banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

YÊU VỚI TRỌN CẢ TRÁI TIM

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/10/2020 20:29 - Người đăng bài viết: menthanhgia
YÊU VỚI TRỌN CẢ TRÁI TIM

YÊU VỚI TRỌN CẢ TRÁI TIM

Lời Chúa: Mt 22, 34-40

Tiếng Việt khá phong phú với những động từ để chỉ tình cảm:
Yêu, mến, thương, quý, ưa, mê, thích…
Mỗi động từ trên có chút gì đó rất riêng.
Hơn nữa, các động từ này đôi khi lại có thể đi với nhau:
yêu mến, yêu thương, yêu quý, yêu thích, quý mến, quý yêu,
mến yêu, mến thương, thương yêu, thương mến.
Khi đi với nhau, chúng tạo ra một hương vị phong phú và mới mẻ.
 
Khi phải trả lời câu hỏi về điều răn nào trọng nhất,
Đức Giêsu đã hai lần nói đến động từ “yêu mến”:
yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận.
Đây là câu hỏi để thử Đức Giêsu của một nhà thông luật Pharisêu.
Chúng ta không rõ người này có ý gài bẫy Ngài không.
Dù sao câu hỏi này cũng không dễ trả lời.
Các rabbi dạy có 248 điều phải làm và 365 điều cấm làm.
Có ý kiến cho rằng tất cả những điều trên đều ngang nhau.
Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời của mình.
Ngài không chỉ nói về một điều răn trọng nhất và đứng đầu,
Ngài còn thêm một điều răn thứ hai giống điều răn trước.
Cả hai điều răn này không phải là những điều cấm làm
như phần lớn các lệnh truyền trên núi Xinai (Xh 20,1-17).
Nhưng cả hai lại giống hai bia đá của Mười Điều răn
vì hướng đến tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
 
Điều răn thứ nhất hướng đến Thiên Chúa.
Đức Giêsu lấy điều răn này từ kinh Shema (Đnl 6,5)
mà người Do-thái đọc mỗi ngày hai lần vào sáng và chiều.
Điều răn này đòi ta phải yêu mến Đấng Tạo hóa
với trọn cả trái tim, linh hồn và trí khôn của mình.
Trái tim được người Do-thái ngày xưa coi là bộ phận quan trọng.
Nó hoạt động như cái đầu, để hiểu biết, suy tư, và ghi nhớ.
Yêu với tất cả trái tim là yêu với trọn cả con người mình,
không coi điều gì hơn Chúa, không thờ thần nào ngoài Chúa,
đặt Ngài trên mọi thụ tạo, kể cả mạng sống mình.
Như vậy yêu ở đây không phải là chuyện tình cảm mông lung,
nhưng là một dấn thân được thể hiện bằng cuộc sống.
 
Điều răn thứ hai hướng đến tha nhân, lấy từ sách Lêvi (19,18).
Yêu người thân cận như yêu bản thân mình.
“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình,
thì chính anh em hãy làm cho họ” (Mt 7,12).
Ngược lại, điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Coi người khác cũng có thân xác như ta, có vui buồn như ta.
Ai cũng mong được yêu thương và kính trọng.
Đức Giêsu đã mở rộng lối nhìn về người thân cận.
Thân cận không phải chỉ là người Do-thái theo đạo như mình,
mà là ai đói khát, không nhà, trần trụi, bệnh tật, ở tù (Mt 25,31-46).
Họ còn là những kẻ thù của mình nữa (Mt 5,43-48).
Yêu đơn giản là cầu nguyện cho họ, là giúp đỡ, hỏi thăm.
 
Sau câu trả lời của Đức Giêsu, không thấy ông thông luật nói gì.
Chắc ông đã tâm phục trước việc Ngài trích dẫn Kinh Thánh.
Có thể nói đây là một câu trả lời độc đáo, cân đối hài hòa.
Đức Giêsu gói cả 613 điều luật trong một động từ “yêu.”
Luật có thể làm người ta bị trói buộc, mệt mỏi.
Còn tình yêu thì làm người ta mở ra đến vô cùng.
Khi yêu Thiên Chúa bằng trọn vẹn trái tim,
và thương người như thể thương thân,
con người được tự do bước vào một thế giới mới,
tràn trề sự sống, niềm vui và bình an.
 
CẦU NGUYỆN
 
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
 
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
 
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
 
Lạy Chúa Giêsu,
Xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con.
 
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
 
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
 
Xin Chúa ngự trong con cho sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
 
                                                     Khuyết danh

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc