banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Đăng lúc: Thứ hai - 04/11/2019 19:48 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: 2Mcb 7: 1-2, 9-14; 2Tx 2: 16-3: 5; Lc 20: 27-38

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm C thắp sáng một trong những vấn đề căn bản nhất của đức tin chúng ta: “Kẻ chết sống lại”.

2Mcb 7: 1-2, 9-14
Sách Ma-ca-bê quyển hai thuật lại cuộc tử đạo anh dũng của bà mẹ và bảy người con. Họ chấp nhận hy sinh sự sống đời này, vì họ tin chắc rằng Chúa sẽ cho họ được sống lại muôn đời.

2Tx 2: 16-3: 5
Thánh Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để họ gặp thấy ở nơi Chúa Giê-su niềm an ủi bất diệt và niềm tin vững mạnh trong những thử thách. 

Lc 20: 27-38
Tin Mừng của thánh Lu-ca thuật lại cuộc tranh luận của Chúa Giê-su với nhóm Xa-đốc về vấn đề kẻ chết sống lại.

BÀI ĐỌC I (2Mcb 7: 1-2, 9-14)
Sách Ma-ca-bê quyển hai được viết bằng Hy-ngữ quãng năm 124 tCn. Sách này không kể những biến cố lịch sử tiếp theo sau sách Ma-ca-bê quyển một, nhưng đúng hơn trong lời tựa của mình, tác giả cho biết ông chỉ “thu gom lại” thành một cuốn duy nhất từ một tập sách gồm năm cuốn sách do công trình biên soạn của ông Gia-xon người Ky-rê-nê nào đó (x. 2: 23). Nhân vật này chúng ta không biết chút gì về ông ngoài việc ông là một kiều Do thái mộ đạo chịu ảnh hưởng Hy-lạp và có thể ông viết ở A-lê-xan-ri-a Ai-cập.

Sách Ma-ca-bê quyển hai đưa ra những cái nhìn rất sâu sắc về lòng tin của dân Ít-ra-en vào thời kỳ vua Hy-lạp là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê chủ trương hy lạp hóa toàn thể đế quốc của ông bằng cách tiêu diệt niềm tin của dân Do thái. Đoạn trích hôm nay thuật lại một phần cuộc tử đạo anh dũng của người mẹ và bảy người con. Cuộc bách hại khủng khiếp này nêu bật niềm tin vào cuộc phục sinh thân xác của người công chính và cuộc tạo dựng từ hư không.

1. Cuộc phục sinh thân xác của người công chính:
Sách Đa-ni-en đã khai mở rồi: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12: 2). Sách Ma-ca-bê quyển hai tái khẳng định cách mạnh mẽ cuộc sống sau khi chết liên quan đến những người bị bách hại và “phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong cuộc đời đạo hạnh” (2Mcb 12: 45). Câu chuyện về cuộc tử đạo của bảy anh em và bà mẹ của họ tỏa ánh hào quang rực rỡ của niềm hy vọng này (2Mcb 7: 9, 11, 14, 23, 29, 36). Đối với những kẻ bách hại và quân vô đạo, họ “sẽ không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa toàn năng, là Đấng thấu suốt mọi sự” (2Mcb 7: 35).

2. Cuộc tạo dựng từ hư không (ex nihilo):
Lời của bà mẹ khuyên đứa con út của mình trong cảnh bị tra tấn vì đạo: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2Mcb 7: 28). Đây là lời khẳng định mạnh mẽ nhất và dứt khoát nhất về cuộc tạo dựng từ hư không.

BÀI ĐỌC II (2Tx 2: 16-3: 5)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong đoạn trích hôm nay, thánh Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để họ được gặp thấy ở nơi Chúa Giê-su niềm an ủi bất diệt và niềm tin vững mạnh trong mọi thử thách.

1. Niềm an ủi bất diệt (2: 16-17)
Thánh Phao-lô đã cố làm yên lòng các tín hữu Thê-xa-lô-nica bằng giáo huấn rõ ràng của mình. Tuy nhiên, thánh nhân nhận ra rằng giáo huấn vẫn chưa đủ. Thánh nhân cầu nguyện để họ gặp thấy niềm an ủi ở nơi Chúa Giê-su Ki-tô mà họ đã tín thác cuộc đời của họ vào Ngài, và ở nơi Thiên Chúa là Cha của họ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho họ niềm an ủi “bất diệt”, nghĩa là niềm an ủi không thuộc vào thế giới này nhưng vào vương quốc Thiên Chúa, vì thế, niềm an ủi này được chính Thiên Chúa bảo đảm.

2. Niềm tin vững mạnh trong mọi thử thách (3: 1-5):
Ở đây chúng ta thoáng thấy tấm lòng của một nhà truyền giáo không biết mệt mõi, mong ước phổ biến Tin Mừng để mọi người thấy được tình yêu của Thiên Chúa tuyệt diệu đến mức độ nào. Buồn thay, không phải mọi người đều tin, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín. Thánh Phao-lô tin tưởng rằng Ngài sẽ làm cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thêm vững mạnh trong những thử thách mà họ đang phải gánh chịu.

Khi “truyền lệnh” cho họ (3: 4), thánh Phao-lô nhấn mạnh giáo huấn của thánh nhân xuất phát từ Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đấng đã ủy quyền cho thánh nhân giảng dạy cho họ (x. 1Tx 2: 13; 4: 2, 11; cũng 2Tx 3: 6, 10, 12).

Kiểu nói: “biết yêu mến Thiên Chúa” (3: 5) bao gồm cả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, lẫn tình yêu họ dành cho Thiên Chúa, tương tự với kiểu nói: “biết chịu đựng như Đức Ki-tô”. Thánh nhân đang quy chiếu đến cả sự chịu đựng của Đức Giê-su giữa những đau khổ và thử thách, lẫn đến sự dự phần vào đức hạnh mà Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ Ngài.

TIN MỪNG (Lc 20: 27-38)
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận của Chúa Giê-su với nhóm Xa-đốc về kẻ chết sống lại (20: 27-38). Cuộc tranh luận này được đặt vào trong bối cảnh Chúa Giê-su thi hành sứ vụ sau cùng của Ngài tại Giê-ru-sa-lem theo đó những nhóm có thế lực trong dân Ít-ra-en, lần lượt đến gặp Đức Giê-su và luân phiên đặt ra cho Người những câu hỏi thâm hiểm để mong hãm hại Người (19: 47-21: 38).

1. Vấn nạn của nhóm Xa-đốc (20: 27-33)
Đối thủ của Đức Giê-su lần này là nhóm Xa-đốc. Nhóm Xa-đốc tuy không đông bằng nhóm Pha-ri-sêu nhưng rất giàu có và có thế lực. Về phương diện trần thế, họ là giai cấp thống trị cộng tác chặt chẽ với chính quyền Rô-ma chiếm đóng, vì muốn bảo vệ của cải và duy trì địa vị của mình.

Về phương diện tôn giáo, nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận thẩm quyền của bộ Ngũ Thư mà thôi. Dựa trên lối giải thích Ngũ Thư của họ, họ không tin kẻ chết sống lại. Nhóm Xa-đốc này cũng như bao người Do thái chính thống đều tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng việc Thiên Chúa có cho con người được sống lại hay không thì thuộc về thẩm quyền của Ngài. Vì thế, nhóm này không tin vào sự sống lại mai sau, bởi vì không có bằng chứng nào về một niềm tin như thế được tìm thấy trong bộ Ngũ Thư. Hơn nữa, không có kinh sư nào, những ngươi thông luật, giải đáp cho vấn nạn mà họ nêu lên.

Căn cứ theo luật Lê-vi (x. Đnl 25: 5tt.), nếu một người qua đời mà không có người nối dõi tông đường, thì người em phải cưới chị dâu ấy để cho anh mình có người con nối dõi tông đường. Dựa trên luật này, họ hư cấu một câu chuyện bảy anh em lần lượt lấy một người vợ để có người con nối dõi tông đường, nhưng đều chết mà không có con; vậy nếu có sự sống lại thì ai sẽ là chồng của người phụ nữ này. Như vậy, niềm tin vào sự sống lại thật là lố bịch.

2. Câu trả lời của Chúa Giê-su (20: 34-38)
Chúa Giê-su quả quyết có sự sống lại, đồng thời cũng giải thích những đặc tính của sự sống lại: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. Như thế, theo Chúa Giê-su, lập luận của nhóm Xa-đốc về sự sống lại như vậy thì thật là quá duy vật. Theo lập luận này, cuộc sống lại chỉ là tiếp tục cuộc sống trần thế, dù được nâng cao lên đến mức độ nào. Nếu hiểu cuộc sống lại như vậy là giới hạn quyền năng của Thiên Chúa và coi thường tình yêu của Ngài: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.

Để bác bỏ lập luận của nhóm Xa-đốc dựa trên bộ Ngũ Thư để phủ nhận niềm tin vào sự sống lại, Chúa Giê-su viện dẫn sách Xuất Hành (Xh 3: 2, 6), một trong năm quyển sách được gọi là Ngũ Thư, để cho thấy cách hiểu của nhóm Xa-đốc thật sự sai lầm trầm trọng. Dựa trên Xh 3: 2, 6 trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Mô-sê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp”, Chúa Giê-su kết luận: “Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, có nghĩa rằng Thiên Chúa vẫn thường hằng có mối liên hệ với ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, dù các vị tổ phụ này đã chết từ lâu rồi. Vì thế, dù những người công chính này đã chết trên bình diện thể lý, họ vẫn đang sống, thật sự sống trong Thiên Chúa và mong chờ sự sống lại.

W. Barclay đã đưa ra một lời nhận xét rất xác đáng như sau: “Có thể chúng ta cảm thấy đoạn Kinh Thánh này thật khô khan. Nó đề cập đến những vấn đề có vẻ sôi bỏng trong thời Chúa Giê-su với những lý luận mà một kinh sư cho là rất mạnh, nhưng người thời nay lại không thấy thế. Nhưng từ chỗ khô khan đó, ta rút được một chân lý lớn lao cho những ai giảng dạy hoặc muốn làm chứng về Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã dùng những lý luận mà dân chúng đang nghe Người có thể hiểu được, Người nói với dân chúng theo ngôn ngữ riêng của họ, Người gặp gỡ họ trên chính mảnh đất của họ và chính đó là lý do tại sao giới bình dân đã nghe Người cách thích thú. Đôi lần, chúng ta đọc những sách đạo hoặc về thần học, ta thừa nhận rằng những gì được viết quả là đúng, nhưng không thể đem trình bày cho những đầu óc mới hiểu biết ít, và họ lại là đa số trên thế giới cũng như trong Hội Thánh. Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ và lý luận mà dân chúng có thể và đã hiểu được, Người gặp gỡ họ trong ngữ vựng của họ. Chúng ta sẽ giảng đạo, làm chứng cho họ Chúa tốt hơn nhiều, khi học tập đường lối phổ biến Tin Mừng của chính Chúa Giê-su” (“Tin Mừng theo Thánh Lu-ca”, 238-239).
Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc