banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đăng lúc: Thứ tư - 27/10/2021 03:46 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Lời Chúa: Mc 12,28b-34

1. Đọc Mc 11,27 – 12,37. Trong phần trên, có mấy cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo? Tìm một điểm chung giữa các cuộc tranh luận trên đây.
 
2. Đọc Mc 2,6.16; 3,22; 7,5; 8,31; 10,33; 11,18.27-28; 14,1.43.53; 15,1.31. Bạn thấy khuôn mặt các kinh sư trong những câu trên đây có khác với khuôn mặt của ông kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay không?
 
3. Đọc Mc 12,28. Bạn nghĩ ông kinh sư này có thật sự muốn gặp Đức Giêsu để học hỏi không? Tại sao ông lại hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng hàng đầu?
 
4. Đọc Mc 12,29-30. Câu trả lời của Đức Giêsu trích trong sách nào? Đối với người Do-thái, câu trích dẫn này có gì đặc biệt không?
 
5. Đọc Mc 12,30. Bạn thấy thực hành điều răn này có khó không?
 
6. Đọc Mc 12,31. Ông kinh sư có hỏi Đức Giêsu về điều răn thứ hai không? Đức Giêsu lấy điều răn thứ hai từ sách nào trong Cựu Ước? Thực hành điều răn thứ hai có khó không?
 
7. Đọc Mc 12,31. Đức Giêsu hiểu người thân cận là ai? Đọc Mt 5,43-44; Lc 6,27.35; 10,29-37.
 
8. Điều răn thứ nhất và thứ hai có gì giống nhau và khác nhau? Hai điều răn này có giống với Mười Điều Răn không? Đọc Xh 20,1-17.
 
9. Đọc Mc 12,32-33. Ông kinh sư có thêm gì vào câu trả lời của Đức Giêsu không?
 
CÂU HỎI SUY NIỆM: Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến.” Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?
 
PHẦN TRẢ LỜI

 
1. Trong Mc 11,27 – 12,37 có 6 cuộc tranh luận xảy ra ở trong Đền thờ Giêrusalem, giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do-thái, xảy ra vào tuần cuối trước cuộc Khổ Nạn. Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 12,28-34) ít có tính tranh luận hơn 5 cuộc tranh luận kia. Có một điểm chung giữa 6 cuộc tranh luận trên đây, đó là Đức Giêsu luôn là người khôn ngoan hơn và vượt trội hơn khi tranh luận với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục, cũng như với những người thuộc các phái Pharisêu, Hêrôđê và Xa-đốc.
 
2. Trong Tin Mừng Mác-cô, ta thấy các kinh sư xuất hiện nhiều lần, với khuôn mặt tiêu cực. Họ thường là những người hay đặt vấn đề với Đức Giêsu (Mc 2,6.16; 7,5; 11,27-28). Họ coi Ngài bị quỷ vương ám và dựa vào quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22). Họ tìm cách giết Ngài (Mc 10,33; 11,18) và họ chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài (Mc 8,31; 14,1.43.53; 15,1.31). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, ông kinh sư lại là một người có thiện cảm với Đức Giêsu. Ông thật lòng đến gặp Ngài để hỏi một điều quan trọng làm ông bận tâm.
 
3. Dựa trên Mc 12,28 ta thấy ông kinh sư này bị lôi cuốn bởi cách Đức Giêsu trả lời nhóm Xa-đốc về chuyện kẻ chết sống lại (Mc 12,18-27), nên ông muốn hỏi Ngài xem đâu là “điều răn hàng đầu.” Điều răn hàng đầu là là điều răn quan trọng nhất, điều răn cốt lõi của những điều răn khác. Câu hỏi trên đây đã được nhiều người tranh luận, vì theo các kinh sư, ngoài Luật được viết trong Ngũ Thư, người Do-thái còn phải giữ thêm 248 điều và phải tránh 365 điều cấm.
 
4. Câu trả lời của Đức Giêsu cho ông kinh sư (Mc 12,29-30) được trích trong sách Đệ nhị luật 6,4-5. Vào khoảng thế kỷ thứ hai, câu trích này đã trở thành câu đầu tiên của kinh Shema mà người Do-thái phải đọc mỗi ngày hai lần (Đnl 6,7). Tuy nhiên, Mác-cô 12,30 có khác chút ít với Đệ nhị luật 6,5, vì đã thêm vào cụm từ “hết trí khôn ngươi.”
 
5. Mc 12,30 là điều răn số một, điều răn hàng đầu. Điều răn này đòi dân Ítraen phải yêu mến Thiên Chúa “với tất cả trái tim của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi, với tất cả trí khôn của ngươi, và với tất cả sức lực của ngươi” (bản dịch sát). Để ý bốn từ “tất cả.” Như thế Thiên Chúa đòi ta yêu Ngài với trọn vẹn con người của mình, để Ngài chi phối mọi hoạt động của mình. Yêu như thế không phải là dễ, vì ta phải đặt Ngài lên trên mọi sự, và phải để Ngài chiếm trọn con người mình. Chỉ mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng muôn loài và là Đấng Cứu Độ dân Ítraen khỏi tay người Ai-cập, mới có thể đòi hỏi dân Ngài như thế. Hôm nay, Đức Giêsu vẫn nói với các Kitô hữu về điều răn thứ nhất này, và vẫn đòi chúng ta giữ điều răn ấy.
 
6. Ông kinh sư chỉ hỏi Đức Giêsu về điều răn thứ nhất, nhưng Ngài lại nói thêm về điều răn thứ hai. Đức Giêsu đã nói về điều răn thứ hai bằng cách trích dẫn sách Lê-vi 19,18b : “Người phải yêu mến người thân cận như chính mình.” Như thế điều răn thứ nhất hướng về Thiên Chúa, còn điều răn thứ hai hướng về tha nhân. Điều răn thứ hai cũng không dễ thực hành. Để có thể “thương người như thể thương thân,” ta phải coi người khác có phẩm giá như chính mình, có niềm vui nỗi buồn như mình, có nhu cầu và ước mơ như mình. Từ đó ta tôn trọng họ và dám chia sẻ chính mình cho họ.
 
7. Vào thời Đức Giêsu, người thân cận trước hết là người cùng tôn giáo, cùng quốc tịch như mình.  Đó là người anh em đồng bào gần gũi với mình. Nhưng Đức Giêsu đã mở rộng ý niệm về người thân cận. Người thân cận là bất cứ ai đang cần đến sự giúp đỡ của ta (Lc 10,29-37, dụ ngôn người Samari nhân hậu). Hơn nữa, Ngài còn mời chúng ta yêu cả kẻ thù của mình nữa để trở nên con cái Cha trên trời (Mt 5,43-44; Lc 6,27.35).
 
8. Điều răn thứ nhất và thứ hai giống nhau là vì có chung động từ “yêu mến”; nhưng khác nhau vì một bên có đối tượng là Thiên Chúa, một bên là tha nhân. Thiên Chúa là Tạo Hóa, tha nhân chỉ là thụ tạo, nên tình yêu đối với đôi bên cũng có những đòi hỏi ở mức độ khác nhau. Chúng ta không yêu tha nhân một cách vô điều kiện và tuyệt đối như yêu Thiên Chúa. Nhưng yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình. Vậy yêu bản thân mình cũng là một đòi buộc phải giữ.
 
9. Ông kinh sư có thêm câu: “ngoài Người ra không có Đấng nào khác” (Đệ nhị luật 4,35) để nhấn mạnh đến tính duy nhất của Thiên Chúa. Ngoài ra, ông còn coi việc giữ hai điều răn thứ nhất và thứ hai, “yêu Chúa, yêu người,” thì quý hơn những lễ vật toàn thiêu mà người ta vẫn dâng trong Đền thờ.
 
 

Tác giả bài viết: Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc