banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐAM MÊ

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/08/2021 21:17 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐAM MÊ

ĐAM MÊ

Những nét căn bản về luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

Ngày nay người ta nói nhiều đến đam mê. Theo những khám phá mới của khoa học thì những yếu tố quyết định đưa con người đến thành công không phải là IQ (chỉ số thông minh) mà là PQ (chỉ số đam mê). Virender Kapoor đã xác định cách mạnh mẽ trong cuốn sách Chỉ số đam mê của ông rằng đam mê là sức mạnh quyền năng nhất tạo nên thành công. Như thế, cuối cùng con người sau khi đã trải qua hành trình dài tìm kiếm điều giúp mình thành công từ IQ (chỉ số thông minh) đến EQ (chỉ số cảm xúc), AQ (chỉ số vượt khó), CQ (chỉ số tò mò), họ đã khám phá ra PQ. Thế nhưng các bậc thầy tu đức kitô giáo đã nhận biết và xác định ngay từ những thế kỷ đầu sự có mặt của đam mê và vai trò cũng như giá trị của nó trong hành trình trưởng thành thiêng liêng của con người. Thật vậy, «Thuật ngữ “các đam mê” thuộc về gia sản Kitô giáo» (GLHTCG s. 1763). Thế thì đam mê là gì, nó tồn tại và hoạt động như thế nào trong cuộc sống con người?
 
Đam mê theo quan điểm của PQ
Tác giả của cuốn Chỉ số đam mê đã mô tả đam mê như sau «Đam mê chính là món quà của tạo hóa, nhờ nó chúng ta có thể biết được mình có đi đúng đường, hướng đúng mục tiêu hay không, từ đó có thể theo đuổi những thứ nằm trong tầm với. Nó như một chiếc la bàn hoặc nguồn hứng khởi từ bên trong. Nó vạch đường chỉ lối cho bạn, đồng thời truyền cho bạn nội lực cần thiết để đạt được mục tiêu»[1]. Đam mê xuất phát từ đáy lòng bạn.  

Tác giả cuốn sách này cũng khẳng định rằng đam mê là món quà của Thượng Đế và chỉ ra cách để nuôi dưỡng đam mê. «Mỗi người sinh ra đời đều đã có sẵn niềm đam mê. Nó như ngọn lửa trong tim, ngọn đuốc trong tâm trí soi đường cho chúng ta, tiếp thêm nguồn năng lượng để chúng ta theo đuổi con đường đó. Dù tốt dù xấu, ngọn lửa trong tim mỗi người sẽ cháy sáng nhờ vào những ký ức, trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên nếu chúng ta không tiếp thêm năng lượng thì dần dần nó sẽ lụi tàn. Bỏ bê ngọn lửa nhỏ này cũng giống như khi bạn quên tiếp nhiên liệu cho chiếc xe của mình. Điều đáng mừng là ký ức không bao giờ chết, chúng ta luôn có cơ hội khơi gợi chúng»[2].

Như thế, nghiên cứu này cho thấy đam mê nó là một phần của căn tính con người. Con người sinh ra đã có đam mê. Đam mê sẽ bùng cháy tùy thuộc vào tính khí của mỗi người và tùy vào môi trường mà nó được nuôi dưỡng và lớn lên.  
 
Đam mê trong nhãn quan Kitô giáo
Đối với truyền thống tu đức Kitô giáo thì đam mê là yếu tố tự nhiên của tâm lý con người (GLHTCG s. 1764). Nó là những tình cảm và cảm xúc, những chuyển biến hay những rung động và nhạy cảm từ thế giới của trái tim (x. GLHTCG s. 1763). Thế giới tình cảm này giúp con người thành công trong hành trình xây dựng hạnh phúc của đời mình không chỉ đời này mà cả đời sau. Điều mà Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mô tả là “Thế giới tình cảm này chuẩn bị và góp phần cho con người đạt đến vinh phúc” (GLHTCG s. 1762). Như thế, truyền thống tu đức nhận biết và đề cao cảm xúc của con người. Bởi lẽ, chính họ được dựng nên giống hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng thương xót.

Tuy nhiên, có nhiều kiểu đam mê, như Thánh Phaolo đã phân biệt hai loại đam mê: đam mê theo xác thịt và đam mê theo Thần Khí (x. G 5, 16 – 23). “Các đam mê tự chúng không tốt cũng không xấu. Chúng được đánh giá về mặt luân lý tùy theo mức độ lệ thuộc của chúng vào lý trí và ý chí” (GLHTCG s. 1767). Tình cảm và các đam mê tốt bắt nguồn và xuất phát từ tình yêu chân thật và trong sáng. Đam mê căn bản nhất là tình yêu, yêu mến điều thiện, khao khát đạt đến và sẽ có niềm vui khi đạt đến. Đam mê điều thiện thúc đẩy con người gớm ghét điều ác, đấu tranh chống lại điều ác. “Yêu là muốn điều tốt cho người khác” (Thánh Toma Aquino).

Vậy, để những cảm xúc của thế giới tình cảm giúp con người đạt đến cứu cánh của đời mình cần phải quy hướng chúng đi vào trong định hướng của sự thiện. Muốn đạt đến sự hoàn hảo của điều thiện về mặt luân lý hay nhân linh, các đam mê phải được điều khiển bởi lý trí (GLHTCG s. 1767).   

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta cái nhìn rất cụ thể và rõ ràng về đam mê. Cảm xúc và cảm giác có thể được thăng hoa thành các nhân đức, hoặc bị thoái hóa thành các thói xấu là tùy vào quyết định, chọn lựa cũng như nỗ lực và cố gắng của mỗi người (x. GLHTCG s. 1768). Đam mê đóng một vai trò quan trọng trong hành trình trở nên hoàn thiện của người kitô hữu. Một người trưởng thành luôn luôn định hướng những cảm xúc và tình cảm của mình đi trong quỹ đạo của sự trưởng thành. Một người không đưa ra định hướng cho những cảm xúc của mình là người để cho những thúc đẩy hoặc sự ghê tởm, đau khổ, sợ hãi, sự phấn khởi đến một cách tự nhiên. Là người để cho cảm xúc thống trị và lôi cuốn mình mà cái tôi không thể kiểm soát, người ấy sống, hành xử và làm việc theo hứng, bồng bột, không kiên nhẫn.

Nếu như ngày nay người ta thấy đam mê đóng vai trò quan trọng trong sự thành công về mặt tri thức và xã hội, thì các nhà tu đức trong hành trình thiêng liêng của Giáo Hội ngay tử thuở ban đầu đã chứng minh cách rõ ràng tính cách quyết định của đam mê trong sự hoàn thiện của con người. Sự hoàn thiện ấy tùy thuộc vào khả năng con người tự do đón nhận ân sủng và làm theo những thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Sự hoàn thiện đó tùy thuộc vào bao nhiêu cá nhân buông bỏ, thanh luyện tâm trí và con tim để hoàn toàn chọn những gì thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, Thánh Phaolo khuyên rằng để trở thành con người tự do đích thực cần phải sống theo Thần Khí: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).
 
 

[1] Virender Kapoor, Chỉ số đam mê. Sức mạnh quyền năng nhất tạo nên thành công, Mai Hương dịch, Nxb Công Thương, Hà Nội 2020, tr. 23.
[2] Như trên, tr. 45 – 46.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc