banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

„Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người“

Đăng lúc: Thứ tư - 27/02/2019 07:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
„Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người“

„Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người“

Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân dịp Mùa Chay 2019: „Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người“ (Rm 8,19)

Anh chị em thân mến!
 
Thông qua Mẹ Giáo hội, mỗi năm Thiên Chúa lại ban cho „các tín hữu của Ngài hồng ân được mong chờ Đại Lễ Phục Sinh trong niềm vui của Chúa Thánh Thần“. Ngài kêu gọi chúng ta „hãy cử hành các mầu nhiệm mà chúng canh tân trong chúng ta hồng ân được làm con cái Thiên Chúa“, và dẫn chúng ta đi tới „sự viên mãn của cuộc sống, với con tim được biến đổi, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta“ (Kinh Tiền Tụng Mùa Chay I). Bằng cách đó, chúng ta có thể đi từ Đại Lễ Phục Sinh để tới với sự viên mãn của ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô: „Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong“ (Rm 8,19). Từ mối liên hệ này, Cha muốn đưa ra một vài yếu tố để suy tư, mà những yếu tố ấy nên đồng hành với con đường hoán cải của chúng ta trong Mùa Chay sắp tới.
 
1.Thế giới thụ tạo được cứu độ
 
Như là cao điểm của Năm Phụng Vụ, việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua về cuộc Khổ Hình, về Sự Chết và Sự Phục Sinh Chúa Chúa Ki-tô, lại một lần nữa kêu gọi chúng ta hãy sống sự chuẩn bị cho việc cử hành Tam Nhật đó trong niềm ý thức rằng, sự đồng hình đồng dạng của chúng ta với Chúa Ki-tô (xc. Rm 8,29) chính là một hồng ân bao la phát xuất từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
 
Khi con người sống với tư cách là con Thiên Chúa, với tư cách là nhân vị được cứu chuộc, tức nhân vị để cho mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần (xc. Rm 8,14) và biết nhận ra Lề Luật của Thiên Chúa – bắt đầu từ Lề Luật đã được ghi sẵn trong tâm hồn và trong bản tính con người – cũng như biết đem Lề Luật đó áp dụng vào trong thực tế, thì rồi con người cũng sẽ thực hiện điều tốt lành cho thế giới thụ tạo, cũng như cùng cộng tác để đem ơn cứu độ đến cho chúng. Vì thế, niềm ngong ngóng mong chờ của thế giới thụ tạo – như Thánh Phao-lô nói – trước việc Thiên Chúa sẽ mạc khải vinh quang của những người con trai và con gái của Ngài, tức những người đã lãnh nhận ân sủng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su, sẽ sống hoa trái của mầu nhiệm này trong sự viên mãn của chúng. Thực ra, họ đã được tiền định để hoàn toàn đạt tới sự trưởng thành của mình trong sự cứu độ của chính thân xác con người. Khi Tình Yêu của Chúa Ki-tô biến đổi đời sống các Thánh – trí tuệ, tinh thần và thân xác – thì rồi các Ngài sẽ ngợi khen Thiên Chúa. Trong sự cầu nguyện, trong sự chiêm ngưỡng và trong nghệ thuật sống của mình, các Thánh cũng bao hàm cả các thụ tạo ở đó, như được thể hiện cách tuyệt vời trong „Bài Ca Ánh Mặt Trời“ của Thánh Phan-xi-cô (xc. Thông Điệp Laudato si’, 87). Nhưng trong thế giới này, sự hòa điệu được tạo ra nhờ vào ơn cứu độ vẫn tiếp tục, và luôn luôn bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.
 
2.Sức mạnh hủy hoại của tội lỗi
 
Nếu chúng ta không sống với tư cách là những người con trai và con gái của Thiên Chúa, thì thái độ của chúng ta đối với tha nhân cũng như đối với các thụ tạo khác – kể cả đối với chính mình – thường sẽ trở thành thái độ mang tính hủy hoại, bởi vì, với sự ý thức nhiều hay ít, chúng ta sẽ căn cứ vào điều đó để có thể sử dụng mọi thứ theo sở thích của mình. Và rồi, sự vô độ sẽ chiếm ưu thế và dẫn tới một lối sống có khả năng gây tổn hại cho bất cứ mọi giới hạn nào mà nhân loại và bản tính của mình đòi chúng ta phải tôn trọng chúng. Chúng ta sẽ nhân nhượng trước những ước muốn mãnh liệt mà trong sách Khôn Ngoan, những ước muốn đó được gán cho những kẻ bất tín, hay nói chính xác hơn là gán cho những kẻ không coi Thiên Chúa là điểm quy chiếu cho những hành vi của mình, cũng chẳng có niềm hy vọng cho tương lai (xc. Kn 2,1-11). Nếu chúng ta không thường xuyên hướng về Đại Lễ Phục Sinh, và không đặt sự phục sinh làm mục tiêu trước mắt, thì thật rõ ràng rằng, luận lý của việc muốn có được tất cả và ngay tức khắc, cũng như càng ngày càng phải nhiều hơn, sẽ diễn ra vào phút cuối.
 
Nguyên cớ đặc biệt của sự ác, như chúng ta đã biết, chính là tội lỗi. Kể từ sự xuất hiện đầu tiên của nó giữa con người, tội lỗi đã phá hủy sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác, và với thế giớ thụ tạo mà chúng ta được liên kết với chúng cách đặc biệt nhờ vào thân xác chúng ta. Thông qua sự phá vỡ mối hiệp thông với Thiên Chúa, sự hòa điệu của con người với môi trường chung quanh cũng bị hủy hoại theo, đến độ ruộng vườn sẽ bị biến thành sa mạc (xc. St 3,17-18). Ở đây, đó là tội lỗi mà nó dẫn con người tới chỗ coi mình như là chúa tể của thế giới thụ tạo, cảm thấy mình như là chủ nhân ông tuyệt đối của nó, và sẽ không sử dụng nó cho mục tiêu đã được Thiên Chúa xác định, nhưng chỉ trong những mối quan tâm riêng và gây hại cho các thụ tạo và tha nhân.
 
Khi Lề Luật của Thiên Chúa, tức Giới Luật Tình Yêu bị bỏ qua, thì rồi luật lệ của những kẻ mạnh sẽ được đem ra để chống lại những kẻ yếu thế. Tội lỗi mà nó cư ngụ trong con tim nhân loại (xc. Mc 7,20-23) – được biểu thị trong sự thèm muốn, trong việc ước ao có được một sự thịnh vượng quá mức, trong sự thờ ơ lãnh đạm đối với niềm hạnh phúc của người khác, và cũng đối với cả niềm hạnh phúc của chính mình nữa – sẽ dẫn tới việc bóc lột thế giới thụ tạo, bóc lột con người và bóc lột môi trường với lòng tham vô độ, mà đối với lòng tham đó, bất cứ sự mong muốn nào cũng đều trở thành một quyền lợi, và sớm muộn gì cũng sẽ hủy hoại chính kẻ đang bị thống trị bởi lòng tham vô độ đó.
 
3.Sức mạnh chữa lành của sự thống hối và của ơn tha thứ
 
Vì thế, việc hiển thị hóa những người con trai và những người con gái của Thiên Chúa, tức tất cả những ai đã được sinh ra với tư cách là „những thụ tạo mới“, chính là điều vô cùng cần thiết đối với thế giới thụ tạo: „Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới: Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi“ (2Cr 5,17). Nhờ vào việc hiển thị hóa những người con cái Thiên Chúa, nên bản thân thế giới thụ tạo cũng sẽ có thể „cử hành Đại Lễ Phục Sinh“: mở ra cho trời mới và đất mới (xc. Kh 21,1). Con đường đi tới Đại Lễ Phục Sinh cũng kêu gọi chúng ta hãy canh tân khuôn mặt và con tim Ki-tô giáo của mình nhờ vào sự thống hối, hoán cải và ơn thứ tha, để chúng ta có thể sống sự phong phú hoàn toàn của hồng ân mầu nhiệm Vượt Qua.
 
Sự „ngong ngóng“ và mong chờ ấy của thế giới thụ tạo sẽ được hoàn tất nếu những người con trai và những người con gái của Thiên Chúa được hiển thị cách rõ ràng, có nghĩa là, khi các Ki-tô hữu và tất cả con người đón nhận một cách cương quyết „cơn đau sinh nở“ của sự sám hối. Toàn thể thế giới thụ tạo sẽ „không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát nữa, nhưng được cùng với con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,21). Mùa Chay chính là dấu chỉ mang tính Bí Tích của sự hoán cải. Mùa này kêu gọi các Ki-tô hữu hãy để cho mầu nhiệm Vượt Qua trở nên hữu hình cách mạnh mẽ và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt là thông qua việc chay tịnh, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
 
Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn „ngấu nghiến“ mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng đau khổ vì Tình Yêu, mà Tình Yêu ấy có thể lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta. Cầu nguyện để chúng ta học biết cách khước từ sự sùng bái cũng như sự tự thỏa mãn cái TÔI của mình, và thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng Xót Thương của Ngài. Làm phúc bố thí để chúng ta đặt tính ngông cuồng lại đàng sau chúng ta, mà với sự ngông cuồng ấy, chúng ta sẽ chỉ sống cho mình, tích lũy tất cả cho mình trong sự ảo tưởng rằng, mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ tái thấy được niềm vui trong kế hoạch mà Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong thế giới thụ tạo cũng như trong con tim chúng ta: yêu mến Ngài cũng như yêu thương những người anh chị em và toàn thế giới, và thấy được niềm hạnh phúc đích thực trong Tình Yêu ấy.
 
Anh chị em thân mến, „Mùa Chay“ của Con Thiên Chúa chính là sự bước vào sa mạc của thế giới thụ tạo, để làm cho sa mạc ấy tái trở thành mảnh vườn của sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà mảnh vườn ấy vốn đã từng là mảnh vườn của sự hiệp thông trước khi con người sa ngã phạm tội (xc. Mc 1,12-13; Is 51,3). Trong Mùa Chay của mình, một lần nữa chúng ta lại muốn cùng đi trên một con đường, để mang đến cho thế giới niềm hy vọng của Chúa Ki-tô rằng, „nó sẽ được giải thoát , không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, nhưng được cùng với con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,21). Chúng ta đừng để cho thời gian thuận tiện này trôi đi cách vô ích! Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp sức để chúng ta biết chọn đi theo con đường hoán cải đích thực. Chúng ta hãy để sự ích kỷ, để cái nhìn bị gắn chặt vào bản thân mình, lại đàng sau chúng ta, và hãy hướng về Đại Lễ Phục Sinh của Chúa Giê-su; những người anh chị em của chúng ta đang gặp cảnh khốn cùng nên trở thành những người thân cận của chúng ta, tức những người mà chúng ta chia sẻ với họ những kho tàng tinh thần và vật chất của mình. Và như thế, khi chúng ta đón nhận cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tội lỗi và sự chết vào trong cuộc sống cụ thể của chúng ta, chúng ta cũng sẽ kéo được sức mạnh có sức biến đổi của Ngài xuống trên thế giới thụ tạo.
 
Từ Vatican ngày mồng 04 tháng 10 năm 2018
Nhân ngày kính nhớ Thánh Phan-xi-cô Assisi
(Công bố lúc 12g00 ngày 26 tháng 02 năm 2019)
 
ĐTC Phan-xi-cô
 
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết