banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHẾT VÌ YÊU

Đăng lúc: Thứ ba - 15/06/2021 09:47 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHẾT VÌ YÊU

CHẾT VÌ YÊU

Với tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, Đức Cha Lambert đã trả lại cho tình yêu giá trị của chính nó.

Đã mang phận người ai cũng chết, nhưng có muôn vàn lý do khác nhau đưa đến cái chết. Chết theo qui luật của tự nhiên, đó là cái chết của tuổi già. Có nhiều cái chết đem lại đau thương và tiếc nuối cho người thân và bạn hữu, đó là những cuộc ra đi đột ngột theo kiểu “lá vàng khóc lá xanh rơi”: chết vì bệnh tật, vì tai nạn, vì quá độ trong một cuộc vui chơi nào đó... Cũng có những kiểu sống mà như đã chết, cái chết này xảy ra vì sự ganh ghét, đố kỵ, loại trừ nhau, coi ai đó không còn tồn tại trên cõi đời này nữa; hay như cái chết của những người vùi mình trong các tệ nạn xã hội, sống không lý tưởng hoặc chỉ sống với triết lý suông làm cho cuộc đời mình trở nên lây lất. Cũng có những cái chết vì hy sinh cho một lý tưởng cao cả nào đó. Những kiểu chết này để lại cho con người nhiều mất mát, đau thương hoặc để lại những vinh dự chóng qua. Bên cạnh đó, có một cái chết đem lại sức mạnh, sự sống và ơn cứu rỗi cho con người. Đó là cái chết của Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã chết vì yêu. Ngài đã đến để cho con người được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10,10).  
 
Thiên Chúa đã chết vì yêu
Triết gia người Đức, Friedrich Nietzsche đã tuyên bố rằng Thiên Chúa đã chết. Ông khai tử Thiên Chúa để con người trở nên siêu nhân và đề cao sức mạnh của quyền lực. Vì đã công bố cái chết của Thiên Chúa Tình Yêu, nên tính cách của con người ngày nay đâu đó được diễn tả bằng những từ như: vô cảm, hờ hững, hời hợt, nông nổi, máy móc… Nietzsche đã thật lầm vì không có một sức mạnh nào có thể tồn tại và làm cho con người sống một cách tròn đầy và sung mãn ngoài tình yêu. Lời tuyên bố ấy chỉ là kết quả của một tâm hồn đầy đố kỵ, không có khả năng yêu cũng như không biết đón nhận tình yêu[1]. Con người vẫn luôn cần tình yêu và khao khát tình yêu, thế nhưng không một tình yêu nhân loại nào có thể lấp đầy và thỏa mãn cơn khát đó, ngoài tình yêu Thiên Chúa.

Quả vậy, Thiên Chúa đã đến thế gian vì tình yêu như lời thánh sử Gioan rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi, đã ban Con Một Ngài để ai tin vào con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 31,6). Các sách Tin Mừng đã chẳng tường thuật điều gì ngoài một Đức Kitô đã sống và đã chết vì yêu. Ngài dạy giới luật yêu thương, yêu không giới hạn. Tình yêu ấy mở rộng đến vô biên đến cả những người ghét mình, muốn loại trừ mình (Mt 18, 21 – 35; Lc 6, 27 – 38; Ga 15, 9 -17;v.v… ). Ngài chạnh lòng thương đông đảo dân chúng đang đói lã và Ngài đã cho họ ăn. Ngài cúi xuống trước cảnh khốn khổ của những con người bệnh tật, đau yếu và chữa lành họ bất cứ nơi đâu và thời gian nào, thậm chí ngay cả trong ngày Sabat. Ngài bênh vực người nghèo và bảo vệ cô nhi, lên án những kẻ bóc lột và ức hiếp những người bé mọn. Bởi đó, nhà cầm quyền Do Thái đã kết án Ngài.

Chính vì tất cả những nỗ lực để đưa con người lên cao và đi sâu vào căn tính cũng như nhân phẩm cao quý của mình mà Đức Giêsu đã bị tra tấn, đánh đòn và giết chết. Trên thập giá Ngài đã yêu đến cùng, tha thứ đến cùng. Trên thập giá, Ngài dạy con người bài học cao quý của tình yêu: tình yêu đòi buộc sự từ bỏ và hy sinh. Một tình yêu không hy sinh là một tình yêu trống rỗng, vô nghĩa. Hy sinh càng nhiều tình yêu càng sâu đậm. Chính tình yêu làm cho con người sống, còn thù ghét thì giết chết. Thiên Chúa đã sống vì yêu và đã chết vì yêu, nên Ngài đã trở nên bậc thầy của cuộc sống. Chính tình yêu Ngài đã nuôi dưỡng, thôi thúc biết bao thế hệ những người tin quyết tâm sống cho tình yêu Ngài, như thánh Phaolo đã quả quyết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14).

Kinh nghiệm sống và chết vì tình yêu của Đức Kitô này thể hiện cách cụ thể, rõ ràng, sâu sắc trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, trong cách sống phong phú của những người tận hiến đời mình cho Chúa qua nhiều cách sống khác nhau. Đức Cha Lambert de La Motte cũng vậy, ngài cũng được thúc đẩy bởi tình yêu Đức Kitô và cố gắng đáp trả tình yêu ấy bằng một tình yêu.  
 
Quan niệm chết vì yêu của Đức Cha Lambert
Quan niệm chết vì yêu của Đức Cha Lambert là hoa trái thiêng liêng của kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương và sự đáp trả của ngài bằng “một tình yêu phi thường đối với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”[2]. Tình yêu ấy thúc đẩy Đức Cha thờ phượng Thiên Chúa, thôi thúc ngài quảng đại từ bỏ, dâng hiến và hy sinh; thúc dục Đức Cha làm chứng và rao truyền tình yêu. Tất cả được kết tinh trong ba thái độ sống: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Đức Cha đã xác tín rằng tình yêu được thể hiện qua những việc cụ thể như đón nhận thập giá hằng ngày, việc hãm mình ép xác là thực thi công bằng với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu chết vì chúng ta, bởi lẽ chính chúng ta là thủ phạm gây ra cái chết của Người[3].

Và Đức Cha mô tả cái “chết vì yêu” như sau: “Chết vì yêu là cái chết người ta không thấy, nó không diễn ra trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc hằng ngày. Đây là một sự suy yếu từ từ do những chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã bất công, xúc phạm, đấu trang không cân xứng, thất bại, bệnh hoạn. Nó không đòi những hành động có khí phách nam nhi, nhưng thể hiện trong khả năng vô tận mà truyền thống coi là của nữ giới. Khả năng chấp thuận và mang trong mình như Đức Trinh Nữ cho thấy trong lời xin vâng dứt khoát, Người đã đem lại ơn Cứu Độ cho thế giới trong đau khổ tại hang đá và trên đồi Golgotha”[4].

Như thế, “chết vì yêu” được thể hiện trong tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh không hệ tại ở những cảm xúc dạt dào của một tâm hồn mềm yếu, dễ xúc động, nhưng là sự dạt dào của trí hiểu, của trái tim muốn dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và của ý chí kiên trung đến cùng. “Chết vì yêu” là cái chết dâng hiến được cụ thể hóa trong những chọn lựa rất rõ ràng, nhỏ bé vì Thiên Chúa và vì người khác.
 
Chị em Mến Thánh Giá và ơn gọi “chết vì yêu”
Theo gương người cha kính yêu, chị em Mến Thánh Giá tiếp bước trên cùng con đường tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Một tình yêu đòi hỏi chị em hiến tế chính mình mỗi ngày, điều đó như là điều kiện thiết yếu để trở nên môn đệ của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Vì rằng không thể trở thành một môn đệ đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng đáng với bậc sống của mình[5]. Hy lễ đó là gì nếu không phải là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Đức Kitô, là những giọt lệ nguyện cầu, là chết đi đối với thế gian, chết đi bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để chỉ sống bằng châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô[6].

Như thế, xét cho cùng Đức Cha Lambert cũng là một nhà khoa học thực nghiệm, nhưng là khoa học thực nghiệm thần linh. Vì đối với ngài, người ta chỉ học được giá trị sâu sắc và vô biên của những hy tế nơi chính bản thân mình dành cho Đức Kitô ngang qua thực hành. Cái mà ngài gọi rằng “chỉ người nào có thể diễn tả được đời sống chịu đóng đinh là gì, thì mới sở hữu được khoa học thần linh đó, do một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho”[7].  

Có lẽ khoa học thực nghiệm thần linh về tình yêu đến cùng này của Đức Cha Lambert cũng đang gióng lên một hồi chuông khẩn thiết cho con người hôm nay. Ở bất cứ bậc sống nào người ta cũng cần một hy lễ đau khổ dành cho nhau và cho Thiên Chúa. Chẳng phải đã là người, ai ai cũng khao khát và trông mong niềm vui đích thực, một hạnh phúc viên mãn và một tình yêu tròn đầy đó sao!? Hạnh phúc và tình yêu ấy sẽ tìm đâu ra nếu con người không biết và không thể hy sinh cho nhau và hơn nữa, người ta chỉ có thể hy sinh khi họ thấy nơi nhau hình ảnh của Đức Kitô đang hiện hữu cách sống động.

Với tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, Đức Cha Lambert đã trả lại cho tình yêu ý nghĩa và giá trị của chính nó. Ý nghĩa thứ nhất là tình yêu có giá trị cứu độ, vì tình yêu làm cho con người ta không chỉ sống ở đời này mà cả đời sau nữa. Ý nghĩa thứ hai là tình yêu chỉ có thể thấy được, đo lường được bằng những hy sinh, đau khổ âm thầm hằng ngày. Ý nghĩa thứ ba là người ta chỉ có thể xây dựng được thiên đàng trần thế nếu họ biết chết đi cho nhau vì tình yêu.  
 
 
 

[1] X. Giới thiệu triết gia: Friedrich Nietzsche,https://hanoisocraticsociety.wordpress.com
[2] Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Linh đạo Lâm Bích, Lưu hành nội bộ, tr. 49.
[3] X. Đức Cha Lambert de La Motte, Những đau khổ của một thừa sai tông tòa - Di cảo số 16, trong Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo, Tuyển tập bút tích của Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, c. 4 - 7, tr. 182.
[4] Người cha bị lãng quên, tr. 131.
[5] X., Những đau khổ của một thừa sai tông tòa – Di cảo số 16, c. 1, tr. 181.
[6] X. Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, Bức Tâm Thư.
[7] Như trên, c. 3, tr. 181.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc