banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Đăng lúc: Thứ ba - 14/01/2020 20:00 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

 
Trong bài đọc 1, ngôn sứ I-sa-ia mô tả người Tôi Trung vô tội của Đức Chúa Gia-vê, mang trên thân mình nỗi đau cùng với tội lỗi của dân Ít-ra-en và của toàn nhân loại. Người Tôi Trung ấy chính là Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội và xóa tội trần gian. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác định như thế trong bài Tin mừng hôm nay. Còn thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô cho chúng ta biết bằng cái chết và phục sinh, Đức Kitô –người Tôi Trung của Đức Gia-vê- đưa chúng ta vào Nước Thiên Chúa, mời gọi ta nên thánh và ban cho ta dồi dào ân sủng và bình an.

Khi giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, Gioan Tẩy Giả đã nghĩ gì khi dùng danh hiệu Chiên Thiên Chúa? Ít nhất có 3 hình ảnh được gợi lên:

Trước hết, rất có thể Gioan đang nghĩ đến con chiên của lễ Vượt qua; bấy giờ lễ Vượt qua cũng sắp đến. Hằng năm, vào dịp lễ Vượt qua, mỗi gia đình Do thái có tục lệ ăn thịt một con chiên non dưới 1 năm tuổi, không tì vết để kỷ niệm ngày Thiên Chúa giải phóng họ khỏi đất Ai cập. Trước hết vào Đất Hứa, dân Do thái đã phải làm nô lệ bên Ai cập. Người Ai cập không những bắt người Do thái lao động cực nhọc mà còn hà hiếp và nhất là ra lệnh giết chết con đầu lòng của họ nữa. Trong cơn đau khổ, họ đã kêu cầu Thiên Chúa và Thiên Chúa đã nhậm lời, truyền cho ông Mô-sê đưa dân ra khỏi vùng đất nô lệ. Vào đêm hôm ấy, Thiên Chúa truyền cho họ làm thịt một con chiên non, lấy máu bôi lên đà cửa nhà và nhà nào có dấu máu ấy thì thiên thần của Chúa vượt qua không vào mà giết con đầu lòng. Nhờ thế, người Do thái không những thoát chết mà còn được đưa về miền đất hứa để sống trong tự do. Con chiên của lễ Vượt qua năm xưa là hình bóng của chính Chúa Giê-su Con Thiên Chúa; nhờ máu Người đổ ra mà loài người được ơn cứu độ và được sống.

Kế đến, Gioan là con trai của thầy tư tế Gia-ca-ria; chắc ông biết rõ mọi chi tiết liên quan đến Đền thờ và việc dâng của lễ. Hằng ngày vào buổi sáng và buổi chiều, luôn có một con chiên được dâng làm của lễ trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem để chuộc tội cho dân. Bao lâu còn Đền thờ thì của lễ còn được dâng lên mỗi ngày. Cả khi dân chết đói vì chiến tranh và bị bao vây, họ cũng chẳng bao giờ bỏ qua việc dâng con chiên; mãi cho đến năm 70 khi Đền thờ bị phá hủy hoàn toàn thì việc dâng con chiên mới chấm dứt. Có lẽ Gioan muốn nói: mỗi sáng mỗi chiều một con chiên được dâng lên để xóa tội cho dân nhưng thực sự chỉ mình Chúa Giê-su mới là của lễ duy nhất có thể giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết.

Sau cùng, trước Gioan Tẩy giả rất lâu, các ngôn sứ đã nói đến người Tôi trung của Thiên Chúa sẽ phải chịu đau khổ và phải chết như một con chiên. Ngôn sứ I-sa-ia đã mô tả như sau: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu…Người bị đánh phạt vì tội lỗi của dân”. Còn ngôn sứ Giê-rê-mia thì viết: “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con”. Cả hai vị ngôn sứ đều có linh kiến rằng Đấng chịu đau đớn và hy sinh với thái độ hiền lành sẽ là vi cứu tinh của  dân Chúa chọn.

Tóm lại, khi giới thiệu: đây là Chiên Thiên Chúa, Gioan có lẽ muốn nói Đấng mà các ngôn sứ tiên báo, chính là Chúa Giê-su khiêm nhường, hiền lành, tự nguyện chấp nhận làm hy tế để đền thay cho muôn người.

Ngày nay Hội Thánh chính là đoàn chiên của Thiên Chúa cũng được mời gọi kết hiệp với Chúa Giê-su là Con Chiên Vượt Qua cứu độ nhân loại. Nhờ bí tích thánh tẩy, mỗi tín hữu đã trở thành chi thể của Chúa Giê-su và được thông dự vào chức vụ tư tế của Người nên chúng ta cũng được mời gọi hiến mình làm con chiên đền tội, và cùng với Người, dâng trót đời mình làm hy lễ cứu rỗi thế gian. Muốn được như thế, mỗi tín hữu cần luôn hiệp thông với Chúa Giê-su bằng việc chu toàn bổn phận hàng ngày, dâng các việc hy sinh hãm mình, việc bác ái, các đau khổ gặp phải … kết hiệp với của lễ trên bàn thờ là chính Chúa Giê-su Con Chiên Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến trên bàn thờ thập giá để ban ơn tha tội cho mọi người. Hình bóng của con chiên Cựu Ước đã được nên trọn trong Đức Giê-su Chiên Thiên Chúa thời Tân Ước.
 
Anh chị em thân mến,
Một anh thợ đang làm việc trên mái nhà thờ Verden bên nước Đức. Khi anh đang đu mình trên tường cao để sửa lại phần mái nhà thờ  thì dây an toàn bị đứt, anh thợ bị rớt xuống sân nhà thờ, mà sân thì xếp đầy những đống đá lớn, anh thợ có nguy cơ mất mạng. Nhưng rất may một con chiên đang ăn cỏ ở bên dưới, anh rớt xuống trúng con chiên; con chiên bị đè chết còn anh thợ thì chỉ bị thương nhẹ. Để tỏ lòng biết ơn con chiên ấy, người thợ đã tạc một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt đẹp bày tỏ lòng biết ơn đối với con vật đã cứu mạng anh mà nó không biết.

Thánh lễ nào cũng là lễ tạ ơn (=Eukharistia). Chúng ta sốt sắng dâng lễ để tạ ơn Chúa vì công ơn cứu chuộc Con Chúa mang lại cho chúng ta, và trước khi rước lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giê-su: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Liền sau đó, chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giê-su Thánh Thể cho chúng ta bằng chính những lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu cho dân chúng năm xưa: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”. Xin cho chúng ta biết kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể mà chúng ta rước vào lòng, để nhờ Người và trong Người, ta sống như những con chiên ngoan hiền của Chúa và bắt chước Gioan Tẩy giả, quan tâm giới thiệu và làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt người khác để họ cũng tin vào Người mà được cứu độ. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc