banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – NHÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM THIÊNG LIÊNG VỀ TÌNH YÊU THẬP GIÁ

Đăng lúc: Thứ ba - 14/06/2022 12:17 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – NHÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM THIÊNG LIÊNG VỀ TÌNH YÊU THẬP GIÁ

ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – NHÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM THIÊNG LIÊNG VỀ TÌNH YÊU THẬP GIÁ

Lễ giỗ lần thứ 343

Ngày nay, khoa học thực nghiệm trở thành một trong những con đường phổ biến để có thể đạt đến sự hiểu biết hay một xác tín nào đó, vì nghiên cứu thực nghiệm sử dụng bằng chứng có thể kiểm chứng, qua thí nghiệm, qua những quan sát, cân đo, đong đếm… Vì thế, con người dễ dàng đón nhận kết quả của khoa học thực nghiệm hơn là những cảm nghiệm thiêng liêng thuộc tâm linh. Đó cũng là lẽ đương nhiên, vì con người là thụ tạo giới hạn trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, trong thế giới của khoa học thực nghiệm cũng không thiếu những nhà chiêm niệm thần bí. Họ là những người “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian”. Họ là những chứng nhân của hành trình con người có thể đạt đến niềm tin chân thật nơi Thiên Chúa qua kinh nghiệm thiêng liêng thường ngày. Họ là những con người đã gặp Thiên Chúa trong chính cuộc đời mình và để lại cho chúng ta những lối mòn để chúng ta cũng có thể làm kinh nghiệm như họ. Họ là những nhà khoa học thực nghiệm thiêng liêng.
 
Đức Cha Pierre Lambert de La Motte – nhà khoa học thực nghiệm thiêng liêng
Có thể khẳng định như vậy đối với Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, vì Ngài đã theo lối mòn thiêng liêng của Giáo Hội để khám phá ra điều Thiên Chúa muốn nơi ngài và đáp trả theo cách của riêng mình.

Tính thực nghiệm thiêng liêng được thể hiện cách rõ ràng trước nhất nơi chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Cha Pierre Lambert được Thiên Chúa phú bẩm sự nhạy bén với những gì thuộc về Chúa, cái mà ngài gọi là trực giác thiêng liêng[1]. Chính trực giác này đã thôi thúc ngài, nuôi dưỡng tình yêu và khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Kinh nghiệm này ngài có vì được hít thở bầu khí thiêng liêng của thế kỷ 17, khi «Linh đạo của thời hạ trung đại với lòng tôn kính sâu đậm đối với Đức Kitô chịu khổ nạn tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến tâm tình đạo đức trong Giáo Hội sau Công đồng Trento»[2]. Trực giác thiêng liêng này đã hình thành nên thái độ nội tâm của Đức Cha: ngài nghe được lời mời gọi khẩn thiết trong nội tâm, ngài cảm nhận những điều thật đẹp khi ý muốn của mình nên một với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Cha Lambert đã viết cho cha Halle linh hướng của ngài rằng «Điều kỳ diệu nhất con thấy được là: ý muốn của con người trở nên đồng hình đồng dạng, đồng khuôn mẫu và đồng bản tính với ý muốn của Thiên Chúa, và trong sự đồng hóa ấy, linh hồn vẫn thường xuyên có những tâm tình trân trọng cao nhất và những thái độ thờ lạy sâu thẳm nhất đối với Thiên Chúa uy linh cao cả»[3].

Tính thực nghiệm trong linh đạo của Đức Cha Lambert còn được thể hiện nơi tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Tình yêu mang tính cảm ái, tri thức và thực tiễn. «Thánh Vinh Sơn đến với người nghèo và trong khi phục vụ họ, Ngài gặp được Đức Kitô đang đau khổ trong họ. Còn Đức Cha Lambert, ngài chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, nhận ra tình yêu và chương trình cứu thế của Thiên Chúa mặc khải nơi Thập Giá và nghe được tiếng Chúa sai đi đưa các linh hồn về với Người»[4]. Ở điểm này Đức Cha Lambert đã đi theo lối mòn của Thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Quả vậy, Đức Cha Lambert đã sống tình yêu thực tiễn này trong cầu nguyện, khổ chế, tông đồ và cả trong sự vâng phục.   
 
Khoa học sâu sắc nhất là hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô
Qua những kinh nghiệm về Thiên Chúa ngay trong chính cuộc đời và sứ vụ của mình, Đức Cha Pierre đã đi đến kết luận rằng khoa học sâu sắc nhất là hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, chính Đức Cha đã bộc bạch cùng cha linh hướng về niềm xác tín này và nỗi khao khát chia sẻ cho mọi người: «Không có cách nào làm cho mọi người tỉnh ngộ được sao? Chẳng lẽ không tạo được đủ uy tín để thuyết phục họ tin rằng: khoa học sâu sắc nhất và thú vui chân thật nhất là hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô bằng một tình yêu thực nghiệm sao?»[5] Đây cũng là tinh thần mà ngài đã học theo gương thánh Phaolo: “Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Điều này đã tạo nên Ngài một con người với cá tính làm người ta xa lánh vì quá khắc khổ, nghiêm túc, không khoan nhượng, vừa thu hút bởi tính táo bạo, lòng can đảm, khiêm nhường và sức thuyết phục lạ lùng tỏa ra từ con người của ngài[6].    
 
Khi đi đến khẳng định về khoa học thần linh này, Đức Cha Lambert cũng đã gợi lên những phương thế để đạt đến. Đối với Đức Cha khoa học thần linh này chỉ học được qua thực hành, thế nên, chỉ người nào có thể diễn tả được đời sống chịu đóng đinh là gì, thì mới sở hữu được khoa học thần linh đó, do một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho[7]. Qua kinh nghiệm của chính mình Ngài xác tín rằng «muốn lớn lên trong đời sống thiêng liêng thì phải dùng mọi phương thế chứa đựng trong sách Tân Uớc. Để tiếp nối và gia tăng điều đó, không có phương thế nào hữu hiệu bằng sự đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa và lòng trung thành luôn mãi với tác động của ân sủng Ngài»[8]. Để đạt đến khoa học thần linh này, Đức Cha cũng đưa ra một chương trình sống: thực hành tinh thần trẻ thơ hoặc đi theo con đường thơ ấu thiêng liêng. Ngài trình bày với cha linh hướng là ngài cố gắng thực hiện ngay lúc này và quyết tâm thực hiện suốt đời tinh thần trẻ thơ[9]. Tinh thần này hệ tại ở việc để cho Thiên Chúa làm chủ, điều khiển, hướng dẫn chính mình trong đời sống tự nhiên, đời sống siêu nhiên và cả đời sống luân lý[10]. Đức Cha Lambert còn có một thiên hướng khác mà thiết nghĩ nó cũng làm nên nét riêng biệt trong khoa học sâu sắc nhất của ngài: «Con có thiên hướng để cho mọi người kiểm duyệt con đường và hạnh kiểm của con mà không biện bạch gì cả»[11]. Ngài đã để cho mình trở nên trần trụi trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người, chẳng phải đây là sự can đảm của người công chính sao?

Đức Cha Pierre Lambert đã sống và phổ biến khoa học sâu sắc nhất về tình yêu Đức Kitô Chịu Đóng Đinh hơn 350 năm qua. Nói như sử gia Buzelin: linh đạo thập giá đã nuôi dưỡng trong hơn ba thế kỷ, một lịch sử đầy xáo trộn và đau thương của hàng ngàn nữ tu Mến Thánh Giá[12]. Nhưng nói một cách rộng hơn, tình yêu Thập Giá Đức Kitô đã nuôi dưỡng Giáo Hội của Ngài và sẽ còn nuôi mãi. Có lẽ tác giả của nghiên cứu “Thần học thập giá trong lịch sử Giáo Hội” có lý khi khẳng định: «Bao lâu còn có con người trên mặt đất, Đức Kitô Phục Sinh vẫn còn giúp cho họ có khả năng đương đầu với những chiến đấu trong cuộc đời bằng sự khôn ngoan của thập giá»[13].

Hôm nay, nhân dịp sinh nhật trên Trời lần thứ 343 của Đấng Sáng Lập Dòng, những người đang mỗi ngày đi theo con đường thực nghiệm thiêng liêng về tình yêu Thập Giá của Đức Kitô, học nơi ngài sống tinh thần bé nhỏ trong đời sống thiêng liêng, như ngài đã từng nhìn nhận: «Con chỉ là một tập sinh bé nhỏ trong đời sống đạo đức, một người liều lĩnh trên những nẻo đường của Thiên Chúa» để sống thực tế hơn niềm tin và linh đạo của mình.  
 
 
 

[1] Đức Cha Pierre Lambert, Di cảo số 3 – Bài nguyện ngắm ngày 03 tháng 11 năm 1663, trong Di cảo, tr. 51.
[2] Barnabas M. Ahern C.P, Thần học thập giá trong lịch sử Giáo Hội, trong https://catechesis.net/than-hoc-thap-gia-trong-lich-su-giao-hoi, tổng hợp ngày 12.06.2022.
[3] Đức Cha Pierre Lambert, Thư gởi cha Halle (ngày 15.03.1661), trong Di cảo, tr. 108 – 109.
[4] Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Linh đạo Lâm Bích, lưu hành nội bộ, tr. 54.
[5] Thư gởi cha Halle (ngày 15.03.1661), trong Di cảo, tr. 109 – 110.
[6] Françoise Fauconnet – Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), NXb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 37.
[7] Đức Cha Pierre Lambert, Những đau khổ của một thừa sai tông tòa – Di cảo số 16, trong Di cảo, tr. 181.
[8] Thư gởi Cha Halle (ngày 15.03.1661), trong Di cảo, tr. 110.
[9] X., như trên, tr. 112.
[10] X., như trên, tr. 112 – 113.
[11]Đức Cha Pierre Lambert, Thư gởi cha Halle (ngày 15.07.1671), trong Di cảo, tr. 191.
[12] Người cha bị lãng quên, tr. 132.
[13] Thần học thập giá trong lịch sử Giáo Hội, trong https://catechesis.net/than-hoc-thap-gia-trong-lich-su-giao-hoi, tổng hợp ngày 12.06.2022.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc