banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Ở LẠI

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/04/2021 15:00 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Ở LẠI

Ở LẠI

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh
 
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Lời Chúa: Ga 15, 1 - 8

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là 8 câu đầu tiên của chương 15 trong Tin mừng Gioan. Trong chỉ có 8 câu mà thôi mà có tới 8 lần động từ “ở lại” được lập đi lập lại, cho nên có thể đặt cho đoạn Tin mừng này nhan đề: “Hãy ở lại trong Chúa Giêsu Kitô như cành nho gắn liền với thân nho hầu mang lại hoa trái”.

Đối với người Do Thái, con chiên và cây nho là 2 hình ảnh quen thuộc vào thời đó. Đối với người Việt nam chúng ta nói chung cũng như đối với người dân Ninh thuận nói riêng, hình ảnh cây nho không còn là một hình ảnh xa lạ như cách đây 50 năm. Cành nho muốn đơm bông kết trái thì phải gắn liền với thân nho. Từ hình ảnh của đời sống nông nghiệp đó, Chúa Giêsu chuyển sang đời sống tâm linh. Không gắn liền với Ngài thì không thể sinh hoa trái thiêng liêng được; muốn sinh hoa trái thiêng liêng, phải ở lại trong Giêsu, phải gắn chặt vào Giêsu.

Vào ngày 24-1-1989, Ted Bundy một chàng thanh niên đẹp trai và có giáo dục bị đưa lên ghế điện tại nhà tù tiểu bang Florida vì tội hãm hiếp và sau đó giết chết một em gái. Sau này, người ta còn khám phá anh ta đã giết chết ít nhất 30 cô gái vị thành niên khác. Sau khi Ted Bundy bị xử tử, người ta phỏng vấn bà mẹ trên truyền hình. Bà vừa khóc vừa nói: “Chúng tôi đau đớn vì cái chết của Ted, bởi vì dù gì đi nữa, nó vẫn là con của chúng tôi. Chúng tôi đã không giáo dục cho nó trở thành tên sát nhân như thế. Nhưng khi nó bỏ nhà ra đi, có cái gì đó đã xảy ra cho nó và nó đã thay đổi”.

Đáng buồn thay, không ít gia đình trong chúng ta cũng lâm vào trường hợp tương tự. Cha mẹ là người đạo đức, là công dân tốt, đã giáo dục con cái chu đáo hết sức có thể, bao bọc con cái bằng tình yêu thương và ra sức làm gương tốt. Và các đứa trẻ tỏ ra là những đứa con ngoan. Bao lâu còn trong bầu khí bảo vệ của gia đình, chúng tỏ cho thấy chúng sẽ trở thành những con người tốt, những con người có trách nhiệm. Nhưng khi phải xa gia đình vì một lý do nào đó, hoặc để theo đuổi việc học, hoặc để kiếm công ăn việc làm…thì chúng thay đổi theo chiều hướng xấu. Không còn ảnh hưởng tốt của cha mẹ, không còn hưởng bầu khí yêu thương của mái ấm gia đình, chúng nó mất dần khả năng chống lại sự dữ. Nhiều cha mẹ hết sức khổ tâm, nhưng làm sao đây? Họ không thể bắt con làm ngược với ý muốn của chúng. Suy cho cùng, cha mẹ không thể sống dùm cho con cái. Tới một lúc nào đó, con cái sẽ quyết định hoặc đi theo đường lối của cha mẹ, hoặc từ chối gia sản tinh thần mà cha mẹ đã dày công xây dựng. Cái thảm kịch không phải là những đứa con đó được tự do, cái thảm kịch là ở chỗ chúng đã sử dụng tự do để chọn cái xấu thay vì chọn cái tốt, chọn cái chết thay vì chọn sự sống.

Bài Tin mừng hôm nay cũng đặt chúng ta trong một hoàn cảnh tương tự. Là Kitô hữu, chúng ta phải lựa chọn: hoặc là ở lại trong Chúa Kitô hoặc là không. Đó là vấn đề sinh tử đối với chúng ta. Thật vậy, cành nho nào dính liền với thân nho thì cành nho ấy sống, còn nếu bị cắt lìa với thân nho thì cành nho ấy sẽ héo khô và chết. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể sống, chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được bình an và niềm vui nếu chúng ta cắm rễ trong tình yêu của Chúa Kitô; ngược lại, chúng ta sẽ chết bởi vì ngoài Chúa Kitô ra, không có sự sống đích thực ở một nơi nào khác. Ai xa lìa Chúa Kitô là chọn cái chết đời đời. Do đó, hãy ở lại trong Chúa Kitô. Một cách cụ thể, ở lại trong Chúa Kitô là làm sao?

-  Trước hết, ở lại trong Chúa Kitô là tụ họp lại nhân danh Ngài: “Ở đâu có 2 hoặc 3 người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,20).
-   Thứ đến, ở lại trong Chúa Kitô là lắng nghe và giữ lời Chúa Giêsu: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
-  Sau cùng, ở lại trong Chúa Kitô là ăn Thịt và uống Máu Ngài: “Ai ăn Thịt của Thầy và uống Máu của Thầy thì ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy” (Ga 6,56).

Những điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng: nếu chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta phải tìm gặp Ngài trong Hội thánh. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe có người nói: Tôi giữ đạo trong lòng, tôi có thể gặp Chúa Giêsu theo cách của tôi mà chẳng cần di lễ, chẳng cần đến nhà thờ, chẳng cần đến với Hội thánh”. Nhưng làm sao như thế được?

Ví dụ, nếu muốn lãnh nhận bí tích Giải tội, chúng ta phải đến gặp một người của Hội Thánh vì Chúa Giêsu đã ban quyền tha tội cho Hội Thánh; chúng ta có thể xưng thú tội lỗi với vị linh mục mình lựa chọn, không thích vị này thì xưng với vị kia, nhưng không thể xưng với bức tường hay với gốc cây hay trực tiếp với Thiên Chúa trên trời được.

Cha sở của một xứ đạo đi thăm một người giáo dân khô khan trong giáo xứ. Sau khi chào hỏi xong, cha sở chẳng nói chẳng rằng lấy kẹp gắp một cục than ra khỏi lò sưởi đang cháy và bỏ ra ngoài. Cục than dần dần tắt ngúm. Người giáo dân hiểu ngay cha sở muốn nhắn nhủ ông: một cục than chỉ cháy nóng khi nó ở trong lò với những cục than khác nên thưa: xin cha đừng nói gì cả, con hiểu cha muốn nói gì rồi. Sau đó, ông ta bắt đầu sinh hoạt bình thường trở lại.
 
Cho nên, tối thiểu là vào ngày Chúa Nhật, mọi Kitô hữu phải ở lại trong Chúa Kitô, nghĩa là phải tụ họp nhân danh Chúa Giêsu, phải lắng nghe lời Chúa Giêsu, phải ăn và uống Chúa Giêsu. Mà một khi tụ họp nhau lại như vậy chúng ta sẽ mang lại nhiều hoa trái; hoa trái đó là chúng ta sẽ lớn lên trong lòng tin, lòng cậy, lòng mến, nhưng nhất là người ta sẽ nhận ra sự hiệp nhất của chúng ta, giống như hàng trăm hạt lúa mì làm thành tấm bánh hay như hàng trăm trái nho làm thành chén rượu nho. Và khi chúng ta hiệp nhất với nhau như vậy, chúng ta mới làm chứng cho mọi người thấy Chúa Giêsu phục sinh đang sống trong mỗi người chúng ta, trong Hội Thánh và trong thế giới hôm nay. 

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc