XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Kinh Lạy Cha trong buổi triều yết chung, thứ 4 ngày 01.05.209
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang tiếp tục các bài Giáo Lý về Kinh Lạy Cha, giờ chúng ta đã đến lời cầu xin kế cuối: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một bản dịch khác thì dịch rằng: “Xin đừng để chúng con rơi vào trong cám dỗ”. Kinh Lạy Cha bắt đầu cách rất nhẹ nhàng: làm chúng ta thao thức rằng chương trình lớn lao của Thiên Chúa có thể toàn tất ở giữa chúng ta. Rồi hướng cái nhìn về cuộc sống, chúng ta dâng những lời nguyện về những nhu cầu hầu ngày: “lương thực hằng ngày”. Sau đó lời cầu nguyện hướng về các mối tương quan đa chủ thể của chúng ta thường bị ô nhiễm bởi sự ích kỷ: chúng ta xin ơn tha thứ và chúng ta quyết tâm trao ban sự tha thứ. Nhưng với lời cầu xin kế cuối này, cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa Cha đi vào điểm đầy kịch tính, nghĩa là trên sự đối chiếu giữa tự do của chúng ta và âm mưu của ma quỷ.
Như đã được nhắc đến, thành ngữ nguyên bản gốc Hy Lạp được tình bày trong các Tin Mừng rất khó để diễn giải cách chính xác và tất cả các bản dịch hiện đại có một chút khập khiễng. Tuy nhiên, một yếu tố có thể hội tụ cách thống nhất là: dẫu sao về cách hiểu bản văn, chúng ta phải loại trừ ý tưởng rằng Thiên Chúa là nhân vật chính của những cám dỗ giáng xuống trên con người. Lẽ nào Thiên Chúa phục kích để đặt bẫy và làm sập bẫy con cái mình. Chú giải của kiểu tương phản này thậm chí với bản văn đã là xa rời hình ảnh của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải. Chúng ta đừng quên: Kinh “Lạy Cha” bắt đầu với tiếng Cha. Người cha không bao giờ gài bẫy con cái mình. Nhiều quan điểm cho rằng các kitô hữu không thể làm gì hơn với một Thiên Chúa ghen tuông, cạnh tranh với con người, hoặc là thú tiêu khiển của Ngài là đặt con người trong thử thách. Đây là những hình ảnh của biết bao vị thần ngoại giáo. Chúng ta đọc trong thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ: «Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai» (Gc 1,13). Trong trường hợp đó ngược lại là đàng khác: Người Cha không là tác giả của sự dữ, vì không một người con nào xin cá mà Cha lại cho con rắn (x. Lc 11,11) – như Chúa Giêsu đã dạy – và khi sự dữ xuất hiện trong cuộc sống con người, Người chiến đấu bên cạnh chúng ta, để có thể thắng được nó. Thiên Chúa luôn chiến đấu cho chúng ta, Ngài không chống lại chúng ta. Đó là Người Cha! Và chính trong ý nghĩa này chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con”.
Hai khoảnh khắc này – thử thách và cám dỗ - chúng hiện diện một cách nhiệm mầu trong chính cuộc đời của Chúa Giêsu. Trong kinh nghiệm này Con Thiên Chúa đã hoàn toàn trở nên người anh em của chúng ta. Và chính những trang Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng những lời cầu khẩn khó khăn nhất của kinh “Lạy Cha”, những lời khép lại bản văn đã được lắng nghe: Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình, nhưng trong Chúa Giêsu Ngài tỏ mình như “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đến tận cùng. Ở với chúng ta khi Ngài trao ban sự sống, ở với chúng ta trong suốt cuộc sống, ở với chúng ta trong niềm vui, ở với chúng ta trong những nỗi buồn, ở với chúng ta trong những cuộc chiến, khi chúng ta phạm tội, Ngài vẫn ở với chúng ta, bởi vì Ngài là Cha, không thể bỏ chúng ta một mình.
Nếu chúng ta bị cám dỗ làm điều xấu, chúng ta phủ nhận tình huynh đệ với người khác và muốn một quyền lực tuyệt đối trên tất cả. Chúa Giêsu đã chiến đấu cho chúng ta cơn cám dỗ này: những trang đầu tiên của Tin Mừng đã chứng nhận điều đó. Ngay sau khi đón nhận phép rửa từ Gioan Tẩy Giả giữa dòng người tội lỗi, Chúa Giêsu lui vào trong hoang địa và chịu cám dỗ bởi Satan. Đời sống công khai của Chúa Giêsu đã bắt đầu như thế với cơn cám dỗ đến từ Satan. Có Satan. Nhiều người nói rằng: “Tại sao lại nói về ma quỷ, đó là điều cổ xưa rồi. Ma quỷ không tồn tại”. Nhưng hãy xem Tin Mừng dạy bạn điều gì: Chúa Giêsu đã chiến đấu với ma quỷ, Ngài đã chịu cám dỗ bởi Satan. Chúa Giêsu đã đẩy lui mọi cám dỗ và Ngài đã chiến thắng. Tin Mừng thánh Mattheu có một ghi chú rất thú vị khép lại cuộc đọ tay đôi giữa Chúa Giêsu và Kẻ Thù: “Rồi ma quỷ bỏ đi, và các thiên thần đến cạnh hầu hạ người” (Mt 4,11).
Trong đỉnh cao của thời gian thử thách Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Khi Chúa Giêsu lui vào cầu nguyện nơi vườn Gietsemani, trái tim Ngài tràn ngập nỗi lo âu không thể diễn tả - các môn đệ đã nói như thế - Ngài cảm nghiệm sự đơn độc và bị bỏ rơi. Chỉ với trách nhiệm của tất cả tội lỗi của thế gian trên đôi vai; chỉ với sự lo âu tột cùng. Thử thách đau xé lòng đến khi xảy ra một điều ngoài sự mong đợi. Chúa Giêsu không bao giờ quên tình yêu dành cho chính mình trong đêm hôm ấy, tâm hồn Ngài buồn sầu đến nỗi chết được và Ngài xin sự gần gũi của những người bạn: “Anh em hãy ở lại đây và thức với Thầy!” (Mt 26,38). Như chúng ta biết, các môn đệ lòng nặng trĩu vì sợ hãi, họ đã ngủ. Trong lúc hấp hối, Thiên Chúa đã xin con người đừng bỏ Ngài, thế nhưng con người đã ngủ. Trong lúc con người gặp thử thách, Thiên Chúa lại thức. Trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc sống, trong những lúc đau khổ nhất, trong những giây phút lo lắng nhất, Thiên Chúa thức tỉnh với chúng ta, Thiên Chúa chiến đấu với chúng ta, Ngài luôn luôn ở cạnh chúng ta. Tại sao? Vì Ngài là Cha. Như thế chúng ta bắt đầu lời cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con”. Ngài là Người Cha không bỏ rơi con cái mình. Đêm đầy đau thương đó của Chúa Giêsu, của chiến đấu là dấu ấn cuối cùng của sự Nhập Thể: Thiên Chúa xuống tìm chúng ta trong những hố sâu của chính chúng ta, trong những đau khổ phủ kín cả lịch sử.
Niềm an ủi của chúng ta trong giờ thử thách là: biết rằng Chúa Giêsu đã vượt qua hố sâu, không còn nữa những đau buồn, nhưng được chúc phúc từ sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta!
Vậy, lạy Chúa xin làm xa rời chúng con thời gian của thử thách và cám dỗ. Nhưng khi thời gian ấy đến, lạy Cha, xin tỏ cho chúng con biết rằng chúng con không đơn độc. Ngài là Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy rằng Đức Kitô đã mang trên chính mình Ngài gánh nặng của thập giá. Xin cho chúng con biết rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng con vác cùng Ngài, và buông lòng tín thác của chúng con vào trong tình yêu Cha. Cám ơn tất cả!
Vatican, ngày 01 tháng 05 năm 2019
Đức Thánh Cha Phanxico
Ý kiến bạn đọc