banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SỬA LỖI ANH EM

Đăng lúc: Thứ năm - 03/09/2020 08:53 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SỬA LỖI ANH EM

SỬA LỖI ANH EM

Lời Chúa: Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Anh chị em thân mến,
Hội thánh mà chúng ta là thành phần không phải là một đám đông vì đám đông thì ô hợp, không tổ chức và thiếu người lãnh đạo. Một đám đông như thế thật đáng thương. Mátthêu ghi lại “Đức Giê-su thấy đám đông thì Ngài chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt”. Đáng thương vì thiếu bình an. Đàn chiên thiếu người chăn thì bồn chồn, bối rối, đầy sợ hãi. Đáng thương vì đó là một đám đông, không phải là một cộng đoàn nên không có tình yêu, thiếu sự hiệp nhất.

Hội thánh không phải là một đám đông nhưng là một cộng đoàn những người được Chúa Cha yêu thương chọn làm con trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. Hội thánh được xây dựng trên tình yêu của Thiên Chúa và nhằm hướng nhân loại về một định mệnh vinh quang: đó là tất cả trở thành con cái Thiên Chúa và là anh em của nhau. Vì chúng ta là con cái Thiên Chúa nên Thiên Chúa nhận phần săn sóc chúng ta. Đáp lại, chúng ta phải có trách nhiệm đối với Thiên Chúa và anh em, tức xây dựng một cộng đoàn hướng về Thiên Chúa. Ý tưởng này được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay triển khai. Có nhiều cách xây dựng cộng đoàn. Sống có trách nhiệm đối với anh em trong cộng đoàn cũng là một cách. Điều đó bài Tin mừng hôm nay đã chỉ ra qua 2 hành vi: sửa lỗi anh em và hiệp lời cầu nguyện.
 
A/ Trước hết là vấn đề sửa lỗi anh em.
Phải nói ngay rằng đây là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn: tế nhị về phía người được sửa lỗi, khó khăn về phía người sửa lỗi.
Nói rằng, đó là một việc tế nhị vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng: muốn khỏi bệnh nhưng sợ uống thuốc vì thuốc đắng; muốn nói lên sự thật nhưng lại không dám nói vì sợ mất lòng. Đó là điều tế nhị thứ nhất.

Điều tế nhị thứ hai: ai cũng phải công nhận: nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn toàn trăm phần trăm, thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói: đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình; tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó, việc sửa lỗi anh em gây khó khăn về phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng họ chứ không phải sửa lỗi họ, chúng ta miệt thị họ chứ không muốn họ nên tốt. Và không khéo sẽ bị người ta mắng lại: chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Thậm chí có khi bị người ta dùng chính Lời Chúa mà trả đũa lại: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã”. Việc sửa lỗi anh em thật tế nhị và khó khăn nhưng Lời Chúa hôm nay xác định một cách rõ ràng: sửa lỗi anh em là một hành vi tích cực của đức bác ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên, sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là một bổn phận nữa.

Để làm tốt công việc sửa lỗi cho nhau này, chúng ta cầu xin Chúa Cha cho chúng ta tràn đầy Chúa Thánh Thần Tình Yêu vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”.

- xin cho chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lỗi lầm thiếu sót của chúng ta.
- xin cho chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể nói thẳng nói thật những lỗi lầm của nhau mà không làm thương tổn tình đoàn kết thân ái và mối dây thông cảm yêu thương.
 
B/ Thứ đến là hiệp lời cầu nguyện
Nếu việc sửa lỗi anh em là một diễn tả của tình yêu thì hiệp thông trong cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu. Khi môn đệ Đức Kitô tụ họp nhau lại “nhân danh Ngài”, có nghĩa là họ muốn nên giống Đức Kitô, muốn đón nhận giáo huấn của Ngài, muốn đồng hóa với Ngài bao nhiêu có thể. Và khi có nhiều người ước muốn chung, lại cùng nhau cố gắng thực hiện, thì tất cả sẽ hiệp thông với nhau và vì Chúa Giêsu, và chắc chắn Chúa Giêsu hiện diện ở đó.

Như thế không có gì ngạc nhiên khi lời cầu nguyện của những người ấy được Thiên Chúa Cha đón nhận, tức có hiệu quả, bởi vì đơn giản đó không còn là lời cầu nguyện của một người hay một nhóm người mà đã trở nên lời Chúa Giêsu cầu khẩn Chúa Cha. Thấu hiểu chiều kích ấy của việc cầu nguyện chung nên Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tâm thư gửi cho các gia đình năm 1994 đã viết như sau: Cầu nguyện làm cho Con Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Cầu nguyện một cách nào đó kéo Con Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Ngài khuyến khích các gia đình cầu nguyện, cầu nguyện cho gia đình, cầu nguyện với gia đình.
 
Có một cậu bé nông dân lên 15 tuổi ở vùng Kansas, Hoa Kỳ bị té trầy đầu gối. Đến đêm, vết trầy bắt đầu đau và 2 ngày sau thì làm cậu nhức nhối chịu không thấu. Bác sĩ khuyên: Chắc phải cưa!

Chú bé ngày càng lên cơn sốt. Bác sĩ bảo chỉ có phép lạ mới cứu sống được cậu. Gia đình bắt đầu cầu nguyện. Bà mẹ, ông bố quì bên giường cậu bé cầu nguyện suốt ngày đêm, chỉ dành giờ làm những việc cần thiết. Ngày thứ ba, 4 cậu con trai còn lại cũng cùng cầu nguyện. Sáng ngày thứ tư, bác sĩ ngạc nhiên thấy vết thương bớt sưng và cậu bé ngủ ngon. Chỉ 3 tuần sau, cậu bé đi lại được. Cậu bé ấy là David Eisenhower, tổng thống thứ 34 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
 
Anh chị em thân mến,
Khi chúng ta có ý hướng xây dựng cộng đoàn, dù là xây dựng bằng cách bảo vệ củng cố hay phát triển cộng đoàn, đức bác ái luôn luôn là điều kiện cần và đủ. Chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật”. Đức ái cần để liên kết với Thiên Chúa (đó là hiệp thông cầu nguyện) và đủ để liên kết với nhau (đó là sửa lỗi cho nhau). Chúng ta cần nhớ rằng Hội thánh là một cộng đoàn huynh đệ và cộng đoàn này được liên kết bởi sự hiện diện của chính Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô làm cho lời cầu của chúng ta sinh hiệu quả; cũng chính Ngài ban cho chúng ta khả năng hóa giải những anh em đau khổ hay chia rẽ.

Vậy thì chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy bảo và nhất là để ăn và uống Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể; nhờ đó, chúng ta sẽ có thể xây dựng Hội thánh của Ngài bằng chính tình yêu đã thúc đẩy Ngài đến chỗ thí mạng vì phần rỗi chúng ta. Amen.
 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc