banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

Đăng lúc: Thứ tư - 10/11/2021 20:19 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

Lời Chúa: Lc 9,23-26
1.  So sánh Lc 9,22 và Lc 9,23-24. Số phận của Đức Giêsu và số phận của những kẻ theo Ngài có nét nào giống nhau không?
2.  Đọc Lc 9,22. Bạn có thấy bàn tay của con ngườibàn tay của Thiên Chúa trong cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu không?
3.  So sánh Lc 9,23 với Mc 8,34 và Mt 16,24. Tìm một điểm khác biệt giữa hai đoạn văn trên.
4.  Đọc Lc 9,23. Vào thời Đức Giêsu, ai là người phải vác thập giá? Vậy theo bạn, "vác thập giá của mình mỗi ngày" nghĩa là gì?
5.  Đọc Lc 9,23. Đức Giêsu có ép người ta làm môn đệ của Ngài không? Ngài có mời chúng ta vác thập giá của người khác không? Người kitô hữu có cô đơn khi vác thập giá của mình không? 
6.  Đọc Lc 9,24. Thử tìm một định nghĩa về thánh tử đạo trong câu này.
7. Đọc Lc 9,25. Câu này cho thấy điều gì có giá trị hơn toàn bộ thế giới này? Câu này có ngược với Lc 9,23 không?
8.  Đọc Lc 9,23-26. Bạn có thấy Đức Giêsu là trung tâm của đời người môn đệ không?
 
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Trong thời bách hại, các thánh tử đạo đã làm chứng cho Chúa bằng cái chết.  Trong thời đại hôm nay, người Công giáo làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống như thế nào? Đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?
 
PHẦN TRẢ LỜI

 
1. So sánh Lc 9,22 và Lc 9,23-26 ta thấy có những nét giống nhau giữa số phận của Đức Giêsu và số phận của bất cứ ai muốn theo Ngài làm môn đệ. Thầy “phải chịu nhiều đau khổ và bị loại trừ”  (Lc 9,22), còn trò thì được mời “vác thập giá” (Lc 9,23). Thầy “bị giết chết” (Lc 9,22), còn trò thì “mất mạng sống” (Lc 9,24). Nhưng cuối cùng, Thầy “sẽ được trỗi dậy” (Lc 9,22), và trò cũng sẽ “cứu được mạng sống mình” (Lc 9,24).
 
2. Luca 9,22 là lời Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình. Động từ “phải” ở đây cho thấy toàn bộ những biến cố trong câu này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Động từ “phải” đi với một loạt các động từ sau đó: phải chịu đau khổ, phải bị loại trừ, phải bị giết chết, và phải được trỗi dậy. Tuy nhiên, vẫn có bàn tay con người trong những biến cố này, đó là các kỳ mục, thượng tế và kinh sư (Lc 9,22), những người sẽ “loại bỏ và giết” Đức Giêsu. Nhưng cuối cùng bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa sẽ làm cho Đức Giêsu “được trỗi dậy.”
 
3. Khi so sánh Lc 9,23 với Mc 8,34 và Mt 16,24, ta nhận thấy chỉ Luca 9,23 mới có cụm từ “hàng ngày” đi sau cụm từ “vác thập giá.” Đức Giêsu đặt từ bỏ chính mìnhvác thập giá của mình hàng ngày kế bên nhau. Đó là điều kiện để theo Thầy Giêsu làm môn đệ. Đây không phải là chuyện làm một lần là xong, nhưng kéo dài trong suốt cuộc đời người môn đệ.
 
4. Vào thời Đức Giêsu, nhà cầm quyền Rôma bắt những tử tội vác thanh ngang của thập giá đến nơi hành hình, còn thanh dọc thường để ở đó rồi. Như thế người vác thập giá là người sắp bị đóng đinh, sắp bị giết chết bằng một hình phạt khủng khiếp. Dĩ nhiên không thể hiểu lối nói “vác thập giá của mình mỗi ngày” theo nghĩa đen là: mỗi ngày đều ta đều bị đóng đinh và thân xác phải chết thật sự . Đức Giêsu chỉ muốn so sánh những từ bỏ mình hàng ngày với cái chết của người chịu đóng đinh. Từ bỏ chính mình là từ bỏ những suy nghĩ, ước muốn, hành động của mình, nếu chúng đi ngược với ý Chúa. Từ bỏ chính mình nhiều lần trong ngày và trong đời, đòi ta phải hy sinh, phải buông bỏ những điều mình gắn bó, và như thế nó đòi ta phải chấp nhận cái chết liên tục về mặt thiêng liêng.
 
5. Qua Lc 8, 23, ta thấy Đức Giêsu không ép ai theo Ngài làm môn đệ. Câu “Ai muốn theo Tôi” cho thấy Ngài để cho ta được tự do muốn theo Ngài hay không. Ngài không giấu ta những đòi hỏi gắt gao nếu ta muốn đi theo Ngài. Ngài đòi ta từ bỏ chính mình, chứ không chỉ buông bỏ những gì ta đang sở hữu. Ngài đòi ta vác thập giá như một tử tội ra nơi hành hình. Nhưng Ngài không đòi ta vác thập giá của người khác hay vác thập giá của Ngài, nhưng “vác thập giá của mình,” thập giá mà Ngài đã đẽo gọt cho riêng ta. Hơn nữa, ta không vác thập giá một mình trong cô đơn, nhưng  vác thập giá đi theo Ngài, Đấng đã vác thập giá đi trước ta. Qua Lc 9,23 chúng ta thấy hình ảnh của một kitô hữu, người vác thập giá của mình hàng ngày, đi sau Đức Giêsu, Đấng vác thập giá đi trước. Và họ biết mình đi đâu…
 
6. Thánh tử đạo là người đã sống nửa sau của câu Lc 9,24. Đức Giêsu quả quyết một chân lý đúng cho mọi người: “Bất cứ ai mất mạng sống của mình vì Thầy, người ấy sẽ cứu được mạng sống ấy.” Mạng sống (psykhê) là điều rất cao quý do Chúa ban. Vị tử đạo đã chấp nhận mất mạng sống của mình vì Thầy Giêsu, đã đặt Thầy lên trên mạng sống, và tin rằng mạng sống bị mất cuối cùng sẽ được cứu.
 
7. Trong Luca 9,25 Đức Giêsu khẳng đinh: được cả thế giới này mà “đánh mất hay thiệt mất chính mình” thì nào có lợi gì. Như thế chính mình là điều quý giá hơn cả thế giới.  “Chính mình” ở đây không phải là mạng sống chóng qua ở đời này, nhưng là sự sống vĩnh cửu. Trong Lc 9,23 Đức Giêsu đòi ta phải “từ bỏ chính mình,” đó là từ bỏ cái tôi ích kỷ, đối nghịch với con đường hẹp của thập giá. Còn bây giờ, trong Lc 9,25, Ngài lại khuyên ta không được “đánh mất chính mình,” không được đánh mất sự sống đời đời của mình, dù được lợi cả thế giới, dù mất mạng sống đời này. Hai từ “chính mình” có hai nghĩa khác nhau, nên không có mâu thuẫn giữa hai câu trên.
 
8. Người môn đệ là người “đi theo” Đức Giêsu, “vác thập giá mình mà theo Ngài” (c. 23); là người dám “mất mạng sống mình vì Đức Giêsu” (c. 24); là người không được “xấu hổ vì Đức Giêsu và những lời của Ngài” (c. 26). Như thế, Đức Giêsu đóng vai trò trung tâm trong cuộc đời người môn đệ. Luca 9,26 cho thấy niềm hy vọng của chúng ta ở nơi Đức Giêsu. Ngài là “Con Người ngự đến trong vinh quang của mình, và của Chúa Cha, và của các thánh thiên thần.” Có được sự sống đời đời hay không dựa trên thái độ của ta đối với Đức Giêsu.
 

Tác giả bài viết: Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc