banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CẦU NGUYỆN CẦN SỰ TÍN THÁC

Đăng lúc: Thứ năm - 13/12/2018 03:17 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CẦU NGUYỆN CẦN SỰ TÍN THÁC

CẦU NGUYỆN CẦN SỰ TÍN THÁC

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về kinh Lạy Cha trong buổi triều yết chung, thứ tư ngày 12. 12. 2018

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Chúng ta tiếp tục hành trình Giáo Lý về kinh Lạy Cha mà chúng ta đã bắt đầu tuần trước. Chúa Giêsu đã đặt trên môi miệng các môn đệ lời nguyện ngắn, táo bạo kết thành bởi bảy lời cầu xin – con số này trong Kinh Thánh không phải là con số ngẫu nhiên, nó bày tỏ sự tròn đầy. Tôi nói táo bạo bởi vì nếu như Đức Kitô không gợi ý điều đó thì có lẽ không một ai trong chúng ta, không một nhà thần học nổi tiếng nào dám cầu nguyện với Thiên Chúa trong cách thức như thế.

Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đến gần Thiên Chúa và hướng về Ngài một vài điều cầu xin với sự gần gũi thân mật: trước hết nhìn Ngài và rồi nhìn chúng ta. Không có những lời mở đầu trong kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu không dạy công thức để “lấy lòng” Thiên Chúa, thậm chí Chúa mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài, phá vỡ những rào cản của sự rụt rè và sợ hãi. Ngài không nói với chúng ra rằng hãy hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài “Đấng Quyền Năng” hay “Đấng Cao Cả”, “Ngài quá xa vời chúng con, con là một kẻ nghèo hèn”: không, không nói như thế, nhưng một cách đơn giản “CHA”, với tất cả sự đơn giản, như những đứa trẻ nói với cha mình. Và từ “CHA” này bày tỏ sự gần gũi, thân mật và sự tín thác của người con.

Lời kinh Lạy Cha cắm rễ trên thực tại rất cụ thể của con người. Ví dụ như, chúng ta xin bánh, bánh là lương thực hằng ngày: xin một điều rất đơn giản nhưng thiết yếu, điều đó muốn nói rằng đức tin không phải là một vấn đề trang trí, tách rời cuộc sống, can thiệp khi thỏa mãn được các nhu cầu của con người. Nếu như thế lời cầu nguyện bắt đầu với chính cuộc sống. Cầu nguyện – Chúa Giêsu dạy chúng ta không bắt đầu cầu nguyện khi bao tử đã đầy no: trước hết hãy cầu nguyện ở khắp nơi, nơi đâu có con người thì cầu nguyện, bất cứ người nào đói, người nào khóc, người nào chiến đấu, đau khổ và đi tìm cái “tại sao” của cuộc sống. Lời cầu nguyện đầu tiên, trong ý nghĩa nào đó, nó là tiếng khóc chào đời và đồng hành đến hơi thở cuối cùng. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh loan báo vận mệnh của tất cả cuộc sống chúng ta: cái đói liên tục, cái khát luôn luôn, và tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. 

Chúa Giêsu, trong cầu nguyện, không muốn hạ thấp con người, không muốn làm đê mê con người, không muốn rằng chúng ta hạ thấp những cầu xin, học chịu đựng tất cả. Trái lại, Ngài muốn rằng, trong cầu nguyện mỗi đau khổ, mỗi lo lắng vươn lên tới trời và trở thành cuộc đối thoại.

Một người nói có đức tin, là quen cầu xin.

Tất cả chúng ta sẽ phải như Bartimeo trong Tin Mừng Marco 10, 46 – 52; chúng ta hãy nhớ đoạn Tin Mừng, Bartimeo – con của Timeo – người mù ăn xin ở cổng thành Giêrico. Xung quanh anh có rất nhiều người tài giỏi ra lệnh anh phải im đi: “Im đi! Ngài đang đi qua. Im đi! Đừng làm phiền Ngài”. Nhưng anh không làm theo lời khuyên ấy: anh cầu xin với lời nài nỉ thánh thiện, mong rằng tình trạng khốn khó của anh gặp được Đức Giêsu. Anh hét to hơn! Và người ta lại dạy bảo anh: “Thôi, ông ấy là Thầy, làm ơn, đừng làm xấu đi hình ảnh của Thầy!”. Anh mù hét lên vì muốn thấy, muốn được chữa lành: “Thầy Giêsu, xin thương xót tôi!” (c. 47). Chúa Giêsu quay nhìn anh và nói: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh” (c. 52). Thái độ này dường như giải thích điều quyết định cho sự chữa lành đó là lời cầu nguyện, lời khẩn nài được làm với niềm tin, mạnh hơn cả cảm xúc tốt lành của biết bao người muốn làm cho anh ta im đi. Lời cầu nguyện không chỉ ban ơn cứu độ, nhưng trong cách thức nào đó đã chứa đựng ơn cứu rỗi rồi, bởi vì nó giải thoát khỏi sự tuyệt vọng của người không tin có một lối thoát khỏi những hoàn cảnh đau thương.

Chắc chắn, những người Kitô hữu cũng cảm thấy cần chúc tụng Thiên Chúa. Các Tin Mừng tường thuật cho chúng ta lời cảm thán vui mừng vỡ òa từ trái tim Chúa Giêsu, đầy ngạc nhiên nhận biết Chúa Cha (x. Mt 11, 25 – 27). Ngay cả những người Kitô hữu đầu tiên cũng cảm thấy cần phải thêm vào bản văn kinh Lạy Cha một vinh tụng ca: “Vì vương quyền và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” (Didaché 8,2).

Nhưng không ai trong chúng ta có thể hiểu lý thuyết mà ai đó đã đưa ra trong quá khứ, nghĩa là lời cầu xin là một hình thức yếu nhược của đức tin, nhưng lời cầu nguyện xác thực hơn có lẽ là lời chúc tụng, người tìm kiếm Thiên Chúa không đến với sự nặng nề của những lời cầu xin. Không, điều này không phải. Lời nguyện cầu xin là xác thực, tự phát, là thái độ của niềm tin vào Thiên Chúa Cha, tốt lành, quyền năng. Là thái độ tin vào chính mình, tôi nhỏ bé, tội lỗi, nghèo khó. Bởi đó cầu nguyện để xin một điều gì, thật là cao quý. Thiên Chúa là Cha có lòng thương cảm bao la với chúng ta. Ngài muốn những đứa con của Ngài nói với Ngài cách không sợ sệt, gọi Ngài một cách trực tiếp “CHA”; hoặc trong lúc khó khăn thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Ngài đã làm gì con?”. Bởi đó, ta có thể kể cho Ngài tất cả, ngay cả những điều trong cuộc sống của chúng ta còn sai lệch và không thể thấu hiểu. Ngài đã hứa là sẽ ở cùng chúng ta luôn cho đến ngày cuối cùng chúng ta sẽ rời khỏi mặt đất này. Chúng ta cầu nguyện kinh Lạy Cha, chúng ta bắt đầu cách đơn giản thế này “Lạy Cha”, Ngài hiểu và Ngài yêu chúng ta rất nhiều.

Vatican, ngày 12 tháng 12 năm 2018
      Đức Thánh Cha Phanxico

 
Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết