(Tiếp theo kỳ trước)
Phải thành thật chú trọng kẻ khác
Chúng tôi đã nhiều lần nói với bạn rằng mỗi người ai cũng muốn người khác quan tâm đến mình. Sao bạn không biết đáp ứng sự thèm khát này nếu bạn muốn được mến phục. Hãy tìm nơi người khác những đức tính tốt hơn là những tật xấu và ai cũng có những đức tính tốt khiến bạn bắt chước cả. Hãy mặc kệ những khuyết điểm và tật xấu của người khác, bạn hãy noi theo một hoặc hai đức tính tốt đẹp của họ thôi. Chân thành khen những đức tính ấy, người ta sẽ mến thích bạn. Vả lại, có nhiều người coi xấu dạng, nhưng lại có tấm lòng tốt hiếm có. Chẳng phải người ta đã nói: “Chùa đất Phật vàng” ư? Nếu bạn gặp được những tâm hồn ấy có lẽ còn quý hơn mỏ vàng ở Pérou. Lúc ai nói chuyện với bạn, bạn hãy để cho họ đóng vai chủ động, nhường nhìn họ để họ thấy họ quan trọng hơn bạn và do đó thích tìm đến bạn. Lúc những người sống chung với bạn đau ốm, họ mong lời thăm hỏi của bạn lắm. Bạn hãy thành thật nói với họ vài lời: bạn đã khá chưa? Có mệt lắm không? Uống thuốc, nghỉ ngơi sẽ mau khỏe hơn? Những lời đó không tốn đồng nào nhưng có giá trị lắm! Những khi người khác gặp rủi ro, thất bại, sao bạn không thu tâm họ bằng cách chia buồn với họ? Khi cộng tác với ai để thi hành một công việc gì, điều quan trọng là bạn đặt những câu hỏi khơi gợi óc sáng kiến của người khác, giúp họ có những ước vọng, những dự tính mà chính mình ước muốn. Nên khích lệ tài đức, khả năng của họ, nhìn nhận họ thành thạo công việc và có thể đi đến thành công. Lúc họ tận tụy giúp mình, phải tìm cho họ những hứng thú, những vui sướng. Nếu phải tốn tiền bạc chút ít để giải lao, ủy lạo, bạn đừng tiếc. Tốn thì ít nhưng thu lại thì nhiều. Khi họ lỡ lầm, làm hại của cải ta, ta đừng nóng của mà la ó. Hãy giữ thể diện cho kẻ cộng tác với mình. Thái độ của người quân tử là thành lũy bảo tồn sự trung tín của họ đối với ta. Những khi ta nóng nảy, phiền trách họ lỗi lầm, họ tự nhiên bị chạm tự ái, có tinh thần kháng cự với ta. Nhưng nếu ta gặp riêng họ, ngọt ngào chỉ những khuyết điểm cho họ cách sơ qua, họ sẽ sửa mình. Tâm lý của con người là vậy. Nếu họ không chịu sửa lỗi liền, có lẽ vì họ tưởng ta chỉ nghĩ đến ta, đến quyền lợi của ta thôi. Bạn hãy khích lệ danh dự của họ, chỉ cho họ thấy khi họ hành động cách nào đó họ sẽ là người quân tử, cao thượng, bác ái, được người khác mến phục. Giờ ăn, bạn hãy quên mình đi, lo phục vụ. Những thái độ ân cần như: chuyển lọ lắm từ xa đến gần họ. Có lẽ bạn cho là nhỏ nhặt quá không? Nhỏ nhặt thật, nhưng chỉ là đối với bạn, còn đối với họ to lớn lắm, vì xuyên qua những cử chỉ ấy, họ thấy tấm lòng quảng đại, bác ái của bạn.
Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày, muốn đắc nhân tâm, bạn hãy ra khỏi vỏ cứng cá nhân, niềm nở quan tâm người khác. Chú trọng người khác là tự nhiên khiến người khác chú trọng mình.
Phải bền bỉ
Chắc chắn bạn biết có rất nhiều người làm quen với người khác rất lẹ, mau được lòng người khác, nhưng rồi trong một thời gian ngắn, tấm thân tình của họ biến mất. Hết giao du với người này họ đến với người khác. Những người này sẽ bị gọi là giả dối. Bạn muốn trở thành những người có lối giao thiệp bền bỉ để thành công. Những người giao thiệp bền bỉ mới là hạng người có đức thu tâm. Họ vị tha lắm, luôn chừng mực, họ vui vẻ tiếp người khác nhưng cười nói vừa phải thôi. Trong khi bao nhiêu bè bạn “chạy đua” giao tiếp cùng những người có vẻ như vui tươi lắm, coi bộ rộng rãi, tử tế, có hình thức quyến rũ, họ vẫn xử đối mực thước với những bạn cũ. Nhiều người đã từng giao du với họ mà vì hay thay đổi tính tình, cách xa họ, họ không trách móc, lúc nào gặp lại, họ tiếp đón với thái độ ngọt ngào. Những kiểu lập phe, lập đảng để nói hành, chỉ trích anh chị em, những cách nịnh bợ, bênh vực vì tình cảm nhất thời, họ cương quyết khinh rẻ. Bao giờ họ cũng nhắm những thân tình chân thật, lâu bền. Đối với mọi người, họ đều có một tình thân mến sâu sắc và lo giúp đỡ người ấy khi cần thiết. Ngày tháng trôi qua, những gì có thể bị ảnh hưởng thời gian tiêu mòn đi, nhưng tấm lòng càng của họ đối với những người mà họ giao tiếp vẫn một mực. Họ là kiểu người mọi người coi như vàng ngọc và thích mến luôn.
Phải có óc trách nhiệm
Trong cuộc chiến tranh Hiệp - Chủng - Quốc và Y - Pha – Nho (Tây Ban Nha), Tổng thống Mc. Kinley muốn giao thiệp cho kỳ được với Garcia, viên chỉ huy của quân phiếm loạn để nhờ ông cộng tác. Làm sao gặp? Nào ai biết Gracia ở đâu? Người ta chỉ đoán rằng Garcia ở miền Cuba tận nơi nguy hiểm xa xôi. Có kẻ mách cho Mc. Kinley biết duy chỉ Rowan có thể tìm ra được Garcia. Rowan được mời đến Tổng thống Mỹ, nhận “Bức thông điệp gởi cho Garcia”, thinh lặng rồi lo thi hành sứ mạng. Rowan cũng như mọi người, không biết Garcia ở phương trời nào, nhưng vì lãnh sứ mệnh nặng nề, chàng cương quyết tìm cho được viên tướng phiếm loạn này. Chàng bỏ bức thư vào một túi vải, đeo nơi ngực, vượt thuyền ngoài khơi Cuba trong 4 ngày. Lên bờ Cuba, chàng băng rừng vượt núi, qua bao nhiêu trở lực nguy hiểm cho tính mạng suốt ba tuần. Sau cùng, chàng gặp Garcia và trao bức thông điệp. Thật là một gương chói lọi của tinh thần trách nhiệm. Rowan nhờ tinh thần này biến thành một người mà dân tộc Mỹ vô cùng mến phục. Không phải dân tộc Mỹ mến phục thôi, bức thông điệp gởi cho Garica do Elbert Hubbart viết đăng trong tạp chí Philistine tại Mỹ năm 1899. Về sau người ta dịch ta nhiều thứ tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Đã phát hành trên 40 triệu bản. Ai đọc cũng mê say, say mê vì mến phục con người anh hùng có trách nhiệm siêu quần. Chúng tôi không dám khuyên bạn chép bức thông điệp ấy mà đeo ở ngực như mỗi người lính Nga trong trận Nga – Nhật. Nhưng nếu có thể được, xin bạn bắt chước gương anh dũng chịu trách nhiệm của Rowan.
Tinh thần trách nhiệm chẳng những là phương thế giúp ta có tâm hồn anh dũng, rèn luyện cho ta chí khí mà còn là bí quyết linh diệu giúp ta thu hoạch nhân tâm. Những ai không có tinh thần này thường bị coi là người khiếp nhược và người khác khinh rẻ. Trong xã hội nào cũng có những người không có tinh thần trách nhiệm. Họ không biết tự tín, không lo tận dụng khả năng của mình, không thích cương quyết thành người anh dũng nên thu rút mình trong mu rùa cá nhân, ưa sống trong xã hội như hạt cát trên sa mạc, yếu hèn để cho người khác lãnh trách nhiệm, thừa hưởng ích lợi chung mà không muốn khổ cực; muốn thành công, muốn hạnh phúc mà cứ ăn không ngồi rồi. Gặp chuyện khó, họ chỉ có tài xúi kẻ khác hành động. Khi chưa tới lúc đứng mũi chịu sào cho một công việc, một trách nhiệm, họ rất đa ngôn, khoe tài ba, lỗi lạc, thúc đẩy kẻ này người nọ, lộn xộn như con ruồi trong biến ngôn của La Fontaine. Nhưng khi phải lãnh trách nhiệm, họ vắng mặt, “rút êm” hay thinh lặng. Làm nhỏ, khi cần thiết thi hành điều gì ngoài ý bề trên, khi phải sống với tinh thần độc lập, họ không dám. Bạc nhược nhất là khi làm lớn mà họ không đủ can đảm thi hành phận sự, lo “lái” kẻ khác cậy nhờ, thúc đẩy người khác làm. Nếu có kết quả tốt thì họ hưởng danh dự, quyền lợi, nếu thất bại thì họ thinh lặng để kẻ họ sai khiến chịu trách nhiệm một mình.
Khi ai đó nói: “Tôi lãnh trách nhiệm” là lúc họ biểu lộ nhân cách của họ, họ gia tăng chí khí của mình, ý thức giá trị của cá nhân mình, hãnh diện cách chính đáng với bao kẻ khác. Lẽ dĩ nhiên, đối với kẻ khác họ được mến phục vâng lời. Người ta không mến phục sao được người biết quên mình, lo nghĩ đến người khác, chịu sự khó nhọc mưu cầu ích lợi, hạnh phúc, sẵn sàng lãnh lấy hậu quả nguy hại cho người khác nếu có.
Con người tự nhiên có tính lười biếng, không thích đem cá nhân mình ra làm bia cho thiên hạ dòm ngó, muốn sống ích kỷ, vui thích khi kẻ khác khổ nhọc mà mình an nhàn, thán phục những ai thay thế mình chịu đau khổ. Chúng tôi muốn bạn lợi dụng bản tính này của con người để thu tâm, để phát huy nhân cách. Nghĩa là bạn hãy có tinh thần trách nhiệm. Trong “Từ Điển Nghệ Thuật Sống”, chúng tôi nói không phải chúng ta chạy kiếm trách nhiệm, nhưng khi nó đến, ta anh dũng đón nhận bằng nụ cười. Bạn hãy thấy trong việc lãnh trách nhiệm danh dự cao cả vì bạn biết sử dụng nhân cách cá biệt của mình. Bạn góp mặt với đời, thừa hưởng hạnh phúc với đồng loại cũng như dám lãnh nhận những khổ đau. Trước hết, trong cuộc xã giao, bạn đừng quá ỷ lại với mình, đừng khinh rẻ người khác để bất kỳ trong công việc nào cũng đem cái tôi của mình ra quảng cáo, lãnh trách nhiệm. Bạn nên khiêm tốn. Khiêm tốn, song khi cần lãnh trách nhiệm thì cứ lãnh. Bạn suy nghĩ trước cái lợi cái hại để về sau khỏi ăn năn. Mỗi lời bạn nói ra, bạn trầm tưởng chín mùi và sẵn sàng chịu trách nhiệm những hậu quả. Khi được ủy thác công việc gì, bạn tận tụy thi hành chu đáo và đảm bảo sự thất bại nếu có. Đã cậy nhờ, sai khiến ai làm hộ mình việc chi, nếu tai nạn xảy ra, hãy lãnh hết trách nhiệm cho họ không nên viện lẽ để họ nguy khốn.
Tóm lại, bạn phải là người có tinh thần trách nhiệm. Phải can đảm lãnh các hậu quả của sứ mệnh chức vụ, công việc, lời nói, thái độ hay huấn lệnh của mình. Một người như vậy mới đáng được người khác mến yêu và quý phục.
Trích trong tập sách: RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt
Kỳ tới: Khiêm tốn - Cẩn ngôn - Bác ái
Ý kiến bạn đọc