banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

MỘT THÁI ĐỘ TINH THẦN

Đăng lúc: Thứ ba - 16/01/2018 22:44 - Người đăng bài viết: menthanhgia
MỘT THÁI ĐỘ TINH THẦN

MỘT THÁI ĐỘ TINH THẦN

“Thường những đầu óc xoàng kết án bất cứ cái gì vượt ngoài tầm thức của họ”.
 
“Thường những đầu óc xoàng kết án bất cứ cái gì vượt ngoài tầm thức của họ”.
                                                                                      La Rochefoucauld

Thái độ tinh thần mà tôi muốn nói riêng với bạn đây là sự dè dặt trong phán đoán. Theo chổ tôi thấy hình như phần nhiều con người vội tin, vội đoán và câu nệ.

1. Nhiều kẻ hễ nghe ai nói gì, viết gì, làm gì thì tin ngay. Họ có hai lối tin. Một là họ cho dư luận là chân lý trăm phần trăm. Không cần tư tưởng tự mình, không cần kiểm soát dư luận, họ giống như một cái máy nhiếp ảnh, thu nhận các ý tưởng của người như một chân lý. Có ông kia bà nọ bảo ông vua nước mình hoàng dâm, người vội tin có hai thái độ. Họ hoặc nói “À phải rồi! Ông vua ta hoang dâm”. Trí tưởng tượng họ tấn công thêm: “À hèn gì tôi thấy nét mặt ổng tướng đi ổng ra vẻ hoang dâm…”. Hai là có bộ óc độc lập và dè dặt, song bị bệnh thành kiến. Lúc nghe dư luận nói xấu ông vua họ không tin hẳn ông vua tồi tệ. Nhưng từ đó họ sẽ lần lần thấy ông nói gì, làm gì cũng dâm ô, nhiều thì ít.

2. Đến hạng người vội đoán. Bởi có tật vội tin người, có kẻ vội đoán. Thiếu dè dặt, là khuyết điểm có từ đâu trong tủy cốt của họ. Thấy cái gì, không biết hay nghịch ý, họ cho là bậy. Có khi chính họ, trong tận tâm não và bấy lâu cho là đúng; nhưng vụt một cái, vào trường hợp việc xảy ra vội, họ cho là sai. Cái phải, cái chẳng họ không tìm kiếm, phân biệt, so sánh, chọn lựa và quyết tuyển. Thấy một đứa học trò không thuộc bài, họ bảo: lười biếng, dòng dõi dốt nát. Họ không dò xét coi nó không thuộc bài mấy lần và tại sao, tại nó lười mà không học, có máu ngu mà ngu mà không thuộc hay tại nó bệnh, nó buồn, nó không thích môn học ấy hay có khi tại giáo sư vụng nghề dạy nó nữa. Có thể người vội đoán là một thứ lò xo: họ quyết đoán bất cần suy nghĩ mà chỉ theo nhận xét ăn phớt ngoài da.

3. Hai thái độ “vội tin”, “vội đoán” thường được một thành lỹ kiên cố ủng hộ. Đó là tự ái quá khích đến thành câu nệ. Tính tự ái vốn tốt, nó là động lực giúp gìn giữ nhân cách. Song một khi không giáo luyện nó, thả cương để nó phóng túng quá lố, thì nó là mộ trở ngại không cho con người phục thiện. Vì nó người ta dễ vội tin, vội đoán bảo thủ tư tưởng của mình. Họ thấy tất cả  một sự tủi hổ khi hạ mình xuống để nghe kẻ khác. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng mình có lý và không có chút gì dè dặt, họ cho kẻ khác luôn là sai.

Thưa bạn, tất cả ba thái độ trên đều lầm lạc. Người vội tin là người không làm chủ lấy bộ não của mình. Tư tưởng nô lệ. Người xung quanh xỏ mũi đầu óc của họ. Có lẽ bộ não thiếu phát triển về mặt sinh lý, có lẽ vì lười tư tưởng, dần dần họ sống trong sự ỷ lại hoàn toàn ở dư luận. Họ phó mặc tôn giáo, đảng phái, giai cấp, kẻ có tuổi tác, tư tưởng thế cho họ. Họ không kiểm soát dư luận. Tuy rằng dư luận có nhiều khi rất công bình nhưng lắm lúc cũng rất sai lầm. Nó là một phong trào, một tổng hợp nhiều ý kiến cá nhân. Nhưng có điều đặc biệt là những cá nhân ấy khi sản xuất dư luận chịu một định luật thông thường này là có thể sai lầm và ý kiến cá nhân hay lây. Tâm lý quần đoàn ấy nhiều khi khiến lắm kẻ rất trí thức, rất cao niên vẫn sai lầm trong những điều hết sức trẻ con. Đọc lại cổ sử chắc chúng ta không ai quên dư luận cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất và rất nhiều người đã tin vào điều đấy.

Bạn nên tập một thái độ dè dặt trong sự tin tưởng dư luận. Dĩ nhiên ở đời ta cũng phải tin tưởng những kẻ đáng tin, vì ta không làm sao kiểm soát hết mọi sự thật và sự cố gắng kiểm soát ấy nhiều khi không cần. Có một bà mẹ chân thành nói với bạn “Ba con mất rồi ở một nơi xa, mẹ vừa an táng người xong và về cho con hay” thì dù bạn dè dặt cách mấy cũng có thể tin ngay lời mẹ mình. Cũng chính nhờ những chứng cớ của sử gia mà ta hiểu biết về thời dĩ vãng. Tuy vậy, trong cảnh sống thường nhật ta phải cẩn thận khi tin tưởng. Có nhiều khi kẻ đem tin tức cho ta rất thành tâm mà họ vẫn sai lầm. Biết đâu họ bị chi phối bởi tình dục, bởi thành lũy của dư luận đẳng cấp, tôn giáo, địa phương. Cũng biết đâu họ vì thiếu hiểu biết hay vì một mối lợi nào đó mà đánh rơi sự thật. Tôi nghĩ rằng bạn nên dùng phương pháp phê bình sử học để kiểm điểm dư luận. Thật ra, không phải gặp cái gì cũng phải áp dụng lối phê bình này. Song ít ra trong những vấn đề  hệ trọng, ta phải dùng nó.

Vì tính vụng chạc hay làm ta vội tin, vội đoán nên và câu nệ nên cần đức điềm đạm. Bên ngoài tỏ ra có cách nói, cử chỉ phong độ trầm tĩnh. Điềm tĩnh bên ngoài ảnh hưởng nội tâm. Nó đặt cho tinh thần một dây cương, bắt ta chầm chậm tư tưởng và quyết tin. Tập được dè dặt trong tư tưởng, bạn sẽ dè dặt trong phán đoán. Không có nó, người ta sẽ phán đoán ngoài da. Thấy cuốn tập có bìa da đỏ ta cho rằng “tập đỏ”, thấy người đi ngước mặt lên trời ta hầm hừ: “đồ tự kiêu”… Ta phán đoán không phải ngay bản chất, nội bộ của sự vật mà ngoài da rồi cũng không hết ngoài da, mà chỉ một góc, mà cũng không hết một góc, mà chỉ một lõm, một cạnh, một khía mà thôi. Thế thì thôi ta có mong gì nắm được sự thật. Tại sao khi thấy cây đũa có hình gãy trong lý nước ta không tự nói: “À, nó giống gãy mà không biết có gãy không?”. Rồi bạn thọc tay vào ly nước rờ cây đũa và rút nó ra: nó còn y nguyên… Lối thí nghiệm khoa học này rất bổ ích cho ta khi phán đoán. Nó chẳng những giúp ta bổ túc những khuyết điểm của lý tưởng mà con lợi khí cho ta kiểm soát sự vật. Thấy một học trò trong lớp đã không thuộc bài chừng 10 lần. Nếu ta chưa gặp riêng nó chừng 2 tiếng đồng hồ, thảo luận, chất vấn nó về các mặt sinh lý, tâm lý, tài năng lối dạy của thầy, hoàn cảnh giáo dục, nếu không điều tra như vậy thì tôi khuyên bạn đừng nói cậu hoc trò ấy lười biếng. Phải. Sự kiện không thuộc bài của nó là lý để bạn nói nó lười nhác. Nhưng chưa phải là một lý đầy đủ, chinh phục hẳn hoi. Bạn có biết không, nó có thể không thuộc bài dù nhiều lần đi nữa vì nó đau phổi, bộ óc kiệt quệ, tính tình sầu buồn, bạn có biết không cũng có thể vì môn học đó không đúng sở trường của nó, hay là khả năng sư phạm của người thầy không tốt, cắt nghĩa không rõ ràng. Và sau hết rất có thể là bầu khí của trường lớp không tốt. Bạn ơi, có biết bao cái có thể như vậy, thế mà có mấy ai xét đến. Một người nói học trò ấy làm biếng. Hai người, ba người rồi cả trường đều cho nó làm biếng trăm phần trăm. Nguyên cớ khiến người ta phán đoán như vậy có lẽ là tính nhẹ dạ và óc kém tinh thần khoa học. Vậy muốn phán đoán đường hoàng nên trầm ngâm suy nghĩ các phương diện của một vấn đề. Tìm cho đầy đủ lý chứng và nghiệm chứng rồi mới nói hay dở, thực hư…Trong đời ta nên tập thói quen tự nói với mình: “Tôi luôn luôn ở trong sự chờ đợi những ý kiến, những quan sát, những thí nghiệm, so sáng để phán đoán”. Bạn chờ cho tới giờ cùng rồi giải quyết một vấn đề, nếu không có bằng chứng vững mạnh thì bạn cứ làm thinh. Đừng khi nào quả quyết tuyệt đối dù khi đã có đủ bằng chứng nữa. Thái độ tinh thần ấy chẳng những giúp bạn khỏi lầm lạc, hay lầm lạc rất ít mà còn cho phép bạn tâm phục người nghe mình. Khi nào bạn độc đoán quả quyết với ai một vấn đề gì thì người ấy tự nhiên vì lòng tự ái có thái độ đối lập với bạn, kiểm soát ý kiến của bạn. Hơn nữa lòng tự ti của họ bắt họ thấy rằng bạn hơn họ, họ kém trí quá… họ nhục và ngụy loạn nghĩa là phủ nhận tư tưởng của bạn. Chớ chi bạn quả quyết với hình thức chất vấn, nói xa xa, nói cách khách quan thì bạn  sẽ làm cho người nghe bạn kính nể bạn, có thái độ tốt với ý kiến của bạn. Những tiếng có thể như: được không, chúng ta nên, chúng ta cần, theo ý tôi, theo dư luận, theo lẽ phải thì… là những âm thanh ngọt ngào nhử người vào rọ tư tưởng của mình. Vậy thiết nghĩ bạn nên áp dụng nó trong đời sống hằng ngày cũng như khi bạn viết và hơn nữa lối phán đoán ấy còn tỏ ra bạn là người tri thức, lịch sự và tế nhị.

Hết 90% câu chuyện thường ngày của ta là những phán đoán về đời sống kẻ khác. Sự phán đoán này không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Người ta ít khi bàn luận những câu chuyện của mình mà không làm cho mình liên quan hay được ngợi khen. Người ta thích nói chuyện người. Và là người ai cũng ưa chỉ trích cả. Không hẳn là một định luật tự nhiên, nhưng việc bới lông tìm vết hình như mỗi người đều mang trong mình một ít. Chúng ta thường chỉ thấy lỗi lầm của người. Ai không có, chúng ta bới móc cho được. Kẻ nào có gì đáng khen, chúng ta lo nhận chìm để mình nổi bật lên hay để hả dạ phân bì, oán ghét. Giá có khen ai đi nữa, ta cũng nói những tiếng thòng theo: nhưng… mà…, song… để hạ giá người cách gián tiếp. Bệnh vạch lá tìm sâu ấy hay làm cho óc phán đoán thiên vị. Đối với kẻ có cảm tình với ta, ta thấy toàn cái tốt. Hay nếu họ có lỗi lầm ta giả không thấy, tìm cớ cắt nghĩa lành hay đổi dữ ra lành. Đối với người xấu tướng, vụng cách sống được giới thiệu tước là tệ mạt, ta hết công bình, vô tư và ngó họ qua tròng mắt bi quan của ta. Chứng bệnh tinh thần tai hại ấy ta phải trừ tận căn cho nhanh. Phán đoán người là việc theo tôi nghĩa rất khó. Chính ta, ta còn không hiểu rõ ta cánh hoàn toàn kia mà. Ta chẳng thấu triệt ta vì sự ám ảnh của dục tình, của quyền lợi, lòng tự ái… Kẻ khác không hiểu ta bằng ta, thường chỉ biết một góc, một cạnh con người ta thì trông gì họ phán đoán đúng sự thật chân tướng tâm hồn ta. Bởi thế, nên theo ý tôi, bạn cần nên có thái độ dè dặt lúc phê bình người khác. Thấy ai lỗi lầm, bạn nên tự hỏi “Phải rồi, theo ta thấy, ta nghe thì việc làm, lời nói ấy có lỗi. Song có gì làm bằng chứng rõ rệt rằng có lỗi thật không. Người làm, người nói có ý gì, có ý thức lúc làm không? Hay giá họ có lỗi đi, lỗi ấy có thể là một lần thôi không?”. Cẩn thận như thế, phán đoán của bạn sẽ khó bề sai lạc. Làm trái ngược lại, bạn sẽ thấy tính nhẹ dạ, dục tình làm ta xa sự thật. Khổ nhất là làm lớn mà phán đoán cẩu thả. Nhờ dua nịnh, giả hình nhiều kẻ “tay trong” của bạn được bạn in trí tốt trong khi họ đáng khinh mạt và toan hại bạn. Ở học đường với sự phán đoán thiên lệch ấy bạn sẽ làm chết nhiều tâm hồn đạo đức và nhiều đầu óc tài ba ờ thời kỳ ươm mầm. Đồng thời vô tình bạn làm cho mọc lên những con người xảo quyệt, thiếu hiểu biết, quỵ mọp và phản ngụy. Một tai hại nữa là người xung quanh bạn dần dần mất tín nhiệm bạn. Những điều bạn suy nghĩ chín chắn lắm lúc nói ra họ vẫn coi là những ý kiến non nớt, hấp tấp vì tình dục, vì quyền lợi. Như thế làm sao trên đường đời abjn thành công? Hơn nữa đời sống bạn sẽ đầy chán nản. Không dè dặt để nhận thức đúng về kẻ khác, bạn sẽ thường thấy ở họ toàn những khuyết điểm, đo đó bạn bực dọc, chán đời. Cánh sống đối với bạn hết ý nghĩa. Vậy tóm lại, cả đời khi phán đoán, bạn có thái độ dè dặt để tránh những két quả khốc hại thường sinh ra bởi vội tin, vội đoán.

Qui tắc thực hành: Chỉ phán đoán khi có bổn phận và phán đoán bằng những lý chứng chắc phần trăm. 

Trích trong tập sách Người dễ thương của Hoàng Xuân Việt, tr. 73 - 81
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc