banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐIỀU CÒN LẠI TRONG DẠI DỊCH

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/09/2021 04:54 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐIỀU CÒN LẠI TRONG DẠI DỊCH

ĐIỀU CÒN LẠI TRONG DẠI DỊCH

Tình người đó cũng là thứ còn lại trong đại dịch

“Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung”, đó là lời bài hát “làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao mà tôi vẫn ngân nga. Ấy thế mà đã bao tháng rồi con virus nhỏ xíu, mắt thường không trông thấy lại làm ngủ yên tiếng chuông giáo đường.

Tôi đã sinh ra và lớn lên cùng với tiếng chuông ấy. Tiếng chuông ngân vang mỗi sáng ban mai, kèm theo tiếng gọi của Bố: “Dậy con ơi, dậy đi lễ con!”. Tôi cũng nghe tiếng thì thầm của Mẹ nói với Bố: “Thôi để cho con nó ngủ thêm, tối hôm qua nó thức khuya học bài”. Tiếng chuông vang vọng cùng bài thánh ca, câu kinh ăn sâu vào tiềm thức tâm trí tôi và những đứa trẻ ở xóm đạo.

Đối với người Công Giáo mỗi hồi chuông ngân là một sứ điệp thiêng liêng. Có những hồi chuông thánh thót là lời mời gọi thờ phượng. Có những hồi chuông rộn rã đổ dồn báo hiệu tin vui. Có những lúc chuông buông những nhịp buồn, từng tiếng đều đặn báo tin một ai đó trong gia đình giáo xứ, vừa giã từ cuộc đời về Nhà Cha. Người tín hữu lắng nghe và nhận ra thông điệp tiếng chuông vừa gửi tới. Tất cả mọi người xa, gần đều nhanh chóng quy tụ về nơi xảy ra sự kiện, chia sẻ niềm vui, chia sớt nỗi buồn, cùng giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Từ đây tôi học biết bao bài học về tình người. Tiếng chuông trở thành lời mời gọi đoàn kết, hiệp thông trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống.

Sống trong đại dịch COVID, TP.HCM đã thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau. Mọi sinh hoạt tôn giáo đi vào hoạt động trực tuyến, người tín hữu không còn được đến nhà thờ nữa, tiếng chuông thánh thót hôm nào nay vì dịch bệnh đã im bặt. Đã lâu rồi không còn được nghe âm thanh quen thuộc, lòng thổn thức nhớ tiếng chuông giáo đường vọng ngân khi bình minh ló rạng, lúc hoàng hôn buông xuống. Tôi bồi hồi sống lại giây phút, cảm xúc mỗi khi nghe tiếng chuông ngân vang, thả hồn theo những bài thánh ca, câu kinh mà cảm nhận sự bình an, linh thánh đang vọng về.

Tháp chuông cao chót vót, lặng nhìn sự vắng vẻ đìu hiu của Thành phố khi chiều tà. Quả chuông như bất động nghe nhịp thời gian qua. Đâu rồi một Sài Gòn tấp nập tiếng còi xe, đâu rồi một Sài Gòn náo động khi đêm về. Sự nhộn nhịp như lùi bước nhường chỗ cho sự vắng lặng yên tĩnh lên ngôi. Sài Gòn lặng im như đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau những người dân, những người không may bị nhiễm bệnh, những người mất người thân vì COVID. Sài Gòn đang ngày đêm nín thở theo bước chân những người ở tuyến đầu đang ngày đêm gồng mình vì COVID. Tháp chuông như lặng lẽ nép mình vào Sài Gòn chia sớt nỗi đau và âm thầm mời gọi những tiếng nguyện lời kinh nơi gia đình và nơi cõi lòng mỗi người.

Trong những ngày giãn cách khó khăn chồng chất đâu đó vẫn vang vọng tiếng chuông của tình người, những người dân đã tìm cách giúp nhau từng hạt gạo, từng bó rau. Những chuyến xe cứu trợ chở đầy ắp tình nghĩa, của người dân tỉnh lẻ vào Sài Gòn. Những y bác sĩ từng giờ, từng phút ngày đêm dành giật từng hơi thở để bảo vệ sự sống cho bệnh nhân COVID. Những người can đảm tình nguyện đi vào tâm dịch chăm sóc F0, âm thầm, chung tay chống dịch. Trong số những người tình nguyện ấy, có người đã nhiễm bệnh và ra đi mãi mãi. Xem tin tức và những hình ảnh đó sống mũi tôi cay cay, nước mắt chực trào, tiếng chuông nào dành cho họ!

Phải chăng đó chính là tiếng chuông của hy vọng, của tình người. Những hy sinh, những nghĩa cử cao đẹp ấy đã vực dậy khao khát sống cho những người F0 đang chiến đấu với virus, truyền cảm thông cho những người bị tổn thương, mất mát do dịch bệnh gây ra. Nghĩa cử cao đẹp đó đã truyền động lực cho những người đang tiếp nối bước chân của họ tiếp tục dấn thân đi vào tâm dịch để phục vụ. Chính tình người đã khơi lên trong tôi niềm tin và hy vọng. Chúng ta sẽ “dìu nhau” vượt qua đại dịch, một cuộc sống bình thường mới sẽ bắt đầu.

Tình người đó cũng là thứ còn lại trong đại dịch, mang đến những hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Cuộc sống luôn cần tình người để bước tiếp hành trình phía trước khi đại dịch đi qua.

Chiều nay tôi hướng nhìn về tháp chuông nhà thờ Hàng Xanh với niềm tin: Mai đây tiếng chuông giáo đường sẽ lại thánh thót, báo hiệu bình minh mới đang đến, sức sống đang trỗi dậy và tình người đang vọng về.

Tác giả bài viết: Cỏ May
Từ khóa:

Covid, tiếng chuông

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc