banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NGÀI ĐÃ CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Đăng lúc: Thứ năm - 30/07/2020 22:28 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NGÀI ĐÃ CHẠNH LÒNG THƯƠNG

NGÀI ĐÃ CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Lời Chúa: Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21

Chúng ta được nghe nhiều lần câu chuyện Chúa Giê-su nhân bánh ra nhiều, bởi vì cả 4 tác giả Tin Mừng đều tường thuật phép lạ này. Có cả thảy 6 lần trong những bối cảnh khác nhau, riêng Mt và Mc mỗi tác giả tường thuật 2 lần. Đây là một trường hợp rất đặc biệt: cùng một biến cố mà có ngần ấy trình thuật khác nhau, điều đó đủ nói lên tầm quan trọng và nét phong phú của biến cố này về phương diện giáo lý.

Trong Chúa Nhật thường niên 18 hôm nay, Giáo hội đề nghị ta suy niệm trình thuật thứ 1 trong 2 trình thuật của Mt.

Gặp lại đám đông đi bộ theo mình còn Ngài thì dùng thuyền đến nơi thanh vắng, Chúa Giê-su chạnh lòng thương; với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã làm cho dân chúng được no nê. Điều Chúa Giê-su làm hôm nay đã được báo trước trong Cựu Ước.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ I-sa-i-a thay mặt Thiên Chúa hứa cho dân đang bị lưu đày sẽ được bánh rượu no đầy mà không phải trả tiền. Đó là hình ảnh tình thương Thiên Chúa cứu độ. Dân Do thái đã bỏ Chúa mà chạy theo tà thần nên phải lưu đày sang Ba-bi-lon. Thiên Chúa có thể bỏ thí không đoái hoài gì tới mà dân không có quyền kêu ca hay trách cứ. Nhưng Thiên Chúa đã ký kết một giao ước tình yêu vĩnh cửu với các tổ phụ nên ở đây qua ngôn sứ I-sa-i-a, Người lặp lại giao ước đó bằng lời hứa ban lương thực nuôi sống cả  xác lẫn hồn.

Chúa Giê-su là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài thi hành giao ước tình thương đã ký kết trong Cựu Ước, khi nhân bánh ra nhiều cho đám đông được no nê như được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay. Nhưng phép lạ nhân bánh này không chỉ dừng ở đó mà còn hướng tới tiệc Thánh Thể, trong đó Chúa Giê-su sẽ biến bánh và rượu trở thành Thịt Máu Ngài để ký kết giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người. Chính vì thế mà thánh Mt mô tả các cử chỉ Chúa Giê-su làm khi nhân bánh ra nhiều y hệt cách thức Ngài sẽ làm trong bữa Tiệc Ly: Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ.

Chính vì nắm bắt những điều ấy mà thánh Phao-lô không thể cầm lòng được nữa đã phải thốt ra những tâm tình chân thật trong bài đọc 2 hôm nay: Ai có thể làm chúng ta xa lìa tình yêu của Đức Ki-tô? Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến thế, thì dù gian truân, cùng khốn, đói rách, hiểm nguy và cho đến gươm giáo cũng chẳng có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa được. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Bởi vì chính tình yêu bất khuất của Người khiến chúng ta không chịu thua, và nhất là bởi vì chính trong những lúc chúng ta yếu đuối như thế, tình yêu của Thiên Chúa mới thi thố sức mạnh phi thường. Như vậy điều cốt yếu là phải tin vào tình yêu của Thiên Chúa.

Bài sách I-sa-i-a và bài Tin mừng hôm nay khuyến khích chúng ta suy nghĩ về tình yêu này. Và Thánh Thể mà chúng ta cử hành giờ đây là chứng từ hùng hồn nhất. Càng ý thức về ý nghĩa của Thánh Thể bao nhiêu, chúng ta càng thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách chân thực và sâu xa bấy nhiêu. Lên rước Mình Thánh Chúa Giê-su, chúng ta sẽ đón nhận tất cả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta bởi vì Chúa Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Chúng ta phải nói như thánh Phao-lô: không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nữa. Cho nên dù có gì xảy đến cho chúng ta, vui hay buồn, cám dỗ hay thử thách, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng ta cương quyết sống xứng đáng với tình yêu ấy nghĩa là sống thế nào để không có ai và không có gì có thể làm chúng ta thôi yêu hay hết yêu Thiên Chúa.

Đàng khác, trong phép lạ này, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Anh em hãy cho họ ăn. Và sau khi nhân bánh ra nhiều, Chúa Giê-su không trực tiếp phân phát mà trao cho môn đệ để môn đệ phân phát. Tại sao? Chúa Giê-su muốn các môn đệ tham dự vào mối bận tâm của Chúa. Ngài muốn liên kết các môn đệ vào công việc của Ngài là cứu độ và nuôi dưỡng dân.

Công việc tông đồ của chúng ta sẽ có đầy đủ ý nghĩa khi chúng ta cũng tham dự vào mối quan tâm của Chúa Giê-su, khi chúng ta tích cực cộng tác vào những gì Ngài đang thực hiện nhằm cứu độ và nuôi dưỡng loài người.

Vào cuối thế chiến thứ 2, nhằm thu phục thiện cảm và sự tin tưởng ủa người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức Quốc Xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh cố gắng lượm lại từng mãnh vỡ của bức tượng Chúa Giê-su Ki-tô đã được dựng  lên ở quãng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước I-ta-li-a.

Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn được. Vì các mảnh vụn lớp thì bị bể quá nhỏ, lớp thì đã bị nát thành như bụi.

Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hạng chữ. Hàng chữ này không những đánh động được tâm hồn của dân làng mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch đến vùng này để đọc tận mắt hàng chữ bất hủ đầy ý nghĩa. Hàng chữ đó là:  “CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”.
 
Anh chị em thân mến,
Chúa Ki-tô tiếp tục nhập thể nơi tha nhân và nơi mỗi Ki-tô hữu. Ngài cần đến đôi tay của chúng ta để phục vụ. Ngài cần đến môi miệng chúng ta để nói lời an ủi. Ngài cần đến trí hiểu và con tim chúng ta để sống tình liên đới yêu thương. Ngài cần đến đôi chân chúng ta để đến với mọi người, không kỳ thị phân biệt. Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Chúa Ki-tô không?
Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc