banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CÁM DỖ

Đăng lúc: Thứ năm - 27/02/2020 19:23 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CÁM DỖ

CÁM DỖ

Lời Chúa: St 2,7-9.3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11

Anh chị em thân mến,

Chúng ta thường ít khi nói ra các cơn cám dỗ của mình, bởi vì thú nhận mình bị cám dỗ cũng là thú nhận mình yếu đuối mong manh. Thật ra, làm người ai cũng có lần bị cám dỗ. Các cơn cám dỗ chúng ta gặp, thường đến từ 3 tác nhân sau đây:
1) Sa-tan, ma quỉ. Con người ngày nay ít tin vào ma quỉ, coi đó là một tưởng tượng ấu trĩ của những kẻ chết nhát. Thế nhưng sự dữ vẫn hoành hành khắp nơi như một mãnh lực kinh khủng. Đây không phải là một mãnh lực mù quáng nhưng là sức mạnh của kẻ thù của Thiên Chúa. Kẻ thù này không ngớt tìm cách thống trị thế giới và đưa con người đến chỗ chống lại Thiên Chúa. Cái ma mãnh của nó là làm cho người ta tin rằng không có nó, để nó dễ bề hoạt động. Vì thế, cuộc chiến với Sa-tan còn tiếp diễn cho đến ngày tận thế, ngày Chúa Ki-tô toàn thắng.
 
2) Thế gian. Thế gian là thế giới đã trở nên thù nghịch và khước từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể sống ngoài thế gian và cũng không được trốn khỏi thế gian ô trọc. Chúng ta được sai đến để làm muối cho đời, ánh sáng cho thế gian để soi cho thế gian thấy đường đến với Thiên Chúa. Nhưng thế gian với những giá trị mà tự nhiên ai cũng ham thích như tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, tài năng…vẫn có sức quyến rũ của nó và có nguy cơ lôi kéo chúng ta xa Thiên Chúa. Cho nên chúng ta phải thắng vượt sức hút của nó như chính Chúa Giê-su đã thắng thế gian.
 
3)     Dục vọng của bản thân= xác thịt. Những thèm muốn lệch lạc, những đam mê bất chính tạo thành một cái tôi ích kỷ, khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì cái tôi tội lỗi ấy mà Sa-tan và thế gian mới làm hại được chúng ta. Xác thịt chúng ta như thể là tên nội thù sẵn sàng nối giáo cho giặc Sa-tan và giặc thế gian. Chính vì thế, chúng ta không được phép coi thường kẻ nội thù này với những khao khát vô độ của nó.

Bước vào mùa chay, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu cám dỗ và đã chiến thắng như thế nào. Mục đích là để chúng ta không cảm thấy cô đơn và bất lực khi chính chúng ta, chúng ta cũng bị cám dỗ.

Theo bài Tin mừng Mt, trong vòng 40 ngày đêm, Chúa Giê-su chìm đắm trong ăn chay cầu nguyện. Ngài tiếp xúc với Chúa Cha trong tư cách một người con hiếu thảo trong suốt thời gian đó, cho nên không lạ gì mà ngài dễ dàng chiến thắng những chước ma quỉ cám dỗ xảy đến sau đó.

1- Trước hết “nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy biến đá thành bánh mà ăn”. Cơn cám dỗ này đánh trúng vào điểm yếu của Chúa Giê-su, đó là ngài đang đói; cho nên nếu ngài có biến đá thành bánh mà ăn thì cũng thông cảm được. Thế nhưng Chúa Giê-su không chiều theo lời nói khích của ma quỉ mà ngược lại, ngài ý thức mình là con của Chúa Cha nên Chúa Cha định thế nào thì ngài vâng theo thế ấy. Về sau này, ngài dư sức làm cho mấy ngàn người ăn no nê nhưng ngài không dành cho mình bất cứ đặc ân nào. Nếu Chúa Cha để cho ngài bị đói, ngài chấp nhận bị đói để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chúng ta được cứu chuộc nhờ mầu nhiệm Con Thiên Chúa chấp nhận bị đói.
 
2- “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống”. Sa-tan muốn Chúa Giê-su tỏ ra cho mọi người thấy ngài là Con Thiên Chúa bằng một hành vi ngoạn mục và công khai là nhảy từ nóc đền thờ xuống đất. Nhảy từ nóc đền thờ xuống mà không hề hấn gì thì thiên hạ sẽ chạy theo ào ào, khỏi cần giảng dạy chi cho mệt. Nhưng Thiên Chúa Cha muốn cho ngài cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ giá, bằng việc treo trên cây thập tự, giữa những tiếng nhục mạ cười chê. Vì thế, nếu Chúa Ki-tô phi thân từ trên nóc đền thờ xuống giữa muôn tiếng hò reo một cách an toàn thì ngài có thể là một anh hùng nhưng không là Cứu Chúa của nhân loại. Nhờ mầu nhiệm Con Thiên Chúa bị đóng đinh khổ giá mà chúng ta được cứu chuộc.
 
3-     Cơn cám dỗ thứ ba khá thô bạo. Quỉ khoe là mình có quyền sở hữu tất cả các nước thế gian và nó sẵn sàng chuyển nhượng cho Chúa Giê-su với điều kiện ngài sấp mình bái lạy nó. Chúa Giê-su đã thẳng thắn từ khước giải pháp dễ dãi của Sa-tan. Ngài không thờ lạy Sa-tan để xây dựng nước Thiên Chúa, ngài không thỏa hiệp với một thế lực xấu xa nào để mong làm vinh danh Chúa Cha. “Hãy xéo đi, Sa-tan”: lời từ chối dứt khoát và cương quyết này cho thấy Chúa Giê-su muốn trung tín với Chúa Cha như con thảo, chọn đi con đường không mấy dễ dãi mà Chúa Cha muốn ngài đi.
 
Anh chị em thân mến,

Những cơn cám dỗ Chúa Giê-su đã trải qua cũng là những cơn cám dỗ chúng ta thường gặp. Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta nhìn lại những cơn cám dỗ bản thân mình đã và đang gặp. Mỗi người có yếu đuối riêng, nên mỗi người bị tấn công một kiểu. Hơn nữa, nơi mỗi người, cơn cám dỗ thay đổi tùy hoàn cảnh, tùy tuổi tác. Chẳng ai không bị cám dỗ, thế nên chúng ta phải thành khẩn nài xin: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Cần tập chiến đấu với cám dỗ bằng cầu nguyện, ăn chay, hãm mình. Cần tránh xa dịp tội, tập phản ứng quyết liệt như Chúa Giê-su: “Xéo đi, Sa-tan!”. Ước gì cơn cám dỗ làm chúng ta biết mình yếu đuối, cần Chúa trợ lực. Ước gì tình yêu của chúng ta đối với Chúa được lớn lên sau mỗi lần chiến thắng cám dỗ. Amen
Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc