banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÔNG THƯ PADRIS CORDE

Đăng lúc: Thứ hai - 21/12/2020 21:39 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÔNG THƯ PADRIS CORDE

TÔNG THƯ PADRIS CORDE

Tông thư Padris Corde: từ số 1 đến 4
 
Tông thư PATRIS CORDE(Với Tấm Lòng Người Cha)
của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Nhân dịp Kỷ niệm 150 năm công bố
Thánh Giu-se là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ


(Từ số 1 đến 4)


VỚI TẤM LÒNG NGƯỜI CHA: Thánh Giu-se đã yêu mến Đức Giê-su, Đấng mà cả bốn sách Tin Mừng đều gọi là “con ông Giu-se” [1].

Hai Thánh sử Mát-thêu và Lu-ca trình bày về thánh Giu-se, dù cho chúng ta biết rất ít về ngài, nhưng cũng đủ để ta ngưỡng mộ ngài là người cha thế nào, và sứ mệnh được Chúa quan phòng giao phó cho ngài ra sao.

Chúng ta biết rằng thánh Giu-se là người thợ mộc tầm thường (x. Mt 13, 55), đã đính hôn với Đức Ma-ri-a (x. Mt 1, 18; Lc 1, 27). Ngài là “người công chính” (Mt 1, 19), luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Chúa như đã mạc khải cho ngài trong Lề Luật (x. Lc 2, 22.27.39) và qua bốn giấc mộng (x. Mt 1, 20; 2, 13.19.22). Sau chuyến hành trình dài mỏi mệt từ làng Na-za-rét đến vùng Bê-lem, ngài được nhìn thấy Đấng Cứu Thế sinh ra trong hang đá bò lừa, vì “không còn chỗ cho họ” nữa (x. Lc 2, 7). Ngài đã chứng kiến các mục đồng cung kính bái thờ (x. Lc 2, 8-20) và những nhà Đạo sĩ (x. Mt 2, 1-12), họ lần lượt tượng trưng cho dân tộc Is-ra-el cũng như dân ngoại khắp nơi.

Thánh Giu-se đã can đảm trở thành người cha hợp pháp của Đức Giê-su, Đấng mà ngài đặt tên như lời sứ thần truyền: “Ông hãy đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). Chúng ta được biết, đối với các dân tộc cổ xưa, khi đặt tên cho một người hoặc vật gì như A-đam đã làm trong trình thuật Sách Sáng thế (x. 2, 19-20) là lúc thiết lập mối liên hệ.

Trong Đền thờ, bốn mươi ngày sau khi Đức Giê-su chào đời, Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã dâng con mình cho Thiên Chúa, cũng như kinh ngạc lắng nghe lời tiên tri của cụ Si-mê-on về Đức Giê-su cùng Mẹ Người (x. Lc 2, 22-35). Để bảo vệ Đức Giê-su khỏi tay vua Hê-rô-đê, Thánh Giu-se đã trú ngụ tại Ai Cập như một khách ngoại kiều (x. Mt 2, 13-18). Sau khi trở về quê hương, ngài sống ẩn dật trong ngôi làng Na-za-rét nhỏ bé và ít người biết đến ở miền Ga-li-lê-a, cách xa Bê-lem, nguyên quán tổ tiên ngài, cũng như cách thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ. Về Na-za-rét, người ta nói: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ đây cả” (x. Ga 7, 52) và quả thật, “từ Na-za-rét, làm sao có cái gì hay được?” (x. Ga 1, 46). Trong cuộc hành hương lên Giê-ru-sa-lem, Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã lạc mất con trẻ mười hai tuổi Giê-su, các ngài bồn chồn đi tìm và gặp Người trong Đền thờ, đang ngồi tranh luận với những nhà thông Luật (x. Lc 2, 41 -50).

Sau Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, không một vị thánh nào được nhắc đến thường xuyên trong huấn quyền Giáo hoàng ngoài Thánh Cả Giu-se, bạn trăm năm Đức Mẹ. Các vị Tiền nhiệm của tôi đã suy gẫm về thông điệp được chứa đựng trong tín liệu hạn chế mà những sách Tin Mừng truyền lại, nhằm đánh giá đầy đủ hơn vai trò trung tâm của ngài trong lịch sử cứu độ. Chân phước Giáo hoàng Pi-ô IX đã công bố ngài là “Thánh Bổn mạng của Giáo hội Công giáo” [2], Bậc Đáng kính Giáo hoàng Pi-ô XII đề xuất ngài là "Quan thầy người lao động” [3] và Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn vinh ngài là “Đấng bảo vệ Chúa Cứu thế” [4]. Thánh Giu-se được mọi người cầu khấn như “đấng bảo trợ cho ơn chết lành” [5].

Một trăm năm mươi năm sau khi Chân phước Giáo hoàng Pi-ô IX tuyên bố Thánh Cả Giu-se là Bổn mạng Giáo hội Công giáo (ngày 8 tháng 12 năm 1870), nay tôi muốn chia sẻ một vài suy gẫm cá nhân về nhân vật phi thường này, ngài rất đỗi gần gũi với cảm nghiệm con người chúng ta. Như Đức Giê-su đã nói, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34). Tôi ước muốn gia tăng chia sẻ trong giai đoạn đại dịch, giữa lúc cuộc khủng hoảng này, chúng ta cảm nhận thế nào về “cuộc sống của mình được đan xen và duy trì nhờ những người thật bình dị, những người thường không được chú ý tới. Họ chẳng xuất hiện trên các tiêu đề báo chí và tạp chí, hoặc trên chương trình truyền hình mới nhất, nhưng trong những ngày này chắc chắn họ đang định hình các sự kiện quyết định của lịch sử chúng ta. Họ là bác sĩ, y tá, thủ kho và nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, điều dưỡng viên, công nhân vận chuyển, hết thảy đàn ông và phụ nữ đang ra sức làm việc để cung cấp những dịch vụ thiết yếu và an toàn công cộng, các thiện nguyện viên, linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng như rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng chẳng ai được cứu một mình cả…Biết bao nhiêu người hằng ngày sống kiên nhẫn và mang lại hy vọng, quan tâm loan truyền trách nhiệm chung, chứ không gieo rắc nỗi sợ hãi. Biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ bảo con cái chúng ta qua những cách thức nhỏ bé mỗi ngày biết chấp nhận và đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, hướng nhìn về phía trước, cũng như khuyến khích thực hành đời sống cầu nguyện. Biết bao nhiêu người đang nguyện cầu, hy sinh và khẩn nài thay cho thiện ích của mọi người” [6]. Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá nơi Thánh Giu-se – người chẳng ai lưu tâm, nhưng hiện diện dung dị thường ngày, ẩn dật và kín kẽ – là đấng bầu cử, nâng đỡ và dìu dắt ta khi gặp chông gai. Thánh nhân nhắc nhở chúng ta rằng những người dường như bí ẩn hoặc sống trong bóng tối có thể giữ một vai trò vô song trong lịch sử cứu độ. Với họ hết thảy, ta phải có lời công nhận và tri ân.

 
ĐỌC TIẾP

(còn tiếp)

Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết