Chúng ta được Đấng Phục Sinh sai đến các dân tộc loan báo Tin Mừng Mt 28, 19). Đồng lúa chín vàng mênh mông, mà thợ gặt thì ít. Thực vậy, có bao nhiêu tỉnh thành, làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu. Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương? Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Đức Giêsu? Và chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng. Vâng, Truyền Giáo là việc “sống- chết”, cần thiết và cấp bách. Đúng, nếu một tế bào không phân nhân, phát triển sẽ là tế bào chết. Vậy, xin được chia sẻ sau đây những trích dẫn về việc truyền giáo hầu phần nào hâm nóng lại sứ mạng này trong thế giới hôm nay.
1. Lệnh Cuối Cùng:
Để thi hành mệnh lệnh cuối cùng của Đức Giêsu: “Hãy đi khắp cả và thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang đã cố gắng sống đúng ơn gọi và chân tính tông đồ thừa sai của mình. Trải dài suốt dòng lịch sử của Hội Dòng, Sứ mạng Truyền giáo là một trong những đặc trưng trong linh đạo. Chính vì thế, sau khi được huấn luyện và thử nghiệm, người nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang được sai đi phục vụ Nước Trời; trong tin yêu và phó thác vào Đấng đã hứa “sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20c).
2. Giáo huấn của Giáo Hội về Truyền giáo:
“Họ phải mau mắn khởi xướng, kiên trì hoàn tất công việc, bền chí trong khó khăn, nhẫn nại và chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và những cố gắng vô hiệu. Họ sẽ đến cùng mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, tình nguyện lãnh nhận nhiệm vụ được giao phó, quảng đại thích nghi với cả những phong tục khác thường của các dân tộc và những điều kiện sinh hoạt đổi thay, đồng tâm, tương ái cộng tác với anh em và mọi người đang hiến thân cho cùng một công việc” (Vat.II, TG 25).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với việc Truyền giáo:
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày thế giới Truyền giáo (18/10/1998) làm cho chúng ta vững lòng: “ …Thần Khí hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh trong sứ vụ đến với các dân tộc. Chúng ta sẽ thấy an lòng khi biết rằng không phải chúng ta, nhưng chính Người là Đấng điều khiển sứ vụ. Điều này đem lại cho chúng ta tâm trạng thư thái, phấn khởi, hy vọng và can đảm. Những giá trị này giúp cho nhà Truyền giáo không phải bận tâm chi cả, bởi vì chúng nằm trong tầm tay Thiên Chúa. Nhà Truyền giáo phải thi hành nhiệm vụ với tất cả nỗ lực của mình, khi đã hoàn toàn phó thác mọi hoạt động cho Chúa lo liệu”.
Tinh thần Tông đồ Lâm Bích:
Có khoảng trên 20 Bút tích của Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập để lại cho chúng ta và nhất là qua tiểu sử của ngài, một mô hình tông đồ thừa sai sinh động cho chúng ta, những người con yêu của ngài noi theo.
“Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên được thành lập tại Á Đông, và mang bản chất tông đồ thừa sai (x. Ltk IV,5). Vì thế người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi sống tinh thần tông đồ và áp dụng phương pháp thừa sai của Đấng Sáng Lập. Chính ngài khích lệ chị em chú tâm thực thi tinh thần trung gian (x. Btt 9), theo gương Chúa Cứu Thế khi chu toàn sứ mạng.
Người nữ tu Mến Thánh Giá phải mang trái tim thương cảm và trở thành cánh tay hữu hình của Đức Kitô - Chịu - Đóng - Đinh (TS 31), để chia sẻ thoa dịu nỗi khổ đau (TS 5) của đồng bào, đặc biệt nữ giới và giới trẻ (x. Ltk III, 2-5).
Sử gia Francoise Buzelin trong bài nghiên cứu chuyên đề về “Quá trình thành lập Dòng Mến Thánh Giá trong tư tưởng của Đức cha Lambert de la Motte” (bản dịch của Linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi), nhận định: “Quan niệm truyền giáo của Đức cha Lambert de la Motte, như được thể hiện trong Dòng nữ Mến Thánh Giá, là cực kỳ hiện đại, thậm chí mang sắc thái cách mạng và hoàn toàn thích đáng, ít ra là trong bối cảnh Việt Nam, bởi vì quan điểm ấy được thành công lớn lao như người ta đã biết (sđd số 29). Bà còn nhấn mạnh: “Chính chị em Mến Thánh Giá sẽ cứu vãn vào giờ phút chót lý tưởng truyền giáo của Đức Cha Lambert và bảo đảm sự trường tồn cho lý tưởng ấy” (sđd số 11).
5. Chiều kích Truyền giáo trong ơn gọi Mến Thánh Giá:
Năm Thánh 2000, Giáo hội Á Châu cùng với Giáo hội toàn cầu xác nhận một cách mạnh mẽ căn tính truyền giáo, một thao thức sống còn, ưu tiên hàng đầu của Giáo hội trong thế giới hôm nay: Giới thiệu Chúa Kitô cho người khác, bởi vì đó là Thánh ý Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (TG số 07). Công đồng Vatican II qua sắc lệnh Perfectae Caritatis, Canh Tân Thích Nghi Dòng tu và Giáo luật 1983 khoản 578; 587 và 595 đã từng kêu gọi chúng ta tìm về và sống căn tính của mình.
Đáp lại lòng Mẹ Giáo hội, Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang trong biến cố trọng đại: phê chuẩn và ban hành Hiến Chương (15/ 6/ 2000), nhằm canh tân cách sống đặc sủng và pháp chế, bằng cách trở về nguồn để tìm lại rõ hơn căn tính truyền giáo của mình đã được Chúa Thánh Linh khơi nguồn qua Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập cách đây 336 năm, mà bụi thời gian đã che khuất, lắm lúc làm chúng ta sai đường lệch hướng.
Chia sẻ cùng một cội nguồn của Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang hướng về việc truyền giáo cho lương dân, truyền giáo bằng cách sống tinh thần trung gian chuyển cầu qua: thái độ sám hối, nài xin trong nguyện đường và phục vụ. Hiến Chương đã dành trọn chương VI để nói về đời sống tông đồ: Thập giá, tâm hồn và tinh thần tông đồ. Với những qui tắc sống sứ mạng tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá, trong đường hướng của Giáo hội địa phương, Hội Dòng sáng tạo và thích ứng trong sự trung thành là cánh tay nối dài của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, thi hành bốn nhiệm vụ cụ thể: giáo dục giới trẻ, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và thăng tiến nữ giới.
Đây chính là những điểm chủ yếu trong linh đạo Mến Thánh Giá, và là lý do khai sáng Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, nhằm phục vụ công việc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam trong hơn ba thế kỷ nay.
6. Hiện Tình:
Lời mời gọi “hãy đi rao giảng Tin Mừng” của Đức Kitô như luôn vang vọng trong tâm hồn người nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang. Hơn nữa, thấm nhuần linh đạo tông đồ, chị em sẵn sàng dâng hiến, trao gởi và cống hiến bản thân mình cho Thiên Chúa, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh cho đến cùng. Chị em Mến Thánh Giá Nha Trang trong 66 năm qua đã thực sự dấn thân vào các hoạt động truyền giáo thuộc nhiều lãnh vực. Những lãnh vực ấy có thay đổi hoặc tăng giảm, phần lớn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử và nhu cầu tông đồ đòi hỏi. Nhưng trong bất cứ tình huống nào, người nữ tu bao giờ cũng nêu cao tinh thần phục vụ của Đức Kitô và vì “Người nữ tu Mến Thánh Giá phải mang trái tim thương cảm và trở thành cánh tay hữu hình của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh: để chia sẻ, thoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt giới nữ và giới trẻ” (x. HC. đ. 70).
Kể từ 01/5/1975, chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang sống ơn đoàn sủng của mình dưới nhiều hình thức tông đồ khác nhau. Chi em làm việc trong các học đường và cơ sở từ thiện xã hội do nhà nước quản lý hoàn toàn. Chị em đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, chứng nhân âm thầm trong lao động sản xuất. Nhưng từ 1986 tình hình có phần cởi mở, chị em lại nhạy bén và sáng tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tinh thần của linh đạo Mến Thánh Giá của mình trong sự hướng dẫn của Giáo hội; như mới đây Thánh Bộ Các Dòng Tu Sống Đời Thánh Hiến đã minh định trong văn kiện “Đời sống Huynh Đệ trong cộng đoàn” số 20: “các cộng đoàn tu trì có thể trở thành những nơi ưu tiên, ở đó người ta cảm nghiệm được những nẻo đường dẫn đến Thiên Chúa”.
Ý thức mình là men nồng, muối mặn, là ánh sáng giữa đêm đen cuộc đời, người nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang đã tích cực đảm nhận với nhiều sáng kiến trong lãnh vực truyền giáo như:
* Cộng tác trong các chương trình mục vụ của Giáo xứ.
* Giáo dục văn hóa: nhà trẻ-Mầm Non, các lớp phổ cập, các lớp tình thương.
* Thành lập và trực tiếp chẩn và chữa trị đông, tây y cho các bệnh nhân nghèo tại các chẩn xá.
* Thành lập và trực tiếp phục vụ tại các Cơ sở Bảo Trợ Xã Hội - Cô Nhị Viện.
* Thành lập và trực tiếp phục vụ tại các Cơ sở Bảo Trợ Xã Hội: Khiếm thị, khiếm thính, Thiểu Năng, Down, Tự Kỷ, Chậm Phát Triển…
* Đặc biệt, trong những năm gần đây Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang đã ưu tiên hướng sứ mạng tông đồ của mình đến các vùng sâu vùng xa, các Giáo điểm mới trong và ngoài Giáo phận.
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Ðức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ gần gủi với Ðức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của mình, đặc biệt đối với bà con trên quê hương Việt Nam thân yêu. Chúng con cũng cầu xin cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái.
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành, đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái. Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha. Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu. Xin Cha gieo vào lòng các bạn ấy những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả để họ tiếp nối công trình của Cha đem yêu thương đến tận cùng trái đất.
Ý kiến bạn đọc