banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THẦY KHÔNG ĐỂ ANH EM MỒ CÔI

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2020 20:42 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THẦY KHÔNG ĐỂ ANH EM MỒ CÔI

THẦY KHÔNG ĐỂ ANH EM MỒ CÔI

Lời Chúa: Ga 14,15-21

Thú thật nhiều khi lướt qua câu nói này của Chúa Giê-su, tôi chỉ coi đó là một lời ví von văn vẻ của một ngưởi, vì biết rằng mình sắp phải ra đi vĩnh viễn nên nói thế để an ủi các môn đệ buồn phiền; thế nhưng toàn bộ mạch văn lại cho thấy Ngài không coi nhẹ vấn đề như thế, và ngôn từ ‘mồ côi’ Ngài sử dụng là có chủ đích và mang một nội dung hết sức sâu sắc. Câu nói ‘Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em!’ xác định trước hết tương quan bền chặt giữa Ngài với các môn đệ; nó hé mở cho thấy: sự Phục sinh của Ngài sẽ chiến thắng cả sự chia cắt của chết chóc, rồi nữa nó còn cho thấy vai trò đích thực của nhân vật ‘Đấng Bảo Trợ’ sẽ được phái đến.

Thường thì một người được gọi là ‘mồ côi’ khi mất cha hay mất mẹ đẻ, mất những người thân máu mủ mà họ gắn bó lệ thuộc về mọi mặt trong cuộc sống tự nhiên của cuộc đời. Từ ngữ ‘mồ côi’ tự nó diễn tả một mất mát cực kỳ to lớn không gì có thể bù đắp được, cho dầu sau đó có thể sẽ xuất hiện những cha mẹ nuôi hay người đỡ đầu với những tương quan mật thiết và chặt chẽ không hề thua kém.

Chúa Giê-su đã nhiều lần đề cập tới mối tương quan thân mật và bền chặt giữa Ngài với các môn đệ tin vào Ngài! Ngài đã từng sử dụng nhiều hình ảnh sống động và cụ thể để diễn tả mối tương quan này như: ‘Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên’, ‘cành nho phải dính liền với thân cây nho’…; và trên hết Ngài sử dụng không úp mở hình ảnh của người cha, người mẹ đối với đứa con thơ. Như thế niềm tin Ki-tô hữu không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa quyền năng, thậm chí ở việc sống và đem ra thực hành các học thuyết cao đẹp mà Chúa Giê-su rao giảng. Niềm tin Ki-tô hữu phải ‘hiện sinh’ (existential faith) hơn nhiều vì nó tác động tới sự hiện hữu sâu xa nhất của con người! Nơi người tín hữu: niềm tin đặt nơi Thiên Chúa phải chiếm vị trí mà cha mẹ đẻ chiếm trong cuộc sống đời thường. Vai trò của Người phải thiết yếu tới độ, nếu thiếu nó, ta sẽ lâm vào tình cảnh của một đứa trẻ mồ côi đáng thương không gì khỏa lấp được. Thực vậy, loài người nói chung và từng con người nói riêng đã thực sự lâm vào tình cảnh côi cút do tội lỗi họ phạm. Họ bơ vơ vất vưởng còn hơn cả ‘bầy chiên không người chăn dắt’, Chúa Giê-su đã diễn tả như vậy (Mt 9:36).

Khi đến trần gian, Chúa Giê-su đã rao truyền một sứ điệp thực sự độc đáo và căn bản: Thiên Chúa là Cha, một Người Cha đầy từ tâm và hay thương xót! Và không chỉ rao truyền bằng lời giảng dạy, bằng chính cuộc sống và nhất là cái chết của mình, Ngài đã cụ thể cho thấy Chúa Cha đó là ai: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Đứng trước tình cảnh côi cút vất vưởng bơ vơ của con người, Chúa Giê-su đã trở thành người bảo trợ – ‘Paraclet’. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho biết, từ Hy Lạp ‘Parakletos’ là một đặc ngữ của Gio-an, và mang nội dung rất đa dạng; nó có thể được hiểu là người hỗ trợ, kẻ bảo vệ chở che, vị cố vấn trạng sư, đấng bầu chữa trung gian…; tóm lại, Chúa Giê-su dùng từ này để diễn đạt vai trò của Ngài đối với từng người chúng ta trong thân phận côi cút do tội lỗi gây nên: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em”. Như thế Chúa Ki-tô chính là đệ nhất Parakletos, và Ngài thực hiện chức năng này cách hoàn hảo qua cuộc Tử nạn và Phục sinh, một thể hiện cho phép mỗi chúng ta có khả năng đụng chạm tới, cảm nghiệm được cách sinh động nhất thứ tình yêu bao bọc có khả năng vĩnh viễn xua tan mọi mặc cảm bơ vơ côi cút đã tồn tại từ bao đời. Và một khi phải rời bỏ cõi thế để trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giê-su hứa với các môn đệ rằng Ngài sẽ mãi mãi tiếp tục hiện diện qua việc “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Như vậy Chúa Giê-su chính là ‘Đấng Bảo Trợ’ đệ nhất; Thần Khí được Ngài phái đến sau sẽ tiếp tục công việc và vai trò bảo trợ mà Ngài đã khởi đầu; “Đó là Thần Khí sự thật… vì anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.  

Nếu sự thực là như thế, thì dầu có sống giữa một thế giới đầy hận thù chia rẽ, Ki-tô hữu hẳn phải cảm thấy mình được ưu đãi hơn hết thảy mọi người! Kể từ ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, họ biết mình được bảo trợ cách đặc biệt, không phải chỉ trong việc chống chọi với các thế lực thù nghịch bên ngoài, mà ngay cả bên trong nữa trước tình trạng cô đơn lạnh lẽo do tội gây ra. Họ sẽ không bao giờ còn cảm thấy côi cút và bị ruồng bỏ, ngay cả giữa những yếu đuối và bất toàn, vì đã có Parakletos là Chúa Ki-tô và Thần Khí của Ngài! Và Thần Khí sẽ không ngừng bảo đảm với họ rằng: Parakletos-Kitô đó sẽ mãi mãi “ở giữa và ở trong anh em”. Nếu quả đúng như thế thì rỏ ràng các Ki-tô hữu đang sở đắc một Tin Mừng ‘thứ thiệt’ có khả năng tác động sâu xa tới hiện hữu sinh động (active existence) của họ; điều này chắc chắn phải mang lại cho họ niềm vui bất tận vì luôn cảm thấy mình được yêu thương.

Niềm tin của tôi, cũng như của bất kỳ Ki-tô hữu nào, sẽ không thể thiếu vắng cảm nhận đầy an ủi này! Thế nhưng vấn đề là ở chỗ: tôi đã bao giờ cảm nghiệm điều đó chưa?
 
Lạy Đấng Bảo Trợ của con là Thần Khí của Đức Ki-tô Giê-su, con cảm tạ Ngài khôn xiết vì đã giải thoát con khỏi mặc cảm mồ côi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Được biết con có một Người Cha nhân hậu là chính Chúa Cha, một Người Anh sẵn sàng chết để cứu con trong mọi hoàn cảnh, và một Thần Khí an ủi hằng tác động bên trong, con nguyện sống trong niềm hân hoan không bao giờ tàn lụi của Tin Mừng Chúa. Xin cho thật nhiều người được cùng con chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao này. A-men.
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc