SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ V
Ngày 14 tháng 11 năm 2021
“NGƯỜI NGHÈO THÌ LÚC NÀO CÁC ÔNG CHẲNG CÓ BÊN CẠNH MÌNH” (Mc 14, 7)
1. “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14,7). Vài ngày trước lễ Vượt qua, Đức Giê-su nói những lời này trong một bữa ăn ở Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon nào đó, vốn được biết tới là “kẻ phong hủi”. Theo vị Thánh sử trần thuật, một người phụ nữ tiến đến, cầm chiếc bình bạch ngọc đựng dầu thơm quý giá và đã đổ dầu thơm lên đầu Đức Giê-su. Cử chỉ này gây ra bao sửng sốt ngạc nhiên, và phát sinh ra hai lối giải thích khác nhau.
Lối giải thích đầu tiên là sự phẫn nộ của một vài người trong số những người hiện diện, bao gồm cả các môn đệ, vốn tính toán giá trị của chai dầu thơm khoảng ba trăm đồng bạc, tương đương với tiền lương hằng năm của một người làm công, và nghĩ rằng thà bán nó, rồi bố thí cho người nghèo thì hơn. Theo Tin Mừng Thánh Gio-an, chính Giu-đa là người theo lập trường này: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?” Và Thánh sử Gio-an ghi chú rằng: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12, 5-6). Chẳng hề ngẫu nhiên khi lời chỉ trích gay gắt này đến từ miệng của kẻ phản bội, cho thấy rằng những ai không kính trọng người nghèo thì bội phản giáo huấn của Đức Giê-su và chẳng thể nào là môn đệ của Ngài. Về điều này, Linh mục Ô-ri-gen đã trình bày khẳng khái mạnh mẽ: “Giu-đa có vẻ quan tâm đến người nghèo…Và cả bây giờ nữa, nếu ai đó giữ túi tiền của Giáo hội và nói cho người nghèo như Giu-đa, nhưng lại lấy những gì người ta bỏ vào đó, vậy y có phần của mình với Giu-đa” (Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 11, 9).
Lối giải thích thứ hai do chính Đức Giê-su đưa ra và khiến chúng ta cảm kích ý nghĩa sâu xa của cử chỉ mà người phụ nữ đã biểu lộ. Ngài nói: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa” (Mc 14, 6). Đức Giê-su biết cái chết của Ngài đang đến gần và nhìn thấy nơi cử chỉ này lời tiên báo về việc xức dầu cho thi thể mình trước khi được đặt vào trong mồ. Nhưng điều này lại vượt quá trí tưởng tượng của khách dự tiệc. Đức Giê-su nhắc cho họ nhớ rằng người nghèo đầu tiên chính là Ngài, người nghèo nhất trong số những người nghèo, bởi vì Ngài đại diện cho tất cả họ. Và cũng vì ích lợi của người nghèo, những ai cô độc, bị gạt bỏ bên lề xã hội và nạn nhân của sự kỳ thị, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận cử chỉ của người phụ nữ này. Bằng tính nhạy cảm của người phụ nữ, chỉ mình cô hiểu được tâm tư của Đức Giê-su. Người phụ nữ vô danh này – có thể được đại diện cho toàn thể thế giới phụ nữ mà qua hàng thế kỷ, bị tước quyền lên tiếng và chịu đủ loại bạo hành – khai mào cho sự hiện diện đầy ý nghĩa của hết thảy người nữ tham dự vào các biến cố cao trọng nơi cuộc đời của Đức Ki-tô: chịu đóng đinh, tử nạn, được mai táng và sống lại. Phụ nữ thường bị phân biệt kỳ thị và không được nắm giữ những vị trí trọng trách; nhưng theo các sách Tin Mừng, họ nắm giữ vai trò dẫn dắt trong lịch sử mạc khải. Tiếp sau đó, Đức Giê-su liên kết người phụ nữ này với sứ mạng loan báo Tin Mừng cao cả, mà phán rằng: “Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14, 9).
2. Sự “đồng cảm” mạnh mẽ này được thành hình nơi Đức Giê-su và người phụ nữ, cũng như cách thức Ngài giải thích việc xức dầu cho mình, tương phản với lối nhìn tai tiếng của Giu-đa và những người khác, có thể dẫn tới phương cách suy tư phong nhiêu về mối liên hệ bất khả phân ly giữa Đức Giê-su, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng.
Quả thật, diện mạo Thiên Chúa mà Đức Giê-su mạc khải chính là diện mạo của một người Cha hằng quan tâm và gần gũi người nghèo. Trong mọi sự, Đức Giê-su đều dạy rằng nạn nghèo đói chẳng phải là kết quả của số phận, mà là dấu chỉ cụ thể chỉ ra Ngài luôn hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta không tìm thấy Ngài ở những nơi và vào lúc nào chúng ta muốn, nhưng chúng ta nhận ra Ngài nơi cuộc sống của người nghèo, trong sự đau khổ khốn cùng và các nhu cầu của họ, trong những điều kiện lắm lúc phi nhân đạo, mà nơi đó họ buộc phải sống. Tôi chẳng bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại rằng người nghèo là những chứng nhân loan báo Tin Mừng đích thực, bởi lẽ họ từng là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng và được mời gọi chia sẻ niềm vui của Chúa và triều đại Ngài (x. Mt 5, 3).
Trong mọi lúc và mọi nơi, người nghèo loan báo Tin Mừng cho chúng ta, vì họ giúp chúng ta khám phá dung mạo đích thật của Chúa Cha bằng các phương cách luôn mới mẻ. “Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), nhưng giữa những khó khăn, họ biết Đức Ki-tô chịu đau khổ. Chúng ta cần phải để mình được Phúc âm hoá bởi họ. Tân phúc âm hoá là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt nó vào tâm điểm cuộc lữ hành của Giáo hội. Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Ki-tô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ. Sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp; cái mà Chúa Thánh Thần huy động không phải là một thái độ hiếu hoạt vô trật tự, nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác “hầu như là một với chúng ta”. Sự chú tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy chúng ta hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 198-199).
3. Chúa Giê-su không chỉ ở bên cạnh người nghèo, mà còn chia sẻ số phận với họ. Đây chính là giáo huấn mạnh mẽ dành cho các môn đệ của Ngài thuộc mọi thời đại, cùng là ý nghĩa nơi nhận định của Ngài: “người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình”. Điều này chỉ ra rằng người nghèo thường xuyên hiện diện với chúng ta, nhưng đừng để nó trở thành thói quen dửng dưng, khiến chúng ta ngần ngại chia sẻ cuộc sống hỗ tương vốn không chấp nhận sự ủy quyền. Người nghèo chẳng phải “bên ngoài” cộng đoàn, nhưng họ là những anh chị em mà chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau, hầu giảm bớt túng thiếu và tình trạng bị gạt ra bên lề, cũng như để trả lại phẩm giá đã mất và đảm bảo cho họ khả năng hội nhập xã hội cần thiết. Mặc khác, chúng ta biết rằng các hành động bác ái giả định trước một nhà hảo tâm cho đi và một người thụ hưởng, trong khi cử chỉ san sẻ sản sinh tình huynh đệ. Bố thí thì thi thoảng; còn sẻ chia thì bền vững. Bố thí có nguy cơ ban thưởng cho người bố thí và hạ thấp người lãnh nhận; nhưng chia sẻ củng cố tình liên đới và đặt ra những nền móng thiết yếu để đạt tới công lý. Tóm lại, khi muốn nhận ra Đức Giê-su nơi con người và chạm đến Ngài bằng đôi tay của mình, thì các tín hữu cần biết hướng về ai. Người nghèo là một nhiệm tích của Đức Ki-tô; họ đại diện Ngài và hướng chúng ta đến với Ngài.
Có biết bao gương lành nơi chư thánh nam nữ đã chia sẻ với người nghèo về kế hoạch sống của các ngài. Trong số đó, tôi nghĩ đến cha Đa-mi-en đờ Vô-ster, là tông đồ thánh thiện của người phong hủi. Với lòng quảng đại lớn lao, ngài đã đáp lại tiếng mời gọi đi đến đảo Mô-lô-kai, là nơi sau này trở thành hang động chỉ dành cho người phong hủi, để sống và chết ở đó. Ngài đã xắn tay áo và làm tất cả, ngõ hầu cuộc sống của người nghèo bệnh tật và những ai bị vứt bỏ bên lề xã hội được cải thiện. Ngài trở thành bác sĩ và y tá, mặc cho những nguy cơ tiềm ẩn trong “thuộc địa của thần chết” như hòn đảo này được mệnh danh, và ngài cũng mang lại ánh sáng tình yêu cho nó. Sau này, Ngài bị mắc bệnh phong, mà biến cố này vốn trở thành dấu chỉ của sự chia sẻ trọn vẹn với anh chị em mà ngài đã hiến dâng mạng sống mình. Chứng tá của ngài mang tính thời sự tối ưu trong thời đại chúng ta, mà nó được ghi dấu ấn bởi cơn đại dịch viêm phổi này. Thật vậy, ân sủng của Chúa chắc chắn đang hoạt động nơi tâm hồn của nhiều người, mặc trong âm thầm, họ vẫn dành hết cho những người nghèo nhất bằng việc san sẻ thiết thực.
4. Vì thế, chúng ta cần phải toàn tâm bước theo lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Sự hoán cải này trước hết bao hàm việc chúng ta mở rộng tâm hồn để nhận ra nhiều hình thái khác nhau của nạn nghèo đói, đồng thời diễn tả Nước Thiên Chúa qua lối sống phù hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng. Người nghèo thường bị coi như những người bị tách biệt, như thể một “phạm trù" cần đến các dịch vụ từ thiện đặc thù. Tuy nhiên, việc dấn thân bước theo Đức Giê-su kéo theo sự thay đổi não trạng, và biết chấp nhận thách đố chia sẻ hỗ tương cũng như thông dự. Ơn gọi trở nên người môn đệ của Đức Ki-tô ngụ ý lựa chọn không tích trữ kho tàng trên trần gian, vốn mang lại ảo tưởng an toàn, mà thực tế lại rất mong manh và chóng qua. Trái lại, ơn gọi ấy đòi hỏi phải sẵn sàng giải thoát mình khỏi mọi điều ngăn trở để đạt tới niềm vui và phúc kiến đích thực, ngỏ hầu nhìn nhận những gì là bền vững và không thể bị phá hủy bởi bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai (x. Mt 6, 19-20).
Tương tự ở đây, giáo huấn của Đức Giê-su trái ngược với ước muốn con người, vì Ngài hứa những gì mà chỉ đôi mắt đức tin mới có thể trông thấy và cảm nghiệm bằng niềm xác tín trọn vẹn: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 29). Trừ phi chúng ta chọn trở nên nghèo khó về của cải chóng qua, về quyền lực thế gian và mọi thứ phù vân, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể hiến mạng sống mình vì tình yêu; chúng ta sẽ sống một cuộc sống phân mảnh, đầy thiện ý, nhưng không hữu hiệu để biến đổi thế giới. Vì vậy, chúng ta cần dứt khoát mở lòng ra với ân sủng của Đức Ki-tô, nhờ đó chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu vô bờ bến của Ngài và phục hồi tính khả tín đối với sự hiện diện của chúng ta trong thế giới.
5. Tin Mừng của Đức Ki-tô kêu gọi chúng ta biết sống quan tâm đặc biệt đến người nghèo, cũng như nhận ra vô vàn dạng thức khác nhau về sự hỗn độn luân lý và xã hội, vốn đang tạo ra những loại hình nghèo đói mới chưa từng có. Dường như đây là một quan niệm tiệm tiến cho rằng người nghèo không chỉ chịu trách nhiệm về điều kiện hoàn cảnh sống của họ, mà còn là một gánh nặng bất khoan nhượng đối với hệ thống kinh tế vốn đặt lợi ích của một số nhóm đặc quyền đặc lợi ở trọng tâm. Kiểu thị trường mà phớt lờ hoặc chọn lọc các nguyên tắc đạo đức sẽ tạo ra những điều kiện vô nhân đạo, tác động đến mọi người đang sống trong hoàn cảnh bấp bênh. Vậy hiện nay, chúng ta tận mắt chứng kiến nhiều thứ cạm bẫy mới mẻ về sự khốn khổ và loại trừ, được tạo nên bởi các tác nhân kinh tế-tài chính vô đạo đức, thiếu ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội.
Năm vừa rồi, chúng ta đã trải qua một tai ương khác, khiến số người nghèo khổ gia tăng, đó là cơn đại dịch toàn cầu. Hiện giờ, nó tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người, thậm chí khi không gây ra đau khổ và cái chết, thì nó vẫn mang đến sự nghèo đói. Người nghèo đã gia tăng quá nhiều, và bi kịch thay, con số này sẽ tiếp tục lên cao trong những tháng tới. Một số quốc gia đang phải hứng chịu vô số hậu quả cực kỳ nghiêm trọng từ đại dịch, đến nỗi những người dễ bị tổn thương nhất túng thiếu kể cả nhu yếu phẩm cơ bản. Nhiều hàng dài chờ đợi trước căn-tin dành cho người nghèo là dấu hiệu hữu hình của hiện trạng trầm trọng này. Rõ ràng cần tìm ra những giải pháp thích hợp nhất để chống lại loại vi-rút này trên quy mô quốc tế, mà không nhắm tới lợi ích đảng phái. Thật quá cấp bách khi phải đề ra các giải pháp cụ thể cho những ai đang phải chịu thất nghiệp, trong số đó bao gồm cả các ông bố, bà mẹ và bạn trẻ nữa. Nhờ ơn Chúa, tình liên đới xã hội và lòng quảng đại mà nhiều người biểu lộ, được kết hợp với các đề án sáng suốt nhằm đẩy mạnh công cuộc thăng tiến con người, đang góp phần tích cực hệ trọng trên phương diện này.
6. Tuy nhiên, một nghi vấn vốn không hiển nhiên về bất cứ mặt nào vẫn còn bỏ ngỏ, đó là: Làm sao chúng ta có thể đưa ra lời giải đáp xác thực cho hàng triệu người nghèo vốn thường chỉ gặp phải thói dửng dưng, mà không phải là sự bực tức khó chịu chứ? Con đường công lý nào cần phải đi theo để những bất công xã hội có thể được khắc phục và để phẩm giá con người thường hay bị chà đạ được tái lập? Lối sống cá nhân chủ nghĩa đồng lõa với việc tạo ra nạn nghèo đói, và thường trút lên vai người nghèo mọi trách nhiệm về thân phận của họ. Tuy nhiên, sự nghèo đói chẳng phải là kết quả của số phận; đúng hơn, nó là hậu quả của thói ích kỷ. Vì thế, thật hệ trọng khi tạo ra những tiến trình phát triển nhằm nâng cao giá trị khả hữu của mọi người, để rồi việc bổ túc các kỹ năng và đa dạng hoá vai trò có thể dẫn tới một nguồn lực chung cho sự tham gia hỗ tương. Nhiều loại hình nghèo nàn nơi “người giàu” có lẽ được xoa dịu bằng sự giàu có của “người nghèo”, nếu như họ gặp gỡ và hiểu biết nhau! Chẳng ai nghèo đến nỗi không thể cho đi một điều gì đó của chính mình nhằm san sẻ hỗ tương. Người nghèo không chỉ là những người nhận; họ phải được đặt ở vị thế cho đi, bởi lẽ họ biết rõ làm điều đó như thế nào với cả lòng quảng đại. Trước mắt chúng ta có biết bao tấm gương sẻ chia! Người nghèo thường dạy chúng ta về tình liên đới và sự chia san. Thật vậy, họ thiếu điều gì đó, thông thường thiếu nhiều lắm, kể cả nhu yếu phẩm tối thiểu, nhưng họ chẳng thiếu thứ gì, bởi vì họ bảo toàn phẩm giá con cái Thiên Chúa của họ, mà không một ai và không điều gì có thể lấy mất.
7. Vì lí do này mà cần đến một lối tiếp cận khác về sự nghèo đói. Một thách đố khiến các chính phủ và những tổ chức quốc tế phải tiếp tục với mô hình xã hội hướng đến tương lai, có khả năng đối mặt với những hình thức đói nghèo mới mẻ đang tràn lan khắp thế giới và sẽ tác động nghiêm trọng đến nhiều thập niên sắp tới. Nếu người nghèo bị gạt sang bên lề xã hội, như thể phải chịu trách nhiệm về thân phận của họ, thì chính khái niệm dân chủ sẽ bị nguy hại và mỗi chính sách xã hội sẽ bị lụn bại. Chúng ta cần hết sức khiêm tốn thừa nhận rằng mình thường bất tài khi đến với người nghèo. Chúng ta nói về họ cách trừu tượng; chúng ta dừng lại ở các số liệu thống kê và cảm thấy mủi lòng trước bộ phim tài liệu nào đó. Trái lại, sự nghèo đói phải thúc đẩy chúng ta bước tới một kế hoạch sáng tạo, nhằm gia tăng tự do hữu hiệu cho cuộc sống viên mãn dựa trên khả năng riêng của mỗi người. Cần bác bỏ ảo tưởng nghĩ rằng sự tự do xoay chuyển và lớn mạnh nhờ việc sở hữu tiền bạc. Phục vụ người nghèo cách hữu hiệu khơi gợi hành động và cho phép tìm ra những cách thức thích hợp nhất để nâng cao và thăng tiến thành phần này của toàn thể nhân loại, vốn bị liệt vào hạng vô danh tiểu tốt và chẳng hề có tiếng nói; nhưng việc phục vụ này đã được in sâu vào diện mạo của Chúa Cứu Thế, Đấng hằng kêu xin sự trợ giúp.
8. “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14, 7). Đây là lời mời gọi đừng bao giờ đánh mất cơ hội làm việc lành. Đằng sau đó, chúng ta có thể thấy thoáng qua lệnh truyền xưa trong Kinh Thánh: “Nếu giữa anh em có một người anh em nghèo…, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng, nhưng phải mở rộng tay và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu…Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng. Thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15, 7-8.10-11). Tương tự, Thánh Phao-lô Tông đồ đã thúc giục Ki-tô hữu thuộc các giáo đoàn của ngài, hầu giúp đỡ người nghèo tại cộng đoàn đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem và làm vậy mà “không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9, 7). Vấn đề không phải là xoa dịu lương tâm của chúng ta bằng cách bố thí, nhưng để chống lại nền văn hóa dửng dưng và bất công mà chúng ta tạo ra cho người nghèo.
Trong bối cảnh này, chúng ta cũng nên nhớ lại những lời dạy của Thánh Gio-an Kim Khẩu: “Người rộng lượng không được hỏi về hạnh kiểm của người nghèo, nhưng chỉ nên cải thiện tình trạng nghèo đói và đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của họ. Người nghèo chỉ có một lời cầu xin duy nhất, đó là: tìm thấy bản thân mình nơi thực trạng nghèo đói và điều kiện túng thiếu của họ. Đừng đòi hỏi họ điều gì khác; ngay cả họ bị liệt vào hạng người tồi tệ nhất thế giới đi chăng nữa, nhưng nếu họ thiếu thốn nguồn nuôi dưỡng thiết yếu, thì chúng ta cần cứu họ thoát khỏi cơn đói khát…Người có lòng xót thương ví như một bến cảng rộng mở cho những ai túng thiếu: bến cảng niềm nở đón tiếp và giải cứu những người bị đắm tàu khỏi mối hiểm nguy; cho dù họ là kẻ gian ác, người tốt lành hay là gì đi nữa, thì bến cảng sẽ che chở họ ngay trong vịnh của nó. Vì thế, anh chị em cũng vậy, khi trông thấy ai trên mặt đất này đang đắm chìm trong khốn khổ nghèo hèn, chớ phán xét, chớ đòi hỏi giải thích về hạnh kiểm của họ, nhưng hãy giải thoát họ khỏi nỗi bất hạnh ê chề” (Diễn từ về người nghèo La-da-rô, II, 5).
9. Thật hệ trọng biết bao khi chúng ta gia tăng ý thức về những nhu cầu của người nghèo, mà nó hiện luôn biến động như các điều kiện sống của họ vậy. Thực tế ngày nay, ở những khu vực kinh tế càng phát triển, thì người ta càng ít sẵn sàng đối mặt với hiện trạng nghèo đói so với trước kia. Tình trạng sung túc tương đối mà chúng ta đã quen sống làm ta càng khó chấp nhận những hy sinh và mất mát hơn. Người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để khỏi bị cướp mất hoa mầu lương thực mà chẳng cần đổ mồ hôi sôi nước mắt. Vì thế, họ rơi vào các hình thức oán thù, dễ bị kích động, cùng những đòi hỏi dẫn đến nỗi sợ hãi, lo âu và bạo lực trong một số trường hợp. Đây chẳng phải là tiêu chí kiến tạo tương lai; thế nhưng, những thái độ ấy tự nó là các dạng thức nghèo khổ mà chúng ta không thể quay lưng lại. Chúng ta cần cởi mở để đọc biết các dấu chỉ thời đại, vốn đòi hỏi chúng ta tìm ra những cách thức mới mẻ, hầu trở thành chứng nhân loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại. Sự trợ giúp tức thời nhằm đáp ứng các nhu cầu của người nghèo không được ngăn trở chúng ta sáng suốt nhìn xa trông rộng trong việc thực thi những dấu chỉ mới của tình yêu và đức ái Ki-tô giáo, như một lời giải đáp cho các dạng thức mới về nạn đói nghèo mà nhân loại ngày nay đang trải qua.
Tôi hy vọng rằng Ngày Thế giới Người nghèo, nay đã được cử hành lần thứ V, sẽ tiến triển tại các Giáo hội địa phương chúng ta và mang lại nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo Tin Mừng bằng việc trực tiếp gặp gỡ người nghèo ở bất cứ nơi nào mà họ hiện diện. Chúng ta không thể chờ đợi người nghèo đến gõ cửa nhà mình; mà chúng ta cần gấp rút đến với họ nơi gia đình họ, nơi các bệnh viện và viện dưỡng lão, trên mọi ngõ ngách đường phố và những góc tối tăm mà đôi khi họ ẩn náu, trong các trung tâm tá túc và tiếp nhận. Điều quan trọng là thấu hiểu những gì họ cảm thấy, những gì họ đang trải qua và đâu là những ước ao trong lòng họ. Hãy biến lời thỉnh cầu của Cha Pri-mô Maz-zô-la-ri thành của riêng mình: “Tôi xin các bạn đừng hỏi người nghèo có hay không, họ là ai và bao nhiêu người, bởi vì tôi sợ rằng những câu hỏi như thế biểu lộ sự sơ suất hoặc cái cớ để tránh né lời thúc giục rõ ràng của lương tâm và con tim…Tôi chẳng bao giờ tính số lượng người nghèo cả, vì họ không thể đếm được: họ phải được ôm vào lòng, chứ không cần đếm” (“Adesso” [tạm dịch: “Ngay bây giờ”] số 7, 15/4/1949). Người nghèo đang ở giữa chúng ta. Điều này sẽ mang đậm chiều kích Tin Mừng dường nào nếu chúng ta có thể nói với tất cả sự thật rằng: chúng ta cũng nghèo khổ, và chỉ bằng cách này mà chúng ta sẽ thật sự nhận biết họ, biến họ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình và trở nên khí cụ của ơn cứu độ chúng ta.
Ban hành tại Rô-ma, Đền thờ Thánh Gio-an La-tê-ra-nô, ngày 13 tháng 6 năm 2021, nhân dịp lễ nhớ Thánh An-tôn Pa-đu-a.
PHAN-XI-CÔ
Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng
Chú thích riêng của người dịch:
- Các trưng dẫn Kinh Thánh đều theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV).
- Trưng dẫn Tông huấn Evangelii gaudium theo bản dịch chính thức của HĐGMVN.
- Các trưng dẫn khác như Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Diễn từ về Người nghèo La-da-rô và “Adesso” theo bản dịch cá nhân của người chuyển ngữ.
Ý kiến bạn đọc