banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Đăng lúc: Thứ năm - 14/02/2019 02:09 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Lời Chúa: Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26

Có thể coi đoạn Tin Mừng Luca này là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trước đông đảo dân chúng, bởi vì bài giảng thứ nhất ở quê hương Nadarét chỉ là giảng cho đồng hương Ngài nghe. Bài giảng này có những điểm giống và những điểm khác với bài giảng trên núi trong Tin Mừng Mattheu: trong khi thánh Mattheu ghi lại 8 mối phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi 4 mối phúc kèm theo 4 mối họa. Trong phạm vi bài chia sẻ này, chúng ta sẽ tập chú vào việc tìm hiểu bài giảng của Luca.
 
Linh mục Etienne Charpentier trong cuốn Để đọc Tân Ước (Pour lire le Nouveau Testament, p. 78) đã viết:
“Bài giảng trên núi trong Mattheu và bài giảng trên cánh đồng của Luca mở đầu bằng việc công bố các mối phúc. Nghĩa là sứ điệp của Chúa Giêsu chủ yếu là loan báo hạnh phúc. Nhưng loan báo cho ai, và như thế nào? Phải khổ tâm mà nhận rằng các mối phúc ấy đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm một thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ nỗi khổ đau hay sự nổi loạn của người nghèo. Dường như người ta muốn hiểu các mối phúc ấy như sau: “Hỡi những người nghèo, các người hạnh phúc lắm vì các người được Thiên Chúa yêu thương… vậy cứ tiếp tục nghèo đi! Hãy chấp nhận thân phận của các người, rồi một ngày nào đó ở trên trời các người sẽ được hạnh phúc”. Nhưng thực ra Chúa Giêsu nói ngược hẳn lại: “Hỡi những người nghèo, các con hạnh phúc, vì từ nay các con không còn nghèo nữa, vì Nước Thiên Chúa đã được ban cho các con”.

Chúa Giêsu không hứa sẽ ban hạnh phúc cho người nghèo, Ngài loan báo cho người nghèo biết là họ đang hạnh phúc. Lý do hạnh phúc của họ là tuy họ không có nhiều tiền bạc của cải, nhưng họ có Nước Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa là của các con”. Có Nước Thiên Chúa là có tất cả.

Khẳng định này nằm trong truyền thống của toàn bộ Kinh thánh. Tiên tri Giêrêmia trong bài đọc 1 nói với chúng ta cùng một chân lý: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa…Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Thật vậy, nguy cơ to lớn của sự giàu sang chính là tạo ra sự thỏa thích hoang tưởng. Người nào tự mãn với của cải trần thế sẽ đi đến chỗ nghĩ rằng mình có thể bỏ Thiên Chúa qua một bên. Trái lại, người nghèo vốn không có chỗ nương tựa nơi con người nên họ dễ hướng về Thiên Chúa. Chính sự giàu có đặt người giàu vào sự nguy hiểm, khi cất khỏi người ấy mọi sự đói khát Thiên Chúa, người ấy bị giam hãm trong căn phòng đóng kín của những hạnh phúc nhỏ bé phàm tục của mình. Bất hạnh của những người giàu chính là họ quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng hạnh phúc vô biên trong mỗi con người. Người giàu có tự mãn bị tiền bạc của mình đánh lừa. Sự giàu sang hứa hẹn hạnh phúc là một điều dối trá. Hạnh phúc duy nhất, chung cuộc, tuyệt đối chỉ có thể là Thiên Chúa! Đó là Nước Thiên Chúa. Và Thiên Chúa ban cách đại lượng và miễn phí Nước của Người cho những người nghèo khó. Vì thế, lý do đưa lại hạnh phúc cho người nghèo là lòng thương xót của Thiên Chúa: đó là lý do thần học chứ không phải luân lý bởi vì cái nghèo tự nó không phải là nhân đức để được tuyên dương cũng chẳng phải là công trạng để được tưởng thưởng.

Ở đây trên môi miệng của Chúa Giêsu, từ ngữ những kẻ nghèo phải được ưu tiên hiểu theo nghĩa kinh tế và xã hội; nó chỉ những người không được bảo vệ và không quyền lợi, bị khinh dễ và là những kẻ chỉ trông chờ ơn cứu độ nơi một mình Thiên Chúa. Chính Người tự lãnh bổn phận bênh vực quyền lợi của họ. Các hành động giải phóng của Chúa Giêsu đã là dấu chỉ hữu hiệu rằng Thiên Chúa ra tay cứu vớt: nơi Chúa Giêsu và nơi công trình của Ngài đã bày tỏ hoạt động cánh chung của Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, Luca hiểu thế nào điều Chúa Giêsu đã nói về mối phúc của người nghèo?

Nếu người ta tách rời các mối phúc khỏi toàn bộ tác phẩm của Luca, người ta sẽ hiểu sai Luca. Bởi vì trong trường hợp đó, người nghèo sẽ được khuyến khích rán chịu khổ ở đời này để được huy hoàng ở đời sau…Trong lúc đó, người giàu có thể tiếp tục sống phè phỡn mà không sợ người nghèo tìm cách làm cách mạng trong hiện tại. Nếu là như thế, Luca sẽ chuốc lấy lời chỉ trích của Các Mác khi ông chủ trương tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân! Tôn giáo nào là thuốc phiện ru ngủ nhân dân thì không biết, nhưng Kitô giáo dứt khoát không phải là thuốc phiện ru ngủ nhân dân!

Do đó, các mối phúc đòi phải được đọc dưới ánh sáng của phần còn lại của Tin mừng Luca và sách Công vụ. Nếu Luca có thể nhắc lại các mối phúc chính vì Luca mô tả Giáo hội lý tưởng như cộng đoàn nơi mà “không một tín hữu nào coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự là của chung…Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, đem số tiền thu được đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 4,32-35). Những bản văn khác sẽ cho chúng ta thấy việc chia sẻ với người nghèo –tuy khiêm tốn hơn- phải được thực hành ngay ngày hôm nay, trong cộng đoàn giáo hội. Nếu không, cộng đoàn sẽ không có khả năng loan báo các mối phúc và biểu lộ thực tại của ơn cứu độ đã bắt đầu. Nói cách khác, cộng đoàn giáo hội nào công bố phúc cho những kẻ nghèo rồi khoanh tay đứng nhìn không làm gì cả thì đó là xúc phạm đến phẩm giá của người nghèo, và tin mà cộng đoàn ấy loan báo chỉ có thể là tin buồn chứ không là tin mừng được.

Các Giáo hội Kitô, cách riêng Giáo hội Công giáo đã hiểu rất rõ điều này. Khi thấy những người nghèo đói thì Giáo hội lập ra các tổ chức từ thiện như Caritas, Misereor để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Cho của ăn cứu đói chưa đủ, Giáo hội còn mở trường huấn nghệ để cho người nghèo có cần câu mà câu cơm, giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo nàn của cải vật chất. Khi thấy những người nghèo tình thương thì Giáo hội lập cô nhi viện để nuôi các em cô nhi, lập nhà thương để phục hồi sức khỏe cho người ốm đau bệnh tật, lập nhà dưỡng lão để chăm sóc những người già neo đơn, v.v… Khi thấy dân chúng nghèo chữ nghĩa, Giáo hội mở trường dạy chữ, từ cấp nhà trẻ đến đại học, sau đại học. Có thể nói không sợ sai rằng chính niềm tin Kitô đã thúc đẩy Giáo hội cổ võ việc tìm kiếm và sáng chế các thứ thuốc mới để đẩy lùi những căn bệnh nan y. Giáo hội Công giáo luôn tiên phong trong các lãnh vực y tế, giáo dục, xã hội…bởi vì Giáo hội ý thức mình là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ đầy lòng thương xót và Giáo hội là Giáo hội của người nghèo.
 
Anh chị em thân mến,
Mỗi người Kitô hữu hôm nay, khi nghe lại những lời chúc phúc và những lời tạm gọi là chúc dữ của Chúa Giêsu trong Tin mừng cũng được mời gọi tự vấn xem mình đang đi tìm kiếm và đeo đuổi thứ hạnh phúc nào. Phải luôn xác tín rằng các lời của Chúa mở ra con đường vào Nước Trời để rồi từ đó biết chỉnh hướng đi cuộc đời sao cho hợp ý Thiên Chúa. Amen.
 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc