banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THẬP ĐIỀU ĐỂ SỐNG GIAO ƯỚC

Đăng lúc: Thứ tư - 19/09/2018 06:06 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THẬP ĐIỀU ĐỂ SỐNG GIAO ƯỚC

THẬP ĐIỀU ĐỂ SỐNG GIAO ƯỚC

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Thập Giới trong buổi triều yết chung thứ tư ngày 20. 06. 2018

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Buổi triều yết chung hôm nay diễn ra hai nơi: chúng ta ở đây nơi quãng trường này và trong hội trường Phaolo VI có hơn 200 bệnh nhân đang tham dự buổi triều yết chung qua màn hình. Tất cả chúng ta cùng nhau làm nên một cộng đoàn. Chúng ta hãy chào những người ở trong hội trường với một tràng pháo tay.
Hôm thứ tư vừa qua (ngày 13.06. 2018) chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ Giáo Lý mới về các Điều Răn. Chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về nhãn quan này.

Trong Kinh Thánh các Điều Răn không sống cho chính mình, nhưng chúng là một phần của một tương quan, của một mối liên hệ. Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật nhưng kiện toàn. Có một mối tương quan Giao Ước[1] giữa Thiên Chúa và Dân Người. Ở đầu chương 20 sách Xuất Hành chúng ta đọc thấy rằng “Thiên Chúa công bố tất cả những lời này” (Xh 20,1) và điều này thật quan trọng.

Dường như mở đầu đề cập đến một gì khác, nhưng không điều gì trong Kinh Thánh là vô vị cả. Bản văn không nói “Thiên Chúa công bố tất cả những lệnh truyền này” nhưng “những lời này”. Dịch thuật Do Thái luôn luôn gọi Thập Giới là “Mười Lời”. Và khái niệm Thập Giới muốn nói chính điều này[2]. Tuy nhiên chúng có hình thức của lề luật, một cách khách quan chúng là những điều răn hay những lệnh truyền. Bởi vậy, chính ở đây Tác Giả thánh dùng khái niệm “Mười Lời” để chỉ điều này. Tại sao? Tại sao không nói là “Mười Lệnh Truyền”?

Có sự khác biệt nào giữa lệnh truyền và lời nói. Lệnh truyền là một sự truyền thông không cần sự đối thoại. Lời, trái lại, là công cụ căn bản của tương quan như đối thoại. Thiên Chúa Cha tạo dựng bởi lời của Ngài và Con của Ngài là Ngôi Lời làm người. Tình yêu nuôi dưỡng bằng lời và giáo dục hay cộng tác cũng vậy. Hai người không yêu nhau, họ không có khả năng truyền thông với nhau. Khi một ai đó nói vào trong trái tim chúng ta, sự đơn độc của chúng ta kết thúc. Nhận một lời, người ta trao sự truyền thông và những lệnh truyền là những lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền thông trong Mười Lời và đợi chờ sự đáp trả của chúng ta.   

Hơn nữa là đón nhận một trật tự, là thấu hiểu rằng ai đó đang cố gắng nói chuyện với chúng ta. Đối thoại là cái gì đó hơn là một cuộc truyền thông của sự thật. Cha có thể nói với các con rằng: “Hôm nay là ngày cuối cùng của mùa xuân, một mùa xuân nồng ấm, nhưng hôm nay là ngày cuối cùng”. Đây là sự thật, không là một cuộc đối thoại. Nhưng nếu cha nói với các con rằng: “Các con nghĩ gì về mùa xuân này?”, cha bắt đầu một cuộc đối thoại. Những lệnh truyền chúng là một cuộc đối thoại. Truyền thông được thực hiện vì thích nói và vì một điều tốt cụ thể nào đó mà người ta truyền thông giữa nhau, muốn một điều tốt nhờ lời nói. «Là điều tốt không hệ tại trong những vật chất, nhưng trong chính những con người trao ban cho nhau trong đối thoại» (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, s. 142).

Nhưng sự khác biệt này không phải là cái gì đó kiểu cách. Chúng ta hãy nhìn đến điều xảy ra lúc khởi đầu. Tên cám dỗ, ma quỷ muốn lừa gạt người đàn ông và người phụ nữ về điểm này: nó muốn thuyết phục họ rằng Thiên Chúa cấm họ ăn trái cây lành dữ để buộc họ phải phục tùng. Thách đố là chính điều này: qui tắc đầu tiên Thiên Chúa trao cho con con người, là nền tảng của một kẻ độc tài, người luôn nghiêm cấm và bắt buộc, hay là sự ân cần của một người cha đang cần mẫn chăm sóc những đứa con của mình và bảo vệ chúng khỏi sự tự hủy diệt? Là lời hay là mệnh lệnh? Bi thảm hơn, giữa những lời gian dối của con rắn nói với Eva, là gợi ý của sư ganh tị thần thiêng – “nhưng Thiên Chúa ganh tị với các bạn” – của một thần thánh chiếm hữu – “Thiên Chúa không muốn các bạn có sự tự do”. Những sự kiện ấy tỏ ra một cách đầy bi kịch rằng con rắn đã lừa dối (x. St 2, 16 – 17; 3, 4 – 5), nó làm cho người ta tin rằng lời của tình yêu là một mệnh lệnh.

Con người đứng trước ngã rẽ này: Thiên Chúa áp đặt tôi vào trong mọi thứ hay đang chăm sóc tôi? Những lệnh truyền của Ngài chỉ là lề luật hay chúng chứa đựng những lời để chăm sóc tôi? Thiên Chúa là ông chủ hay là người cha? Thiên Chúa là Cha: các con đừng bao giờ quên điều này. Ngay cả trong những hoàn cảnh xấu nhất, các con hãy nhớ rằng chúng ta có một Người Cha yêu thương chúng ta. Chúng ta là những thần dân hay là những người con? Trận chiến này diễn ra không ngừng bên trong và ngoài chúng ta: hàng ngàn lần chúng ta phải chọn lựa giữa não trạng của nô lệ hay não trạng của những người con. Lệnh truyền là của ông chủ và lời nói là của Người Cha.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí của những người con, là Thần Khí của Đức Kitô. Một tinh thần nô lệ không thể đón nhận Lề Luật trong cách thức ép buộc và có thể tạo ra hai kết quả trái ngược: hoặc là một đời sống được làm nên bởi những bổn phận và những ép buộc  hoặc là một phản ứng bạo lực từ chối. Tất cả Kitô giáo là một cuộc vượt qua từ nghĩa đen của Lề Luật đến Thần Khí trao ban sự sống (2Cr 3, 6 – 17). Đức Giêsu là Ngôi Lời của Chúa Cha, không phải là sự kết án của Cha. Đức Giêsu đến để cứu sống bằng lời của Ngài, Ngài không đến để kết án chúng ta.

Người ta sẽ thấy người nam hoặc người nữ họ đã sống hành trình vượt qua này hay không. Và cũng sẽ nhận thấy rằng nếu một kitô hữu lý luận họ là một nô lệ hay một người con. Chính chúng ta nhớ rằng những người giáo dục chăm sóc chúng ta như những người cha và người mẹ, hay họ chỉ áp đặt nơi chúng ta những luật lệ. Những điều răn là hành trình hướng về sự tự do, bởi vì chúng là lời của Cha, Người làm cho chúng ta nên tự do trong hành trình này.

Thế giới không cần chủ nghĩa lập pháp, nhưng là sự chăm sóc. Thế giới này cần các kitô hữu với trái tim của những người con[3]. Thế giới cần những kitô hữu với trái tim của những người con: các con đừng quên điều này.

Vatican, ngày 20. 6.2018
Đức Thánh Cha Phanxico
 

[1] Chương 20 sách Xuất Hành trước đó là trình thuật về Giao Ước ở chương 19, trong đó trọng tâm là lời công bố: “Giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu của riêng Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19, 5 – 6). Thuật ngữ này tìm thấy sự tổng hợp biểu trưng trong sách Lêvi 26,12 “Ta sẽ đi lại giữa các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta” và cuối cùng còn thêm nhân danh của người loan báo của Đấng Mesia – tức là Đấng Emmanuel, trong Isaia 7,14 cho đến trong Mattheu “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Tất cả điều này chỉ ra liên hệ căn nguyên tự nhiên của niềm tin Do Thái, đến mức cao nhất là của đức tin Kitô giáo.
[2] X. cũng trong Xuất Hành 34, 28b “trên những tấm bia, các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều”.
[3] X. Gioan Phaolo II, Tông huấn Veritatis Splendor, s. 12. «Quà tặng của Thập Giới là lời hứa và là dấu chỉ của Giao Ước Mới, khi lề luật được viết một cách mới mẻ và dứt khoát trong trái tim con người (x. St 31, 31 - 34), thay thế luật của tội lỗi mà trái tim con người đã làm xấu đi (x. St 17,10). Vì thế, sẽ được trao ban “một quả tim mới” để nơi đó cư ngụ “thần khí mới”, Thần Khí của Thiên Chúa (x. Xh 36, 24 – 28)».

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn