banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨNG DẬY VỚI DÁNG DẤP PHỤC SINH

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/01/2022 15:04 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨNG DẬY VỚI DÁNG DẤP PHỤC SINH

ĐỨNG DẬY VỚI DÁNG DẤP PHỤC SINH

Suy niệm Lời Chúa: Mc 2, 1 - 11

“Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”.

Cheryl Reimold, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, đã từng nói, “Nếu bạn đứng để nói chuyện với một người ngồi, bạn sẽ có được chiều cao và một sức mạnh tạm thời nhất định. Nhưng nếu bạn đối mặt trực tiếp với một người, ở cấp độ của người đó, dù đang ngồi hay đang đứng, bạn sẽ có nhiều khả năng thiết lập một giao tiếp tốt hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,
Hẳn Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã áp dụng ngôn ngữ cơ thể của Cheryl Reimold, có lẽ Ngài đã khiêm tốn khom người xuống, nhìn vào mắt Matthêu, rồi nói rất nhỏ với ông những lời ngắn gọn nhưng mạnh mẽ này, “Hãy theo Tôi!”. Lập tức, “Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”. Thế nhưng, việc đứng dậy của Matthêu ở đây còn mang một ý nghĩa khác, ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh!’.

Nói đến sự nhanh chóng của Matthêu, Đức Bênêđictô XVI giải thích, “Trong hành động “đứng dậy” này, người ta có thể thấy sự tách rời khỏi hoàn cảnh tội lỗi; và cùng lúc, ý thức gắn bó với một đời sống mới, ngay thẳng, hiệp thông với Chúa Giêsu”. Thánh thiện không đơn thuần là tách biệt khỏi những gì tội lỗi, nhưng còn là tham dự vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nó không chỉ là sự “đứng dậy” để tách khỏi một cái gì đó, nhưng là “đứng dậy” để biến thành một ai đó mà Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta để trở thành; đó là một sự ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh!’.

Khi kêu gọi ai, Chúa Giêsu không bao giờ trao cho họ một tấm bản đồ; thay vào đó, một chiếc la bàn. Chúng ta không thấy toàn cảnh bức tranh; đơn giản, chỉ biết phương hướng! Mỗi ngày, Ngài gọi chúng ta đi theo Ngài, để làm sâu sắc thêm mối hiệp thông với Ngài, để mắt chúng ta nhìn vào mắt Ngài như “đèn chiếu sáng trong tối tăm”. Matthêu không biết cuộc sống mình rồi sẽ kết thúc ở đâu, nhưng ông biết, nó phải thay đổi; và sự thay đổi đó cần bắt đầu từ đâu và bắt đầu thế nào.

Cũng thế, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, qua Samuel, Thiên Chúa chọn Saolê “đứng dậy” làm vua trị vì dân, như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng”. Saolê, với tư cách vị vua đầu tiên, rõ ràng là sự lựa chọn của Ngài. Thế nhưng, như những con lừa của ông Cis đã đi lang thang đâu đó và Saolê được sai đi tìm cho cha, nhưng rốt cuộc, không tìm ra; thì một điều gì đó báo trước cho việc Saolê rồi đây, sẽ là người có xu hướng đi lạc. Ông sẽ là vua, nhưng là vua của một dân tộc nổi loạn. Thật khác với Matthêu, Saolê đã “đứng dậy”, nhưng không đi đến cùng, không để mắt vào Chúa, không tìm kiếm Ngài; và Thiên Chúa đã cất ông đi!

Trở lại với Matthêu, Tin Mừng nói đến những gì xảy ra sau đó. Chúa Giêsu và môn đệ dùng bữa tại nhà ông; đồng bàn, còn có những người thu thuế và tội lỗi. Họ ăn mừng ‘lễ tiên khấn, cũng là vĩnh khấn’ của Matthêu. Matthêu có thể đã nói ‘không’, hoặc ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’; nhưng nếu một lời từ chối như vậy đã xảy ra, hẳn sẽ không có bữa tiệc tối nào; và dĩ nhiên, nhiều người bạn của Matthêu đã bỏ lỡ vĩnh viễn cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ có thể đã thay đổi một số cuộc đời của họ. Chúa Giêsu gõ cửa cuộc đời Matthêu, Matthêu mở rộng cửa cho Ngài; sau đó, như người phụ nữ Samaria, Matthêu đi tìm những người khác để họ cũng có thể gặp Chúa Giêsu; đó cũng là sự ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh’ thiết thực nhất.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu đã gọi, Matthêu đi theo Ngài; nhưng một khi đã thuyết phục được ông, Ngài đổi vai! Chúa Giêsu đã “đứng dậy” theo Matthêu về nhà ông, nơi ông ‘đang là’; để từ đó, Matthêu trở nên ngang hàng với Ngài và một tương quan tốt nhất được thiết lập. Chưa dừng ở đó, Chúa Giêsu không đứng cao hơn, nhưng coi Matthêu như ngang hàng, để ông có thể theo Ngài ngược xuôi trên mọi nẻo đường; cuối cùng, là chết như Ngài và chắc chắn, Matthêu cũng sẽ được phục sinh như Thầy mình. Bấy giờ, việc “đứng dậy” của Matthêu không còn mang dáng dấp phục sinh, nhưng là phục sinh thật! Cả chúng ta, như Matthêu, hãy ao ước “đứng dậy” nhanh chóng mỗi ngày, để cũng có thể trở nên khí cụ ân sủng của Ngài và ngày kia, hợp mừng với đoàn người phục sinh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con ươn ế trước lời mời gọi của Chúa mỗi ngày, cho con mau mắn đứng dậy, trở nên một Giêsu khác, một Matthêu khác cho anh chị em con!”, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh TGP. Huế
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc