XIN CHO NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN

XIN CHO NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung, thư tư ngày 06. 03. 2019 tại quang trường Thánh Phêrô

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Khi chúng ta cầu nguyện với kinh “Lạy Cha”, lời khẩn cầu thứ hai hướng chúng ta lên Thiên Chúa: “Xin cho Nước Cha trị đến” (Mt 6, 10). Sau khi chúng ta cầu xin cho Danh Chúa được cả sáng, người tín hữu bày tỏ khao khát cho Nước Chúa mau đến. Khao khát này được vọt ra từ chính trái tim Chúa Giêsu, Ngài đã bắt đầu bài giảng tại Galile và công bố rằng: “Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Những lời này hoàn toàn không phải là những lời đe dọa, trái lại là một công bố tin vui, sứ điệp của niềm vui. Chúa Giêsu không muốn thúc giục con người hoán cải bằng gieo rắc sự sợ hãi của một bản án đầy hăm dọa của Thiên Chúa hoặc mặc cảm tội lỗi bởi sự mời mọc tồi tệ. Chúa Giêsu không làm một sự kêu gọi gia nhập: loan báo một cách đơn giản. Trái lại, điều mà Ngài mang đến là Tin Tốt Lành của ơn cứu độ và khởi đi từ đó Ngài mời gọi hoán cải. Mỗi người được mời gọi tin vào Tin Mừng: Thiên Chúa gần gũi với con cái của Ngài. Đây là Tin Mừng: Thiên Chúa gần gũi con cái của Ngài. Chúa Giêsu công bố một điều kỳ diệu, một ân sủng: Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, Ngài gần gũi chúng ta và dạy chúng ta đi trên con đường thánh thiện.

Dấu chỉ của việc Nước Thiên Chúa đến rất đa dạng và tất cả đều tích cực. Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của Ngài, chăm sóc người đau yếu cả tinh thần và thể lý, những người bị loại trừ ra khỏi xã hội, ví dụ như những người phong cùi; những người tội lỗi bị người khác khinh chê, ngay cả những người tội lỗi nhất mà làm ra vẻ công chính. Những người này Chúa gọi họ là gì? “Giả hình”. Chúa Giêsu cũng chỉ ra những dấu hiệu: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được công bố Tin Mừng” (Mt 11, 5).

“Xin cho Nước Cha trị đến” các kitô hữu lặp lại lời này với sự nài nỉ khi đọc kinh “Lạy Cha”. Chúa Giêsu đã đến nhưng thế giới còn mang dấu tội lỗi, dấu ấn của một thế giới với nhiều người đau khổ, những người không hòa giải và tha thứ, chiến tranh và nhiều hình thức bóc lột khác, chúng ta nghĩ đến cách đối xử tồi tệ với trẻ em chẳng hạn. Tất cả những sự việc đó là thử thách mà chiến thắng của Đức Kitô còn chưa hoàn tất: còn nhiều người nam nữ còn sống trong sự khép kín của trái tim. Trên hết là trong những bối cảnh mà người kitô hữu mấp máy trên môi lời cầu thứ hai của kinh “Lạy Cha”: “Xin cho Nước Cha trị đến”. Như nói rằng: “Thưa Cha, chúng con cần đến Cha!; Lạy Chúa Giêsu, chúng con cần đến Ngài, khắp nơi và mãi mãi Ngài là Chúa ở giữa chúng con!”. “Xin cho Nước Cha trị đến, xin Ngài ở giữa chúng con”.

Nhiều khi chúng ta tự hỏi: lẽ nào Nước Thiên Chúa đến thật chập chạm như thế? Chúa Giêsu thích nói về vinh thắng của Ngài với ngôn từ của các dụ ngôn. Ví dụ như, Ngài nói về Nước Thiên Chúa giống như một cánh đồng, nơi đó cả lúa mì và cỏ lùng đều mọc lên, một sai lầm tồi tệ là muốn can thiệp ngay tức khắc nhổ bật khỏi thế giới một thứ trông như loại cỏ phá hoại. Thiên Chúa không giống chúng ta, Thiên Chúa rất kiên nhẫn. Không phải với bạo lực Ngài xây dựng Vương Quốc trên thế giới này: phong cách của Ngài là ôn hòa (x. Mt 13, 24 – 30).

Nước Thiên Chúa chắc chắn là một sức mạnh lớn lao, lớn nhất trên thế giới, nhưng không theo những tiêu chí của thế giới; bởi đó không bao giờ có số đông tuyệt đối. Nước Thiên Chúa như nấm men người ta trộn vào đấu bột: nhìn bề ngoài thì chúng biến mất, tuy nhiên chính nó làm dậy cả khối bột (x. Mt 13, 33). Cũng vậy như hạt của cây mù tạt, nhỏ đến thế, hầu như không thấy được, nhưng mang trong chính nó sức mạnh tự nhiên và một khi đã lớn thì trở nên cây lớn nhất các loại cây trong vườn (x. Mt 13, 31 – 32).

Trong “định mệnh” này của Nước Thiên Chúa, người ta có thể trực giác được tình tiết cuộc đời của Chúa Giêsu: Ngài cũng là một dấu chỉ nhỏ bé đối với những người đương thời, một sự kiện hầu như không được nhận thức bởi những thầy tư tế của đền thời. “Hạt lúa mì” Ngài đã tự nhìn nhận mình như thế, Hạt Lúa ấy chết trong lòng đất nhưng trổ sinh “nhiều hoa trái” (Ga 12, 24). Biểu tượng hạt giống thật hùng hồn: một ngày người nông dân nhận chìm nó vào trong đất (một cử chỉ dường như mai táng) và sau đó “ngủ và thức dậy, hạt giống nẩy mầm và lớn lên. Như thế nào người nông dân không biết (Mc 4, 27). Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, Thiên Chúa luôn gây ngạc nhiên. Cám ơn Chúa sau đêm tối của thứ Sáu Thánh là bình minh của Phục Sinh có khả năng chiếu sáng niềm hy vọng trên toàn thế giới.

“Xin cho Nước Cha trị đến”. Chúng ta hãy gieo lời này vào giữa những tội lỗi và những mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta tặng lời này cho những ai thất bại và bị đè bẹp bởi cuộc sống, cho những ai đang cảm nếm sự thù ghét hơn là tình yêu, cho những ai nhìn thấy những ngày sống vô ích không bao giờ hiểu tại sao. Chúng ta trao tặng lời này cho những ai đang đấu tranh cho công bình, cho tất cả các vị tử đạo của lịch sử, cho những ai đã kết thúc đấu tranh mà chẳng được gì và thế giới dường như luôn bị thống trị bởi sự dữ. Chúng ta sẽ nghe lời kinh “Lạy Cha” trả lời. Hãy lặp lại những lời hy vọng ấy “n” lần, chính những lời Thánh Thần đã đặt dấu ấn trong cả Kinh Thánh: “Vâng, điều đó đến”: đây là câu trả lời của Thiên Chúa. “Sẽ đến chẳng còn lâu nữa đâu”. Amen. Và Giáo Hội Chúa trả lời: “Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến sớm thôi”. Và Chúa Giêsu đến mọi ngày với cách của Ngài. Chúng ta tín thác vào điều này. Và khi chúng ta cầu nguyện với kinh Lạy Cha, chúng ta luôn đọc rằng: “Xin cho Nước Cha trị đến” để nghe trong trái tim: vâng sẽ đến sớm thôi. Xin cám ơn!
 
Vatican, ngày 06 tháng 03 năm 2019
     Đức Thánh Cha Phanxico

 

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va