banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 4 VÀ 5

Đăng lúc: Thứ hai - 02/04/2018 21:06 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 4 VÀ 5

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 4 VÀ 5

Như quả tim đang đập - Những bí ẩn nơi con người: hữu thể cần cô tịch và tương quan

Như quả tim đang đập
Như vậy, ngay trước khi suy nghĩ về chiều kích tâm linh, chúng ta có thể nói rằng thinh lặng là một nhân tố tâm sinh lý của con người. Nếu muốn tăng trưởng hài hòa, chúng ta phải phát triển theo hai chiều bổ túc cho nhau: hướng ngoại và hướng nội. Con người chỉ trở nên chính mình khi nào có được thế quân bình giữa hai chiều hướng đó: hướng ngoại, tương quan với người khác; với thế giới. Và hướng nội; rút lui, thinh lặng, suy tư. Cũng giống như cử động của trái tim lần lượt co thắt rồi nở ra thành những nhịp đập đều đặn.

Đấy là lý do tại sao tôi cho rằng thinh lặng là một trong những quyền căn bản của con người, mà chúng ta phải đấu tranh bảo vệ ngang hàng với hòa bình. Cần phải đấu tranh chống lại tất cả những gì ngăn cản không cho phép con người xáp nhập nhân tố chủ yếu này vào con người của mình. Kêu gọi ý thức của những người có trách nhiệm đô thị hóa, qui hoạch lãnh thổ, việc làm và giao thông… Thiết lập những nơi “thinh lặng yên tĩnh” cho đời sống công cộng. Mở cửa các Thánh Đường của chúng ta, vì tiên vàn đấy không phải là những viện bảo tàng, mà là những nơi thinh lặng và thờ phượng. Trong giờ giáo lý, phát triển khả năng tự nhiên của trẻ em đối với việc hướng vào nội tâm. Các Đan Viện ngày càng nên trở thành những nhà mở, những trường dạy sự thinh lặng tràn đầy. Các Linh Mục ngày càng trở nên những người rất quen suy niệm và là những bậc thầy thiêng liêng.

Nếu việc xã hội hóa không kèm theo một sự hướng nội ngày càng gia tăng, chúng ta có nguy gặp phải mất quân bình trầm trọng. Điều này tác hại đến hạnh phúc con người, đến sự triển nở bản thân và phẩm chất của tương quan giữa người và người. Do đó, việc nhập môn vào thinh lặng, vào đời sống nội tâm, phải là một sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội ngày nay. Giúp các cộng đoàn Kitô hữu tạo nên những môi trường huynh đệ sống thinh lặng, cầu nguyện, trở thành những lá phổi giúp cho các thành phố lớn của chúng ta khỏi phải chết ngạt.

Người ta đã lặp đi lặp lại, một cáh chính đáng rằng Kitô giáo không còn có thể chấp nhận được nếu không dứt khoát dấn thân chống lại sự nghèo đói, bất công, bạo lực đang hủy hoại phẩm giá con người, và xúc phạm đến chương trình yêu thương của Chúa.

Ngày nay, cần phải nói mạnh mẽ rằng Kitô giáo không thể nào chấp nhận được, nếu không dấn thân cũng quyết liệt như thế để trả lại cho con người chiều kích nội tâm của họ.

Bí ẩn nơi con người: hữu thể cần cô tịch và cần tương quan
Sau khi đã nói như trên, chúng ta phải thừa nhận rằng, dù sự thinh lặng ấy tối cần cho sức khỏe thể lý tâm lý và tâm linh, thì trở ngại đầu tiên đối với thinh lặng không phải là môi trường chung quanh nhưng là bản thân con người, vì họ có vẻ muốn trốn tránh sự thinh lặng mà họ cần để sống. Đây không phải là một mâu thuẫn nhỏ nơi con người đâu! Muốn làm rõ bí ẩn này, chúng ta có thể nhờ đến ánh sáng của khoa học nhân văn và của mặc khải Kitô Do Thái giáo.

Mọi nhà tâm lý học sẽ nói với bạn rằng con người tự bản chất, là một hữu thể xã hội, và cần sống với người khác, nhờ người khác và cho người khác. Theo chiều hướng đó, sự cô tịch có thể cảm nhận như là một trạng thái tâm lý cưỡng bức, phản tự nhiên, mà từ bản năng họ tìm cách tránh né bằng đủ mọi cách.

Hướng dẫn thứ nhất. Không nên lẫn lộn cô tịch (solitude) với cô lập (isolement). Một đứa trẻ bị “cô lập” trên một hòn đảo hoang vu, dù nó có mọi sự để nuôi sống thể xác mình, thì cũng khó lòng mà ý thức được về căn tính của mình và biết mình là ai. Hơn nữa, chúng ta biết rõ những tác hại tâm lý của một loại cô tịch mà các người cao niên, hay tù nhân – chẳng hạn, phải gánh chịu.

Tình trạng cô tịch – cô lập đôi khi là hệ quả của một sự khép kín bản thân, sợ gặp gỡ người khác, sợ tạo những quan hệ. Mọi hình thức cô lập trở nên không thể chịu nổi và đôi khi có thể dẫn đến tự sát. Sự Khôn Ngoan trong Kinh Thánh đã để cho Chúa Tạo Dựng phán rằng: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng, nếu sự cô lập phá hủy, thì sự cô tịch lại xây dựng. Như thế, con người tự nhiên mong muốn được giao tiếp, liên lạc. Toàn bộ con người của minh được cấu trúc để gặp gỡ người khác. Một số nhà phân tâm cho rằng cấu trúc căn bản và hợp lý ấy, là một trong số các cơ sở cho “những nỗi sợ hãi” ấu trĩ của mình đối với cô tịch. Các nỗi sợ ấy cũng giống như một hồi chuông báo động tự nhiên rằng, nơi đấy có một mối nguy hiểm cho con người.

Nhưng, chính ở đây trổi lên nghịch lý, sự khát mong được gặp gỡ người khác thì hiếm khi được mãn nguyện. Ngoài chốc lát “hiệp thông”, con người nhanh chóng chua chát nhận ra rằng giữa mình và người khác; cho dù là người thân nhất, cũng có một phần không thể thông truyền được, một khoảng cách không thể nào vượt qua được.

Mỗi người là một hữu thể độc nhất mà khu vườn bí mật mãi mãi vẫn còn một phần không ai vào được, không thể nói lên thành lời. Mọi mơ ước hiệp làm một đều đi đến thất bại, vì mình không biết người kia; do mình khác họ, và như thế mình đã phủ nhận căn tích đích thực của họ.

Có những tác giả như Jean Paul Sartre, khi đi đến cùng nhận định trên, đã diễn tả đến độ buồn nôn, sự thiếu cảm thông giữa người và người: “Mãi mãi chúng ta sẽ cùng cô đơn bên cạnh nhau” (Huis clos). Đến mức ông bảo: “Hỏa ngục chính là tha nhân!”.

Như vậy, con người không chấp nhận hoặc sự cô lập hoàn toàn, hoặc sự hiện diện liên lỉ của những người khác. Một sự cô tịch kéo dài sẽ làm trổi lên trong người ấy một khát mong không thể dập được, là phải có sự hiện diện của người khác. Một đời sống cộng đoàn liên tục, một cuộc sống đầy tương quan cao độ, sẽ tạo ra một mong muốn được ở một mình. Sự luân phiên giữa cô tịch và hiện diện có vẻ như là qui luật căn bản cho thế quân bình của con người.

Cô tịch và hiện diện bổ túc lẫn nhau. Phẩm chất và chiều sâu của mỗi phía tùy thuộc ở phía bên kia. 

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc