banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA GỌI NHỮNG NGƯỜI NGƯ PHỦ

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2019 19:55 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA GỌI NHỮNG NGƯỜI NGƯ PHỦ

CHÚA GỌI NHỮNG NGƯỜI NGƯ PHỦ

Suy niệm lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C
 

A. Tại sao Chúa Giêsu lại chọn những người thuyền chài làm tông đồ?
Chúa Giêsu thường ví Nước Trời với những hình ảnh của đời sống nông nghiệp như hạt cải, vườn nho, đàn chiên, kho tàng giấu trong ruộng…Và chính bản thân Ngài đã từng làm thợ mộc trong 30 năm tại Nadarét.
Nhưng khi chọn môn đệ, Ngài ưu tiên lựa những thuyền chài mà không chọn nông dân hay thợ mộc. Lạ thật, tại sao như vậy? Thưa là bởi vì trong lãnh vực truyền giáo, cần phải có đầu óc của người thuyền chài; tinh thần của người thuyền chài cần thiết cho việc tông đồ. Xin được diễn tả tinh thần thuyền chài đó qua 7 đặc điểm sau đây:
 
1 - Người nông dân có đất, có ruộng của mình, có ranh giới, có giấy chủ quyền…Còn người thuyền chài không thể rào một góc biển lại làm sở hữu của mình. Hoạt động của ông ta bắt ông nới rộng tầm nhìn, thậm chí đến mức vượt qua tầm nhìn của mình.

Cũng thế, đối với người tông đồ, lãnh địa truyền giáo của mình không được giới hạn vào một lãnh thổ hay một dân tộc nào mà nó phải bao la như biển cả bao la.

2 - Người nông dân lao lực, có mùa gieo mùa cấy rồi nhẫn nại đợi chờ mùa gặt tới. Chương trình của ông theo lịch của thời tiết, nhất là vào thời của Chúa Giêsu. Còn người thuyền chài lao động cả ngày lẫn đêm, nhất là nếu thuyền có trang bị động cơ, ông ta lại càng phải làm ăn bất cứ lúc nào.

Cũng thế, người tông đồ không chỉ truyền giáo lúc rao giảng bằng lời nhưng lúc không rao giảng bằng lời, người tông đồ vẫn rao giảng bằng lối sống của mình. Gương của chính ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận…Nói cách khác, đối với người tông đồ, không có thời để truyền giáo và thời để nghỉ ngơi mà lúc nào thời nào người tông đồ cũng phải làm chứng cho Thiên Chúa.

 3 - Mỗi ngày người nông dân ra đồng. Bản thân họ, dụng cụ làm việc, gia súc của họ lần theo lối của cha ông họ đã đi. Còn người thuyền chài nhìn ra biển, ngắm chân trời, chèo thuyền nổ máy tiến ra khơi, vượt trùng dương bát ngát, khám phá những chân trời mới để tìm cá chứ không quanh quẩn mãi ở một chỗ.

Cũng thế, người tông đồ truyền giáo luôn tìm những phương cách mới, những đường lối sáng tạo để rao giảng Tin Mừng, bởi vì rao giảng Tin Mừng là rao giảng cho những con người đang sống ở một thời đại nào đó. Thời nào, phương cách nấy, nơi nào phương cách nấy. Rao giảng cho những con người sống ở ngàn năm thứ ba thì phải khác với rao giảng cho những người sống ở ngàn năm thứ hai. Rao giảng cho những người ở Phi châu thì phải khác với rao giảng cho những người ở Âu châu hay Á châu.

4 - Người nông dân cày cấy gieo hạt trong vùng đất của mình, làng xã mình, gần gũi gia đình mình. Còn người thuyền chài đi xa, 5, 7 hôm mới về, có lúc cả tháng mới về. Họ chấp nhận ra đi, chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận vật lộn với trời đất và sóng gió.

Cũng thế người tông đồ truyền giáo chấp nhận rời bỏ quê cha đất tổ đến những nơi xa xăm, những vùng đất xa lạ để Danh Chúa cũng được rao giảng ở những nơi ấy nữa.

5 - Người nông dân làm việc có tính cách cá nhân, gia đình. Còn người thuyền chài lao động có tính cách tập thể, quen hoạt động theo nhóm, cùng sinh cùng tử, cùng vui cùng buồn, đồng lao cộng khổ.

Cũng thế, người tông đồ truyền giáo không làm việc một cách riêng lẻ mà luôn chung lưng đấu cật với người khác, nhất là luôn liên kết với Chúa Kitô hiện diện trong Hội thánh.

6 - Người nông dân không gặp nguy hiểm, có giờ giấc đi về bảo đảm. Còn người thuyền chài chọn cuộc sống phiêu lưu giữa đại dương, chấp nhận cái chết chôn vùi trong lòng biển cả.

Cũng thế, người tông đồ sẵn sàng thí mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vì xác tín rằng nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi thì nó chỉ là một hạt lúa mì vô dụng. Vì thế, người tông đồ sẵn sàng chết đi từng giây từng phút để nên giá cứu chuộc cho người khác.

7- Đến mùa gặt, người nông dân thu thóc lúa về và tích trữ vào kho lẫm. Còn người thuyền chài, đặc biệt vào thời Chúa Giêsu không giữ cá vì thời đó không có freezer hay phòng ướp lạnh, mà có được bao nhiêu cá, họ bán tất cả và sống hàng ngày dùng đủ. Kho lẫm của họ là biển cả.

Cũng thế, người tông đồ truyền giáo không tìm cho mình bất cứ lợi lộc vật chất hay vinh quang trần thế nào, mà tất cả chỉ nhằm vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, còn thành quả ra sao thì hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa định liệu; phần mình chỉ lấy làm vui vì được Thiên Chúa cho cộng tác vào công cuộc cứu rỗi của Người.

Nói tóm lại, hoạt động tộng đồ truyền giáo cũng giống như công việc và kế hoạch của bác thuyền chài trên biển hồ Gênêzarét: không biên giới, chỉ có mênh mông; không kho lẫm chỉ có đại dương; không bảo đảm an nhàn, chỉ tin tưởng vào Lời Chúa rồi đoàn kết với nhau mà sáng tạo ra phương cách làm cho Nước Chúa trị đến, ý Chúa thể hiện ở trần gian.

Và với những tông đồ như thế, Thiên Chúa sẽ cho thấy những mẻ cá lạ lùng. Sau đây là kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội Tanzania bên Phi châu do chính ĐHY cung cấp.
 
B. Kinh nghiệm của Giáo Hội Tanzania
Với tư cách là Phó Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hoà Bình, ĐHY Phanxicô Xaviê đã có dịp đi thăm các giáo phận Songer, Zambé, Keniga, Tabora của GH Tanzania. Ở đâu ngài cũng chứng kiến những hy sinh của các tông đồ truyền giáo nam cũng như nữ. Trong một nghĩa trang, ĐHY Phanxicô quan sát các tấm bia mộ của các vị truyền giáo chết chôn tại đó và ngài thấy vị sống lâu nhất là 39 tuổi, nghĩa là các nhà truyền ấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình, đã hy sinh những tiện nghi của một đời sống văn minh bên trời Âu để đến làm việc trên cách đồng truyền giáo Tanzania; nhờ đó, một Giáo hội mới đã cắm rễ và phát triển, đó là Giáo hội Tanzania với 6 triệu tín hữu trên tổng số dân là 26 triệu.

Khi ĐHY đến đảo Zanzibar trong một làng heo hút với một nhà nguyện bằng lá giữa một rừng dừa nắng và ấm, không điện không nước. Ngài tưởng đâu chỉ có thổ dân nhưng ngạc nhiên biết bao, ngài gặp 2 cô gái Đức vừa đậu bác sĩ y khoa, họ tình nguyện sang phục vụ tại vùng đất khỉ ho cò gáy đó trong tư cách là những giáo dân bình thường.
 
C)  Điều kiện để làm tông đồ
Chúa Giêsu gọi Anrê và Simon: hai ông liền bỏ chài lưới mà đi theo Ngài. Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan: lập tức họ bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Ngài.
Điều kiện làm môn đệ là từ bỏ; đối với các người thuyền chài là bỏ thuyền, bỏ chài và bỏ luôn cha mẹ nữa mà theo Chúa Giêsu. Và sau này, Chúa Giêsu còn đòi phải bỏ mình nữa: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mà theo Ta”.

Tại sao bỏ mọi sự chưa đủ hay sao mà còn phải từ bỏ mình? Thưa là bởi vì, cũng theo lời ĐHY, trong cuốn “Đường Hy Vọng” câu số 3, ngài viết: “Kẻ nào bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì kể như chưa bỏ gì cả, bởi vì cái mình chưa bỏ sẽ dần dần quơ góp lại tất cả những gì mình đã bỏ trước”. Do đó, bí quyết của người tông đồ là trước khi làm tông đồ nhiệt huyết, bạn phải là một môn đệ tuyệt đối tín thác vào Thầy chí thánh, tín thác đến mức độ từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mà theo Chúa Giêsu.

Xin cho mỗi người chúng ta sẵn sàng thực hiện những sự từ bỏ cần thiết để làm môn đệ Thầy Chí Thánh Giêsu.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc