banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HÔM NAY ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH CÁC NGƯỜI VỪA NGHE

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/01/2019 21:20 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HÔM NAY ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH CÁC NGƯỜI VỪA NGHE

HÔM NAY ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH CÁC NGƯỜI VỪA NGHE

ời Chúa: Nkm 8,2-4.5-6.8-10; 1 Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21

Anh chị em thân mến,

Như anh chị em đã biết, Thánh lễ có 2 phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Phần Phụng vụ Lời Chúa kéo dài từ đầu cho đến hết lời nguyện tín hữu, và phần Phụng vụ Thánh Thể kéo dài từ dâng bánh rượu cho đến hết lễ.

Bài đọc 1 trình bày một buổi Phụng vụ Lời Chúa trong Cựu Ước, sau thời lưu đày Babilon. Năm 587 trước Chúa, vua Nabucôđônoxo của đế quốc Babilon chiếm thành Giêrusalem và bắt dân đi lưu đày sang tận Babilon, cách đó khoảng 1500 cây số. 50 năm sau nghĩa là vào năm 538, vua Xyrô của Ba tư đánh bại đế quốc Babilon, cho phép dân Do thái hồi hương. Một số đông chọn ở lại, số người trở về tìm cách xây lại đền thờ và tái thiết thành thánh Giêrusalem. Công việc tiến triển rất chậm, vì gặp nhiều chống đối. May mà có Étra và Nơkhemia. Hai vị này có uy tín đối với triều đình Ba tư. Nơkhemia được vua cho phép hồi hương, ông xúc tiến và hoàn thành việc xây dựng đền thờ và tường thành Giêrusalem. Nhưng điều quan trọng hơn là phải phục hưng đời sống tinh thần. Mà muốn củng cố đời sống tinh thần và xây dựng lại cộng đồng con cái Ítraen, cần phải có lề luật của Thiên Chúa, và đây là phần đóng góp của Étra.

Trong buổi Phụng vụ Lời Chúa được tường thuật trong bài đọc 1, chúng ta thấy gì? Thầy Étra kiệu sách Luật một cách trang trọng đến bục cao, rồi thầy công bố Lời Chúa cách rõ ràng, đoạn thầy giải nghĩa cho dân hiểu. Càng nghe, dân càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân đến như vậy mà cha ông họ đã không vâng nghe tiếng Người. Họ thấm thía những hình phạt mà Chúa đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra…Cả Nơkhemia và Étra phải vội vàng tuyên bố: Hôm nay là ngày thánh, không được khóc…Đúng hơn, hãy biến những giọt lệ xấu xa vì tội lỗi trở thành niềm tin vào Thiên Chúa cứu độ. Cho nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.

Rõ ràng buổi Phụng vụ Lời Chúa theo sách Nơkhemia có những nét rất gần với nghi thức công bố Lời Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ của chúng ta. Chúng ta đã tập họp đầy đủ, rồi chúng ta đã chăm chú nghe Lời Chúa, rồi linh mục chủ tế giải thích Lời Chúa để Lời Chúa trở thành lương thực nuôi sống chúng ta. Nhưng chúng ta may mắn hơn người Do thái thời Cựu Ước, bởi vì chúng ta còn được nghe lời của chính Chúa Giêsu như được trình bày trong bài Tin mừng hôm nay.

Vào ngày sabát, Chúa Giêsu vẫn theo thói quen đến hội đường để nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Hôm đó, Ngài được mời đọc và chia sẻ Lời Chúa. Ngài rơi trúng đoạn Isaia nói về đấng Mêsia. Sau khi đọc, Ngài long trọng tuyên bố: “Hôm nay, ứng nghiệm đoạn Kinh thánh các ngươi vừa nghe”. Điều đó có nghĩa là Ngài muốn áp dụng cho Ngài những gì Isaia đã loan báo. Mà thật vậy, tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và làm trong suốt cuộc đời dương thế chứng tỏ lời Kinh Thánh nói trên đã ứng nghiệm: Ngài đến để đem Tin mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói. Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin. Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bốc lột. Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài, sống như con của Cha trên trời và anh em của nhau. Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ. Tắt một lời, Ngài đã đến ban ơn cứu độ cho con người.
 
Anh chị em thân mến,
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh các ngươi vừa nghe”. Hai chữ “hôm nay” có ý muốn nói rằng đây không phải là sứ điệp của quá khứ, của hôm qua mà là của hôm nay. Mãi mãi Tin mừng luôn mang tính hiện đại, như lời Chúa Giêsu: “Trời đất có qua đi, nhưng lời Ta sẽ không bao giờ qua đi”. Vì thế, sứ điệp Tin mừng vẫn là Lời Chúa nói hôm nay, vẫn là sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu giữa lòng thế giới hôm nay. Cho dù cách thế hiện diện của Chúa Giêsu có khác nhưng tình yêu, sức sống, ơn cứu độ của Ngài vẫn là như thế, không thay đổi. Do đó, nghe Lời Chúa, gặp gỡ Chúa Giêsu không phải là lật lại tìm kiếm một nhân vật lịch sử của quá khứ, hay tìm đọc một huyền thoại và càng không thể là một chuyện hoang đường nhưng là gặp gỡ và tiếp xúc với một ngôi vị Thiên Chúa sống động.

Những điều vừa trình bày sẽ được ứng nghiệm trong phần Phụng vụ Thánh Thể sắp tới đây. Khi chủ tế thay mặt Chúa Giêsu tuyên đọc: Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu, ngay tức khắc, không sai chạy. 100% bánh trở nên Mình Chúa, 100% rượu trở nên Máu Chúa. Và cũng như thế trong các bí tích. Ví dụ, trong bí tích Giải tội, khi linh mục đọc lời tha tội: Vậy cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì tội nhân được tha thứ mọi tội lỗi thực lòng hối cải.

Ở đây, xin được phép rút ra một bài học cho đời tu: đó là vì Chúa phán hãy có ánh sáng tức thì liền có ánh sáng, mà chúng ta là con cái của Chúa, cho nên chúng ta được mời gọi hễ nói trọn đời theo Chúa thì phải theo Chúa trọn đời, chứ không phải nửa đời đứt gánh.

Trở lại với phần Phụng vụ Thánh Thể, khi rước Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện trong hình bánh hình rượu, chúng ta đón tiếp một ngôi vị sống động là Chúa Giêsu Kitô, với toàn vẹn bản tính Thiên Chúa và bản tính con người... Ngài đi vào trong chúng ta để nuôi chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài và liên kết chúng ta nên một trong Ngài, để Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài. Vì thế, một khi đã nhận lãnh Ngài rồi, chúng ta còn phải ra sức xây dựng sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau như các bộ phận trong cùng một thân thể theo như bài đọc 2 trích thư Côrintô khuyên dạy. Có như thế, chúng ta mới biến cộng đoàn chúng ta thành một cộng đoàn có sức mang ơn cứu độ toàn vẹn đến cho nhân loại hôm nay. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc