banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Suy niệm hằng ngày tuần XII thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Đăng lúc: Thứ tư - 24/06/2015 10:24 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Suy niệm hằng ngày tuần XII thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Suy niệm hằng ngày tuần XII thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Đối với người tín hữu biết để cho đức tin hướng dẫn, sự từ bỏ là một tự do tinh thần lớn lao biết dường nào.
Thứ hai Tuần XII Tn
 
Bài đọc I hôm nay khởi đầu chuyện kể về Ápraham, gương mẫu hành trình đức tin cho mọi tín hữu.
 
Những lời đầu tiên Thiên Chúa ngỏ với ông khi Người chọn ông, cho ta thấy một tình yêu gây không íthoang mang: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi’. Để đi đến đâu? ‘Tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi’. Tất cả đều mơ hồ, chỉ có một ánh sáng duy nhất tuyệt vời là lời hứa: ‘Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi’. Ápraham vâng lệnh Chúa, không bàn cãi gì cả: ‘Ông Ápraham ra đi như Đức Chúa đã phán với ông’.
 
Ápraham cùng với gia nhân mình đến đất Canaan như khách lạ, nhưng tại đây khởi đầu phác họa chương trình của Thiên Chúa: ‘Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ông’. Ápraham chết đi, các thế hệ con cháu kế tiếp ông sẽ có sự sống. Và ông đi từ nơi này đến nơi khác: ‘Ông cắm lều…ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa…rồi ông nhổ lều’…đó là những điệp ngữ được lập đi lập lại. Chỉ cần mối tương quan tốt đẹp giữa ông với Chúa và luôn làm theo ý Chúa.
 
Như thế Thiên Chúa dạy dỗ Ápraham cũng như mọi tín hữu biết thực hiện những từ bỏ, có thể rất khó chịu, nhưng thực tế lại là một sự giải thoát. Cần phải chọn lựa: hoặc để cho lòng ích kỷ chiếm hữu vì muốn sở hữu hoặc trở thành người biết cho đi. Ápraham đã trao ban chính mình như quà tặng vô điều kiện, không cần biết điều gi sẽ xảy ra cho ông. Đó là đức tin: mở lòng, chấp nhận bước đi trong đêm tối cách dứt khoát, gặp gỡ với một đấng mà ta tín thác, bằng lòng cho ngài tất cả những gì ngài yêu cầu, yêu mến ngài, đặt ngài làm niềm vui và tình yêu của ta, trong một tương quan cá biệt mà Chúa muốn luôn thực hiện cách tốt đẹp hơn nữa. Những điều còn lại là thứ yếu. Các thánh dạy: thánh ý Chúa là thiên đàng của tôi.
 
‘Hãy đi’…Đó là lời mà Thiên Chúa không nói với ta một lần thay cho tất cả, bởi lẽ luôn luôn sự tự do của ta cần phải được giải thoát. Hãy chấp nhận lời đó với sự từ bỏ tín thác trong lòng và trong cuộc sống.
 
 
Thứ ba Tuần XII Tn
 
Đối với người tín hữu biết để cho đức tin hướng dẫn, sự từ bỏ là một tự do tinh thần lớn lao biết dường nào. Theo lẽ thường, những người giàu có lo lắng làm sao để gìn giữ và làm tăng thêm sự giàu sang của họ; ngược lại, Ápraham quan tâm đến kẻ khác hơn là chính mình. Ông muốn tránh xung đột xảy ra giữa ông và Lót và với sự tự do tinh thần lớn lao ông đã thực hiện bước trước luật vàng mà Đức Giêsu dạy: ‘Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính mình cũng hãy làm cho người ta’. Ông nói với cháu mình: ‘Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu…vì chúng ta là họ hàng với nhau. Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi! Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái’. Cách tốt nhất: là để cho người khác chọn lựa. Nhưng thật khó khăn, vì chúng ta thấy ngay những quyền lợi và bổn phận của người khác.
 
Lót đã chọn thung lũng màu mỡ Giordanô và Ápraham còn lại phần đất đồi núi khô cằn.
 
Ta thấy ở đây một áp dụng trước văn tự huấn giáo của Đức Giêsu dạy trong đoạn tin mừng hôm nay: ‘Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong…; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống’. Ngài chính là con đường, con đường chật qua cái chết đưa đến sự sống; Ngài chính là cửa hẹp của từ bỏ, mở ra cho hạnh phúc.
 
Và lịch sử minh chứng là Ápraham có lý: cửa rộng dẫn đưa đến Sôđôma và Gômôra, biểu trưng của sự hủy diệt; đất Canaan là đất hứa: ‘Đứng lên ! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi và cho con cháu ngươi’.
Quả thật ta tìm thấy niềm vui trong việc cho đi hơn là lãnh nhận. (‘cho thì có phúc hơn là nhận’)
 
 
Thứ tư Tuần XII Tn
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả 
 
Đoạn tin mừng hôm nay là một phần của những tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Cách đặc biệt, đoạn này theo sau cảnh Mẹ Maria thăm viếng ‘nhà ông Zacaria’ (Lc 1,40 ), sau biến cố truyền tin của sứ thần, sứ giả cuộc tạo dựng mới. Việc loan báo mở đầu trong hân hoan việc Thiên Chúa hoàn tất những lời Ngài hứa với dân Người (Lc 1,26-38 ). Niềm vui của thời đại mới, ngập tràn lòng Mẹ Maria, và giờ đây cả tâm hồn bà Elisabét nữa. Bà vui vì lời Mẹ Maria loan báo (Lc 1,41). Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa (Lc 1,46) vì Người đã làm những điều kỳ diệu nơi Mẹ, cũng như đã thực hiện những việc lạ lùng cho dân tộc của Ngài đang cần ơn cứu độ.
 
Thành ngữ ‘khi thời gian đã mãn’ không chỉ đánh động bà Elisabét đang mang thai mà còn mạc khải một điều mới lạ trong chương trình của Thiên Chúa. Nên Thánh Phaolô nói rằng ‘khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (Gal 4,4).
 
Trong tin mừng Đức Giêsu cũng nói về thời gian viên mãn, đặc biệt trong tin mừng Gioan. Hai thời điểm được nhắc đến: tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) và trong cơn hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu đã kêu lên: ‘Mọi sự đã hoàn tất’ (Ga 19,30 ). Trong việc hoàn tất thời gian Đức Giêsu mở đầu một thời đại cứu độ. Việc sinh hạ Gioan Tẩy Giả khởi đầu thời gian cứu độ. Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà Elisabét khi Đấng Cứu Thế đến với mình (Lc 1,44). Sau này ông đã tự ví mình như bạn hữu của tân lang (Giêsu) vui mừng vì tiệc cưới với tân nương là Giáo Hội (Ga 3,29).
 
Đứa con trai không được gọi bằng tên của Cha mình mà lại gọi là Gioan. Zacaria nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa không quên dân Ngài. Tên của Gioan có nghĩa là ‘Thiên Chúa nhớ đến’. Con của Ngài bây giờ không thể còn gọi là ‘Thiên Chúa nhớ đến’ nữa, vì những lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn tất. Sứ vụ tiên tri của Gioan nêu lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó được gọi là Johanan nghĩa là ‘Thiên Chúa thương xót’. Lòng thương xót Chúa biểu hiện trong cuộc viếng thăm dân Người, ‘như đã hứa qua miệng các ngôn sứ từ ngàn xưa’ (Lc 1,67-70). Tên gọi nêu rõ căn tính và sứ vụ của trẻ sơ sinh. Zacaria viết tên con ông trên tấm bảng nhỏ để mọi người đều có thể nhìn thấy với lòng kinh ngạc (Lc 1,63 ). Tấm bảng ấy làm vọng lại việc Philatô truyền viết tấm bảng treo trên thập giá. Những chữ viết này nói lên căn tính và sứ vụ của Đấng bị đóng đinh: ‘Giêsu Nagiarét, Vua dân do thái’ (Ga 19,19). Việc viết tấm bảng này cũng gây kinh ngạc cho những người đến Giêrusalem dự lễ.
 
Gioan là vị tiền hô của Đức Kitô. Ngay khi sinh, thời thơ ấu, Ngài đã chỉ cho biết Đức Kitô: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Ngài là ‘tiếng kêu trong sa mạc’ (Ga 1,23 ). Thôi thúc mọi người dọn đường cho Chúa đến. Ngài ‘không phải là Đấng Cứu Thế’ (Ga 1,20 ), nhưng ngài chỉ cho biết qua việc rao giảng và nhất là qua cung cách sống nhiệm nhặt trong hoang địa. Ngài ‘càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh’. ‘Sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel’ (Lc 1,80 ).
 
 
Thứ Năm Tuần XII Tn
Thi hành ý Cha 
 
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là sẽ vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời’. Những đòi hỏi của Đức Giêsu thật quyết liệt, hầu như khó có thể chịu nỗi đối với chúng ta, là những kẻ yếu đuối và mỏng giòn. Bài giảng trên núi, là một lời mời gọi mạnh mẽ cho việc thi hành ý Thiên Chúa với tất cả sự trong sáng, quảng đại, hoàn hảo, và chúng ta biết rõ chúng ta có là chi đâu. Nhưng khi trình bày các đòi hỏi ấy, Đức Giêsu đặt vào trong lòng chúng ta niềm ao ước đáp trả và đó chính là cách thức và sức mạnh Ngài ban cho ta.
 
Một cách thức: ‘Vậy ai nghe những lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá’. Lời của Đức Giêsu cho ta biết ý của Chúa Cha; nếu ta lắng nghe, chúng ta sẽ không còn phải sợ xa cách Ngài: chúng ta được dìm trong Lời và trong ngày ấy Đức Giêsu sẽ nhận biết chúng ta giữa những người được Cha Ngài chúc phúc.
 
Sức mạnh: Đức Giêsu ban cho chúng ta một quả tim mới, cho chúng ta quả tim của Ngài, bởi lẽ duy chỉ với quả tim vâng phục của Ngài chúng ta mới có thể thi hành ý của Chúa Cha, cho dù trong đời ta có gặp phải mưa sa, nước cuốn hay bão táp thử thách ập vào, vì chúng ta được xây trên nền đá. Với sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta có sức mạnh của Ngài, niềm vui của Ngài, chúng ta sống như trên thiên đàng rồi.
 
 
Thứ sáu Tuần XII Tn
Tôi muốn, anh hãy được sạch 
 
Toàn bộ Kinh Thánh nói về mầu nhiệm của Đức Kitô, về sự khổ nạn và sống lại của Ngài. Hiến chế tín lý về mạc Khải số 16 nói rằng ‘Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước…Các sách Cựu Ước vẫn được xử dụng trọn vẹn trong sứ điệp phúc âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước. Tân ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước’.
 
Như vậy trong bài đọc 1 hôm nay đề cập về việc sống lại. Thánh Phaolô trong thư gởi Rôma giải thích rằng Ápram, qua việc tin vào lời loan báo việc Isaac sinh hạ, ông đã tin vào sự phục sinh của Đức Kitô mà không hề biết, bởi vì ông và Sara đã già rồi, ‘đã gần đất’ rồi; ông tin rằng Thiên Chúa, từ hai con người đã gần đất xa trời, có thể làm phát sinh một người con, Isaac: là sấm ngôn và lời hứa về sự sống lại.
 
Tin mừng cũng là lời loan báo về sự sống lại. Đức Giêsu chạm đến một người phong hủi và chữa lành anh ta: ‘Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh…và lập tức, anh được sạch bệnh phong’. Cái chạm đến người bệnh phong mà người thời ấy xem như là kẻ tội lỗi, ô uế, là biểu tượng lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đức Giêsu, là con người, đã chạm đến bệnh phong hủi của chúng ta; chính ngài trong cuộc khổ nạn, bị xem như đồ phong hủi, tội nhân vì chúng ta, và ngược lại, cùng với cái chết và sự sống lại của Ngài, suối nguồn sự sống, Ngài đã chữa lành chúng ta.
 
Hãy đến bên Thánh Thể với lòng tin tưởng cùng với những chứng bệnh phong hủi của chúng ta, cùng với cái chết của ta, để Đức Giêsu làm cho ta được sống lại. Mỗi thánh lễ cần phải chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đi phục vụ anh em, nhờ sự sống lại của Đức Giêsu.
 
 
Thứ bảy Tuần XII Tn
Khách đến, Đức Kitô đến 
 
Bài đọc 1 phụng vụ trình bày cho ta hôm nay là một bài học về lòng hiếu khách và nêu rõ Thiên Chúa chứng nhận giá trị.
 
Abraham, ‘vào lúc nóng nực nhất trong ngày’ ngồi nghỉ nơi cửa lều. Chắc chắn ông không muốn bị quấy rầy. Sách thánh nói: vừa thấy ba người khách đến gần ông một cách lạ lùng, ông chạy ra đón họ, sụp xuống đất lạy… và xin họ dừng chân nơi nhà ông và mời các vị một ít bánh. Đối với ông thật là một vinh hạnh được đón tiếp các vị khách mà ông chưa hề gặp lần nào, và ông bảo bà Sara lo chuẩn bị cho họ một bữa ăn thịnh soạn. Quả là một lòng hiếu khách đáng quý: dễ mến, nhã nhặn và quảng đại. Tường thuật nói rằng chính Chúa mà Abraham đón nhận và tiếp đãi và trước khi rời nhà ông, Ngài đã hứa cho ông một con trai, ngược lại mọi suy tư của con người. Nhưng ‘nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Thiên Chúa’ đâu?
 
Lòng hiếu khách, giá trị đặc biệt của người phương đông, nơi Abraham đã mặc lấy một tính cách tôn giáo và trở thành, trong Tân Ước, một giá trị kitô, mà Đức Giêsu hứa khen thưởng: ‘Ai tiếp đón người công chính sẽ được phần thưởng của người công chính’.
 
Tác giả thư do thái khuyến khích các tín hữu: ‘Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết’ (Dt 13,2). Và thánh Benêdictô đã ghi trong luật dòng ngài: Khách đến, Đức Kitô đến (Hospes venit, Christus venit).
 
Đón tiếp người khác cho ta cơ hội đón tiếp chính Đức Kitô. Như thế là cuộc đón tiếp long trọng nhất: đón tiếp Đức Giêsu, như chính Ngài muốn được đón tiếp. Matta đã chuẩn bị nhiều việc để đón Ngài, nhưng chính Maria đã tiếp Ngài như Ngài muốn: bà ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài.
 
Đức Giêsu cũng muốn được tiếp đón một cách ‘sâu xa’ hơn: bằng cách đón nhận trong thân xác của ta những đau khổ của Ngài, vì lợi ích của giáo hội Ngài, để hoàn tất công trình cứu độ của Ngài, như thánh Phaolô viết cho tín hữu Côlossê.
 
Cầu xin cho chúng ta được ơn sẵn sàng tiếp đón Chúa như ngài muốn, với cả lòng tri ân và khiêm nhuợng. Lúc đó Ngài sẽ ăn tối với ta và ta với Ngài.
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc