banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐI TRƯỚC LỀ LUẬT VÀ TRAO CHO LỀ LUẬT Ý NGHĨA

Đăng lúc: Thứ tư - 19/09/2018 22:04 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐI TRƯỚC LỀ LUẬT VÀ TRAO CHO LỀ LUẬT Ý NGHĨA

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐI TRƯỚC LỀ LUẬT VÀ TRAO CHO LỀ LUẬT Ý NGHĨA

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, thứ tư ngày 27.08.2018

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay, buổi yết kiến chung này được tiến hành như hôm thứ tư trước. Trong hội trường Phaolo VI có rất nhiều bệnh nhân và để bảo vệ họ khỏi cái nóng này, bởi vì có lẽ họ sẽ thuận tiện hơn khi ở trong đó. Họ sẽ theo dõi buổi triều yết này ngang qua mang hình cùng với chúng ta, nghĩa là không phải có hai cuộc yết kiến. Chúng ta chào các bệnh nhân ở trong hội trường Phaolo VI. Và chúng ta tiếp tục nói về Mười Điều Răn, như chúng ta đã nói rằng, hơn là những lệnh truyền, Mười Điều Răn chúng là những lời của Thiên Chúa với dân Người để họ bước đi cách tốt đẹp, là những lời yêu thương của Người Cha. Mười Lời bắt đầu như thế này: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Mở đầu này dường như xa lạ với những luật lệ chân thực và đúng đắn mà họ theo đuổi. Nhưng không phải như vậy.

Tại sao Thiên Chúa công bố điều này về chính mình và về sự giải phóng? Bởi vì đến núi Sinai sau khi đã băng qua Biển Đỏ: Thiên Chúa của Israel cứu thoát trước, sau đó mới đòi hỏi sự tín thác.[1] Nghĩa là: Thập Giới khởi xướng từ lòng quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi mà không trao ban trước. Không bao giờ. Giải thoát trước, trao ban trước rồi yêu cầu. Cha chúng ta là như thế, Thiên Chúa tốt lành.

Và chúng ta hiểu tầm quan trọng của công bố đầu tiên: «Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi». Có một sự sở hữu, một tương quan, một sự thuộc về. Thiên Chúa không phải là một người xa lạ: là Thiên Chúa của ngươi.[2] Điều này soi sáng tất cả Thập Giới và cũng vạch ra bí mật của hành xử kitô giáo, vì đó là chính thái độ của Chúa Giêsu như Người đã nói: “Như Chúa Cha đã yêu thương Ta, Ta cũng yêu thương anh em” (Ga 15,9). Đức Kitô là tình yêu từ Chúa Cha và Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu ấy. Ngài không khởi đi từ chính mình nhưng từ Chúa Cha. Những công việc của chúng ta thường thất bại bởi vì chúng ta thường bắt đầu từ chính mình, không từ lòng biết ơn. Và ai khởi đi từ chính mình, sẽ đi đến đâu? Đến với chính mình! Người ấy không có khả năng tạo nên con đường và quay trở lại với chính mình. Chính thái độ ích kỷ đó, người ta đùa thế này: “Người đó là một cái tôi, tôi với tôi và tôi vì tôi”. Ra khỏi chính mình và trở về với chính mình.

Đời sống Kitô hữu trước hết là lời đáp trả nhưng không với Người Cha rộng lượng. Những Kitô hữu mà chỉ theo những “bổn phận” nói lên rằng họ không có kinh nghiệm về Thiên Chúa là “Thiên Chúa của chúng ta”. Tôi phải làm cái này, cái này, cái này… chỉ là những bổn phận. Nhưng bạn thiếu điều gì?  Đâu là nền tảng của bổn phận này? Nền tảng của bổn phận này là tình yêu của Thiên Chúa Cha, trao ban trước và truyền lệnh sau. Đặt lề luật trước mối tương quan không giúp cho hành trình đức tin. Làm sao một bạn trẻ muốn là một kitô hữu, nếu chúng ta bắt đầu bằng những bắt buộc, cam kết, nhất quán mà không từ sự tự do? Nhưng là kitô hữu, là một hành trình của tự do! Những điều răn đưa chúng ta khỏi ích kỷ của chính mình và giải thoát chúng ta bởi vì có tình yêu Thiên Chúa mang chúng ta tiến về phía trước. Giáo dục kitô giáo không đặt nền tảng trên sức mạnh của ước muốn, nhưng là trên đón nhận ơn cứu độ, trên việc để mình được yêu: trước hết là Biển Đỏ, rồi đến núi Sinai. Trước tiên là cứu độ: Thiên Chúa đã cứu dân Người trong lòng Biển Đỏ; sau đó trên núi Ngài nói cho họ những gì họ phải làm. Nhưng dân ấy biết rằng những điều họ làm vì họ đã được cứu thoát từ một Người Cha rất yêu thương họ.

Lòng biết ơn là một nét tính cách của một trái tim đã được Chúa Thánh Thần thăm viếng; để vâng phục Thiên Chúa trước hết cần phải nhớ đến những ơn lành của Ngài. Thánh Basilio nói rằng: “Ai không để mình rơi vào lãng quên những ơn lành, người ấy hướng về nhân đức tốt lành và hướng về với mỗi hành động công chính” (Regole brevi, 56; trích trong Bản Luật, s. 56). Tất cả những điều này đưa chúng ta đến đâu? Để ghi nhớ:[3] Biết bao nhiêu điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho mỗi chúng ta! Cha chúng ta ở trên trời thật đại lượng biết bao! Giờ đây cha gợi ý với các con một bài tập nhỏ, trong thinh lặng, mỗi người hãy trả lời nơi tận trái tim mình. Bao nhiều điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho tôi?  Và đây là sự giải thoát của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm biết bao điều tốt đẹp và đã giải thoát tôi.

Tuy nhiên một vài người có thể chưa có kinh nghiệm thực sự về sự giải thoát của Thiên Chúa. Điều này có thể xảy ra. Rất có thể người ấy nhìn vào bên trong mình và chỉ gặp thấy toàn những bổn phận phải làm, một tinh thần của người nô lệ chứ không phải của người con. Phải làm gì trong trường hợp này? Như dân được tuyển chọn đã làm. Sách Xuất Hành nói thế này: «Con cái Israel than van về tình trạng nô lệ của mình, hướng cao lời thét gào than vãn và những tiếng thét gào của cảnh nô lệ đã thấu đến Thiên Chúa. Thiên Chúa nghe lời than van của họ, Thiên Chúa nhớ đến giao ước của Ngài với Abbraham, Isaac và Giacop. Thiên Chúa thấy tình cảnh của Israel, Ngài đã thấu hiểu điều ấy» (Xh 2, 23 – 25). Thiên Chúa nghĩ về tôi.

Hành động giải phóng của Thiên Chúa được đặt ở đầu Thập Điều – nghĩa là các Điều Răn – là lời đáp trả cho những lời than vãn này. Chúng ta không chỉ tự giải thoát mình, nhưng từ chúng ta có thể khởi đi một tiếng thét kêu cứu: “Lạy Chúa, xin cứu con; lạy Chúa, xin dạy con con đường; lạy Chúa, xin ôm lấy con; lạy Chúa, xin ban cho con một chút niềm vui. Đây là tiếng kêu xin sự trợ giúp. Điều này thuộc về chúng ta: kêu xin giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ, khỏi tội lỗi, khỏi xiềng xích nô lệ. Tiếng kêu này thật quan trọng, là lời cầu nguyện, là ý thức những gì còn đang giam hãm và không được tự do trong chúng ta. Có rất nhiều điều không được tự do trong tâm hồn chúng ta. “Xin cứu con, giúp con và giải thoát con”. Đây là lời cầu nguyện thật đẹp dâng lên Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi lời kêu xin đó, vì Ngài có thể và muốn bẻ gãy xiềng xích của chúng ta; Thiên Chúa không mời gọi chúng ta đến cuộc sống này để ở lại trong sự áp bức, nhưng để giải thoát chúng ta và sống trong sự biết ơn, vâng phục với niềm vui Đấng đã làm mọi sự tốt đẹp cho chúng ta, nhiều hơn những gì chúng ta có thể đáp trả cho Ngài. Điều này thật đẹp. Thiên Chúa mãi mãi tốt lành bởi tất cả những gì đã làm, đang làm và sẽ làm trong chúng ta!

Vatican, ngày 27 tháng 06 năm 2018
Đức Thánh Cha Phanxico
 

[1] Trong truyền thống giáo sĩ Do Thái người ta tìm thấy một bản văn soi sáng cho vấn đề này: “Tại sao Mười Lời không được công bố ở đầu bộ Luật (Torah)?[…] Có thể đối chiếu với điều gì? Một mặt cho rằng nhà cầm quyền của một nước hỏi người dân của mình: “Tôi có thể cai trị các bạn không?”. Nhưng nếu như họ trả lời: “Ông làm cho chúng tôi điều gì tốt để chúng tôi muốn ông trị vì chúng tôi?”. Bấy giờ, ông làm gì? Ông xây cho họ những bức tường thành bảo vệ và một kênh để cung cấp cho họ nước; rồi chiến đấu cho họ. Và khi ông hỏi họ một lần nữa: “Tôi có thẻ trị vì các bạn?”, và họ trả lời: “vâng, vâng”. Cũng vậy Thiên Chúa làm cho dân Israel ra khỏi Ai Cập, phân nước biển thành hai, mưa manna xuống cho họ và cho nước vọt ra từ giếng, ban cho họ chim cút và cuối cùng chiến đấu cùng họ chống lại quân Amalech. Và khi Ngài hỏi họ: “Ta có thể trị vì các ngươi”, họ trả lời Ngài: “Vâng, vâng”. (Hồng ân của Lề Luật. Chú giải Thập Giới về sách Xuất Hành chương 20 trong Mekilta di R. Ishamael, Roma 1982, tr. 49).
[2] X. Benedetto XVI, Tông huấn Deus caritas est, s. 17. «Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người hệ tại chính xác trong sự việc rằng sự hiệp hông của ý muốn lớn lên trong sự hiệp thông của suy nghĩ và tình cảm, và như thế ước muốn của chúng ta và ý muốn của Thiên Chúa trùng khớp luôn luôn hơn nữa. Ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi không là xa lạ, trên cơ sở của kinh nghiệm rằng, thực tế, Thiên Chúa gần gũi hơn tôi hơn tôi gần gũi chính mình. Vì thế, lớn lên buông bỏ mình trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trở thành niềm vui của chúng ta».
[3] X. Bài giảng trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Thánh Matta, 07 tháng 10 năm 2014: «[Cầu nguyện có nghĩa là gì?] là nhớ lại lịch sử của chúng ta trước nhan Thiên Chúa. Bởi vì lịch sử của chúng ta là lịch sử của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta». X. Những lời nói và việc làm của các vị ẩn tu, Milano 1975, tr. 71: «Vô ơn là cội nguồn của mọi tệ hại, xấu xa».

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết