĩ rằng: “Tôi ổn rồi bởi vì tôi không làm gì xấu xa tồi tệ cả”. Một khoáng chất hay một cây cỏ chúng cũng có loại hiện hữu này, ngược lại con người thì không. Một nhân vị - một người nam hay một người nữ - thì không. Đối với một người nam và một người nữ đòi hỏi hơn nữa. Có điều tốt để làm, được chuẩn bị cho mỗi người chúng ta, mỗi người có cái của mình, làm cho chúng ta trở nên chính mình trong tận căn của cõi lòng. “Không giết người” là lời mời gọi tình yêu và lòng thương xót, là tiếng kêu mời sống theo Chúa Giêsu, Người đã trao hiến mạng sống mình vì chúng ta và vì chúng ta Người đã sống lại. Đã có một lần, tại quãng trường này, chúng ta đã lặp lại cùng nhau câu nói của một Vị Thánh nói về điều này. Có lẽ sẽ giúp chúng ta: “Không làm việc xấu là một điều tốt; nhưng không làm điều tốt không là người tốt”. Chúng ta phải luôn luôn làm điều tốt. Tiến hơn nữa.
Thiên Chúa, Ngài đã nhập thể để thánh hóa sự hiện hữu của chúng ta; bằng máu của Người đã làm cho ta trở nên vô giá; Thiên Chúa “Tác Giả của sự sống” (Cv 3,15) nhờ đó mỗi chúng ta là quà tặng của Thiên Chúa Cha. Trong Ngài, trong tình yêu mạnh hơn sự chết của Ngài và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha trao ban cho chúng ta, chúng ta có thể đón nhận Lời “chớ giết người” như lời mời gọi quan trọng và căn bản: chớ giết người là lời mời gọi yêu thương.
[1] X. GLHTCG s. 2259: «Trong trình thuật người anh là Cain giết em là Abel, Sách Thánh cho thấy, ngay từ những buổi đầu của lịch sử nhân loại, đã có sự giận dữ và ham muốn nơi con người, đó là những hậu quả của nguyên tội. Con người trở thành kẻ thù của đồng loại mù. Thiên Chúa vạch rõ tính hiểm ác của tội huynh đệ tương tàn: “Người làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút láy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra” (St 4, 10 – 11).
Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Ý kiến bạn đọc