banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

Đăng lúc: Thứ hai - 28/09/2020 20:06 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Is 5: 1-7; Pl 4: 6-9; Mt 21: 33-43

Từ Bài Đọc I đến Tin Mừng cách nhau khoảng tám trăm năm, nhưng cả hai đối đáp với nhau qua dụ ngôn vườn nho với cung điệu bi thương.

Is 5: 1-7
Trong bài thi ca trữ tình theo thể hát đối, ngôn sứ I-sai-a ca ngợi vườn nho được người chủ hết lòng chăm sóc, nhưng vườn nho lại sinh trái nho dại ngược với lòng mong ước của ông. Lúc đó, lời oán trách của vị ngôn sứ vang lên: vườn nho vô ơn bạc nghĩa, “chính là dân Ít-ra-en”.

Pl 4: 6-9
Những lời thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê thì ngược lại, đây là sứ điệp tràn ngập bình an, chan chứa tin tưởng và đầy nhân ái.

Mt 21: 33-43
Tin Mừng là dụ ngôn “các tá điền gian ác”: sau khi bách hại các tôi tớ của ông chủ vườn nho, chúng giết cả người con một của ông để mong chiếm đoạt vườn nho.

BÀI ĐỌC I (Is 5: 1-7)
Bài thi ca của ngôn sứ I-sai-a rất nổi tiếng mô tả dân Ít-ra-en là vườn nho của Đức Chúa. Trước đây, hình ảnh dân Ít-ra-en là vườn nho của Chúa được ngôn sứ Hô-sê phác họa vài nét đơn sơ, nay được ngôn sứ I-sai-a lấy lại với một nguồn thi hứng phong phú. Vì thế, hình ảnh nầy được lập lại nhiều lần trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 32: 32), Thánh vịnh (Tv 80), bởi ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 2: 21; 5: 10; 6: 9; 12: 10), ngôn sứ Êdê-ki-en (Ed 15: 1-8; 19: 10-14), vân vân. Dụ ngôn vườn nho của Đức Giê-su (Mt 21: 33-41) rõ ràng quy chiếu đến bài thi ca của I-sai-a.

1. Ngữ cảnh:
Khoa chú giải có thể định vị niên biểu của bài thi ca vườn nho nầy vào khoảng năm 737 trước Công Nguyên, nghĩa là vào giai đoạn đầu sứ vụ của ngôn sứ I-sai-a ở Giê-ru-sa-lem trước khi thành thánh bị vương quốc Sy-ri liên minh với vương quốc phương Bắc vây hãm.

Trước đó, ngôn sứ I-sai-a đã lên án tội thờ ngẫu tượng của vương quốc phương Bắc, vương quốc Ít-ra-en, mà thủ đô là Sa-ma-ri. Khi hướng nhìn về vương quốc phương Nam, vương quốc Giu-đa, mà thủ đô là Giê-ru-sa-lem, ngôn sứ I-sai-a thất vọng theo cách khác: bất công, áp bức những kẻ nghèo hèn cô thế, bạo lực, máu và nước mắt, giả nhân giả nghĩa, vân vân. Bài thi ca vườn nho của ông là một lời cảnh báo.

Chúng ta có thể hình dung vị ngôn sứ ngâm hay hát bài thi ca của ông trên hành lang đền thờ vào dịp lễ hội thu hoạch nho (sau nầy được gọi lễ Lều). Lễ hội nầy kéo dài một tuần lễ. Vào ngày khai mạc và ngày kết thúc, các nghi lễ diễn ra trong khuôn viên đền thánh. Dù thế nào, Pa-lét-tin là miền đất trồng nho, vì thế, bài thi ca của ngôn sứ I-sai-a gây tác động mạnh độ nhạy cảm của một dân trồng nho.

2. Cấu trúc:
Bài thi ca được xây dựng theo hình thức một bài thi ca trữ tình, nhưng tình phụ bạc. Thiên Chúa là hôn phu và là người trồng nho, còn Ít-ra-en là hôn thê và là cây nho hoặc vườn nho. Trong bài thi ca nầy, hai hình ảnh “người trồng nho và cây nho”“hôn phu và hôn thê” được lồng vào nhau một cách mật thiết. Sự ân cần chăm sóc của người chồng được đền đáp bởi sự bất trung của người vợ. Người chồng bị tình phụ xin đám đông phân xử. Như trong các bài thi ca trữ tình, bài thi ca nầy được sáng tác theo thể hát đối.

Trước hết, vị ngôn sứ, đại diện bạn mình là người trồng nho, cất tiếng hát (5: 1-2). Đoạn, đến phiên mình, người chủ vườn nho thổ lộ nỗi niềm tâm sự và bừng bừng nổi giận (5: 3-6). Sau cùng, vị ngôn sứ tiếp lời (5: 7), chính lúc đó mặc khải gây choáng váng: ông chủ vườn nho không ai khác chính là Đức Chúa; vườn nho không sinh trái tốt chính là Ít-ra-en, dân bất trung sẽ bị trừng phạt vì phụ tình bạc nghĩa của nó.

3. Bạn của người chủ vườn nho (5: 1-2):
Vị ngôn sứ tự xưng mình là “bạn của người chủ vườn nho”, chắc chắn tước hiệu nầy được gợi hứng bởi “bạn của chàng rể” trong những bài tình ca được hát trong đám cưới (tước hiệu này thánh Gioan Tẩy Giả sẽ áp dụng cho mình). Bài thi ca mô tả người chồng hết mực trìu mến chăm lo cho người vợ của mình như ông chủ vườn nho ân cần chăm sóc vườn nho của mình, rào giậu chung quanh, trồng giống nho tốt “trên sườn đồi màu mỡ”.

Đức Giê-su sẽ trích dẫn đúng nguyên văn vài chi tiết của bài thơ trong dụ ngôn của mình về “bọn tá điền sát nhân”: “Có một gia chủ kia trồng được vườn nho; chung quanh vườn, ông rào dậu; ông khoét bồn đạp nho, và xây một vọng gác” (Mt 21: 33). Một vọng gác được xât trong vườn nho nói lên tấm lòng ân cần chăm sóc hết mức của người chủ đối với vườn nho của mình: canh giữ ngày lẫn đêm, trông chừng những tên hái trộm, những con thú phá hoại … Than ôi, cho dù được ông chủ vườn nho ân cần săn sóc đến như thế, vườn nho chỉ sinh trái nho dại!

4. Người chủ vườn nho (5: 3-6):
Đến phiên mình, người chủ vườn nho thổ lộ tâm can của mình. Ông xin toàn thể dân chúng làm chứng cho những công sức đổ ra vô ích của mình:
Vậy bây giờ,
dân Giê-ru-sa-lem, và người Giu-đa hỡi,
xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho” (5: 3).
Dụ ngôn trở nên rõ nét hơn. Theo hình ảnh nầy, độc giả nhận ra ông chủ vườn nho thật sự là ai. Vườn nho vô ơn bạc nghĩa sẽ đón nhận sự trừng phạt đích đáng:
“Tôi biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu,
không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm;
sẽ truyền lệnh cho mây, đừng để mưa tưới xuống” (5: 6).
Đây là lối nói ngoa dụ, nhưng cũng để cho thoáng thấy một ông chủ vườn nho quyền năng.

5. Ngôn sứ (5: 7):
Vị ngôn sứ lại cất tiếng hát. Mặc khải của ông được chuẩn bị khéo léo. Dân chúng tự kết án mình vì họ không còn cách nào ngoài thú nhận mình là vườn nho được vun trồng chăm sóc hết mực nhưng chỉ sinh những trái nho dại.

Phương pháp tâm lý nầy nhắc nhớ phương pháp mà ngôn sứ Na-than áp dụng cho vua Đa-vít, khi vua cướp đoạt vợ của tướng U-ri. Na-than xây dựng một dụ ngôn kể về người giàu cướp đoạt con chiên độc nhất của người nghèo. “Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy”. Na-than nói với vua: “Kẻ đó chính là Ngài” (2Sm 12: 1-7). Dụ ngôn của ngôn sứ I-sai-a cũng theo một cách như vậy:

“Vườn nho của Đức Chúa, các đạo binh,
chính là nhà Ít-ra-en đó;
cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,
ấy chính là người xứ Giu-đa” (5: 7).

BÀI ĐỌC II (Pl 4: 6-9)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê. Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh nhân đề nghị một khuôn mẫu sống theo đó di sản Do thái giáo, mặc khải Ki-tô giáo và lý tưởng Hy-lạp hòa hợp với nhau.

1. Di sản Do thái giáo:
“Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”. Nét đặc trưng của lời cầu nguyện Do thái giáo là lập đi lập lại những lời ngợi ca cảm tạ tri ân: “Ngợi khen Thiên Chúa…Chúc tụng Thiên Chúa…”, theo đó các tín đồ khẩn khoản nài xin Thiên Chúa luôn rủ lòng thương. Mặt khác, lời ngợi ca được xen kẻ với những lời thỉnh nguyện. Các Thánh Vịnh minh chứng rất rõ nét điều nầy. Thánh Phao-lô, trung thành với truyền thống nầy, dễ dàng thích ứng truyền thống nầy vào trong lời cầu nguyện Ki-tô giáo và khuyên bảo các tín hữu Phi-líp-phê thực hành như thế.

2. Mặc Khải Ki-tô giáo:
“Bình an của Thiên Chúa, là bình an không ai hiểu thấu, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô”: Chúc bình an cũng thuộc vào truyền thống Do thái giáo. Ở đây, không chỉ cầu xin “bình an”, nhưng còn những ơn khác nữa. Theo gương Đức Giê-su, thánh Phao-lô đem đến cho chữ “bình an” một chiều kích mới. Đối với thánh nhân, bình an của Thiên Chúa, chính là bình an mà hy tế của Đức Giê-su đã mang lại cho chúng ta. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã hòa giải muôn loài muôn vật với mình. Nhờ Thánh Thần của Ngài, Ngài toả rạng bình an giữa các Ki-tô hữu với nhau và giữa các Ki-tô hữu với muôn dân. Bình an là một khía cạnh của cuộc sống đời đời, được khởi sự từ dưới thế nầy.

3. Lý tưởng Hy lạp:
Thánh Phao-lô ngỏ lời với những người Ki-tô hữu chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Thánh nhân bảo họ đừng từ bỏ, nhưng hãy thấm nhập vào trong con người họ những đức hạnh mà truyền thống cha ông của họ đã dạy: “Những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”.

Như vậy, thánh Phao-lô đã không dửng dưng trước lý tưởng luân lý của truyền thống văn hóa Hy lạp. Ki-tô giáo không nhằm loại bỏ “những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt”. Thánh nhân đã hình thành nên “học thuyết nhân bản Ki-tô giáo”. Nhưng học thuyết nầy để thực sự là Ki-tô giáo phải dựa vào lời dạy tông đồ để không có bất kỳ kiếm khuyết nào và sai lệch nào: “Những gì anh em đã học hỏi, đã hấp thụ, đã nghe, đã thấy nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành”.

TIN MỪNG (Mt 21: 33-43)
Tiếp theo dụ ngôn “hai người con” mà chúng ta đã đọc vào Chúa Nhật vừa qua, thánh Mát-thêu tiếp tục kể dụ ngôn “những tá điền gian ác” trong cùng một chiều hướng và cùng nhắm đến một đối tượng: “Các thượng tế và các kỳ mục”.

1. Dụ ngôn:
Đức Giê-su mượn ở nơi bài thi ca của ngôn sứ I-sai-a hình ảnh về một gia chủ “trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; ông khoét một bồn đạp nho, và xây một vọng gác”, nhưng lại triển khai theo một chiều hướng khác với I-sai-a. Trong sấm ngôn của I-sai-a, đối tượng được nhắm đến là vườn nho. Dù được chăm sóc chu đáo, nhưng vườn nho lại sinh những trái nho dại, vì thế, bị bỏ rơi thành hoang phế. Trái lại, trong dụ ngôn, đối tượng được nêu bật là thái độ gian ác của bọn tá điền.

Ông chủ vườn nho “trẩy đi xa” và để vườn nho cho bọn tá điền thuê. Đến mùa thu hoạch, chủ vườn nho sai gia nhân của mình đến thu hoạch huê lợi. Các tá điền không chỉ không giao nộp huê lợi như đã giao ước, trái lại “chúng đánh người nầy, giết người kia, ném đá người nọ”.

Vẫn một mực nhẫn nại, ông chủ vườn nho cố thử thêm một lần nữa: “sai một số đầy tớ khác đông hơn trước; nhưng bọn tá điền vẫn cư xử với họ y như vậy”. Cuối cùng, ông quyết định liều sai đứa con trai một của mình: “Thế là chúng bắt lấy cậu, lôi ra ngoài vườn nho và giết chết cậu”.

2. Ý nghĩa của dụ ngôn đối với lịch sử cứu độ:
Dụ ngôn nầy diễn tả một cách ngắn gọn cả một lịch sử cứu độ dài, một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Vườn nho của Thiên Chúa chính là dân Ít-ra-en. Ngài đã trao cơ nghiệp của Ngài cho các giai cấp lãnh đạo Do thái để họ vun xới và làm trổ sinh hoa trái. Biết bao lần, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ phải trung thành tuân giữ giao ước, nhưng họ đã ngược đãi, bách hại và giết chết các ngài. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai lần lượt các ngôn sứ nầy đến các ngôn sứ khác, nhưng họ không hề thay đổi, vẫn cư xử các ngài theo cùng một cách như thế. Nhưng sự nhẫn nại của Thiên Chúa vẫn không hề vơi, cuối cùng Ngài sai chính con một của Ngài với hy vọng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng lòng gian ác của họ đã đạt đến cực điểm. Họ đã tra tay bắt lấy người Con Một của Ngài và lôi ra ngoài thành thánh Giê-ru-sa-lem mà giết đi để mong chiếm đoạt gia sản của Ngài.

Qua dụ ngôn nầy, Đức Giê-su quy trách nhiệm cho giai cấp lãnh đạo Do thái còn cứng rắn hơn dụ ngôn “hai con trai” trước đó. Đồng thời, Ngài cũng kín đáo và thống thiết muốn cho họ hiểu rằng Ngài là Con Một Thiên Chúa và sắp bị giết chết bởi sự gian ác của họ.

3. Ý nghĩa dụ ngôn đối với Giáo Hội.
Như vị ngôn sứ trong bài thi ca vườn nho, Đức Giê-su xin thính giả của Ngài, tức giai cấp lãnh đạo Do thái, phân xử. Những người nầy phẩn nộ trước cách hành xử gian ác của bọn tá điền, không ngờ chính họ lại tự kết án mình. Và như dụ ngôn “hai người con” trước đây, ở đoạn cuối, ý nghĩa của dụ ngôn được Chúa Giê-su giải thích rõ ràng.

Đức Giê-su trích dẫn Tv 118: ‘Viên đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ấy là Chúa đã làm nên như vậy, trước mắt chúng ta, thật lạ lùng”. Thánh Vịnh nầy ca ngợi cuộc chấn hưng của dân Ít-ra-en trong tương lai và được giải thích như Thánh Vịnh thiên sai. Giáo Hội tiên khởi đã thấy ở nơi Thánh Vịnh này lời loan báo về sự Phục Sinh của Đức Ki-tô (x. Cv 4: 11 và 1Pr 2: 7).

Con Thiên Chúa can thiệp và bị giết chết, xem ra là một sự thất bại rõ ràng. Nhưng nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người Con nầy, một dân mới chào đời, dân mới này được biểu thị không còn bởi hình ảnh vườn nho nhưng tòa nhà. Toà nhà nầy, Đức Giê-su sẽ là viên đá góc tường hay viên đá chóp đỉnh, sẽ được xây dựng trên nền móng vững chắc: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt. 16: 18).

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc