banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TRỜI MỞ RA

Đăng lúc: Thứ ba - 07/01/2020 20:16 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TRỜI MỞ RA

TRỜI MỞ RA

Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Là Đấng chí thánh, Chúa Giê-su không cần lãnh phép rửa nhưng qua việc lãnh nhận phép rửa bởi tay Gioan, Chúa Giê-su một mặt biểu lộ sự liên đới với loài người tội lỗi, một mặt thánh hóa dòng nước sông Gio-đan để mọi dòng nước trên địa cầu đều có sức thánh hóa và mang lại ơn giải thoát cho những ai lãnh nhận phép rửa nhân danh Ngài. Đây là dịp nhắc nhớ chúng ta nhớ lại bí tích Rửa tội của mình để chúng ta cám ơn Chúa Giê-su và để chúng ta luôn cố gắng sống xứng với ơn đã lãnh nhận.

Trước khi bắt đầu đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ thật lạ lùng: Ngài tới bờ sông Gio-đan và xin Gioan làm phép rửa cho. Dân chúng đến xin làm phép rửa thì còn hiểu được vì mọi người đều là tội nhân nên cần lãnh phép rửa để biểu lộ lòng hối cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giê-su là Đấng vô tội, là Đấng chí thánh nên không cần lãnh phép rửa do tay Gioan làm gì. Do đó, Gioan đã thốt lên: chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi. Nhưng Chúa Giê-su trả lời: Bây giờ cứ thế đã vì có như vậy, chúng ta mới chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Đã hơn 2000 năm qua, câu nói này vẫn còn là một mầu nhiệm. Chúng ta sẽ cố gắng dựa vào các bài đọc để tìm hiểu, bởi vì đây là một cử chỉ có ý nghĩa hết sức sâu xa.

Qua cử chỉ này, Chúa Giê-su đã muốn tự đặt mình vào hàng những kẻ tội lỗi để cùng chia sẻ số phận với họ, chịu đau khổ với họ và nhất là để cứu chuộc họ. Thật vậy, đối với Chúa Giê-su, phép rửa trong sông Gio-đan là hình bóng của sự chết mà Ngài sẽ phải chịu sau này. Nước của dòng sông tượng trưng cho đau khổ và sự chết. Dìm mình xuống sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Vì thế, một thời gian sau phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa Giê-su đã tiết lộ cho các môn đệ: Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất. Qua hai tiếng phép rửa, Chúa Giê-su ám chỉ đến sự chết. Như vậy, khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan, Chúa Giê-su ý thức mình là Con Chiên gánh tội trần gian và sẵn lòng nhận lấy cái chết để xóa tội và ban ơn cứu rỗi cho loài người.

Vì thế, qua việc chịu phép rửa bởi tay Gioan, Chúa Giê-su cũng mặc khải cho chúng ta quan niệm của Ngài về Đấng Cứu thế. Đấng Cứu thế sẽ thi hành sứ mạng của mình, không phải với tư cách một ông vua có binh lính và khí giới hùng mạnh, hay như một lãnh tụ chính trị...nhưng như một người tôi trung mà tiên tri Isaia đã mô tả trong bài đọc 1:

- Người tôi trung của Thiên Chúa là một con người hiền lành: tiên tri Isaia mô tả: Người không kêu to, không nói lớn, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.

- Người tôi trung của Thiên Chúa không dùng bạo lực nhưng trái lại đầy lòng thương xót đối với những kẻ yếu hèn: tiên tri Isaia viết: Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy; tim đèn leo loét, Người chẳng nỡ tắt đi.

- Người tôi trung của Thiên Chúa chấp nhận mọi phiền hà vì muốn xây dựng công lý và hòa bình trên trái đất: tiên tri Isaia nói: Người không nao núng, không chịu thua cho đến khi thiết lập công lý trên mặt đất.

Có thể nói đó là khía cạnh thứ nhất, khía cạnh đau thương của phép rửa Chúa Giê-su đã chịu. Ngài muốn hạ mình xuống liên đới với mọi người tội lỗi, chấp nhận đau khổ và chết như người Tôi trung để xóa tội cho họ.

Nhưng chúng ta cũng phải chú ý đến phần 2 của bài Tin mừng để thấy hết ý nghĩa của phép rửa. Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra, Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống như chim câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.

Đây là khía cạnh vinh quang của phép rửa. Trước sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Giê-su, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng việc tuyên bố rằng Chúa Giê-su là người Con yêu quí mà Chúa Cha hài lòng.

Như vậy, 3 dấu hiệu sau đây không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Chúa Giê-su mà còn tiên báo thời đại ân sủng Ngài mang đến đã khởi đầu:

 
a. Dấu hiệu thứ nhất là trời mở ra. Theo sách Sáng thế, sau khi Ađam Eva phạm tội, thì cửa trời đóng lại. Qua nhiều thế kỷ, dân Chúa tha thiết nguyện cầu: Ôi ước gì Người xé các tầng trời mà ngự xuống. Nhờ Chúa Giê-su, từ nay trời mở ra; kiểu nói này ngụ ý là con người từ nay được sống hiệp thông trở lại với Thiên Chúa.
 
b. Dấu hiệu thứ hai là Thánh Thần ngự xuống như chim câu. Theo sách Sáng thế, trước khi tạo dựng trời đất thì Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước như để thông truyền sức sống. Bài Tin mừng khi nói Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su dưới hình chim bồ câu thì có ý nói: Chúa Giê-su là con người mới và trong Chúa Giê-su mọi người sẽ được tái tạo nghĩa là được tạo dựng trở lại theo hình ảnh mới là Chúa Kitô.
 
c. Dấu hiệu thứ ba là lời của Chúa Cha: Đây là Con yêu dấu của Ta. Qua câu nói này, chúng ta nhận biết Chúa Giê-su là Con thật của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng biết thêm rằng những ai tin vào Chúa Giê-su và nhận phép Rửa nhân danh Ngài thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Chúa Cha như Ngài.
Vậy phép Rửa của Chúa Giê-su tiên báo sự chết và sống lại của Ngài, đồng thời tiên báo phép rửa mới mà Ngài sẽ thiết lập sau khi phục sinh để ban cho nhân loại ơn được làm con Thiên Chúa như Ngài.
 
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức ơn huệ cao trọng mà Chúa Giê-su đã mang lại cho chúng ta qua phép rửa tội đã lãnh nhận. Nhờ phép rửa tội:
- chúng ta đã thấy trời mở ra, nghĩa là chúng ta được sống hiệp thông với Thiên Chúa
- chúng ta cũng đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần
- chúng ta đã trở nên con yêu dấu của Chúa Cha.

Do phép rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi sống như Chúa Giê-su: noi gương Ngài sống hiền lành, dịu dàng, khiêm nhường và nhất là có lòng yêu thương và tinh thần phục vụ. Chính thái độ ấy làm cho chúng ta trở nên những người xây dựng một thế giới huynh đệ và hòa bình; đó là cách góp phần vào sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc