banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Suy niệm hằng ngày tuần XI Thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Đăng lúc: Thứ hai - 15/06/2015 10:55 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Đức Giêsu khuyến khích chúng ta tìm ích lợi đích thực của mình, nghĩa là phần thưởng của Cha trên trời.
Suy niệm hằng ngày tuần XI thường niên


Thứ ba Tuần XI Thường Niên
Lòng quảng đại kitô giáo 

Cách thức thánh Phaolô mở đầu bài diễn từ của mình, mà hôm nay Phụng vụ trình bày cho chúng ta, thật đáng quan tâm.

Ngài viết: ‘Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Macêđônia’. Ân sủng mà Thiên Chúa ban là chính lòng quảng đại của họ. Thoạt đầu chúng ta sẽ nói: ‘Không phải do Thiên Chúa ban cho, nhưng là chính họ, những kitô hữu ấy, tuy nghèo khó, đã ban phát rất quảng đại để nâng đỡ các kitô hữu khác’. Thánh Phaolô, trái lại, đã gọi sự cố gắng lớn lao của lòng quảng đại ấy là ân huệ Chúa ban, một cách nào đó làm thay đổi hoàn cảnh. Và chính việc đọc lại cách sâu xa nghĩa cử này, cũng như mọi hành động quảng đại khác, ta nhận ra hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất: điều mà họ tặng ban cho, họ đã nhận từ nơi Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ban cho họ cái khả năng quảng đại, bằng cách trao ban cho người khác những gì mà họ đã nhận từ Thiên Chúa. Trao ban là một ân huệ của Thiên Chúa; lòng sốt sắng tặng ban cũng là một ân huệ của Thiên Chúa. Yếu tố thứ hai, sâu xa hơn, là khi trao ban với tình yêu vô vị lợi, họ sẽ nhận được thực sự ân sủng của Thiên Chúa.

Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất: ‘Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được’ (1 Ga 3,17). Lòng quảng đại là điều kiện thiết yếu để tình yêu Thiên Chúa ở trong chúng ta, để ta lưu lại trong tình yêu của Ngài.

Ân ban to lớn của Thiên Chúa cho các Hội Thánh ở Macêđônia là: sống trong tình yêu Thiên Chúa, đón nhận tình yêu Thiên Chúa, tham dự cách tích cực vào tình yêu của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa không thể nhận được nếu không trao ban; ai trao ban thì sống thực sự trong ân sủng đó và sẽ lãnh nhận được thêm nữa.

Đó là ý nghĩa kitô của lòng quảng đại: kết hợp với tình yêu Thiên Chúa, điều kiện để tình yêu ấy được trao ban cho chúng ta luôn luôn với lòng quảng đại lớn hơn, lòng quảng đại mà Đức Giêsu nói trong tin mừng, ‘làm mặt trời mọc lên cho kẻ dữ người lành và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính’.

Khi nghĩ đến tình yêu không ngừng tuôn chảy xuống từ Chúa Cha trên trời, chúng ta mở lòng ra cách quảng đại đối với người đang túng quẩn: cần cơm bánh nuôi sống, cần một lời huynh đệ, cần được nâng đỡ để lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa.

 
Thứ tư Tuần XI Thường Niên
Ý hướng ngay lành 

Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu tỏ cho thấy Ngài mong ước đưa chúng ta sống thông hiệp với Chúa Cha, là ao ước đã thúc đẩy Ngài tự hiến mình qua bí tích Thánh Thể. Nếu Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể, là chính vì để chúng ta có thể thông hiệp với Ngài và với Chúa Cha, như thư thứ nhất thánh Gioan đã viết, và để cho niềm vui của chúng ta nên trọn hảo. Hôm nay Đức Giêsu chỉ cho ta biết điều kiện để sống mối hiệp thông lạ lùng này và để có được niềm vui sâu thẳm và tinh tuyền: cần làm việc lành, không chút hậu ý nào. Đó là điều chúng ta gọi là sự ngay lành trong ý hướng, hay tính trung thực trong tình yêu.

Đức Giêsu biết rõ lòng con người, biết rằng khi chúng ta làm điều lành, chúng ta hay bị cám dỗ tìm lợi ích riêng, thỏa mãn lòng tự ái và tính ích kỷ, và Ngài dạy chúng ta biết rằng khi chạy theo những cám dỗ đó, chúng ta làm mọi việc lành trở thành rỗng tếch.

Cần lựa chọn giữa việc thỏa mãn tính tự ái, ích kỷ và phần thưởng Chúa Cha dành trên trời.

Đức Giêsu khuyến khích chúng ta tìm ích lợi đích thực của mình, nghĩa là phần thưởng của Cha trên trời. Quên chính mình để sống trong tình yêu, chúng ta sẽ có phần thưởng đó, chính là việc sống thông hiệp với Thiên Chúa, ở trong tình yêu như Thiên Chúa ở trong tình yêu, vì Ngài chính là tình yêu.

Chúng ta phải vui thích tìm sống hiệp thông với Thiên Chúa, và duy chỉ với Ngài; làm việc lành vì Thiên Chúa yêu thích điều lành và bởi vì khi làm việc lành chúng ta sống thông hiệp với Ngài. Càng ít được trần gian khen thưởng, thì càng lớn lao phần thưởng sống thân tình với Thiên Chúa.

Mỗi lần chúng ta đọc đoạn tin mừng này, chúng ta bị đánh động bởi sự quan tâm của Đức Giêsu. Lẽ ra Ngài có thể diễn tả cách khô khan hơn nhiều, giống như nhiều lần các nhà giảng thuyết đã làm? Cần để ý đến những ý hướng của chúng ta, giữ sự thẳng thắng trong ý hướng. Ngược lại Đức Giêsu đã chọn một hình thức cụ thể hơn và sống động hơn. Ngài đã sử dụng cách thức mà ta thường gặp thấy trong Kinh Thánh, Ngài đã dùng những hình ảnh hơi phóng đại, để gây chú ý. Ví dụ: ‘Khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn…’ Việc này sự thường đâu có xảy ra khi người ta bố thí! Hoặc một cách khác hết sức trau chuốt cho dù hơi cường điệu: ‘Đừng để tay trái biết việc tay phải làm’. Đây là một loại văn phong hết sức sống động: cả hai tay đều được nhân cách hóa, giống như hai con người sống bên cạnh nhau, và bên này không được biết điều bên kia làm. Chúng ta hiểu rõ ràng điều Đức Giêsu muốn nói: khi người ta làm điều thiện, cần phải quên nó đi, để tránh sự phô trương. Cũng vậy, Ngài mô tả hết sức cụ thể những người ‘thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy’. Và ngược lại: ‘Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại’ vì Cha của anh thấu suốt mọi bí ẩn.

Ba ví dụ được xây dựng cách hài hòa, với cách song đối, một thế quân bình văn chương làm thỏa mãn lý trí chúng ta. Mỗi ví dụ đều có một phản đề: Đức Giêsu diễn tả những người chiều theo cám dỗ của hư danh và của lòng yêu mình và, ngược lại, thái độ tốt lành của những người sống hiệp thông với Thiên Chúa. Mỗi ví dụ ta đọc thấy những lời được lập đi lập lại như điệp khúc, giúp khắc sâu giáo huấn mà Đức Giêsu muốn dạy. Cách tiêu cực: ‘Họ đã nhận phần thưởng rồi’; cách tích cực: ‘Và Cha ngươi, đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho ngươi’. Đức Giêsu diễn tả giáo huấn của Ngài một cách sống động, thú vị và minh bạch (‘không có ai nói như ông ta’: những người đến nghe đã phát biểu như thế). Việc này khuyến khích chúng ta nên quan tâm đến những hình thức mà chúng ta làm cho Chúa, về điều mà chúng ta làm trong việc rao giảng tin mừng, nhất là khi chúng ta nói về Ngài.

Cám tạ Chúa về những lời giáo huấn quý báu và cả hình thức Ngài dùng để diễn đạt, biến Tin Mừng thành quyển sách vô tận và vô song.

 
Thứ năm Tuần XI Thường Niên
Chúa dạy cầu nguyện 

Đức Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào, Ngài mời gọi chúng ta canh tân việc cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta trước hết đừng giống như dân ngoại, họ tưởng rằng cần phải nói nhiều khi cầu nguyện. Hành động của Thiên Chúa thì muôn phần hữu hiệu hơn việc làm của chúng ta, do đó điều quan trọng là cần sống mật thiết với Thiên Chúa. Lời nói, không quan trọng, những tư tưởng hay, không đáng kể; và thực là ảo tưởng khi tin rằng càng có nhiều tư tưởng phù hợp với lời cầu nguyện thì lời cầu nguyện càng có giá trị. Điều đáng kể không phải là điều chúng ta thực hiện mà là điều Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta.

Đức Giêsu dạy cho ta một kinh nguyện thật sự làm thay đổi tận căn việc cầu nguyện của chúng ta và như thế chúng ta đáng được Thiên Chúa nhậm lời. Khi cầu nguyện chúng ta cầu xin Thiên Chúa nhận lời, nhưng trước hết, ta cũng phải biết đón nhận lời Thiên Chúa, Đấng mong muốn biến đổi chúng ta, nếu chúng ta để cho Ngài hành động. Nếu chúng ta cầu nguyện như Đức Giêsu đã dạy, chúng ta đón nhận lời Thiên Chúa và lời nguyện của ta thực sự có khả năng biến đổi cuộc sống.

Đây là một giáo huấn về việc cầu nguyện, chính Đức Giêsu đã khởi đầu bằng những lời cầu quy về Thiên Chúa: ‘Xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện’. Với bản năng vị kỷ của mình, chúng ta sẽ không bao giờ bắt đầu cầu nguyện như thế. Trước mặt Thiên Chúa, ta chiêm ngắm Ngài và mong ước rằng Ngài được mọi người nhận biết, yêu mến; xin cho các dự tính của Ngài được thực hiện chứ không phải những toan tính của chúng ta, đầy hạn chế và không có tương lai.

Đức Giêsu làm mẫu gương cho ta về một việc cầu nguyện như thế: trong cảnh thống khổ, lời nguyện trước tiên của Ngài được thốt lên là: ‘Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha’. Đúng hơn nên nói rằng đó là lời nguyện thứ hai, vì Ngài đã khởi đầu bằng lời xin: ‘Bây giờ linh hồn con xao xuyến; con biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này’ nhưng rồi Ngài đã từ chối cầu nguyện theo lối đó, để cuối cùng thốt lên: ‘Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha’ (Ga 12,27-28 ).

Ngay cả những lời cầu xin liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta cũng được Ngài chỉ dạy. ‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’. Là một lời cầu xin vừa mang tính phó thác vừa bị hạn chế. Không xin giàu sang, hoặc được bảo đảm suốt cả cuộc đời: chỉ xin cơm bánh của ngày hôm nay mà thôi. Trong bản văn hy lạp có một tĩnh từ mà người ta không biết làm sao dịch cho đúng và cuối cùng người ta thường dịch ‘cơm bánh hằng ngày’, liên hệ đến từ ‘hôm nay’. Nhưng chắc Đức Giêsu, khi đề cập đến cơm bánh mà ngài bảo chứng ta xin, đã không chỉ nghĩ đến cơm bánh cần thiết cho sự sống thể lý, mà còn cho cả sự sống thiêng liêng nữa.

‘Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha những kẻ mắc nợ chúng con’. Đức Giêsu tiếp tục dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách chỉ cho ta biết rằng tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta là một với tình yêu chúng ta dành cho người anh em. Và ngay sau đó Ngài nhấn mạnh: ‘Nếu các ngươi không tha cho người ta, Cha các ngươi cũng sẽ chẳng tha cho các ngươi’. ‘Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’. Những lời cầu cuối cùng là xin cho chúng ta luôn vững vàng trong đời sống thiêng liêng. Không xin được giải thoát khỏi đau khổ, nhưng khỏi sự dữ (thần dữ). Quả thật đau khổ cũng được xem như là một sự dữ, nhưng không đồng nghĩa như nhau. Trong mức độ đau khổ là một sự dữ, chúng ta xin cho được giải thoát, nhưng chúng ta chấp nhận đau khổ thể lý nếu chúng đem lại lợi ích cho ta. Điều quan trọng là chúng ta được giải thoát khỏi tội, khỏi tất cả những gì làm nguy hại mối liên hệ chúng ta với Thiên Chúa.

Cám tạ Chúa vì đã dạy chúng ta cầu nguyện và chúng ta hãy luôn trung thành với giáo huấn của Ngài, để lớn lên trong tình yêu đối với Ngài và đối với anh em.

 
Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên
Mắt sáng

Mới nhìn thoáng qua ta không thấy có mối liên kết thực sự giữa phần 1 với phần hai của bài tin mừng; thực sự có và có liên kết trực tiếp nữa.

‘Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối’.

Bệnh của con mắt là sự ganh tị. chúng ta không còn thấy được nữa: ta bước vào một hướng sai lạc, bằng cách tìm kiếm tư lợi và không phải là những giá trị thực, chúng ta ngộp thở phía sau tất cả những gì ta có thể sở hữu và ta thấy được cái gì khác: ta đang bị chìm ngập trong bóng tối.

Trái lại Chúa muốn con mắt ta sáng tỏ và thân thể ta trong ánh sáng. Con mắt sáng là ý hướng ngay lành, không vị kỷ: và chính sự ngay thẳng đó dẫn ta vào ánh sáng. Không phải dễ, cần một cố gắng liên tục, một ân huệ mà ta phải cầu xin luôn với Chúa.

Hãy xin Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt ta, nếu ta nhận thấy chúng có một chút đau bệnh. Ta hãy xin Ngài ban cho ta một cái hìn trong sáng, biết nhận ra con đường ngay chính để đạt đến mục đích cuộc đời mình: chiếm lấy kho tàng là chính Chúa, ánh sáng thực của đối mắt và niềm vui của tâm hồn.
 
 
Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên

Nếu ta học ở trường lớp của Mẹ Maria, Mẹ sẽ dạy ta lòng khiêm nhượng và sự từ bỏ. Mẹ Maria đã làm cách hoàn hảo bao điều mà Phaolô nói về sự yếu đuối của ngài: ‘Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi’. Mẹ Maria đã chấp nhận thân phận yếu hèn của mình, bé nhỏ và mẹ cảm thấy hạnh phúc vì nhận ra đó là nguyên do cái nhìn cúi xuống của Thiên Chúa: ‘Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới’.

Nhưng thông thường bằng lòng với số phận khiêm tốn và bé nhỏ, thật khó biết bao! Thật khó khiêm tốn biết bao khi có nhiều lý do để vênh vang! Thánh Phaolô cảnh giác nguy hiểm của sự tự hào ‘vì sự cao cả của những mạc khải Chúa đã ban’; Mẹ Maria được sứ thần chào là đấng đầy ân phúc, luôn bình lặng, vui lòng, hoàn toàn buông mình vào thánh ý Thiên Chúa, chỉ quan tâm một mình Ngài. Và khi Thiên Chúa muốn mẹ làm mẹ của một người con bị kết án thập giá như kẻ phạm thượng, sự đau khổ không làm thay đổi thái độ nội tâm của mẹ: mẹ dõi theo Đức Giêsu, hoàn toàn gắn bó với chương trình của Thiên Chúa, trong bình an, phó thác, cho đến đồi Calvê.
Xin Mẹ giúp ta biết sống khiêm nhu, phó thác, vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cụ thể.


 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc