banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Đăng lúc: Thứ tư - 16/03/2022 15:45 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Lời Chúa: Xh 3: 1-8a, 13-15; 1Cr 10: 1-6, 10-12; Lc 13: 1-9

Tin Mừng hôm nay đề cập đến hai đề tài định hướng cho sự chọn lựa của Bài Đọc I và Bài Đọc II. Đề tài thứ nhất về việc “Thiên Chúa ân cần chăm sóc dân Ngài” (bản văn của sách Xuất Hành và dụ ngôn của Tin Mừng Lu-ca); đề tài thứ hai về “những ai tự phụ là mình công chính” (lời khuyên của thánh Phao-lô và lời cảnh giác của Chúa Giê-su).

Xh 3: 1-8a, 13-15
Thiên Chúa siêu việt mặc khải Danh Ngài, Ngài là Hữu Thể tuyệt đối, đồng thời cũng là Đấng động lòng trắc ẩn trước cảnh cùng khốn của dân Ngài và sai ông Mô-sê ra đi giải phóng dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ.

1Cr 10: 1-6, 10-12
Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô về đức khiêm tốn. Thâm chí những ai được ban cho những ơn trợ lực dồi dào hơn những người khác, như dân Do thái trong hoang địa và những Ki-tô hữu nhờ các bí tích, hãy coi chừng đừng để mình sa vào tội lỗi.

Lc 13: 1-9
Tin Mừng Lu-ca thuật lại hai sự cố nghiêm trọng: cuộc thảm sát của những người Ga-li-lê và một tai nạn thảm khóc gây nên cái chết của mười tám người Giu-đê. Từ đó, Chúa Giê-su rút ra một bài học: Ngài tách biệt tai họa và tội lỗi, nhưng đối với những ai tin mình công chính, Ngài nhắc nhở cho họ biết rằng họ là những tội nhân, vì thế cái chết cũng đe dọa họ; tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn ra công vun xới trước khi quyết định chặt cây nào không đơm bông kết trái.

BÀI ĐỌC I (Xh 3: 1-8a, 13-15)
Sách Xuất Hành được gọi là “Tin Mừng Cựu Ước”. “Tin Mừng” mà sách thuật là Tin Mừng về việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân Ngài để giải phóng dân khỏi miền đất nô lệ và dẫn đưa dân vào một xứ sở tốt đẹp hơn, tiên trưng một cuộc giải phóng khác và cuộc xuất hành khác về Nước Trời. Như vậy, sách Xuất Hành không chỉ là câu chuyện về “cuộc xuất hành” ra khỏi đất Ai-cập, nhưng còn câu chuyện về lộ trình tâm linh. Những móc điểm đầu tiên của lộ trình này là kêu gọi ông Mô-sê và mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa.

1. Hoàn cảnh của ông Mô-sê:
Khi ông Mô-sê nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa, thì ông đã rời bỏ đất Ai-cập từ nhiều năm rồi. Sau khi đã lớn lên trong cung đình Pha-ra-on và đã nhận được một nền giáo dục ưu việt, ông đã ý thức về những điều kiện sống cơ cực mà đồng bào ông phải chịu. Một ngày kia thấy một người Ai-cập đánh đập một người Do thái, ông Mô-sê đã xông vào người Ai-cập, giết chết và vùi thây người ấy trong cát. Sự việc đã bị bại lộ, ông Mô-sê sợ bị trả thù nên chạy trốn và lánh nạn tại dân Ma-đi-an, dân du mục và sống nghề chăn nuôi. Ở đó ông đã cưới một trong bảy cô con gái của thầy tư tế Ma-đi-an, tên là Git-rô.

Như vậy, ông Mô-sê đã sống lại cuộc sống du mục của các tổ phụ. Đối với ông Mô-sê, thời gian tha phương này là thời chuẩn bị tâm lý cho cuộc gặp gỡ của ông với vị Thiên Chúa của cha ông mình. Bấy giờ, ông đang chăn đàn gia súc cho bố vợ mình. Khi mùa hè tới, ông đi tìm những đồng cỏ miền núi xanh tươi hơn. Vì thế, ông dẫn đàn vật qua bên kia sa mạc, đến “núi của Thiên Chúa”. Chính ở nơi đó mà Thiên Chúa sẽ yêu cầu ông trở thành vị mục tử của dân Ngài.

2. Ơn gọi của ông Mô-sê:
Thiên Chúa tỏ mình ra trong cảnh trí “cây cao bóng cả” là một nét đặc trưng rất kinh điển ở miền Cận Đông, ở Ấn Độ, cũng như ở Hy-lạp cổ xưa. Vì cây cối đâm chồi nẩy lộc, thay cành đổi lá theo mùa là biểu tượng sự sống, nhưng nhất là, cây cao bóng cả tạo nên bầu khí uy nghiêm, linh thánh. Thánh ký đã loại bỏ hình tượng này nhờ đến ngọn lửa. Thiên Chúa Ít-ra-en là Đấng siêu việt không nhận bất kỳ hình tượng vật chất nào, nhưng chỉ chấp nhận tỏ mình ra qua ánh sáng (đám mây chiếu sáng) hay ngọn lửa, như trong câu chuyện này ngọn lửa cháy bừng nhưng không thiêu hủy bụi cây diễn tả tính siêu việt của Thiên Chúa.

Hoạt cảnh tiếp theo nêu bật hai nét đặc trưng bất khả phân của Thiên Chúa Ít-ra-en: Đấng rất gần gũi với con người: Ngài chuyện trò rất thân tình với ông Mô-sê, nhưng đồng thời cũng là Đấng siêu việt: có một khoảng cách bất khả vượt qua giữa Thiên Chúa và con người: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Thiên Chúa lại còn thổ lộ tấm lòng từ bi nhân ái của Ngài: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta… Ta đã nghe tiếng rên siết của chúng… Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu…”. Vì thế, Thiên Chúa trao gởi cho ông Mô-sê sứ mạng giải phóng dân Ngài.

3. Mặc khải Danh Thiên Chúa:
Thiên Chúa nói trực tiếp với ông Mô-sê: Ngài tự giới thiệu mình. Ngài không là một vị thần xa lạ: “Ta là Thiên Chúa của tổ tiên ngươi, Thiên của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta… Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập”.

Ông Mô-sê chấp nhận sứ mạng được giao phó cho ông, nhưng nài xin Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông để ông có thể tiện bề ăn nói với dân chúng. Lúc đó, Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê. Theo văn hóa Do thái, tên chính là người ấy. Danh Thiên Chúa này được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo cấu trúc của ngôn ngữ Híp-ri, Danh Thiên Chúa được dịch theo sát từ, hoặc ở thì hiện tại: “Ta là Đấng Ta là”, hay ở thì tương lai: “Ta là Đấng Ta sẽ là”. Dù được hiểu ở hiện tại hay tương lai, điều cốt yếu ở nơi Danh Thiên Chúa chính là động từ “là”, như câu tiếp theo chứng thực điều đó: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng là sai tôi đến với anh em”: “Đấng là” đóng chức năng chủ từ của câu.

Chính vì thế, thánh Tô-ma A-qui-nô đã giải thích Danh Thiên Chúa này theo nghĩa Hữu Thể của triết gia Hy lạp: “Ta là Hữu Thể”, nghĩa là, Thiên Chúa là Đấng thường hằng, bất biến. Trong các bản dịch Kinh Thánh Việt Nam, mỗi dịch giả đề nghị hiểu và dịch theo cách riêng của mình, như cha Nguyễn Thế Thuấn: “Ta có sao Ta có vậy!”, hay bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh: “Ta là Đấng Hiện Hữu”, hay Bản Dịch dùng trong Phụng Vụ: “Ta là Đấng Hằng Hữu”. Dù những cách dịch khác nhau này, chúng ta vẫn gặp thấy âm hưởng của cách hiểu tên Thiên Chúa theo Hữu Thể của thánh Tô-ma A-qui-nô. Việc hiểu Danh Thiên Chúa theo triết học Hy lạp này đem đến một sự hiểu biết phong phú về Danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, các nhà chú giải hiện đại bác bỏ cách giải thích này vì hai lý do: Trước hết, động từ “là” ở thể “chưa hoàn thành” nên không diễn tả một hành động hoàn thành, nhưng một hành động đang tiếp diễn, chưa chấm dứt. Thứ nữa, tính chất niềm tin của dân Ít-ra-en thì thực tiển, tích cực và năng động. Vì thế, quan niệm siêu hình về một Hữu Thể tuyệt đối, bất biến, tự hữu thì hoàn toàn xa lạ với niềm tin của dân Ít-ra-en. Từ những nhận xét trên, các nhà chú giải hiện đại đề nghị hiểu Danh Thiên Chúa theo hai cách như sau:

A-Danh Thiên Chúa bất khả tiết lộ:
Lời mặc khải “Ta là Đấng Ta là” hay “Ta là Đấng Ta sẽ là” thì bí ẩn đủ để người ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa không thật sự muốn trao ban Danh của Ngài, vì theo tư tưởng sê-mít, biết tên của một vị thần linh nào đó, chính là có quyền làm chủ vị thần ấy, có quyền điều khiển sai khiến vị thần ấy, như việc gọi tên của vị thần linh trong các câu thần chú, như vậy, câu thần chú mới hiệu nghiệm.

Vì thế, trong câu chuyện của chúng ta, Thiên Chúa không thể trao ban Danh Ngài vào tay của con người để con người có quyền điều khiển sai khiến Ngài; hơn nữa, Ngài là một Mầu Nhiệm vô phương dò thấu, không ai có thể hiểu được bản chất của Thiên Chúa. Cách giải thích này được ủng hộ bởi các chuyện tích Kinh Thánh, như chuyện tổ phụ Gia-cóp nài xin Thiên Chúa: “Xin cho tôi biết tên Ngài” (St 32: 30), nhưng bị từ chối; hay như chuyện ông Ma-nô-ác nài xin cho biết tên vị sứ giả của Thiên Chúa, thì được trả lời: “Sao ông lại hỏi tên tôi? Đó là một điều bí nhiệm” (Tl 13: 17-18). Vì thế, theo văn mạch của câu chuyện chúng ta, khi Thiên Chúa nói: “Ta là Đấng Ta là”, có nghĩa, “Thiên Chúa là Thiên Chúa”, qua đó Thiên Chúa muốn nói rằng: “chuyện ấy có liên quan gì đến ngươi” hay “đó không phải nỗi bận lòng của ngươi”.  

B-Danh Thiên Chúa là một Mặc Khải tiệm tiến:
Tuy nhiên, cách giải thích trên gặp phải một sự khó khăn. Theo văn mạch, rõ ràng Thiên Chúa chấp nhận mặc khải Danh Ngài. Việc Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài trong một nền văn hóa theo đó tên đồng nghĩa với người mang tên ấy, thì không thể cho rằng Thiên Chúa chủ ý thoái thác không cho biết tên mình, như nhận định của A. B. Davidson: “Mặc khải mà Thiên Chúa ban cho về chính mình là mặc khải về chính Ngài như Ngài thật sự là như vậy, dù Ngài không thể mặc khải chính mình cho con người một cách tròn đầy được” (God in the OT; in: Dictionary of the Bible, vol. 2, 197). Hơn nữa, ở cuối câu chuyện, Thiên Chúa còn căn dặn: “Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia”.

Vì thế, Davidson mời gọi chúng ta chú ý đến hai đặc tính của động từ “là” liên quan đến tên Thiên Chúa được ban cho trong câu chuyện bụi gai cháy đỏ này. Trước hết, động từ này không có nghĩa “là” về phương diện hữu thể, nhưng về phương diện “hiện diện”. Thứ nữa, hình thức chưa hoàn thành của động từ này không có nghĩa ở thì hiện tại nhưng ở thì tương lai. Từ nhận xét này, ông giải thích ý nghĩa của tên Thiên Chúa như sau: “Xem ra rõ ràng trong quan điểm của người viết, ‘Ta sẽ là’ và ‘Đấng sẽ là’ thì như nhau: ‘Ta sẽ là’ khi Thiên Chúa nói về chính mình, và ‘Đấng sẽ là’ khi Thiên Chúa được những người khác nói về Ngài. Điều Ngài sẽ là để lại không được diễn tả - Ngài sẽ ở (“là”) với dân Ngài như Đấng Trợ Giúp, Đấng Quyền Năng và Đấng Giải Thoát” (God in the OT, 199).

Như vậy, khi Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê, Ngài nói về chính mình: “Ta là Đấng Ta sẽ là”; nhưng khi Ngài bảo ông Mô-sê nói cho dân Ít-ra-en về Ngài, Ngài nói ở ngôi thứ ba: “Đấng sẽ là”. Đối với ông Mô-sê, người mà Thiên Chúa trực tiếp mặc khải Danh Ngài, tên này có nghĩa: “Ta sẽ ở với ngươi” (3: 12). Còn đối với dân Ít-ra-en, mà ông Mô-sê có sứ mạng truyền đạt mặc khải này, tên Ngài có nghĩa “Đấng sẽ ở với họ”. Trong cả hai trường hợp, động từ “là” hay “ở” nhấn mạnh không trên “sự hiện hữu” nhưng trên “sự hiện diện” của Thiên Chúa với ông Mô-sê và với dân Ít-ra-en. Lúc đó, “Ta là Đấng Ta sẽ là” là một lời khẳng định về sự hiện diện của Thiên Chúa: “Ta thật sự là Đấng hiện diện”, nghĩa là “Ta thật sự là Đấng ở cùng”.

Đồng thời, Danh Thiên Chúa “Ta là Đấng Ta sẽ là” được hiểu như “điều chưa xác định”. Điều chưa xác định này chứa đựng những khả thể vô hạn tùy theo hoàn cảnh. Danh Thiên Chúa được mặc khải trong câu chuyện này đã không thể được bất kỳ thế hệ nào của Ít-ra-en hiểu trọn vẹn, vì thế Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục bày tỏ tất cả những gì Ngài sẽ là đối với dân Ngài: “Thiên Chúa sẽ là điều mà Ngài sẽ chứng tỏ Ngài là cho thế hệ này đến thế hệ khác; mỗi một thời đại sẽ khám phá những phẩm tính mới về Sự Hiện Diện của Ngài” (C. Westminster, The book of Exodus, London: 1908, 22). Chúng ta gặp thấy Danh Thiên Chúa như một sự hiện diện ở nơi lời giải thích mang tính hiện sinh của Is 52: 6: “Vì vậy, trong ngày ấy, dân Ta sẽ nhận biết danh Ta, nhận biết rằng: chính Ta là Đấng đã phán: ‘Này Ta đây!’”.

Nói tóm lại, Danh Thiên Chúa thật sự được mặc khải nhưng đồng thời được phủ che. Hai chiều kích của việc mặc khải Danh Thiên Chúa chỉ cho thấy một chuyển động tích cực và năng động không chỉ về phía Thiên Chúa, nhưng cả về phía dân của Ngài. Về phần mình, Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục chứng tỏ cho thấy Ngài hiện diện cùng với dân Ngài bằng những hành động: Đấng Giải Thoát ở bên Ai-cập, Đấng Bảo Vệ trong hoang địa… Còn về phía dân Ngài, “kinh nghiệm từng trải của dân Ít-ra-en với Thiên Chúa trong lịch sử của mình sẽ khẳng định ý nghĩa của Danh Thiên Chúa này. Dân Ít-ra-en hiểu lịch sử của mình từ Danh Thiên Chúa này, cũng như hiểu Danh Thiên Chúa từ lịch sử của mình” (W. Johnstone, Exodus, Old Testament Guide, 104).

Trong Tin Mừng Gioan, khi công bố: “Tôi là”, Đức Giê-su ngầm quy chiếu đến câu chuyện mặc khải Danh Thiên Chúa và áp dụng Danh Thiên Chúa vào chính mình: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Là (Ga 8: 58), hay “Nếu các ông không tin là Tôi Là, các ông sẽ mang tội mình mà chết” (Ga 8: 24). Trong Tin Mừng Mát-thêu, ngay từ đầu Tin Mừng, Hài Nhi Giê-su sẽ được gọi là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, và cuối Tin Mừng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 1-6, 10-12)
Thánh Phao-lô viết thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô từ Ê-phê-xô có lẽ vào mùa xuân năm 55, vào dịp những xáo trộn và chia rẽ làm rối loạn Giáo Đoàn non trẻ này (được thiết lập vào năm 50-52). Mặt khác, các tín hữu Cô-rin-tô đã nêu lên cho thánh nhân một loạt câu hỏi tinh tế, thuộc lãnh vực luân lý hay có liên quan đến cuộc sống thường ngày giữa môi trường ngoại giáo.

1. Bối cảnh:
Thánh nhân vừa mới trả lời một trong những câu hỏi mà họ nêu lên cho ngài. Những tín hữu này đã ăn thịt cúng tại nhà bà con thân thuộc ngoại giáo hay tại nhà mình khi mua thịt cúng bán ngoài chợ về. Thánh Phao-lô đã gợi lên sự tự do của người Ki-tô hữu: người Ki-tô hữu có quyền ăn bất kỳ đồ cúng nào, vì mọi vật đều được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho con người hưởng dùng; hơn nữa, các thần linh chỉ là ngẫu tượng. Tuy nhiên, sự tự do này bị hạn chế do bởi việc tôn trọng tha nhân và đức ái huynh đệ. Như vậy, “những người mạnh” phải tránh cách hành xử có thể làm thương tổn hay gây gương xấu cho “những kẻ yếu”.

Đối với “những người mạnh”, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng cuộc sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng; ngay cả những người mạnh nhất khó tránh khỏi những yếu nhược. Lịch sử cứu độ minh chứng điều này.

2. Ôn cố:
Xưa kia dân Do thái trong hoang địa đã được hưởng những trợ giúp linh thiêng tuyệt vời khôn sánh, tiên trưng các bí tích của Ki-tô giáo; ấy vậy họ đã không đương đầu nổi trước những thử thách thờ ngẫu tượng và ham muốn của cải trần thế. Họ đã phải vùi thây trong hoang địa mà không được vào Đất Hứa (x. Ds 14: 22). Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học răn dạy chúng ta.

Thánh Phao-lô sánh ví cuộc vượt qua Biển Đỏ, dưới cột mây che chở, với phép rửa Ki-tô giáo. Ông Mô-sê tiên trưng Đức Ki-tô. Toàn dân Do thái “cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê”, như dân Ki-tô giáo cùng được chịu phép rửa trong nước và Thánh Thần, để theo Đức Ki-tô.

Tiếp đó, thánh nhân đồng hóa bánh man-na, dù thánh nhân không nêu đích danh, với thần lương, tiên trưng bàn tiệc Thánh Thể, dù được gợi lên nhưng cũng không được nêu tên. Vả lại, bánh man-na đã được truyền thống Do thái lý tưởng hóa rồi. Sách Xuất Hành nói rằng Đức Chúa cho bánh từ trời mưa xuống (Xh 16: 4). Thánh Vịnh 78 gợi lên bánh man-na là “bánh kẻ mạnh” (Tv 78: 25) mà Bản Vulgata đã có chủ ý dịch “bánh thiên thần”, vân vân.

Một đặc quyền khác mà dân Do thái đã được hưởng: “Tất cả cùng uống một thức uống thần thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô”. Thánh Phao-lô ám chỉ đến một giai thoại nổi tiếng theo đó tảng đá, từ tảng đá đó ông Mô-sê đã làm cho nước hằng sống (“nước hằng sống” là diễn ngữ Kinh Thánh để chỉ nước mát trong chảy ra tận nguồn) phun trào, đã đồng hành với dân Do thái trong suốt cuộc hành trình băng qua hoang địa.

Nước hằng sống phun trào từ tảng đá này không gì khác hơn là dấu chỉ về Đức Ki-tô tiền hữu, hiện diện ở giữa dân Ngài. Việc đối chiếu bạo dạn này chắc chắn được gợi hứng từ hình tượng truyền thống, đặc biệt được các Thánh Vịnh chuyển tải, theo đó Đức Chúa thường được công bố là “tảng đá của Ít-ra-en”.

3. Tri tân:
Thánh Phao-lô rút ra từ những hình ảnh tiên trưng này một lời cảnh báo nghiêm khắc lên án tính tự hào tự phụ. Các Ki-tô hữu có những nguồn trợ lực còn cao cả hơn những nguồn trợ lực mà dân Do thái đã được hưởng. “Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này”, những người đang tiến gần đến Đất Hứa đích thật. Nếu muốn được vào trong Đất Hứa, thì hãy cảnh giác, những ai cứ tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.

TIN MỪNG (Lc 13: 1-9)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ một phân đoạn dài được gọi là “cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su” (9: 51-18: 14). Phân đoạn này được đặt trong bối cảnh Chúa Giê-su đang trên đường tiến đến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài; lời dạy của Ngài càng trở nên nghiêm trọng và khẩn thiết hơn. Giờ đã đến để biết đọc “các dấu chỉ thời đại” (12: 54-56), hãy mau ăn năn sám hối kẻo không còn kịp nữa (12: 57-58). Những sự kiện mang tính thời sự tự chúng có thể dâng hiến một cơ hội thuận lợi để mà trầm tư nghĩ ngợi.

1. Chúa Giê-su bác bỏ mối liên hệ trực tiếp giữa tai họa và tội lỗi:

Vài người đến thuật lại cho Chúa Giê-su một sự cố bi thảm: những người Ga-li-lê đến dâng hy lễ ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đã bị thảm sát theo lệnh tổng trấn Phi-la-tô.

Sự kiện này không được thuật lại ở nơi khác, nhưng phù hợp với những gì mà sử gia Do thái, F. Josephus, nói về nhiều vụ trả thù đẩm máu theo lệnh quan tổng trấn Rô-ma này (Antiquités juives, 18, 3, 2 và 4: 1). Như chúng ta biết, người Ga-li-lê rất dễ hưởng ứng những cuộc bạo động chính trị, bởi vì họ là dân dễ bị kích động. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ ngay đến nhóm Nhiệt Thành, một đảng phái tôn giáo có xu hướng chính trị, họ giải thích trào lưu Mê-si-a theo ý nghĩa chính trị và sẵn sàng giành lại nền độc lập cho dân tộc mình, ngay cả bằng bạo động. Nhóm này tự ý chiêu mộ thành viên của mình ở Ga-li-lê nên thường được gọi là “những người Ga-li-lê”. Sự hiện diện của họ ở Giê-ru-sa-lem khích động thái độ bài chính quyền chiếm đóng. Những người thuật lại cho Chúa Giê-su sự cố này, chắc chắn muốn được nghe từ miệng Ngài sự công phẩn chống lại chính quyền chiếm đóng. Nhưng Chúa Giê-su tức khắc đặt mình trên lãnh vực khác.

Theo quan niệm phổ biến vào thời đó, tai họa hay bệnh tật là những án phạt của tội lỗi (x. Ga 9: 2). Vì thế, những ai thoát khỏi cuộc thảm sát này xác tín rằng mình vô tội, là “công chính”. Chúa Giê-su cực lực tố cáo thái độ này. Chắc chắn những người bị thảm sát không phải là không có tội, nhưng đừng nghĩ rằng họ tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác. Đối với những người đối thoại này, Ngài tuyên bố rằng họ có tội như những người Ga-li-lê xấu số kia; đoạn trong một kết luận xem ra có vẻ mâu thuẫn, Ngài nói: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông sẽ chết hết như vậy”.

Để khuyến khích ăn năn sám hối, Chúa Giê-su đưa ra thêm một ví dụ khác nữa, lần này liên quan đến những người Giu-đê. Mười tám người Giu-đê bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Biến cố này chắc hẳn vừa mới xảy ra đây. Chúa Giê-su quả quyết không phải những người Giu-đê xấu số này tội lỗi hơn những người Giu-đê tội lỗi khác, vì thế Ngài lập lại lời kêu gọi: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông sẽ chết y hệt như vậy”.

2. Chúa Giê-su mời gọi ăn năn sám hối:
Làm thế nào giải thích rằng Chúa Giê-su vừa mới từ chối ý tưởng theo đó có những mối liên hệ trực tiếp giữa tai họa và tội lỗi, lại ngay tức khắc đe dọa thính giả của Ngài về tội lỗi? Viễn cảnh chung của các chương 12 và 13 này là viễn cảnh của ngày chung thẩm: phải sám hối nếu muốn thoát khỏi án phạt. Thế nên, người ta nghĩ rằng cái chết thảm hại mà Chúa Giê-su cảnh giác những người đối thoại của Ngài, thì thuộc trật tự tinh thần: mất sự sống trong Nước Trời.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nhiều lần nghĩ đến dân của Ngài, đa số trong họ đã không thể nhận ra Ngài; Ngài than trách thành thánh Giê-ru-sa-lem vì “đã giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với họ” (Lc 13: 34). Trong lời kêu gọi khẩn thiết hãy sám hối trước khi đã quá muộn, không phải chúng ta cũng được mời gọi gẫm suy lời cảnh báo của Chúa Giê-su về sự sụp đổ thành thánh Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sao? “Nếu các ngươi không chịu hối cải, tất cả các ngươi sẽ bị chết y như vậy”.

3. Lòng nhẫn nại của Thiên Chúa:
Thánh Lu-ca là thánh ký về lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Ngay sau những lời nghiêm khắc của Chúa Giê-su, thánh ký đặt dụ ngôn cây vả không sinh trái, dụ ngôn này khác với dụ ngôn cây vả bị nguyền rủa khô héo mà thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu tường thuật, theo đó, dân Ít-ra-en đã không sinh hoa kết trái như lòng Chúa mong ước; vì thế dân này chẳng còn gì hơn là cây vả chết khô (Mc 11: 12-14, 20-25; Mt 21: 18-22). Trái lại, dụ ngôn cây vả không sinh trái của thánh Lu-ca gợi lên lòng nhẫn nại của Thiên Chúa. Chắc chắn dân Ít-ra-en vẫn còn ẩn hiện ở nơi dụ ngôn này. Cựu Ước đã thường sánh ví dân Chúa với một cây ăn trái mà Chúa chọn và ân cần chăm sóc.

Nông dân miền Pa-lét-tin thường trồng dặm những cây ăn trái trong vườn nho của mình, nhất là những cây vả, vì đất trồng nho rất thích hợp với loại cây này. Trong dụ ngôn của thánh Lu-ca, ông chủ vườn nói với người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”. Người làm vườn xin một thời hạn cuối cùng để mình có thể ra công vun xới và bón phân cho nó. May ra sang năm nó sẽ sinh hoa kết trái, nếu không thì chặt nó đi cũng không muộn.

Ai cũng thấy ở nơi việc kể ra “ba năm không sinh trái” này một ám chỉ đến ba năm thi hành sứ vụ của Đức Giê-su mà lòng dân Ít-ra-en vẫn trơ như đá. Nhưng tất cả những người tội lỗi không liên quan đến dụ ngôn này sao? Bên kia dân Ít-ra-en cứng tin, chắc chắn thánh ký nghĩ đến dân mới của Chúa Ki-tô, dân mà Chúa Con là Đấng Trung Gian, Ngài không ngớt cầu bầu cho dân mình bên cạnh Chúa Cha, Ngài phân phát muôn vàn ân sủng, Ngài làm hết sức mình để dẫn đưa tội nhân đến ơn cứu độ.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc