banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/09/2021 04:11 - Người đăng bài viết: menthanhgia
PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Lời Chúa: Mc 8, 27-35

1. Thành phố Xê-da-rê Phi-líp-phê nằm ở đâu? Tại sao nó lại có tên như thế?
2.  Trước câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” (Mc 4,41), hãy đọc những câu trả lời trong các câu sau Mc 1,1; 1,24; 3,11; 5,6-7; 6,14-16; 8,28.
3.   Đọc Mc 6,14-16; 8,28. Nhìn chung, người ta nghĩ Đức Giêsu là ai? Tại sao có người nghĩ Đức Giêsu là Êlia? Đọc 2 Vua 2,11; Malakia 4,5-6; Huấn ca 48,1-14.
4.  Đọc Mc 8,29. Câu trả lời của ông Phêrô có gì đặc biệt so với các câu trả lời trước? Đối với người Do-   thái thời Đức Giêsu, Đấng Kitô là người như thế nào? Đọc 1 Sm 24,7 và 2 Sm 7,11-16.
5.  Đọc Mc 8,30. Đức Giêsu có nhận mình là Đấng Kitô không? Tại sao Đức Giêsu nghiêm cấm các ông không được nói với ai điều đó? Ngài còn cấm nhiều lần khác không? Đọc Mc 1,25. 34; 3,11-12; 1,44; 5,43; 7,36; 8,26. Đến khi nào thì Ngài mới cho phép nói? Đọc Mc 14,61-62.
6.  Đọc Mc 8,31. Sau khi Phêrô tuyên tín, Đức Giêsu tiên báo điều gì? Tại sao Ngài lại “phải” chịu nhiều đau khổ? Đọc Mc 8,32. Tại sao Phêrô trách Đức Giêsu?
7. Tại sao Đức Giêsu trách Phêrô nặng lời và gọi ông là Xa-tan (Mc 8,33)? Đọc Mc 1,13.
8. Đọc Mc 8,34-35. Đức Giêsu nói những câu này cho ai? Số phận của họ có khác với số phận của Thầy Giêsu không?
 
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Đọc Mc 8,34-35. Khi sống như người Công giáo, bạn có kinh nghiệm gì về “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình” không? Bạn có kinh nghiệm gì về “cứu mạng sống” rồi lại “mất,” hay “mất mạng sống” rồi lại “cứu” được không?
 
PHẦN TRẢ LỜI
 
1. Thành phố Xê-da-rê Phi-líp-phê nằm ở phía bắc nước Israen, ở chân núi Khéc-môn. Ở đây người ta thờ các thần ngoại giáo như thần Ba-al. Vua Hêrôđê Đại đế đã xây ở đây một đền thờ kính Hoàng đế Au-gút-tô, coi ông này như một vị thần. Vào thời Đức Giêsu, thành phố này thuộc vùng đất của tiểu vương Phi-líp-phê, con Hêrôđê Đại đế (x. Lc 3,1). Sau khi lên chức tiểu vương (năm 4 trước công nguyên), Phi-líp-phê đã nới rộng thành phố, và vào năm 14 sau công nguyên, ông đã đặt tên nó là Xê-da-rê Phi-líp-phê (ghép tên ông với tên hoàng đế Rô-ma là Xê-da-rê Au-gút-tô). Ở Israen còn có một thành phố khác tên là Xê-da-rê nằm ở vùng duyên hải Địa Trung Hải.
 
2. Đối với tác giả của Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Đối với các thần ô uế, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 3,11), là Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24), là Con Thiên Chúa Tối Cao (5,7). Đối với một số người, Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại, là ngôn sứ Êlia, hay một trong các ngôn sứ (6,14-16; 8,28). Xem ra các thần ô uế có cái nhìn đúng hơn về Đức Giêsu, nhưng chúng thường bị Ngài cấm không được nói ra (Mc 1,24; 3,11).
 
3. Dựa trên Mc 6,14-16; 8,28, ta thấy nhìn chung dân chúng coi Đức Giêsu là một vị ngôn sứ. Vua Hêrôđê và một số người coi Đức Giêsu là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả bị chém đầu nay sống lại (Mc 6,16). Một số khác dựa trên các sách Cựu Ước như 2 Vua 2,11, Malakia 4,5-6 và Huấn ca 48,9 nên tin Đức Giêsu là ngôn sứ Êlia, người được đưa lên trời trong xe ngựa lửa, nay trở lại. Cũng có một số coi Đức Giêsu là một ngôn sứ giống các ngôn sứ thời xưa (6,15). Tuy nhiên, không thấy ai tin Đức Giêsu là vị Ngôn sứ mà Thiên Chúa đã hứa với Môsê ở sách Đệ nhị luật 18,15-18.
 
4. Đại diện cho anh em, Phêrô đã trả lời câu hỏi quan trọng của Thầy  Giêsu, sau khi cả nhóm môn đệ đã theo Thầy một thời gian, nghe Thầy giảng với uy quyền và chứng kiến những phép lạ Thầy làm. Câu trả lời của Phêrô ở Mc 8,29 vượt trội hơn câu trả lời của dân chúng ở chỗ ông tuyên xưng Đức Giêsu, không chỉ là một ngôn sứ, mà còn là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Mêsia mà dân Do-thái mong mỏi từ lâu. Đấng Kitô hay Đấng Mêsia có nghĩa là người được Thiên Chúa xức dầu. Ngày xưa, vua là người được xức dầu (1 Sm 24,7). Vào thời Đức Giêsu, nước Israen không có ai làm vua từ sáu thế kỷ qua. Nó chịu cảnh nô lệ hết Babylon đến Persia, rồi Hy-lạp và cuối cùng là Rôma. Bởi đó, dựa trên lời Thiên Chúa hứa với ngôn sứ Na-than (2 Sm 7,11-16), người Do-thái đau đáu mong chờ một vị vua Mêsia thuộc dòng dõi Đa-vít. Vị này sẽ giải phóng Ítraen khỏi tay ngoại bang, dành lại độc lập và xây dựng một vương quốc công minh chính trực tại Giêrusalem. Có thể khi tuyên xưng Thầy Giêsu là Đấng Kitô, tức Đấng Mêsia, ông Phêrô cũng có cái nhìn tương tự như những người Do-thái khác.
 
5. Qua Mc 8,30 ta thấy Đức Giêsu mặc nhiên nhận mình là Đấng Mêsia, nhưng Ngài là một Đấng Mêsia khác với quan niệm của số đông người Do-thái đương thời. Đức Giêsu cấm không được nói Ngài là Đấng Mêsia, vì Ngài sợ người ta hiểu lầm. Ngài không phải là một vị vua đến để giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Ngài không là người chiến thắng quân thù về mặt quân sự hay chính trị, nhưng Ngài là Đấng Mêsia chịu đau khổ như người Tôi Trung, để giải phóng cả nhân loại khỏi ách nô lệ cho tội lỗi. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu còn cấm nhiều lần khác (Mc 1,25.34.44; 3,12; 5,43; 7,36). Ngài chỉ công khai nhận mình là Đấng Kitô khi phải trả lời câu hỏi của vị thượng tế (Mc 14,61-62), vì lúc đó, Ngài không sợ gây hiểu lầm nữa.
 
6. Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu liền báo cho các môn đệ về số phận tương lai của mình: đau khổ, chết và sống lại. Dù nhiều người gây ra cái chết của Đức Giêsu, nhưng qua việc dùng từ “phải” trong Mc 8,31, Ngài cho thấy mọi sự xảy ra đều nằm trong ý định của Thiên Chúa (Mc 14,36). Đau khổ và cái chết của Ngài không phải là một rủi ro hay thất bại, nhưng là con đường dẫn đến sự sống. Kiểu làm Mêsia của Ngài hoàn toàn khác với điều các môn đệ nghĩ. Chính vì thế Phêrô đã trách Đức Giêsu (Mc 8,32).
 
7. Đức Giêsu đã nặng lời trách Phêrô và gọi ông là Xa-tan, vì ông giống Xa-tan trong hoang địa (Mc 1,13), cám dỗ Thầy đi trên con đường khôn ngoan của loài người, nhưng lại không phải là con đường của Thiên Chúa (Mc 8,33). Thầy đã đòi Phêrô phải lui lại, ở đúng vị trí của người môn đệ, đó là đi sau Thầy.
 
8. Đức Giêsu nói Mc 8,34-35 cho cả đám đông nữa. Ai muốn theo Thầy Giêsu cũng phải chung thân phận với Thầy: phải từ bỏ mình để sống theo ý Cha, phải vác thập giá của mình, phải mất mạng sống của mình, và nhờ đó cứu được mạng sống cho đời sau. Cuộc đời họ phải nên một với cuộc đời Thầy Giêsu.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc