banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 9: GIÁO DỤC BẰNG "SA MẠC"

Đăng lúc: Thứ ba - 01/05/2018 21:14 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 9: GIÁO DỤC BẰNG "SA MẠC"

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG 9: GIÁO DỤC BẰNG "SA MẠC"

Giáo dục bằng "sa mạc"
 
GIÁO DỤC BẰNG "SA MẠC"

Điều chúng ta vừa nói chỉ là cách diễn dịch ngày nay về truyền thống Kitô Do Thái giáo; trong truyền thống này, kinh nghiệm về “sa mạc” mang ý nghĩa cô tịch và thinh lặng, có một chổ đứng đặc biệt. Đấy là di sản của một kinh nghiệm quyết định, kinh nghiệm từ cuộc Xuất Hành, là biến cố đã khai sinh Dân Giao Ước.

Trong Kinh Thánh, sa mạc đã từng gợi lên những hình ảnh trái ngược. Sa mạc là miền đất hiếm thấy sự sống và con người khó lòng sống còn, là nơi tiêu biểu của những thú vật hung ác, những sức mạnh thừ địch của ma quỉ, của chết chóc. Nhưng, nghịch lý thay; trong ý thức tập thể của dân Kinh Thánh, sa mạc cũng là không gian và thời gian mà dân ấy đã đẩy lui những giới hạn của điều bất khả, ở đấy dân này đã cảm nghiệm một Thiên Chúa gần gũi, vừa là lửa nóng vừa là gió thoảng, một Thiên Chúa gắn bó với lịch sử của mình.

Bốn mươi năm đi trong sa mạc là thời gian biểu trưng cho một đời người. Một thời gian cần thiết để cho một người có đủ thời giờ khám phá, qua bao cơn đói khát Lương Thực đích thực duy nhất, và nguồn suối Nước Hằng Sống duy nhất, có khả năng làm cho mình sống mãi.

Các tác giả Kinh Thánh đã nhận ra rằng cuộc Xuất Hành là một Biến Cố - Lời Mặc Khải. “Hành trình sa mạc”, đấy là một cách giáo dục tiêu biểu và liên lỉ của Thiên Chúa Giao Ước. Cách giáo dục ấy vẫn còn liên hệ đến chúng ta. Vì ai trong chúng ta (dân tộc nào, Giáo Hội nào), một giai đoạn nào đó trong lịch sử mình mà lại không phải kinh qua một sự cô đơn đầy thử thách một “hành trình sa mạc”, khiến chúng ta phải đặt những câu hỏi căn bản về vận mệnh cá nhân và tập thể của mình?

Mọi “hành trình sa mạc” vừa là một thử thách vừa là một thời điểm ưu đãi.

Thử thách vì nó vạch trần mặt nạ dối trá; và những cái an toàn giả tạo của chúng ta. Thời điểm ưu đãi vì khi chúng ta đã trở nên đơn sơ trần trụi, không thể gian lận, thì chúng ta, trong tình trạng khó nghèo triệt để, sẽ có khả năng chấp nhận giới hạn của mình, cảm nhận sự gần gũi Thiên Chúa và ý thức về sự Đói Khát đích thực của mình.

Đấy là thời điểm mà ta ý thức rằng con người là một hữu thể chưa hoàn tất, đang đi tìm một sự hoàn thiện vượt quá khả năng mình; một hữu thể đói khát sự Tuyệt Đối.

Hành trình của Dân Do Thái đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, hành trình của Đức Kitô Phục sinh đi từ cái chết đến sự sống lại. Hành trình ấy soi rọi cho mọi “sa mạc” và đói khát khôn nguôi của chúng ta, đói khát Đất Hứa, đói khát Vương quốc của Cha.

Dành vài ngày để đi vào “sa mạc”, hoặc nơi cô tịch hoặc trong một Đan Viện, chính là thỉnh thoảng sống một cách rút gọn; hành trình của cả cuộc đời mà chúng ta phải đón nhận các “sa mạc” đôi khi thật bi tráng. Ít ai chọn lựa sa mạc “của mình”. Sa mạc của mỗi người đều khác nhau. Nhưng sớm muộn gì rồi ta cũng phải đi qua thôi!

Trên bình diện cá nhân, đó sẽ là một thử thách tinh thần hay thể chất, một thời gian nghi ngờ, khô khan, hụt hẫng, mà mình có cảm giác đi loanh quanh… Trên bình diện Giáo Hội; “hành trình sa mạc” có thể là Giáo Hội bị bịt miệng, bị bách hại hay ngái ngủ… Trên bình diện tập thể, thời gian “sa mạc” này có thể là thời gian mà một thiểu số bị chà đạp, một dân tộc bị xâu xé vì chiến tranh hay vì tình trạng chậm phát triển mãn tính…

Sa mạc trong đời sống lứa đôi. Sa mạc trong nội cấm Đan Viện. Sa mạc của tín đồ. Sa mạc của bệnh hoạn. Sa mạc của cô đơn. Sa mạc của tư tưởng và tình cảm. Không có cuộc «hành trình sa mạc» nào giống cuộc hành trình nào, nhưng có những nhân tố chung ; mà chúng ta đã nhìn thấy qua cuộc hành trình tiêu biểu của dân Giao Ước.

Thời gian «cô tịch» luôn có mặt trong hành trình phục sinh của mỗi một cuộc đời. Thời gian mà mỗi người chúng ta, những người con mãi mãi hoàng đàng nhớ lại rằng đời mình là một cuộc xuất hành đi đến Miền Đất Hứa, đất nước của Tình Yêu viên mãn, là một chuyến đi dài ngày để Trở Về Nhà Cha.

Sự cô tịch ấy nhắc nhở chúng ta cần phải hoán cải, ấy là mỗi sáng phải ra khỏi chính mình, là không qui hướng về mình, là chuyển hướng để đi đến với Cha và với anh chị em. Sự cô tịch ấy là lúc mà mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn, mỗi người chúng ta được mời gọi sống trở lại sự lựa chọn căn bản cảu dân Do Thái và của Đức Kitô nơi sa mạc.

Cần cả một cuộc đời để cho một người có thời giờ khám phá rằng: Xuyên bao nỗi đói khát, điều họ đói khát vào bậc nhất ấy là đói khát yêu thương và được yêu thương mãi mãi ; và Lương Thực duy nhất đích thực có khả năng làm cho họ no thỏa ấy là sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa, là Lời Người ; là Sự Sống và Tình Yêu của Người.

Cuối cùng, nếu bỏ mặc con người với chính mình họ chỉ là những hữu thể có các nỗi đói khát rất sơ đẳng.

Trong nhiều thế kỷ, niềm hy vọng cảu Dân Thiên Chúa chẳng hề đi xa hơn là mong có được một miền đất màu mỡ và những bầy thú đông đúc.

Chỉ có vài gương mặt ngôn sứ, được Thần Khí linh hứng, thúc bách dân này đào sâu cái đói đích thực của mình.

Giống như dân Do Thái lẩm bẩm trong sa mạc chúng ta thường thích thức ăn có mùi vị nô lệ. Các thức ăn có mùi vị nô lệ thì nhiều lắm. Thức ăn của dễ dãi. Thức ăn của tiện nghi. Thức ăn của máy móc. Thức ăn của hèn nhát. Thức ăn của thỏa hiệp… Vì thế, muốn đào sâu cái đói đích thực của mình, chúng ta cần đến thời gian «sa mạc» mà chúng ta chọn lựa hay đón nhận.

Đấy là một «sự cô đơn» khó khăn và hồng phúc. Nó giúp ta khám phá rằng sự cao cả của con người, ấy là không ngừng bước đi, hết trại này đến trại khác, từ tình trạng nô lệ đến tình trạng tự do.

Sự cô tịch của các «sa mạc» luôn là thời gian mà mỗi người đối diện với thực tại cam go, mà ta lẩm bẩm như dân Do Thái câu hỏi lớn nhất của nhân loại: «Có Chúa hay không, và nếu có, thì Người có thực sự cùng đi với chúng ta không?» (Xh 17,7).
 
Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc