banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TRO NÓI CHO TA BIẾT THÂN PHẬN CỦA CON NGƯỜI

Đăng lúc: Thứ ba - 16/02/2021 19:36 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TRO NÓI CHO TA BIẾT THÂN PHẬN CỦA CON NGƯỜI

TRO NÓI CHO TA BIẾT THÂN PHẬN CỦA CON NGƯỜI


Cùng với ngày thống hối và ăn chay này – Thứ Tư Lễ Tro – chúng ta bắt đầu một con đường mới hướng về lễ Phục sinh: con đường Mùa Chay. Tôi muốn dừng lại vài phút  để suy nghĩ về dấu chỉ Phụng vụ là tro xức, một dấu chỉ vật chất, một yếu tố của thiên nhiên mà trong phụng vụ lại trở nên một biểu tượng linh thánh, rất quan trọng trong ngày hôm nay, ngày đánh dấu sự khởi đầu lộ trình bốn mươi ngày chay tịnh. Vào thời Thượng Cổ, trong nền văn hóa Do Thái, thói quen xức tro trên đầu như dấu chỉ lòng thống hối mang tính đại chúng, thường gắn liền với thói quen mang bị hay quần áo rách rưới. Còn trái lại, đối với chúng ta là những Kitô hữu, chỉ có khoảng thời gian duy nhất này, nhưng lại mang một tầm quan trọng xét về mặt lễ nghi và tinh thần.

Trước tiên, tro là một trong những dấu hiệu vật chất đưa vũ trụ vào trong lòng phụng vụ. Những dấu hiệu chính dĩ nhiên là những dấu hiệu của các bí tích: nước, dầu, bánh miến và rượu nho, những dấu hiệu này trở nên một chất liệu đích thực của bí tích, một công cụ, mà qua đó, ơn của Đức Kitô được chuyển trao đến tận tay con người chúng ta. Còn trái lại, trong trường hợp của tro xức, thì đây là một dấu chỉ không mang tính bí tích, thế nhưng, lại luôn gắn liền với kinh nguyện và sự thánh hóa dân Chúa: thật thế, phụng vụ tiên liệu một nghi thức riêng để làm phép tro trước khi xức lên đầu mỗi người, mà chúng ta sẽ thực hiện trong nghi thức này, với hai công thức tùy nghi sử dụng. Trong công thức I, tro được định nghĩa là “biểu tượng cho khổ chế”; trong công thức II, phụng vụ cầu xin Thiên Chúa thánh hóa tro và quy chiếu về bản văn trong Sách Sáng Thế, cũng đi kèm theo việc xức tro: “Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi” (x. St 3,19).

Chúng ta hãy dừng lại trong giây lát trên trích đoạn sách Sáng Thế. Đoạn văn này kết luận án xử của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội: Thiên Chúa nguyền rủa con rắn đã làm cho người đàn ông và người phụ nữ phạm tội; sau đó, Ngài phạt người phụ nữ và báo cho bà biết bà sẽ phải mang nặng đẻ đau và có quan hệ bất bình đẳng với chồng mình; và sau cùng, Ngài phạt người đàn ông và cho biết ông phải làm lụng vất vả và Chúa nguyền rủa đất đai. “Đất đai sẽ bị chúc dữ vì ngươi!” (St 3,17), vì tội của ngươi. Như thế, người đàn ông và đàn bà không bị chúc dữ một cách trực tiếp như con rắn, nhưng vì tội của Ađam, đất đai nơi con người xuất phát ra đã bị chúc dữ. Chúng ta hãy đọc lại truyện kể thật tuyệt vời về việc Thiên Chúa dựng nên con người từ đất: “Lúc đó, Chúa là Thiên Chúa đã nặn con người từ đất sét, Ngài thổi hơi sự sống vào lỗi mũi con người, và con người trở nên một hữu thể sống động. Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, về hướng đông, và Ngài đặt vào đó một Người mà Ngài đã nặn lên” (St 2, 7 – 8); đó là trình thuật của sách Sáng Thế.

Như thế, dấu chỉ của tro xức trên đầu đã đưa chúng ta về lại bức tranh ghép vĩ đại về công trình sáng tạo, và bức tranh sáng tạo này nói rằng con người là sự hợp nhất đặc biệt giữa vật chất và hơi thở thần linh, qua đất sét được Thiên Chúa nhào nặn và được Ngài cho trở nên sống động nhờ hơi thở Ngài thổi vào trong lỗ mũi của tạo vậ mới này. Chúng ta có thể ghi nhận rằng trong trình thuật sách Sáng Thế, biểu tượng của đất sét đã bị tội lỗi làm cho biến thể. Trong khi đó thì trước khi con người sa ngã, đất đai hoàn toàn là một tiềm năng tốt đẹp, được một dòng suối tươi mát (St 2,6) và qua tác động của Thiên Chúa, có khả năng làm cho “mọi giống cây nhìn đẹp mắt và ăn thấy ngon” (St 2,9) được đâm chồi nẩy lộc, còn sau khi con người phạm tội, và do đó, bị Thiên Chúa chúc dữ, đất đai sẽ sinh “gai góc và cây có gai”, và chỉ khi nào con người “làm lụng vất vả” và “đổ mồ hôi trán”: thì lúc đó, đất đai mới mang lại hoa trái của mình cho con người (x. St 3, 17 – 18). Đất sét của trái đất này không chỉ nhắc lại cử chỉ sáng tạo của Thiên Chúa, một cử chỉ hoàn toàn bỏ ngỏ cho sự sống, mà còn trở nên dấu chỉ của một đệnh mệnh khắc nghiệt mang lại cái chết cho con người: “Bởi vì ngươi là bùn đất thì ngươi sẽ ở về bùn đất” (St 3,19).

Trong bản văn Kinh Thánh, ta thấy rõ là bùn đất tham dự vào định mệnh của con người. Về điểm này, Thánh Gioan Kim Khẩu, trong một bài giảng đã nói như sau: “Bạn thấy làm thế nào mà sau khi con người bất tuân lệnh Chúa, mọi sự đều áp đặt lên trên con người, theo một cách khác với lối sống trước kia của con người” (Bài giảng về sách Sáng Thế 17,9; PG 53,146). Sự kiện đất đai bị chúc dữ cũng có tác dụng “chữa lành” đối với con người, vì con người đã học được cách nhìn nhận những giới hạn và bản tính nhân loại của mình qua việc đất đai “chống lại” mình (x. sđd.). Cũng có một đoạn chú giải cổ xưa khác, với một tổng đề tuyệt vời, đã diễn tả như sau: “Ađam được Thiên Chúa dựng nên thật tinh tuyền để phục vụ Ngài. Mọi tạo vật đều được Thiên Chúa ban cho con người để phục vụ con người. Con người được chọn để làm chúa tể và làm vua cai trị toàn thể tạo vật. Nhưng khi điều dữ đến với con người và ngỏ lời với con người, thì con người lại đón nhận nó và lắng nghe một điều gì đó bên ngoài con người. Và sau đó, điều dữ đã thâm nhập vào tâm hồn con người, và chiếm hữu toàn bộ hữu thể của con người. Khi con người đã bị điều xấu gài bẫy thì toàn thể tạo vật đã một thời giúp đỡ và phục vụ con người cũng bị gài bẫy cùng với con người” (Pseudo-Macaire, Bài giảng 11,5; PG 34,547).

Như chúng ta đã nói trước đó, khi trích dẫn Thánh Gioan Kim Khẩu, việc đất đai bị chúc dữ cũng có một tác dụng “chữa lành”. Điều này có nghĩa là ý định của Thiên Chúa luôn tốt lành, sâu xa hơn lời chúc dữ. Thật thế, lời chúc dữ là do tội, chứ không phải do Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không thể không bắt đất đai phải chịu chúc dữ, bởi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người và những hậu quả của tự do đó, ngay cả khi những hậu quả đó là tiêu cực. Như thế, ngay từ bên trong sự trừng phạt, cũng như lời chúc dữ đất đai, vẫn có một ý định tốt lành đến từ Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa phán với con người: “Bởi vì ngươi là bùn đất, nên từ bùn đất ngươi sẽ trở về đó”. Cùng với hình phạt chính đáng này, Thiên Chúa cũng muốn tuyên bố một con đường cứu độ, và con đường này sẽ đi ngang qua đất, ngang qua “bùn đất”, ngang qua “thân xác” sẽ được Ngôi Lời nhập thể đảm nhận.

Chính trong viễn tượng cứu độ này mà phụng vụ ngày thứ Tư Lễ Tro lấy lại lời sách Sáng Thế: như lời mời gọi sám hối, khiêm nhường, luôn nhớ đến thân phận có sinh có tử của mình, không phái để rồi kết thúc trong thất vọng, nhưng là để đón nhận, trong thân phận chết chóc của chúng ta, sự gần kề không thể nào suy tưởng được của Thiên Chúa, là Đấng, bên kia cái chết, đã mở ra một con đường dẫn đến sự sống lại, đến thiên đàng cuối cùng đã tìm lại được. Origène, trng một bản văn của ngài, cũng đã nói với chúng ta điều tương tự như thế: “Điều mà lúc đầu là xác thịt, từ đất, một con người từ bùn đất (x. 1Cr 15,47), và bị tan rã khi chết đi và lại trở về bùn đất và tro bụi – quả thật, có lời chép rằng: bởi vì ngươi là bùn đất và sẽ lai trở về bùn đất – thì nay lại được tái sinh từ đất. Và sau đó, tùy theo công trạng của linh hồn cư ngụ trong thân xác, con người tiến về vinh quang của một thân xác thiêng liêng” (Khảo luận về các nguyên tắc 3,6,5, 268,248).

Những “công trạng của linh hồn” mà Origène nói đến rất cần thiết; nhưng những công trạng của Đức Kitô, hiệu lực của Mầu Nhiệm Phục Sinh lại càng cơ bản hơn nữa. Thánh Phaolo đã đưa ra cho chúng ta một công thức tổng hợp về vấn đề này trong thư 2 gởi tín hữu thành Corinto là chủ đề của bài đọc 2 hôm nay: “Đấng không hề biết đến tội là gì, thì vì chúng ta, Thiên Chúa đã làm cho Người trở thành tội nhân, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính” (2Cr 5,21). Khả năng để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi thiết yếu lệ thuộc vào sự kiện là chính Thiên Chúa, trong con người của Con Thiên Chúa, đã muốn chia sẻ thân phận của chúng ta, chứ không phải tội lỗi biến thái. Và Chúa Cha đã phục sinh Người bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, và Đức Giêsu là Ađam mới, đã trở nên “thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45), là tiền đề của cuộc sáng tạo mới. Cùng một Thần Khí đã phục sinh Đức Giêsu từ trong kẻ chết có thể biến đổi con tim chúng ta, từ con tim bằng đá trở thành con tim bằng thịt (x. Ed 36,26). Chúng ta vừa kêu cầu Chúa qua Thánh Vịnh Miserere: “Lạy Đức Chúa, xin tạo cho con một quả tim thanh sạch, xin tái tạo trong lòng con một tinh thần cương nghị; xin đừng đuổi con xa cách thánh điện của Chúa” (Tv 50, 12 – 13). Vị Thiên Chúa đã đuổi tổ tiên chúng ta ra khỏi vườn Địa Đàng, thì nay đã gởi Con của Ngài vào trần gian đã bị tội lỗi phá hủy, Ngài cũng không dung tha Con của mình, để cho chúng ta, là những đứa con hoang đàng, sau khi đã thống hối ăn năn và được cứu chuộc nhờ lòng thương xót của Ngài, có thể trở về quê hương đích thực của chúng ta. Ước gì mỗi người trong chúng ta, ước gì mọi tín hữu, mỗi người khiêm nhường nhìn nhận mình cần được cứu độ, có thể nhận được ơn này. Amen.

 

Bài huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong lễ Tro ngày 22.02.2012 trích trong Huấn từ của ĐGH Benedictô XVI, G.B Lưu Văn Lộc (chuyển ngữ), Nxb Đồng Nai, Tp. HCM 2014, tr. 187 - 192. 
Từ khóa:

Lễ Tro

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc