Kính gửi ngài José Graziano da Silva, Tổng Giám Đốc của FAO
Thưa ngài Tổng Giám Đốc rất kính!
1.Việc cử hành hằng năm Ngày Lương Thực thế giới đang đặt những nhu cầu, những nỗi khát khao và những niềm hy vọng của hàng triệu người thiếu lương thực hằng ngày, lên đầu những bản tin quốc tế. Xem ra càng ngày càng có thêm những người mới đứng vào số những con người bất hạnh ấy, họ là những người hoàn toàn không có gì, hay hầu như không có gì để ăn. Đúng ra, đó phải là điều ngược lại; nhưng những thống kê mới đây lại là một bằng chứng rất bàng hoàng, nó cho thấy tình liên đới quốc tế xem ra đang ngày trở nên lạnh nhạt biết chừng nào. Và tất cả chúng ta ngày nay đều ý thức rằng, nếu thiếu tình liên đới, thì những giải pháp và những dự án kỹ thuật, ngay cả khi chúng được tổ chức cách hoàn hảo nhất, cũng vẫn không thể khắc phục được sự buồn rầu và nỗi đắng cay của những người đang phải đau khổ vì không thể có được lương thực đầy đủ và lành mạnh.
Đề tài mà năm nay chúng ta quan tâm tới - „Hành động của chúng ta chính là tương lai của chúng ta. Cho tới năm 2030, trên thế giới sẽ không còn có ai phải đói khát nữa, đó là điều có thể“ -, sẽ trở thành một tiếng kêu khẩn thiết, kêu gọi trách nhiệm của tất cả những nhân vật chủ chốt mà họ đã nhất trí với chương trình phát triển bền vững cho tới năm 2030; đề tài ấy sẽ trở thành một tiếng thét gào để kéo chúng ta ra khỏi sự ngái ngủ, tức ra khỏi những điều thường gây tê liệt và kìm hãm chúng ta. Điều này sẽ không được phép tiếp tục trở thành một ngày kỷ niệm, mà trong ngày ấy chúng ta sẽ thỏa mãn với việc thu thập các thông tin, hay thỏa mãn với việc đáp ứng sự tò mò của mình.
Vấn đề ở đây là „đón nhận những điều khổ đau xảy ra cho thế giới, để hiểu biết và biến nó thành nỗi khổ đau của riêng mình, và như thế nhận thức được đâu là sự đóng góp mà bất cứ cá nhân nào cũng đều có thể thực hiện“ (Laudato si´, 19). Vì thế, tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là FAO, các quốc gia thành viên của tổ chức này, các tổ chức quốc gia và quốc tế, các cơ quan, các xã hội dân sự và nhiều người thành tâm thiện chí, đều được mời gọi hãy tăng thêm gấp đôi niềm hăng hái của mình, để không còn bất cứ ai phải thiếu lương thực cần thiết nữa, cả về số lượng lẫn chất lượng.
2.Người nghèo đang chờ đợi từ nơi chúng ta một sự giúp đỡ đầy hiệu quả, mà sự giúp đỡ ấy sẽ giải thoát họ khỏi tình trạng suy kiệt của chính họ, chứ không phải những dự định thuần túy hay những cuộc hội họp mà chúng chỉ có những nghi thức hoành tráng như là một kết quả sau khi đã nghiên cứu một cách chính xác những gốc rễ phát sinh ra sự khốn cùng của họ, hay những bổn phận mà chúng không bao giờ được hiện thực hóa, hoặc những công bố trang trọng mà chúng chỉ được xác định để làm cho những danh mục được dầy cộm thêm. Trong thế kỷ XXI, tức thế kỷ đang có những thành tựu to lớn trong các lãnh vực kỹ thuật, kinh tế, truyền thông và cơ sở hạ tầng để giới thiệu, chúng ta phải lấy làm xấu hổ và đỏ mặt lên vì việc chúng ta đã không đạt được những tiến bộ như thế trong mối liên hệ đến lòng nhân và tình liên đới trong việc đáp ứng những nhu cầu rất cơ bản của những con người bị thiệt thòi nhất. Đồng thời chúng ta cũng không thể yên tâm với việc mình đã đối mặt với những trường hợp khẩn cấp cũng như với những hoàn cảnh tuyệt vọng của những người nghèo túng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy vượt lên trên những điều đó.
Chúng ta có thể và phải làm điều đó tốt hơn nữa đối với những người đang cần sự giúp đỡ. Chúng ta phải chuyển sang hành động để nạn đói khát hoàn toàn biến mất. Và điều đó cần tới một chính sách cộng tác để phát triển, mà chính sách ấy, như được thể hiện trong chương trình hành động tới năm 2030, nhắm tới những nhu cầu cụ thể của những người nghèo túng.
Người ta cũng phải lưu tâm đặc biệt tới mức độ của sản phẩm nông nghiệp, tới khả năng tiếp cận với thị trường lương thực, cũng như tới việc tham gia vào các sáng kiến và những hoạt động, đặc biệt là phải nhìn nhận rằng, mọi quốc gia đều có phẩm giá ngang nhau trong việc thông qua các quyết định. Để chiến đấu cách hiệu quả trong việc chống lại những nguyên nhân dẫn tới nạn đói khát, người ta phải nhận thức được rằng, không phải những tuyên bố om xòm sẽ có thể dứt khoát xóa bỏ được tệ nạn đó. Cuộc chiến chống lại nạn đói khát đòi hỏi phải có một sự tài trợ quảng đại về kinh phí, phải bãi bỏ những rào cản thương mại, và đặc biệt là phải có một nền an ninh lớn hơn khi đối diện với sự biến đổi khí hậu, những cuộc khủng hoảng kinh tế và những cuộc xung đột có vũ trang.
3.Một trong những nguyên tắc mà chúng phải dẫn dắt cuộc sống và sự dấn thân của chúng ta, đó là niềm xác tín rằng, „thời gian giá trị hơn không gian“ (Evangelii gaudium, 222), có nghĩa là, chúng ta phải xúc tiến những tiến trình dài hạn, vượt thời gian, với sự rõ ràng và niềm xác tín cũng như với vự kiên định. Tương lai không cư ngụ trên các đám mây, nhưng nó được kiến tạo nhờ vào việc sản sinh và đồng hành của những tiến trình nhằm đưa tới một nền nhân bản lớn hơn. Chúng ta có thể mơ về một tương lai không có sự đói khát, nhưng điều đó sẽ chỉ hợp lý nếu như giấc mơ ấy đưa ra được những tiến trình cụ thể, những mối tương quan thiết thực, những kế hoạch linh động và những bổn phận đích thực. Sáng kiên mà theo đó, tới năm 2030 sẽ không còn nạn đói khát nữa đang giới thiệu cho mục tiêu ấy một phạm trù hữu ích, và không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ giúp để đạt tới được mục tiêu tiếp theo của việc phát triển bền vững theo kế hoạch được hoạch định tới năm 2030, mà kế hoạch đó nhắm tới việc chấm dứt nạn đói khát, cũng như nhắm tới việc đạt tới được sự bảo đảm về lương thực và một nguồn lương thực tốt hơn, và thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững. Bất cứ ai cũng đều có thể nói rằng, chúng ta đang còn 12 năm phía trước để hoàn thành kế hoạch đó. Nhưng những người nghèo lại không thể chờ đợi mãi được. Hoàn cảnh bi thương của họ không cho phép điều đó.
Vì thế chúng ta phải hành động một cách gấp rút trong sự phối hợp và có hệ thống. Ưu điểm của những đề nghị này hệ tại ở chỗ chúng có thể ấn định những mục tiêu mang tính đặc thù, những đích điểm có thể xác định và những tín hiệu rõ ràng. Chúng ta biết rằng, mình phải phối hợp làm sao để cho sự tiếp cận kép đối với những biện pháp lâu dài và ngắn hạn được trở nên hài hòa, hầu đối diện với những thực tế cụ thể của những con người mà cho tới tận hôm nay, cũng đang còn phải gánh chịu những hậu quả não lòng và cay đắng của nạn đói kém cũng như của nạn thiếu lương thực.
4.Nếu như trong những năm vừa qua, những hoạt động của FAO cũng như của những tổ chức quốc tế khác, đã được ghi đậm dấu ấn thông qua sự căng thẳng giữa những phạm trù ngắn hạn và dài hạn, đến độ trong chính lãnh vực ấy, những chương trình và những can dự khác nhau đã có thể hòa quyện vào nhau, thì trong thời đại hôm nay, chúng ta biết rất rõ rằng, việc thống nhất cả trên bình diện toàn cầu lẫn trên bình diện địa pương trong việc đáp lại sự thách đố của nạn đói khát, là điều cũng quan trọng không kém. Trong ý nghĩa ấy, chương trình nghị sự 2030 với những mục tiêu như phát triển bền vững và sáng kiến không còn nạn đói khát nữa, đã thúc giục các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như FAO, hãy liên kết với các quốc gia thành viên một cách có trách nhiệm hầu bắt đầu và tiến hành các biện pháp trên bình diện địa phương. Các tín hiệu chỉ báo cấp toàn cầu sẽ trở nên vô ích nếu như thực tế bị tách ra xa khỏi những thỏa thuận ấy trên đường thực hiện.
Từ lý do đó, việc những ưu tiên và những biện pháp bao gồm trong những dự án lớn được đánh giá chuyên sâu và bổ biến khắp nơi, đến độ không còn phát sinh bất cứ sự phân rã nào nữa, và tất cả chúng ta đều sẵn sàng trước thách đố đòi người ta phải chiến đấu chống lại nạn đói kém và nạn nghèo túng trong một cách thức chung và nghiêm túc, đó là điều rất quan trọng. Điều này nên diễn ra cùng với một khoa kiến trúc có tính thể chế, xã hội và kinh tế thích hợp, mà khoa kiến trúc ấy khiến cho những sáng kiến đạt tới được sự thành công to lớn, trong khi những sáng kiến ấy giới thiệu những giải pháp bền bỉ, để người nghèo không còn tiếp tục cảm thấy mình bị bỏ rơi nữa.
5.Vì thế, chúng ta cần phải có những công cụ riêng, cũng như phải có một khuôn khổ, để những lời đẹp đẽ và những mong muốn ngay lành được biến thành một chương trình hành động thực sự, mà trong thực tế, chương trình ấy nên đạt tới cực điểm với việc loại trừ nạn đói kém trên thế giới chúng ta. Để hiện thực hóa điều đó, cần phải có một sự sưu tập những cố gắng, sự hào hiệp của con tim, và sự không ngừng hướng tới việc biến những vấn đề của người khác thành của mình, với sự kiên định và lòng khiêm tốn.
Nhưng như trong những đề tài quan trọng khác có liện hệ tới nhân loại, chúng ta thường tái thấy mình phải đối diện với những rào cản to lớn trong việc giải quyết các vấn đề, với những chướng ngại vật không thể thiếu mà chúng chính là hoa trái của sự thiếu cương quyết hay của những sự lưỡng lự, với sự thiếu khả năng của những người mang trách nhiệm quyết định chính trị mà họ thường chỉ đắm đuối trong những mối quan tâm riêng, hay độc chiếm cho mình những cách nghĩ một chiều, hấp tấp và hạn chế trong suốt một thời gian dài. Đang thiếu một nguyện vọng chính trị đích thực. Việc thực sự muốn chấm dứt nạn đói khát là điều rất cần thiết. Điều đó làm cho niềm xác tín chung về luân lý được hiện thực hóa cách dứt khoát mà tuyến đầu chính là tất cả các dân tộc và các niềm tin tôn giáo khác nhau, mà niềm xác tín ấy sẽ đặt niềm hạnh phúc của con người vào trung tâm điểm của bất cứ sáng kiến nào, và hệ tại ở chỗ, „thực hiện cho người khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình“. Đó là một hành vi được đặt nền tảng trên tình liên đới giữa tất cả các quốc gia, cũng như dựa vào những biện pháp mà chúng diễn tả quan điểm của quần chúng.
6.Trong việc chấm dứt nạn đói kém, việc vượt qua những lời nói để đi tới hành động không chỉ thôi thúc những quyết định chính trị cũng như những kế hoạch linh động. Việc thắng vượt những cách thức hành động có khả năng gây phản cảm nhằm tạo chỗ cho một viễn kiến tích cực, là điều hết sức quan trọng. Trong trường hợp tốt nhất, một sự tiếp cận hời hợt và qua loa cũng chỉ có thể dẫn tới những phản ứng theo từng mục. Với cách thức ấy, chúng ta sẽ quên đi mất chiều kích cơ cấu mà nó che giấu thảm cảnh đói khát: sự bất cân bằng thái quá, sự phân phối các tài nguyên thiên nhiên cách thiếu công bằng, những hậu quả của việc biến đổi khí hậu, hay những xung đột đẫm máu không có hồi kết mà chúng bất thình lình xảy ra tại nhiều khu vực, chỉ nêu ra một số những lý do quan trọng nhất của chúng.
Chúng ta phải phát triển một cách thức hành động có tính tích cực và bền vững vượt thời gian, chúng ta phải bổ sung thêm phương tiện cho sự thúc đẩy hòa bình và phát triển các dân tộc. Chúng ta phải dập tắt tiếng gầm vang của các loại vũ khí cũng như phải chấm dứt việc buôn bán vũ khí đầy bỉ ổi, để nghe thấy giọng nói của những người đang than khóc vì thất vọng, bởi họ đang cảm thấy mình bị đẩy ra bên lề cuộc sống và sự tiến bộ.
Nếu chúng ta thực sự muốn cư dân thế giới tiếp nhận cách nghĩ đó, thì việc các xã hội dân sự có tổ chức, các phương tiện truyền thông, và các cơ sở giáo dục tập hợp sức mạnh của mình lại trong một hướng đi chính xác, là điều rất quan trọng. Từ nay tới năm 2030, chúng ta có cả một tá thời gian để triển khai những hành động tích cực và nhất quán; không phải để cho nó trôi nổi trong những vòng xoáy của những dòng tít báo chí luôn thay đổi và trốn chạy, nhưng không ngừng dũng cảm, tay trong tay, với tình liên đới, công lý và sự nhất quán để đương đầu với nạn đói kém và những nguyên nhân dẫn tới nạn đói kém đó.
7.Thưa ngài Tổng Giám Đốc, đó là một số suy tư mà tôi muốn chia sẻ với những ai không để cho mình bị chế ngự bởi sự thờ ơ lãnh đạm, nhưng lắng nghe tiếng thét gào của những người không còn có những khả năng ở mức tối thiểu để thực hiện kiếp sống với toàn bộ phẩm giá của họ. Về phía mình, từ ngày này sang ngày khác, trên toàn thế giới, trong việc thi hành sứ mạng mà Giáo hội đã được Thiên Chúa – Đấng Sáng Lập nên mình - ủy thác cho, trong những cách thức khác nhau và nhờ vào những cơ cấu muôn hình vạn trạng cũng như những hiệp hội khác nhau, Giáo hội Công giáo không ngừng đấu tranh chống lại nạn đói kém và nạn thiếu lương thực, và Giáo hội luôn nhắc nhớ rằng, những người đang lâm cảnh khốn cùng không hề khác biệt chúng ta. Họ cũng có thân xác và máu huyết giống hệt chúng ta. Họ xứng đáng có được một bàn tay đầy tình bằng hữu nào đó giơ ra để giúp họ cũng như hỗ trợ họ, để không còn bất cứ ai bị bỏ rơi nữa, và tình huynh đệ sẽ trở thành một tấm thẻ căn cước trong thế giới chúng ta, hơn là trở thành một khẩu hiệu đầy trang trọng nhưng thực ra, chẳng hề có tính nhất quán nào.
Tôi cầu xin Đấng Toàn Năng, để cách thức mà nó mở ra những con đường dẫn tới những hành động cụ thể và hiệu năng, trong sự quan tâm tới một tương lai mà ở đó con người sẽ cùng sống trong hòa bình và xây dựng, sẽ được chất đầy bởi những phúc lành của Ngài, hầu đem lại lợi ích cho chúng ta cũng như cho những thế hệ theo sau chúng ta.
Vatican ngày 16 tháng 10 năm 2018
ĐTC Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc