Đăng lúc: Thứ năm - 25/04/2019 21:33
- Người đăng bài viết: menthanhgia
XIN CHO CHÚNG CON LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Kinh Lạy Cha trong buổi triều yết chung ngày 27. 03. 2019
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay chúng ta chuyển sang phân tích phần thứ hai của kinh “Lạy Cha”, là phần trong đó trình bày những nhu cầu cần thiết của chúng ta. Phần thứ hai này bắt đầu với mùi thơm hằng này: bánh mì[1].
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khởi đi từ một cầu xin cấp thiết, rất giống với lời cầu xin của một người ăn mày: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày!”. Lời cầu nguyện này xuất phát từ một thực tại mà chúng ta thường quên, đó là chúng ta không phải là những thụ tạo tự mình làm đủ và mọi ngày chúng ta cần được nuôi dưỡng.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng đối với nhiều người cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu được thực hiện khởi đi từ một thỉnh cầu. Chúa Giêsu không đòi hỏi những lời cầu xin đã được tinh chế, thậm chí là tất cả hiện hữu của con người, với những vấn đề rất cụ thể và thường ngày của họ có thể trở nên lời nguyện cầu. Trong Tin Mừng chúng ta thấy nhiều người hành khất van nài sự giải thoát và ơn cứu độ: người xin lương thực, người xin chữa lành; vài người xin thanh tẩy, người khác xin được thấy, hoặc xin cho người thương mến được sống lại. Chúa Giêsu không bao giờ đi qua một cách hững hờ bên cạnh những lời cầu xin này và những đau khổ này.
Bởi vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha lương thực hằng ngày. Và Ngài dạy chúng ta cầu nguyện trong sự kết hợp với tất cả những người nam và người nữ, vì những người ấy, lời cầu nguyện trở nên tiếng kêu – thường chứa đựng bên trong sự lo lắng mỗi ngày. Vẫn còn cho đến hôm nay biết bao người mẹ và người cha đi ngủ với sự đau khổ không có đủ lương thực cho con cái vào ngày mai! Chúng ta tưởng tượng lời cầu nguyện này được lặp đi lặp lại không phải trong sự an toàn của một căn hộ tiện nghi, nhưng trong một căn chòi tạm thời mà người ta trú ngụ, ở đó thiếu những gì cần thiết để sống. Những lời của Chúa Giêsu đưa ra một sức mạnh mới. Kinh nguyện kitô giáo bắt đầu từ cấp độ ấy. Không phải là sự tập luyện khổ chế; nhưng khởi đi từ thực tại, từ trái tim và từ xương thịt của con người sống trong nhu cầu cần thiết hoặc cùng chia sẻ điều kiện của những ai không có nhu cầu thiết yếu để sống. Ngay cả đến những nhà thần bí kitô giáo cao nhất cũng không thể bỏ qua sự đơn giản của lời cầu xin này. “Lạy Cha, xin cho chúng con và cho tất cả mọi người có lương thực cần thiết”. “Lương thực” cũng là nước, thuốc, nhà cửa, công việc… Cầu xin những điều cần thiết để sống.
Lương thực mà người kitô hữu xin trong cầu nguyện không phải là “của tôi” mà là “của chúng tôi”. Chúa Giêsu muốn như thế. Ngài dạy chúng ta cầu xin lương thực không chỉ cho chính mình, nhưng cho toàn thể anh chị em trên thế giới. Nếu không cầu nguyện trong cách thức ấy, kinh “Lạy Cha” không còn là lời nguyện kitô giáo nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể thân thưa với Ngài mà không phải nắm tay nhau? Tất cả chúng ta. Và nếu lương thực Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta lấy cắp của nhau, như thế nào chúng ta có thể gọi chúng ta là con của Ngài? Lời nguyện này chứa đựng sự thấu cảm, một thái độ của tình liên đới. Trong cái đói của tôi, tôi cảm nghiệm cái đói của nhiều người và vì thế tôi sẽ cầu nguyện với Thiên Chúa cho đến khi lời cầu xin ấy được nhậm lời. Như thế Chúa Giêsu dạy cho cộng đoàn của Ngài, cho Giáo Hội của Ngài, mang đến cho Chúa tất cả những điều cần thiết của tất cả mọi người: “Chúng con tất cả là con của Ngài, lạy Thiên Chúa, xin thương xót chúng con!”. Và giờ đây chúng ta dừng lại để nghĩ đến những trẻ em nghèo đói. Chúng ta nghĩ đến những trẻ em ở trong các nước đang chiến tranh: các trẻ em nghèo đói ở Yemen, các trẻ em nghèo đói ở Siria, những trẻ em nghèo đói ở nhiều quốc gia nơi không có lương thực như miền Nam Sudan. Chúng ta nghĩ đến những trẻ em này và nghĩ đến chúng ta, chúng ta cùng nhau đọc cao giọng lời nguyện: “Lạy Cha, xin cho chúng con lương thực hàng ngày”. Tất cả cùng nhau đọc.
Lương thực mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa trong lời nguyện cũng chính là điều buộc tội chúng ta vào một ngày. Ngài sẽ khiển trách chúng ta vì chúng ta có quá ít thói quen bẻ bánh chia sẻ cho những ai gần mình. Đã từng là một tấm bánh được trao ban cho cả nhân loại và ngược lại chỉ một ai đó được ăn: tình yêu không thể chịu đựng được điều này. Tình yêu của chúng ta không thể chịu đựng được điều đó, cũng vậy tình yêu Thiên Chúa không thể chịu đựng sự ích kỷ không chia sẻ lương thực cho người khác.
Một lần nọ có một đám đông rất lớn ở trước mặt Chúa Giêsu, là những người đang đói. Chúa Giêsu hỏi có ai có gì đó không và người ta tìm thấy chỉ có một đứa bé có sẵn bánh để chia sẻ: năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều với cử chỉ hào phóng của Người (x. Ga 6,9). Đứa trẻ ấy hiểu bài học của kinh “Lạy Cha” rằng lương thực không phải là sở hữu riêng, hãy ghi nhớ điều này: lương thực không phải là sở hữu riêng nhưng là sự quan phòng để chia sẻ với ân sủng của Thiên Chúa.
Phép lạ thực sự được thực hiện bởi Chúa Giêsu ngày hôm ấy, không hẳn là phép nhân, nhưng là sự chia sẻ: hãy cho những gì anh em có và Ta sẽ làm phép lạ. Chính Chúa, Ngài đã nhân đôi bánh được dâng tặng, Ngài báo trước sự dâng hiến Chính Mình trong Bánh Thánh Thể. Thật vậy, chỉ có Thánh Thể là có khả năng làm no thỏa cơn đói khôn cùng và khao khát Thiên Chúa làm cho con người được sống, ngay cả trong tìm kiếm lương thực hằng ngày.
Vatican, ngày 27 tháng 03 năm 2019 Đức Thánh Cha Phanxico
1 Từ “lương thực” trong kinh Lạy Cha của tiếng Việt, trong tiếng Ý là “bánh mì”.
Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Ý kiến bạn đọc