banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÌNH NỒNG

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/01/2019 20:35 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÌNH NỒNG

TÌNH NỒNG

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên C

 
Ngày nay hiện tượng “ăn cơm trước kẻng” khá phổ biến trong dân gian, nhất là bên Âu Mỹ. Người ta không còn tin tưởng vào nghi thức cưới hỏi nữa. Ðúng hơn, họ quá tin tưởng khoái lạc sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.  Nếu đúng thế, nghĩa là nếu khoái lạc thực sự mang lại hạnh phúc cho con người thì tại sao ngày nay ly dị đạt tới mức độ kỷ lục như vậy?

Ðứng trước tình hình hiện nay, có lẽ cũng không nên quy trách hoàn toàn cho giới trẻ. Ðúng hơn, phải nhìn nhận nghi thức hay luật lệ phần nào đã đánh mất nội dung và ý nghĩa đích thực. Tất cả chỉ còn là nước lã. Cuộc sống hôn nhân tẻ ngắt và buồn chán, không còn hấp dẫn nổi giới trẻ nữa.  Cần phải có một cuộc canh tân thực sự mới đem lại cho hôn nhân một sức sống mới, nhờ đó, gia đình mới hạnh phúc. 

Nếu Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu trong tiệc cưới Cana, Chúa cũng có thể canh tân và biến đổi cuộc sống hôn nhân hôm nay.  Cuộc canh tân đó dựa trên nền tảng tình yêu, tình yêu là một thực tại bắt nguồn từ Thiên Chúa. Tình yêu là động lực phát xuất niềm vui và hạnh phúc thực sự, nhờ đó hôn nhân có sức mạnh vượt trên mọi thử thách.

Còn cuộc vui nào lớn hơn tiệc cưới Cana? Tiệc cưới rất trang trọng và diễm lệ, vì được đón chào cả Chúa Giêsu, Mẹ Maria, anh em họ hàng và các môn đệ, nhưng không kém vẻ thân mật gia đình. Các ngài đến chung vui với đôi hôn phối tới phút chót.  Hiện diện như thế, các ngài đã chia sẻ tận tình niềm vui lớn lao đó. Niềm vui càng tăng lên khi nước lã biến thành rượu ngon “lúc khách đã ngà ngà.” (Ga 2, 10)

Phép lạ đã vượt quá giới hạn của một tiệc cưới. Không phải nhằm cứu vãn danh dự của cô dâu chú rể hay chủ tiệc, nhưng chính yếu là để “bày tỏ vinh quang của Ngài.” (Ga 2, 11) Tất cả ý nghĩa của “dấu lạ đầu tiên” (Ga 2,11) nằm ở chỗ đó. Không phải nhu cầu đám cưới đã thúc bách Chúa Giêsu hành động, nhưng là đức tin của Mẹ Maria, Thân mẫu của Ngài. 

Thật vậy, qua câu nói: “Họ hết rượu rồi”, Mẹ chỉ vỏn vẹn loan báo một sự kiện, chứ không xin một điều gì rõ ràng. “Hỡi Bà, Con với Bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài từ chối can thiệp vì chưa đến “giờ” của Ngài; “giờ” ở đây chỉ giờ tử nạn và phục sinh. Có lẽ Mẹ đã không hiểu những lời Chúa nói. Cũng giống như những người khác trong Tin mừng Gioan, Mẹ đang ở một bình diện hết sức cách biệt với Con. Tuy nhiên, Mẹ vẫn cứ hoàn toàn ký thác cho ý muốn của Ngài và chuyển thông cho gia nhân chính lòng tin của Mẹ: “Hễ Người bảo gì các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2, 5). Câu nói cuối cùng này của Mẹ trong các sách Tin mừng lại được đặt trong khung cảnh tiệc cưới, một cuộc vui lớn nhất và sâu xa nhất của con người. Thái độ trầm tĩnh qua những lời đó đã đủ để Chúa Giêsu hành động. 

Ở đây, Ðức Mẹ đã hành động ngược hẳn với thái độ của những kẻ thách thức Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá.  Họ đòi Chúa bước xuống khỏi thánh giá như một dấu chỉ để họ tin. Bình thường ai cũng cần dấu lạ mới tin. Trái lại, Mẹ Maria cho thấy đức tin làm nảy sinh dấu lạ.  Ðức tin đòi chúng ta phó thác hoàn toàn nơi quyền năng đầy tình thương của Chúa. Ðức tin không đòi con người phải hành động mù quáng hay làm những việc anh hùng. Trái lại, đức tin luôn chứng tỏ qua thái độ tín thác khiêm cung. Ngược lại, một thái độ kiêu ngạo luôn làm con người tưởng mình có thể hành động thay thế Thiên Chúa. Phép lạ hay dấu chỉ là công việc đặc biệt thuộc về Thiên Chúa mà thôi.

Nhưng Chúa Giêsu đã không thi hành quyền năng ấy một cách ồn ào hay biểu hiện một cách phi thường ngoạn mục. Trái lại, Ngài kín đáo thi thố quyền năng, đến nỗi người quản tiệc cũng không biết rượu từ đâu ra. Chỉ có các gia nhân mới thấu hiểu ngọn nguồn. Bởi đâu họ được diễm phúc ấy? Có lẽ chính địa vị thấp kém và hoàn cảnh nghèo hèn đã khiến họ có cơ hội gần Chúa và tham dự vào những việc Chúa làm để tạo nên dấu chỉ hôm nay.

Hơn tất cả mọi người, nhờ niềm tin, Ðức Maria biết Con Mẹ có thể làm một cái gì đó cho đôi tân hôn. Sở dĩ có kết quả như thế, không phải vì Mẹ giỏi tâm lý, nhưng vì Chúa Thánh Thần lên tiếng trong Mẹ.  Chúa Giêsu đã nhận ra điều đó, nên thi hành ngay, mặc dù giờ thi hành sứ mệnh cứu độ chưa đến. Thế là, nhờ Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được vinh dự đón nhận dấu lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai của Con. Còn gì sung sướng hơn khi biết dấu lạ đó đã làm cho các môn đệ tin vào Chúa Giêsu.  Nếu Mẹ không tin, làm sao các môn đệ có thể thấy được dấu lạ mà tin.  Niềm tin đã sinh ra niềm tin. Mẹ đã tin vào Con Mẹ trước khi phép lạ xảy ra, trong khi các môn đệ tin vào Ngài sau khi phép lạ xảy ra. Chúa Giêsu phải nghiêng mình trước đức tin đáng thán phục của Mẹ Ngài cũng như Ngài sẽ nghiêng mình trước lòng tin của người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan mà cho con gái bà được khỏi bệnh.

Nếu có niềm tin như Mẹ, chúng ta cũng sẽ thấy Chúa Giêsu đang chuẩn bị một đại tiệc trong Nước Chúa. Bằng chứng, những dấu lạ lớn nhỏ đang xảy ra hằng ngày. Quan trọng là có đủ niềm tin để đọc thấy ý nghĩa của những dấu chỉ đó hay không. Thật vậy, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta khám phá cuộc sống hằng ngày để nhận thấy những dấu chỉ sự hiện diện của Ngài. Tham dự một hôn lễ, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị một hôn lễ khác, đó là hôn lễ kết hiệp Thiên Chúa với nhân loại, mà thánh lễ chúng ta cử hành hằng ngày là một sự báo trước.
  
Muốn canh tân thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ niềm tin. Không có niềm tin, không thể thấy Thiên Chúa biểu lộ quyền năng ban sự sống của Người. Có lúc nào thế giới cần được tái sinh và canh tân như hôm nay? Vậy mà, niềm tin đang phai mờ và tàn lụi trong tâm hồn nhân loại! Muốn tìm một sức mạnh canh tân và tái sinh nhân loại, trước hết phải nỗ lực cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần. 

Đàng khác, Chúa Giêsu không dùng nước bình thường, nhưng là thứ nước đã đổ vào sáu chum theo thói tục Do thái dùng vào việc thanh tẩy. Khi biến thứ nước ấy thành rượu ngon, Chúa muốn canh tân não trạng của những người đã sống lâu năm trong nghi thức đạo đức vô hiệu lực và đầy giả tạo đó. 

Tôn giáo đích thực không bao giờ đồng hóa với những nghi thức như thế. Người Do thái lo lắng thanh tẩy khỏi những điều ô uế. Họ đặt tất cả niềm hy vọng canh tân nơi các nghi thức. Nhưng họ đã thất bại. Chính Thánh Thần chủ động trong việc canh tân, chứ không phải nghi thức. Nghi thức chỉ là phương tiện. Nhưng muốn Thánh Thần khởi động việc canh tân vô cùng cần thiết đó, cần phải tin vào quyền năng Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô. Không có Ngài, không thể có Thánh Thần.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy hiện diện trong cuộc sống hôn        nhân của các gia đình chúng con hôm nay.  Xin hãy ban sức mạnh Thánh Thần để tình yêu trong các gia đình luôn được đổi mới và sinh hoa trái tốt đẹp là hạnh phúc cho chúng con và cho mọi gia đình.  Amen.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc