banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

„Vì chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/02/2019 08:22 - Người đăng bài viết: menthanhgia
„Vì chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“

„Vì chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“

Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội lần thứ 53: „Vì chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“ (Ep 4,25)

„Từ cộng đồng mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại“
 
Anh chị em thân mến:
 
Từ khi có Internet, Giáo hội đã không ngừng dấn thân để khiến nó phục vụ sự gặp gỡ giữa những con người, cũng như đặt nó vào trong sự phục vụ tình liên đới đại đồng. Với Sứ Điệp này, tôi muốn một lần nữa mời gọi quý vị hãy suy tư về nền tảng căn bản và tầm quan trọng của việc lưu lại trong các mối tương quan của chúng ta, và trong tất cả những thách đố của bối cảnh giao tiếp hiện tại, tái khám phá ra niềm mong muốn của những con người không muốn lưu lại mãi trong sự cô đơn của mình.
 
Những cách nói có tính ẩn dụ: „Mạng“ và „Cộng đồng“
 
Thế giới truyền thông ngày nay hết sức hiện đại, và hiện diện khắp nơi đến độ nó không cho phép mình bị chia tách khỏi thế giới thường nhật nữa. Internet là một tài nguyên của thời đại chúng ta. Nó là nguồn mạch của sự hiểu biết và của các mối tương quan mà trước đây người ta không thể hình dung ra được. Nhưng khi đối diện với những thay đổi sâu sắc mà công nghệ khoa học mang lại cho lô-gích sản xuất, phân phối và sử dụng dung lượng, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những rủi ro mà chúng đang đe dọa sự tìm kiếm cũng như sự trao đổi những thông tin xác thực trên bình diện toàn cầu. Nếu như Internet thể hiện như là một khả năng phi thường trong việc tiếp cận với sự hiểu biết, thì bất luận thế nào chăng nữa, và trong một cách thức đặc biệt, nó cũng đồng thời là một nơi cho các thông tin giả tạo, và là nơi mà ở đó những sự việc và những mối tương quan giữa những con người thường xuyên tiếp nhận những đặc điểm có khả năng gây mất uy tín bị biến dạng một cách có chủ ý và có mục đích.
 
Phải nhìn nhận rằng, một mặt thì những mạng xã hội đang giúp chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn, đưa chúng ta tới gần nhau và làm cho chúng ta có thể giúp đỡ nhau, nhưng mặt khác chúng cũng tạo điều kiện để người ta sử dụng một cách đam mê những dữ liệu cá nhân hầu có được những ưu thế về mặt chính trị và kinh tế, trong khi đó, sự tôn trọng thích đáng đối với con người cũng như đối với những quyền lợi của họ thường bị đặt ra bên ngoài. Những thống kê khác nhau đã cho thấy một điều rất rõ rằng, cứ bốn người trưởng thành thì một người sẽ có việc phải làm với tình trạng bị hiếp đáp trên mạng[1].  
 
Trong sự phức tạp của viễn cảnh này, việc suy tư thêm một lần nữa về mạng mà nguyên thủy, nó chính là nền tảng của Internet, để tái khám phá ra tiềm năng tích cực của nó, có thể sẽ rất hữu ích. Hình ảnh mạng lưới mời gọi chúng ta suy tư về sự đa dạng của các tuyến kết nối cũng như của các đầu mối có khả năng bảo đảm tính ổn định mà không có trung tâm hay những cơ cấu theo hàng ngang hoặc hàng dọc. Mạng hoạt động nhờ vào sự tham gia hài hòa của tất cả mọi yếu tố.
 
Xét về khía cạnh nhân chủng học của mình, cách gọi „mạng“ nhắc người ta nhớ tới một hình ảnh khác nhưng hoàn toàn quan trọng, cụ thể đó là hình ảnh về cộng đồng xã hội. Sức mạnh của cộng đồng xã hội phụ thuộc vào chuyện nó có tính liên kết và liên đới như thế nào, cũng như phụ thuộc vào chuyện nó được ngự trị bởi cảm giác tin tưởng như thế nào, và việc nó theo đuổi những mục tiêu chung như thế nào. Xã hội với tư cách là mạng lưới của tình liên đới sẽ thôi thúc sự lắng nghe lẫn nhau cũng như một sự đối thoại mà nó đặt nền tảng trên cách hành xử đầy trách nhiệm với ngôn ngữ.
 
Vì thế, như đang được thể hiện trong hiện tại, mỗi người đều hiểu rõ rằng, cộng đồng mạng xã hội không tự động có ý nghĩa giống hệt như cộng đoàn xã hội. Trong trường hợp tốt nhất, những cộng đồng như vậy sẽ có thể thể hiện sự liên kết và tình liên đới, nhưng thường thì những cộng đồng ấy chỉ là những tập hợp của những cá nhân được hình thành nên vì những mối quan tâm hay vì những đề tài, và đối với những người ấy, nét đặc trưng của sự liên kết giữa những cá nhân là rất yếu. Ngoài ra, căn tính trong những mạng lưới xã hội thường được đặt nền tảng trên sự phân định ranh giới đối với người khác, đối với những người không thuộc về nhóm mình. Người ta tự khẳng định mình trên những gì làm cho người ta tách biệt ra chứ không phải trên những gì giúp người ta hiệp nhất lại với nhau. Vì thế, người ta tạo ra một sân chơi cho những nghi ngại và cho sự biểu lộ mọi thứ thiên kiến thuộc đủ kiểu đủ cách (chủng tộc, giới tính, tôn giáo và những thứ khác). Khuynh hướng này chính là môi trường nuôi cấy đối với những nhóm chủ trương loại trừ tính thiếu đồng nhất, và nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân mãnh liệt ngay cả trong lãnh vực kỹ thuật số, và thậm chí đôi khi còn tạo ra những vụ tuyết lở thực thụ của sự hận thù. Điều mà một cửa sổ nhìn ra thế giới nên là, sẽ trở thành một ô kính bày hàng mà trong đó người ta trưng bày hội chứng tự mê.
 
Internet chính là một cơ hội để thôi thúc sự gặp gỡ với những người khác, nhưng nó cũng có thể dẫn chúng ta càng ngày càng đi sâu hơn vào trong sự tự cách ly bản thân, và trở thành một cái bẫy giống như màng nhện. Người trẻ sẽ rất dễ bị ảo tưởng rằng, những mạng lưới xã hội sẽ có thể trao cho họ bất cứ điều gì mà họ cần trong các mối quan hệ. Sau cùng, thậm chí Internet còn có thể dẫn tới những hiện tượng nguy hiểm, đó là „những Ẩn Sĩ xã hội“ trẻ trung, cũng như có nguy cơ trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội cộng đồng. Động lực có tính thảm kịch này cho thấy một sự rạn nứt nghiêm trọng nơi những cấu trúc quan hệ của xã hội, và đó là một sự rạn nứt mà chúng ta không thể giả điếc làm ngơ.
 
Thực tế muôn hình vạn trạng và nguy hiểm này đang đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau về bản chất đạo đức, xã hội, pháp lý, chính trị và kinh tế, và cũng là một lời chất vấn dành cho Giáo hội. Trong khi các chính phủ tìm kiếm những biện pháp điều tiết thích đáng để bảo vệ viễn tượng nguyên thủy về một mạng lưới tự do, cởi mở và an toàn, thì tất cả chúng ta đều có khả năng và trách nhiệm để thúc đẩy việc sử dụng Internet cách tích cực.
 
Thật rõ ràng rằng, việc nhân rộng những mối liên kết vẫn chưa đủ để thúc đẩy một sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng trong niềm ý thức rằng, chúng ta cũng có một trách nhiệm đối với nhau trên Internet, vậy chúng ta có thể thấy được căn tính đích thực của xã hội chúng ta như thế nào?
 
„Chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“
 
Phát xuất từ cách nói có tính ẩn dụ thứ ba, một câu trả lời có thể được phác thảo bởi cách nói ẩn dụ về thân thể cũng như về các chi thể của nó, mà với sự hỗ trợ của chúng, Thánh Phao-lô đã mô tả về mối tương quan đối với nhau giữa những con người, mà mối tương quan ấy đặt nền tảng trên một cơ chế có khả năng hiệp nhất họ lại. „Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta được liên kết với nhau như là những chi thể“ (Eph 4,25). Việc được liên kết với nhau như là những chi thể chính là động cơ sâu thẳm mà với nó, Thánh Tông Đồ khuyến khích chúng ta hãy cởi bỏ sự dối trá và hãy nói sự thật: Vì sự cần thiết, nên bổn phận bảo vệ sự thật sẽ dẫn tới chuyện không được phép chối bỏ mối tương quan hiệp thông với nhau. Trong thực tế, chân lý được biểu lộ trong cộng đồng xã hội. Trái lại, sự gian dối phát sinh ở chỗ ích kỷ khước từ việc nhìn nhận tư cách của mình trong việc thuộc về một thân thể, cũng như ở chỗ khước từ việc trao hiến bản thân mình cho người khác, nhưng với việc khước từ ấy, người ta cũng sẽ đánh mất đi con đường duy nhất của việc tự khám phá bản thân.
 
Cách nói ẩn dụ về thân thể cũng như về những chi thể của nó làm cho chúng ta suy nghĩ về căn tính của mình, mà căn tính ấy đặt nền tảng trên sự hiệp thông và sự khác biệt. Với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta hiểu về tất cả chúng ta như là những chi thể của một thân thể, mà đầu của nó là Chúa Ki-tô. Điều đó giúp chúng ta nhìn người khác không phải là những đối thủ tiềm tàng, nhưng còn coi những kẻ thù của chúng ta là những tha nhân. Và rồi, không lâu sau, chúng ta phải tự thể hiện mình trên một đối thủ, vì từ viễn tượng về sự bao hàm mà chúng ta học được từ Chúa Ki-tô, chúng ta có thể tái khám phá ra sự khác biệt như là thành phần nguyên vẹn cũng như là điều kiện cho mối tương quan và sự gần gũi.
 
Khả năng hiểu biết và giao tiếp giữa những con người với nhau có nền tảng căn bản của nó trong sự hiệp thông Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không hề cô đơn, nhưng là một cộng đoàn; Ngài là Tình Yêu, và do đó, là sự hiệp thông, vì Tình Yêu luôn luôn hiệp thông, nó hiệp thông chính bản thân mình để gặp gỡ người khác. Để hiệp thông cũng như để sẻ chia với chúng ta, Thiên Chúa đã thích ứng với ngôn ngữ của chúng ta, và đặt nền móng cho một cuộc đối thoại với nhân loại trong lịch sử (xc. DV, 2). 
 
Vì chúng ta được tác tạo nên như là họa ảnh của Thiên Chúa, và là chính sự hiệp thông cũng như sự sẻ chia của Ngài, nên chúng ta luôn mang trong mình một nỗi nhớ nhung nào đó về một cuộc sống trong sự hiệp thông, cũng như nhớ tới tư cách thuộc về một sự hiệp thông trong con tim. „Bản tính của chúng ta không phải là bất cứ điều gì khác ngoài việc chúng ta sống chan hòa với nhau và cần tới nhau“ – Thánh Ba-si-li-ô đã nói như thế[2].
 
Bối cảnh hiện tại đang đòi hỏi tất cả chúng ta phải đầu tư nhiều vào trong các mối tương quan, cũng như phải củng cố những nét đặc sắc của nhân loại chúng ta trên Internet và thông qua Internet. Hơn nữa, các Ki-tô hữu chúng ta còn được kêu gọi hãy làm cho sự hiệp thông được trở nên hữu hình, mà sự hiệp thông ấy thể hiện cho thấy căn tính của chúng ta với tư cách là những tín hữu. Sau cùng, Đức Tin chính là mối tương quan và là sự gặp gỡ. Dưới tác động của Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta có thể chia sẻ, đón nhận, hiểu và tỏ thái độ trước những ân lộc của người khác.
 
Chính sự hiệp thông theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ phân định ngôi vị khỏi những cá thể. Vì niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là Ba Ngôi, sẽ dẫn tới chuyện, tôi cần tới người khác để tôi có thể trở thành chính tôi. Tôi sẽ chỉ thực sự là người, thực sự là một nhân vị nếu tôi bước vào trong mối tương quan với người khác. Thuật ngữ nhân vị biểu thị con người như là một „dung mạo“ hướng về người khác và tương tác với những người khác. Với việc vượt qua cái cá thể để đi tới một nhân vị, cuộc sống của chúng ta sẽ đạt tới được nhân tính. Con đường đích thực của mầu nhiệm Nhập Thể sẽ dẫn người ta đi từ cá nhân chủ nghĩa mà nó coi người khác như là những đối thủ, đi tới một nhân vị mà nó nhận ra người khác như là những người đồng hành.
 
Từ cái „like“ đến tiếng thưa „Amen“
 
Hình ảnh thân thể và những chi thể của nó nhắc nhớ chúng ta rằng, việc sử dụng các mạng xã hội chính là một sự bổ khuyết cho một sự gặp gỡ cụ thể, mà cuộc gặp gỡ ấy được hiện thực hóa thông qua thân hình, con tim, cặp mắt, ánh nhìn và hơi thở của người khác. Nếu mạng Internet được sử dụng để mở rộng hay được sử dụng trong sự mong chờ một cuộc gặp gỡ như thế, thì nó sẽ tương ứng với bản chất thực thụ của nó, và sẽ tiếp tục là một nguồn tài nguyên cho xã hội. Nếu một gia đình sử dụng Internet để liên kết với nhau cách khắng khít hơn, và sau đó cùng ngồi vào bàn ăn cũng như nhìn nhau bằng cặp mắt, thì nó sẽ là một nguồn tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Giáo hội phối hợp những hoạt động của mình thông qua Internet và sau đó cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể, thì nó sẽ là một nguồn tài nguyên. Nếu mạng Internet khiến một người nào đó quan tâm tới những biến cố vui mừng hay đầy khổ đau cũng như quan tâm tới những kinh nghiệm của người khác, nếu nó giúp chúng ta cùng cầu nguyện cũng như tái khám phá ra điều tốt đẹp trong những gì mà nó liên kết chúng ta, thì đó sẽ là một nguồn tài nguyên.
 
Như thế chúng ta sẽ có thể vượt qua sự chẩn đoán để đi tới sự trị liệu, bằng cách là chúng ta mở ra con đường dẫn tới sự đối thoại, dẫn tới sự gặp gỡ, dẫn tới những nụ cười, và dẫn tới những cử chỉ đầy yêu thương… Đó là mạng Internet mà chúng ta muốn có. Một mạng xã hội sẽ không được sử dụng với tư cách là những chiếc bẫy, nhưng phục vụ sự tự do và bảo vệ sự hiệp thông của những con người tự do. Bản thân Giáo hội là một mạng lưới được dệt nên bởi sự hiệp thông Thánh Thể, mà ở đó, sự hiệp nhất không căn cứ trên cái “like”, nhưng căn cứ trên sự thật, trên lời thưa “Amen”, mà với nó, bất cứ ai cũng đều có thể diễn tả tư cách của mình trong việc thuộc về thân mình Chúa Ki-tô và đón nhận người khác.
 
Từ Vatican ngày 24 tháng Giêng năm 2019
Nhân ngày Lễ Kính Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô
 
ĐTC Phan-xi-cô
 
[1] Để ngăn chặn hiện tượng này, một đài quan sát quốc tế nhằm theo dõi sự hiếp đáp trên mạng, với trụ sở tại Vatican, đã được thiết lập.
 
[2] xc. Những Quy Tắc cặn kẽ (Regulae fusius tractatae), III, 1; xc. ĐTC Bê-nê-đíc-tô  XVI, Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Tế về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội lần thứ 43 (năm 2009).
 
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết