banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

“Ta là Cửa Chuồng Chiên”

Đăng lúc: Thứ ba - 28/04/2020 22:54 - Người đăng bài viết: menthanhgia
“Ta là Cửa Chuồng Chiên”

“Ta là Cửa Chuồng Chiên”

Lời Chúa: Cv 2,14.36-41; 1 Pr 2,20-25; Ga 10,1-10

Chúng ta đã quen với hình ảnh Chúa Giêsu là người mục tử. Qua thánh vịnh 22, thánh vịnh đáp ca, chúng ta thấy dân Do thái trong thời Cựu Ước cũng đã quan niệm Thiên Chúa của mình như là người mục tử dẫn dắt đoàn chiên. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, bên cạnh hình ảnh người mục tử, còn có hình ảnh cái cửa mà ít khi chúng ta chú ý. Chúa Giêsu nói:

“Cửa ràn chiên chính là Ta. Bao nhiêu kẻ đã đến trước Ta, hết thảy đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe chúng. Cửa vào chính là Ta! Ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu. Nó sẽ vào, sẽ ra và gặp được lương thực” (Ga 10,7-9).
 
1. Ý NGHĨA CỦA CÁI CỬA
 
Qua hình ảnh cái cửa, Chúa Giêsu muốn nói gì?

Trước hết, chúng ta nên nhớ đây là một cuộc đối chất với người Biệt phái. Vì là những người có học thức, thông thạo lề luật nên những người này tự cho mình là những người hướng dẫn quần chúng. Khi thấy mọi người chạy đến với Chúa Giêsu và thích nghe Ngài giảng dạy, thì họ đâm ra bực tức, ghen tương. Họ cảm thấy mất hết ảnh hưởng. Vì thế, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người mục tử và cái cửa ràn chiên để xác định vai trò của Ngài.

Dân Ít-ra-en được ví như một đàn chiên, được Thiên Chúa qui tụ lại trong một cái ràn, một cái chuồng có những then chấn che chở. Các then chắn là Lề luật. Nhưng để đi từ ràn chiên vào đồng cỏ rộng rãi xanh tươi, thì các con chiên nhất thiết phải đi qua một cái cửa. Cái cửa ấy, chính là Chúa Giêsu.

Qua hình ảnh ấy, Chúa Giêsu muốn khẳng định Ngài là phương thế cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thiết lập để đưa dân Ít-ra-en, từ hoàn cảnh chật chội của ràn chiên, nghĩa là từ hoàn cảnh gò bó của Lề luật, đến thể chế ân sủng của Nước Trời. Ai ngang qua Ngài mà đi, thì sẽ tìm được “lương thực”: lương thực ấy là lời mặc khải, “bánh trường sinh” mà có lần Chúa Giêsu cũng đã nói với người Do thái ở Capharnaum sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,35); lương thực ấy cũng là “nước trường sinh” mà Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho người phụ nữ Xa-ma-ri (4,14). Nói cách khác, qua hình ảnh “cái cửa”, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là trung gian duy nhất đưa người ta đến với Thiên Chúa. Những người Biệt phái không thể nào sánh vai với Ngài được.

Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu nói rõ thêm vai trò của Ngài cho các tông đồ hiểu: “Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà lại không nhờ Ta” (Ga 14,6). Ngài là Đường, để chúng ta đi tới với Chúa Cha; Ngài là Sự Thật, vì Ngài mặc khải Chúa Cha; Ngài là Sự Sống, vì Ngài chuyển thông sự sống đời đời từ Chúa Cha. Ngài nói: “Ta đến để các con chiên được sống và sống dồi dào”. Sự sống mà Ngài nói đây, không phải là sự sống ở trần gian với sức khỏe, với sắc đẹp, với của cải, mặc dầu sự sống ở trần gian cũng là một kho tàng quí báu...Sự sống mà Ngài mang lại cho ta là sự sống đời đời trong Nước Trời, một cuộc sống trong tình yêu với Thiên Chúa là Cha chúng ta và với tất cả mọi anh chị em chúng ta. Và chỉ có Chúa Giêsu là cái cửa duy nhất để chúng ta đi vào thế giới sự sống ấy.

Ngài còn nói: “Những kẻ đến trước Ta đều là trộm cướp”. “Những kẻ đến trước” ở đây không phải là các tiên tri mà chính Thiên Chúa đã gửi đến để dọn đường cho Con của Người, nhưng là những kẻ cho rằng với sức lực riêng của họ, họ có thể mang lại sự hiểu biết về thế giới thần linh và đưa loài người tới ơn cứu rỗi. Một lần nữa Chúa Giêsu khẳng định, với tư cách là Con, Ngài là trung gian duy nhất đưa chúng ta đến với Chúa Cha.

II. CUỘC SỐNG CHÚNG TA
 
1/ Từ lời khẳng định của Chúa Giêsu là Cửa vào, chúng ta thử xét mình lại, chúng ta có xem Chúa Giêsu là trung gian duy nhất, là vị Thầy duy nhất, là người hướng dẫn duy nhất đưa chúng ta đến ơn cứu độ hay không. Có một số người cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, miễn là người ta ăn ngay ở lành, lương thiện và chân thành là sẽ được cứu rỗi. Những người ấy chưa hiểu ơn cứu rỗi là gì và đâu là phương thế đưa chúng ta tới ơn cứu rỗi ấy. Sở dĩ chúng ta có sống lương thiện và chân thành, cũng là do ơn của Thiên Chúa được ban xuống cho ta qua trung gian của Chúa Kitô. Cho nên, mặc dầu chúng ta tôn kính các bậc vĩ nhân trong thế giới và tôn trọng niềm tin của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhưng chúng ta không bao giờ được quên là chỉ một mình Chúa Kitô là “Cửa” duy nhất để chúng ta đi vào thế giới sự sống.
 
2/ Hình ảnh cái cửa còn gợi lại cho chúng ta thái độ đón tiếp của Chúa Giêsu. Ngài đón tiếp tất cả mọi người, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ; đặc biệt Ngài đón tiếp những người mà xã hội khinh dể, ruồng bỏ...mục đích là để đưa tất cả mọi người đến với ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tự xét mình xem mỗi người chúng ta có phải là một cái cửa rộng mở để đón tiếp anh chị em chúng ta hay không? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe những nguyện vọng cũng như những nỗi đau khổ, ưu phiền của anh chị em chúng ta để giúp họ tìm gặp được thánh ý Thiên Chúa hay không?
 
3/ Hôm nay là ngày cầu cho ƠN THIÊN TRIỆU. Khi hiểu hơn về Chúa Giêsu là người Mục tử chân thật, khi ý thức hơn về vai trò của Ngài trong đời sống chúng ta, ai lại không khát khao nhìn thấy trong Giáo hội có nhiều kẻ bắt chước Ngài, tiếp nối vai trò của Ngài để dẫn đưa chiên ra khỏi nơi khổ sở, đi đến nơi đầy sự sống thảnh thơi? Chúng ta xin Chúa ban cho Giáo hội được thêm nhiều mục tử như vậy. Chúng ta cầu xin và sẵn sàng nâng đỡ để các mục tử thi hành sứ vụ một cách vẹn toàn. Chính chúng ta cũng phải theo dõi vết chân Đấng chăn chiên tốt để cả chiên mẹ chiên con trong Giáo hội làm thành một đàn chiên theo một Chúa Chiên.

Xin Đấng là Mục tử các linh hồn cho chúng ta biết trở nên những chiên biết nghe tiếng Ngài.

Tác giả bài viết: NVK
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc