banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

VUI LÊN TRONG CHÚA

Đăng lúc: Thứ tư - 11/12/2019 08:05 - Người đăng bài viết: menthanhgia
VUI LÊN TRONG CHÚA

VUI LÊN TRONG CHÚA

Lời Chúa: Is 35,1-6.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

Anh chị em thân mến,
Ở Mỹ cách đây vài năm, người ta xuất bản một số lá thư của Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta. Tập thư này đã khiến nhiều người sửng sốt. Mẹ Tê-rê-xa là một con người thánh thiện, vui tươi và bình an, nhưng qua các lá thư viết cho những người thân tín, Mẹ lại cho thấy mình là người sống trong khắc khoải, nghi ngờ và thất vọng. Mẹ chịu đựng bóng tối của đức tin gần 50 năm, cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Mẹ viết: “Trong hồn tôi, tôi cảm thấy nỗi đau kinh khủng vì mất mát –vì Chúa không muốn tôi –vì Chúa không phải là Chúa –vì Chúa không thực sự hiện hữu”. Tập thư của Mẹ là những tiếng than ai oán, những tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ viết: “Trong tim tôi không có đức tin – không tình yêu – không lòng cậy trông – có quá nhiều nỗi đau – đau vì ngong ngóng, đau vì không được Chúa muốn. Tôi muốn Thiên Chúa với tất cả sức mạnh của hồn tôi”. Mẹ Tê-rê-xa nhắc chúng ta: bậc thánh nhân cũng như người thường đều có thể gặp khô khan tối tăm hay ngờ vực trong đời sống thiêng liêng. Cho nên, trong đời sống tâm linh  mà nếu có gặp khô khan, hay nghi ngờ không biết có Chúa hay không thì cũng không phải là chuyện lạ lùng hay hiếm gặp.

Cách đây hơn 2000 năm, Gioan Tẩy Giả cũng đã có kinh nghiệm tương tự, ông là một khuôn mặt được đề cao trong mùa Vọng, một con người đáng ngưỡng mộ. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, có một chi tiết khiến ta phải tội nghiệp cho ông.

Vì can đảm vạch tội của vua Hê-rô-đê mà Gioan phải bị bắt bỏ tù. Ngồi trong tù, Gioan thấp thỏm mong chờ Đấng Mê-sia đến, đến để trừng trị kẻ ác và giải phóng người lành, trong đó kẻ ác rõ ràng là bạo chúa Hê-rô-đê và người lành là chính ông. Ông nghĩ rằng Đấng Mê-sia là một vị thẩm phán chí công. Ông đã mô tả Đấng Mê-sia thẩm phán với những hành động thi hành công lý như “cơn thịnh nộ sắp giáng xuống”, “cái rìu đã đặt sát gốc cây”, “người cầm nia trong tay mà rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”… (x. Mt 3,10-12).

Đấng Mê-sia ấy, Gioan nghĩ là Chúa Giê-su. Chính Gioan đã giới thiệu Ngài cho dân chúng. Ngài đã bắt đầu hoạt động và thu hút được dân chúng đông đảo nhưng Gioan chưa thấy Ngài ra tay thi hành công lý gì cả. Kẻ ác vẫn nhởn nhơ, bạo quyền vẫn thống trị, người ở tù như ông vẫn không được giải thoát. Trong bóng tối của nhà tù và cả trong bóng tối của nghi ngờ, Gioan không còn tin chắc Chúa Giê-su là Đấng Mê-sia. Vì thế, ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Câu hỏi này hẳn làm cho Gioan ray rứt. Ông đã có thể làm chứng sai không? Ông đã lầm chăng? Nếu thế thì mọi cố gắng của ông chẳng những là vô ích mà còn gây hại cho bao người đã nghe ông và tin vào Chúa Giê-su. Nếu không phải là Chúa Giê-su thì ai mới là Đấng phải đến đây?

Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp YES hay NO mà lại bảo môn đệ Gioan về thuật lại cho thầy mình những gì họ đã mắt thấy tai nghe: “người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”. Sở dĩ Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp, vì Ngài không muốn bắt buộc người ta tin; nhưng Ngài mời gọi người ta nhìn các dấu chỉ, rồi suy nghĩ và lấy quyết định. Các dấu chỉ mà Chúa Giê-su nêu ra phù hợp với các lời tiên báo của ngôn sứ I-sa-ia tuyên sấm cách đó 8 thế kỷ; qua đó Ngài gián tiếp cho Gioan Tẩy giả hiểu rằng Ngài chính là Đấng Mê-sia, nhưng không phải một Mê-sia quan tòa nhưng là một Mê-sia tôi tớ. Ngài đến không phải để trừng trị mà là để cứu vớt. Ngài đến không phải để xét xử luận phạt, nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. Ngài đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống làm giá cứu chuộc loài người. Nói tắt một lời, Ngài đến không phải để giết chết nhưng để cho con người được sống và sống dồi dào. Đoán rằng Gioan sẽ ngạc nhiên và thậm chí bị sốc vì câu trả lời này nên Chúa Giê-su nhắn thêm cho Gioan: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.

Thật vậy, Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-sia nhưng Ngài không trừng trị kẻ đã hại Gioan, Ngài đã không cứu ông ra khỏi tù; sau đó ông đã bị chém đầu! Nhưng hẳn là Gioan đã không bị vấp ngã bởi vì Chúa Giê-su đã không tiếc lời khen ngợi ông: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả”.

Anh chị em thân mến,
Mùa Vọng là mùa của hy vọng. Nhưng không phải bất cứ hy vọng nào cũng sẽ được thỏa mãn.
1/ Nếu chúng ta hy vọng Chúa đến để giúp cho Hội thánh có uy thế hơn, được người ta nể trọng hơn và những kẻ chống đối sẽ bị trừng trị…thì có lẽ hy vọng đó sẽ không thành. Tội nghiệp cho chúng ta!

2/ Nếu chúng ta hy vọng Chúa đến để giúp cho công việc làm ăn của người có đạo luôn đạt kết quả tốt, luôn được mùa, thi đâu đậu đấy, còn người ngoại đạo thì làm đâu thua lỗ đó, thi đâu rớt đó; nếu chúng ta hy vọng như thế thì có lẽ hy vọng đó sẽ không bao giờ thành. Tội nghiệp cho chúng ta!

3/ Nếu chúng ta hy vọng Chúa đến để cho người theo đạo thì lên như diều gặp gió còn người chống đạo thỉ phải “hỗ ngươi bẻ mặt” thì có lẽ hy vọng đó cũng không thành. Tội nghiệp cho chúng ta nữa!

Như vậy, chúng ta hy vọng là hy vọng cái gì? Thưa chúng ta tin tưởng và hy vọng Chúa đến để biến đổi chúng ta thành những con người biết sống yêu thương hơn, chúng ta mong Chúa đến để làm cho mọi người hạnh phúc hơn trong cuộc sống, chúng ta hy vọng Chúa đến để mọi người biết sống hòa hợp nhường nhịn nhau, phục vụ nhau giúp nhau thăng tiến, chờ đợi ngày trời cũ đất cũ nhường chỗ cho trời mới đất mới. Chắc chắc hy vọng ấy sẽ thành tựu vì đó chính là mục đích Chúa đến trần gian như lời thiên thần ca hát trong đêm giáng sinh: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Hy vọng ấy chắc chắn sẽ thành cho dù trước mắt xem ra chưa thành và nhất là hy vọng ấy sẽ không hoàn thành mà không có sự cộng tác của con người.

Nói cách khác, giữa cảnh đời nhiều sóng gió hôm nay, người tín hữu phải là những chứng nhân của Tin mừng, luôn đem niềm vui và hy vọng cho thế giới còn nhiều xung đột và bạo lực. Đó là một trong những sứ điệp của chúa nhật 3 mùa Vọng hôm nay, bởi lẽ nội dung của Tin mừng chính là niềm vui cứu độ. Chúng ta vui mừng và hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi ban Con Một để chia sẻ kiếp người với chúng ta hầu đưa dẫn chúng ta về nhà Cha trên trời. Và chúng ta có sứ mạng loan báo Tin vui cứu độ ấy cho mọi người.

Anh chị em thân mến,
“Anh em hãy vui lên trong Chúa: tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa đã gần đến”, đó là lời kêu gọi và cũng gần như là lệnh truyền của thánh Phao-lô trong thư Phi-líp-phê ở bài ca nhập lễ. Đó cũng là lời mời gọi của Giáo Hội trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy làm cho niềm vui lan tỏa trong cuộc sống, không chỉ là niềm vui lý thuyết, nhưng được thể hiện qua tâm hồn cao thượng, tấm lòng nhân ái, lương tâm ngay thẳng và trái tim chân thành. Đó là dấu chỉ của thời đại cứu thế đã đến, đến cho mỗi người chúng ta cũng như cho những người chúng ta gặp gỡ. Amen.
Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc