1. Đọc Ga 20,19-29. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu phục sinh chúc bình an cho các môn đệ mấy lần? Theo bạn, tại sao Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến bình an? Đọc Ga 14,27; 16,33.
2. Đọc Ga 20,20. Chúa Giêsu đã làm gì để họ được bình an?
3. Đọc Ga 20, 21-23. Trong đoạn văn này, ngoài ơn bình an, Chúa Giêsu phục sinh còn ban cho các môn đệ những ơn nào khác?
4. Đọc Ga 6,57; 10,14-15; 15,9-10; 17,18.22. Những câu này có điểm gì giống với câu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)?
5. Ai là Đấng ban Thánh Thần cho người tín hữu? Hãy đọc tuần tự những câu sau: Ga 14,16; 14,26; 15,26; 16,7; 20,22. Qua những câu trên, bạn có thấy Đức Giêsu càng lúc càng có vai trò lớn hơn không?
6. Đọc Ga 14,16.26; 15,26; 16,7; 14,17; 16,13; 20,22. Dựa trên những câu trên đây, hãy cho biết Ngôi Ba Thiên Chúa được gọi bằng những danh hiệu nào? Đọc Ga 14,16-17. Cho biết sự gắn bó thân thiết của Chúa Thánh Thần với chúng ta.
7. Đọc Ga 14,26; 15,26-27; 16,7-11. Hãy cho biết những hoạt động của Đấng Bảo Trợ.
8. So sánh Ga 5,31 và Ga 15,26; 17,4 và 16,14; 14,10 và 16,13. Bạn thấy Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần có gì giống nhau không?
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn có kinh nghiệm gì với Chúa Thánh Thần không (được Ngài soi sáng để quyết định, được sức mạnh để làm chứng, được Ngài dạy để hiểu biết Chúa Giêsu…)? Bạn có thường cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong hai lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh đã chúc bình an cho môn đệ ba lần, theo cùng một công thức quen thuộc: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.21.26). Người Do-thái thường chúc bình an khi gặp nhau và khi chia tay. Ở đây, lời chúc bình an của Chúa mang ý nghĩa đặc biệt. Chúa chúc bình an cho những môn đệ đang sợ đến nỗi phải đóng cửa (Ga 20,19). Họ “sợ người Do-thái”, hay đúng hơn, họ sợ giới lãnh đạo Do-thái giáo là những kẻ đã nhúng tay vào cái chết của Thầy Giêsu (x. Ga 7,13; 9,22; 19,38). Lần thứ hai Chúa đến, họ vẫn chưa dám mở cửa, dù đã nhận được Thánh Thần (Ga 20,26). Từ từ, từng bước một, bình an của Đấng phục sinh và sức mạnh của Thánh Thần sẽ kéo họ ra khỏi nỗi sợ bị liên lụy, để họ mở tung cửa và lên đường. Bình an trước hết là thắng được nỗi sợ hãi xao xuyến, lấy lại niềm tin và hy vọng. Trước khi bước vào cuộc Khổ nạn, Thầy Giêsu đã biết những gian nan thử thách các môn đệ sắp phải chịu, nên Ngài cũng đã chúc bình an cho họ rồi (Ga 14,27; 16,33).
2. Chúa đã cho các môn đệ xem cả hai bàn tay và cạnh sườn của mình, hay đúng hơn đã cho họ xem dấu đinh nơi bàn tay và dấu đâm nơi cạnh sườn của mình (x. Ga 20,25). Khi nhìn thấy những dấu đinh và dấu đâm trên thân xác Chúa, họ tin nhận rằng Đấng đang đứng giữa họ chính là vị Thầy đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn táng trước đó mấy ngày. Đấng ấy nay được Thiên Chúa phục sinh, và họ đang được diễm phúc thấy Ngài ở giữa họ. Tin Mừng lớn lao này đem lại cho họ niềm vui (Ga 20,20).
3. Qua Ga 20,21-23, ta thấy Chúa Giêsu còn ban cho các môn đệ nhiều ơn khác, ngoài ơn bình an. Ngài sai họ đi, cho họ được chia sẻ cùng một sứ mạng mà Ngài đã nhận được từ Chúa Cha (Ga 20,21), Ngài ban cho họ Thánh Thần (Ga 20,22), và cuối cùng Ngài ban cho họ quyền tha tội và quyền cầm buộc (Ga 20,23).
4. "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Qua câu này, ta thấy Chúa Giêsu phục sinh làm cho các môn đệ điều Cha đã làm cho mình. Có một hình tam giác gồm Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ. Có một dòng chảy từ Chúa Cha đến với Chúa Giêsu, rồi từ Chúa Giêsu đến với các môn đệ. Chúa Giêsu không giữ cho mình điều gì. Ngài luôn chia sẻ cho họ những gì Cha ban, cả những đặc ân riêng tư nhất. Ngài sống nhờ Cha thế nào, họ sống nhờ Ngài thế ấy (Ga 6,57). Cha biết Ngài thế nào, Ngài biết chiên thế ấy (Ga 10,14-15). Cha yêu Ngài thế nào, Ngài yêu môn đệ thế ấy (Ga 15,9-10). Cha sai Ngài thế nào, Ngài sai họ thế ấy (Ga 17,18; 20,21). Cha ban vinh quang cho Ngài thế nào, Ngài ban vinh quang cho họ thế ấy (Ga 17,22).
5. Trong Tin Mừng Gioan, Đấng sai phái Chúa Thánh Thần chủ yếu là Chúa Cha. Tuy nhiên, khi đọc những câu sau đây, ta thấy dường như Chúa Giêsu càng lúc càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc sai Thánh Thần đến với các môn đệ: “Thầy xin Chúa Cha…” (Ga 14,16); “Chúa Cha sai Thánh Thần nhân danh Thầy” (14,26); “Thầy sai đến từ Chúa Cha…” (15,26); “Thầy sẽ sai Đấng ấy…” (16,7); cuối cùng chính Chúa Giêsu phục sinh nói: “Anh em hãy nhận Thánh Thần” (20,22) và thổi hơi trên các môn đệ.
6. Ngôi Ba Thiên Chúa được gọi là Thánh Thần (Ga 14,26; 20,22), là Đấng Bảo Trợ (Ga 14,16.26; 15,26; 16,7), và là Thần Khí sự thật (Ga 14,17; 15,26; 16,13). Cả ba danh hiệu này để chỉ cùng một Ngôi vị. Đấng Bảo Trợ (Paraklêtos) là Thần Khí sự thật (Ga 14,16-17). Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần (Ga 16,26). Gioan 14,16-17 nói đến sự hiện diện gần gũi và thân thiết của Chúa Thánh Thần bên chúng ta. Ngài là Đấng Bảo Trợ ở với ta mãi mãi (meta, Ga 14,16), ở giữa (para) và ở trong (en) chúng ta (Ga 14,17).
7. Đấng Bảo Trợ là Thầy dạy và làm các môn đệ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã dạy (Ga 14,26); Ngài làm chứng về Đức Giêsu và giúp các môn đệ làm chứng về Đức Giêsu trong một thế gian thù ghét (Ga 15,26-27); Ngài là Đấng tố cáo thế gian về tội của nó (Ga 16,7-11). Nhưng không nên quên Đấng Bảo Trợ là Đấng được Đức Giêsu sai đến với các môn đệ khi Ngài về với Cha, Đấng ấy sẽ nâng đỡ và bênh vực họ (Ga 16,7).
8. Đức Giêsu và Thánh Thần đều không làm chứng về chính mình (Ga 5,31; 15,26). Cả hai Vị đều không tôn vinh chính mình (Ga 16,14; 17,4), cũng như không tự mình nói (Ga 14,10; 16,13). Đức Giêsu làm chứng và tôn vinh Chúa Cha (Ga 17,4; 18,37), còn Thánh Thần thì làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu (Ga 15,26; 16,14). Chúng ta thấy có sự phân công nào đó khi các Ngôi vị thần linh cùng làm việc cho con người. Không Ngôi Vị nào quay về mình. Các Ngôi Vị tùy thuộc nhau, và sống cho nhau.
Ý kiến bạn đọc