banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

MỘT TÌNH YÊU - HAI GIỚI RĂN

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/10/2020 20:27 - Người đăng bài viết: menthanhgia
MỘT TÌNH YÊU - HAI GIỚI RĂN

MỘT TÌNH YÊU - HAI GIỚI RĂN

Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 30 Thường niên A

Dẫn vào thánh lễ:   
 
Trong ngôn ngữ chúng ta, không có từ nào được dùng nhiều cho bằng hai chữ tình yêu, và hình như không có từ nào bị hiểu sai nhiều cho bằng từ này. Người ta gán cho từ này những nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.

Tình yêu mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến, là tình yêu cao thượng và phong phú nhất, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Hai tình yêu này có tách biệt nhau không? Thưa không, chẳng những không tách rời nhau mà hai tình yêu này chỉ là một. Chỉ có một động lực tình yêu làm cho chúng ta yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân.

Trong tâm tình khát khao gặp Chúa là Cha chúng ta và thắt chặt giây huynh đệ với anh chị em chúng ta, chúng ta hãy thành tâm sám hối những lỗi phạm đến đức bác ái để xứng đáng cử hành thánh lễ.
 
Bài chia sẻ:  
 
Anh chị em thân mến,
Theo truyền thống Hội đường Do thái, luật đạo gồm 613 điều răn, trong đó có 248 luật buộc và 365 luật cấm. Luật buộc ví dụ như “ngươi phải đi viếng các người bệnh, ngươi phải cho người nghèo một phần mười của cải của ngươi…” Luật cấm ví dụ như “ngươi không được dùng bữa mà trước đó không đọc lời cầu xin Chúa chúc lành, ngươi không được làm cho tha nhân mất mặt giữa đám đông…”

Không có bậc thang giá trị cho 613 luật này, không có luật nào quan trọng hơn luật nào. Người ta nói rằng: kẻ nào tuân thủ một giới luật nói trên, chỉ một giới luật thôi, với ý hướng ngay lành và ước muốn trung thành với giao ước thì người đó được kể như là đã tuân giữ tất cả mọi giới luật. Nhưng mà tại sao là 365, chứ không phải là 360 hay 370? Tại sao là 248 chứ không phải là 250 hay 240?  Thưa 365 là vì một năm có 365 ngày; như vậy toàn bộ thời gian sống của con người đều được luật quản lý. Và theo hiểu biết về cơ thể học thời đó thì cơ thể con người có tất cả 248 cơ phận tương ứng với 248 luật buộc, như vậy toàn thể con người từ đầu đến chân đều được luật chi phối.

Phải tuân giữ cả một rừng luật như thế quả là một cái ách nặng nề, cho nên khi thấy Chúa Giê-su giảng dạy cách có uy quyền như vậy thì một người Pha-ri-sêu hỏi thử tức là muốn làm cho ngài lúng túng vì đây là một vấn đề từng gây tranh luận giữa những người Do Thái đương thời.

Câu trả lời của Chúa Giê-su gồm hai phần: phần đầu liên quan đến mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn là câu trích từ sách Đệ Nhị Luật 6,5; phần sau liên quan đến yêu người thân cận như chính mình trích từ sách Lê-vi 19,18. Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó. Đây là điều mới lạ và là một cuộc giải phóng tinh thần quan trọng. Nói là giải phóng tinh thần vì từ nay con người không còn phải lo lắng giữ cho được 613 điều khoản với các chi tiết khó nhớ và khó chu toàn. Mà chỉ cần để hết tâm lực tuân giữ 2 điểm then chốt nhất là mến Chúa hết lòng hết sức và yêu thương tha nhân như chính mình.

Nhưng có phải là 2 giới răn không? Không phải là 2 nhưng chỉ là 1 bởi vì chỉ có 1 tình yêu: tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân là 2 mặt, mặt trái và mặt phải của một tình yêu duy nhất. Mến Chúa thì phải yêu người, yêu người là thể hiện lòng mến Chúa. Đó là điều thánh Gioan nói đến trong thư thứ nhất (9,2): “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”. Và đó cũng là điều phụng vụ Hội Thánh tuyên xưng trong lời nguyện nhập lễ của chúa nhật 25 thường niên: Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người; xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.

Nhưng đừng quên tình yêu đối với tha nhân phải được đặt nền trên tình yêu đối với Thiên Chúa. Khi trái tim tôi thuộc trọn về Thiên Chúa thì nó cũng thuộc trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu: “Tình yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5). Trong Chúa, tôi bắt gặp tha nhân là anh em với tôi. Trong Chúa, tôi cảm nhận được phẩm giá đích thực và trọn vẹn của một con người, dù đó là một người bệnh tật hay già yếu, một phạm nhân, một người bị mất trí, một thai nhi còn trong bụng mẹ. Trong Chúa, tôi yêu mến họ và nhận ra chính khuôn mặt của Chúa Giê-su đang đói khát, trần trụi, yếu đau, ở tù, tứ cố vô thân (X. Mt 25,35-36)

Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, để múc lấy ở đó sức mạnh hầu tiếp tục trao hiến. Đó là nhịp sống bình thường của Kitô hữu, cứ đong đưa giữa 2 tình yêu. Chính nhờ sự đong đưa đó mà trái tim tôi được dần dần mở ra, và trở nên giống với Trái Tim Chúa Giê-su.

Xin Chúa Giê-su Thánh Thể giúp ta thực hiện điều Ngài truyền dạy. Amen.
 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc