banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 25 TN A

Đăng lúc: Thứ tư - 16/09/2020 20:02 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 25 TN A

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 25 TN A

Lời Chúa: Mt 20,1-16

1. Đọc Mt 13,24.31.33.44.45.47 và Mt 20,1. Có điểm gì chung trong các câu trên đây?
2. Ý nghĩa của lối nói: giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín, thứ mười một. Theo bạn, tại sao ông chủ lại ra chợ nhiều lần để mướn thợ như vậy, ngay cả khi ngày sắp tàn?
3. Đọc Mt 20,3-4 và Mt 20,6-7. Có gì giống nhau trong hai đoạn văn này?
4. Đọc Mt 20,8-9. Cách trả công của ông chủ có gì lạ?
5. Đọc Mt 20,10-12. Tại sao họ cằn nhằn ông chủ? Sự bực bội này có giống với sự tức giận của người con cả trong Tin Mừng Luca 15,28 không?
6. Đọc Mt 20,13-15a. Khi bị coi là đối xử bất công với nhóm thợ đầu tiên, ông đã biện hộ cho mình như thế nào?
7. Câu Mt 20,15b được dịch sát như sau: “Hay mắt bạn xấu vì tôi tốt?” Mắt xấu (Mt 6,23) ở đây nghĩa là gì? Thế nào là thái độ ganh tỵ? Ông chủ “tốt” ở điểm nào?
8. Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn về Nước Trời. Người đứng cuối lại được hưởng ơn cứu độ như người đứng đầu. Bạn có biết ai được gọi vào giờ thứ mười một không?
 
GỢI Ý SUY NIỆM: Chúng ta thường quen với một Thiên Chúa công bằng, thưởng phạt phân minh. Bài Tin Mừng này có cho tôi thấy một Thiên Chúa quảng đại và tốt lành không?
 
 
PHẦN TRẢ LỜI

 
1. Có một điểm chung trong Mt 13,24.31.33.44.45.47 và Mt 20,1 đó là lối nói “Nước Trời giống như chuyện…” Để nói về Nước Trời là thực tại vô hình, Đức Giêsu đã dùng những dụ ngôn với nhiều hình ảnh gần gũi với đời thường. Dụ ngôn không quá khó hiểu đối với ai biết mở lòng, nhưng đối với ai khép lòng, dụ ngôn có thể trở nên rất khó hiểu. Đức Giêsu đã giải thích dụ ngôn cho các môn đệ (Mt 13,18-23.36-43) và cuối cùng, họ đã hiểu (Mt 13,51).
 
2. Có thể nói ông chủ vườn nho ra chợ để tìm công nhân cả thảy năm lần. Lần đầu lúc “tảng sáng” (6 giờ sáng), lần thứ hai vào giờ thứ ba (9 giờ sáng), lần thứ ba vào giờ thứ sáu (12 giờ trưa), lần thứ tư vào giờ thứ chín (3 giờ chiều), và lần cuối vào giờ thứ mười một (5 giờ chiều). Ông chủ trả lương cho các thợ vào lúc “chiều đến” (Mt 20,8), nghĩa là khoảng giờ thứ mười hai (6 giờ chiều). Vậy người thợ đã làm việc cả ngày, mười hai tiếng. Ông chủ trả lương mỗi ngày công là một quan tiền. Quan tiền này là đồng denarius, đồng tiền của người Rôma, một mặt có hình của Xê-da (Mt 22,19-20). Ông chủ đã giữ đúng Luật trong Cựu Ước khi trả công cho thợ vào cuối ngày (Lv 19,13; Đnl 24,15).
 
Ông chủ đã ra chợ nhiều lần để mướn thợ làm việc cho vườn nho của ông. Có thể vì ông không nắm được công việc này cần bao nhiêu thợ, hay vì ông muốn gấp rút làm cho xong việc, không để tới mai.
 
3. Hai đoạn Mt 20,3-4 và Mt 20,6-7 có đôi nét giống nhau. Nhóm thợ giờ thứ ba và nhóm thợ giờ thứ mười một đều là những những người đang “đứng,” không có việc làm (argoi), và chờ được ai đó mướn. Chính vì thế khi ông chủ kêu họ đi làm vườn nho cho ông thì họ đi ngay. Nhóm thợ giờ thứ mười một, tuy không chịu vất vả nắng nôi “cả ngày” ngoài vườn nho như nhóm thợ lúc sáng sớm, nhưng họ đã có công đứng chờ “cả ngày.” Đứng chờ trong lo âu thấp thỏm cả ngày cũng là một điều đáng kể.
 
4. Cách trả công của ông chủ vườn nho khá khác thường (Mt 20,8-9) Ông trả công trước tiên cho người làm sau cùng, rồi sau đó mới trả từ từ lên cho những người làm sớm nhất. Những người làm từ giờ thứ mười một, nghĩa là mới làm có một tiếng, được trả công một đồng quan. Đây là lối trả công quá hậu hĩnh, vì bình thường lương công nhật chỉ là một đồng quan cho cả ngày. Chắc họ rất ngỡ ngàng và vui sướng với số lương cần thiết để họ đủ sống một ngày. Các nhóm kế tiếp cũng nhận được mỗi người một đồng quan, cho dù họ làm bao nhiêu giờ đi nữa. Những nhóm càng làm ít giờ thì càng vui vì thấy ông chủ hào phóng.
 
5. Sau khi trả công cho nhóm giờ thứ mười một, ông chủ vườn nho lần lượt trả công cho các nhóm khác, mỗi người một quan tiền, kể cả nhóm đầu tiên. Không thấy có lời phàn nàn nào từ các nhóm, trừ nhóm đầu tiên. Đây là nhóm những người bắt đầu làm việc sớm nhất, và đã làm việc trong khoảng thời gian 12 tiếng. Họ bị hụt hẫng vì họ “tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng mỗi người cũng chỉ được một quan tiền” (Mt 20,10). Họ tưởng như thế vì họ nghĩ ông chủ là người công bằng theo lối hiểu của họ. Đối với họ, không thể nào trả lương cho người làm việc cả ngày vất vả nắng nôi bằng với số lương của người làm có một tiếng lúc chiều tà (Mt 20,11). Như vậy là không hợp lẽ công bằng. Chính vì thế họ “cằn nhằn” ông chủ.  Chúng ta hiểu được thái độ khó chịu này của họ. Sự bực bội của họ cũng tương tự như sự nổi giận của người anh cả khi thấy cha cư xử quá tốt với người em dù nó đã hư hỏng (Lc 15,28). Đối với anh cả, người cha không công bằng chút nào (Lc 15,29).
 
6. Ông chủ đã gọi một người trong nhóm thợ đầu tiên là “Này bạn” (Mt 20,13; xem Mt 22,12 và 26,50). Ông khẳng định mình không hề đối xử bất công với anh ta, vì hai bên đã đồng ý với nhau về tiền công mỗi ngày một quan (Mt 20,2). Và ông đã trả đủ. Ông muốn cho người thợ giờ thứ mười một, số lương bằng những người thợ đầu tiên, há ông lại không được phép làm điều đó hay sao? Ông có quyền sử dụng tài sản của ông chứ ! (Mt 20,13-15). Nói chung ông không hề bất công.
 
7. “Hay mắt của bạn xấu vì tôi tốt” (Mt 20,15b). “Mắt xấu” là lối nói ta còn gặp được Mt 6,23. Đây là lối nói của dân Sê-mít để mô tả lòng ghen tỵ vì thấy người khác được điều mà người đó không xứng đáng. Người ghen tỵ thì chẳng bao giờ vui và bình an. “Vì tôi tốt” cho thấy con người của ông chủ vườn nho. Trước hết ông là người công bằng khi trả cho nhóm thợ đầu tiên mỗi người một quan tiền, đây là lương công nhật bình thường của người thợ vào thời Đức Giêsu. Hơn nữa, ông còn trả số tiền ấy cho tất cả các nhóm thợ được gọi để làm vườn nho, bất chấp họ làm vào giờ nào trong ngày, kể cả những người làm có một tiếng. Ông chủ là người “tốt” vì ông không bất công với ai, và ông còn vượt quá sự công bằng nữa. Chắc ông biết mọi người thợ đều cần có tiền để sinh sống, và cả người đứng không suốt ngày chờ được mướn cũng là làm việc rồi. Đọc Mt 20,3-4.6-7.9 để thấy lòng tốt của ông.
 
8. Có thể nói anh trộm lành là hình ảnh của người thợ giờ thứ mười một (Lc 23,39-43). Anh được hưởng ơn cứu độ vào những giờ phút cuối cùng sau một cuộc đời nhiều bóng tối. Anh chỉ xin Đức Giêsu nhớ đến anh, nhưng Ngài đã đưa anh vào thiên quốc để ở với Ngài.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc