banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TRỞ VỀ ĐỂ TÌM LẠI NIỀM VUI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

Đăng lúc: Thứ năm - 18/02/2021 03:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TRỞ VỀ ĐỂ TÌM LẠI NIỀM VUI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

TRỞ VỀ ĐỂ TÌM LẠI NIỀM VUI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong thứ Tư Lễ Tro 2021

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Hành trình ấy được mở ra với những lời của ngôn sứ Gioel, chỉ ra hướng để bước theo. Có một lời mời gọi xuất phát từ trái tim Thiên Chúa, với vòng tay giang rộng và với đôi mắt đầy thương nhớ, Ngài kêu mời chúng ta: “Hãy trở về với Ta với tất cả tấm lòng” (Ge 2,12). Hãy trở về với Ta. Mùa Chay là chuyến trở về với Thiên Chúa. Rất nhiều lần, vì bận rộn hoặc vì hờ hững, chúng ta đã trả lời Ngài: “Lạy Chúa, con sẽ gặp Ngài xin, xin chờ con…. Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm một điều gì đó cho người khác”. Và như thế, ngày này qua ngày khác. Giờ đây, Thiên Chúa mời gọi tận trái tim chúng ta. Trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn có điều gì đó để làm và luôn có những hối tiếc để thổ lộ, nhưng, anh chị em thân mến, hôm nay là thời gian quay về với Thiên Chúa.

Hãy trở về với Ta bằng tất cả con tim. Mùa Chay là một hành trình bao hàm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, tất cả con người chúng ta. Là thời gian để đánh giá lại những con đường mà chúng ta đang miệt mài theo đuổi, để tìm thấy ra con đường đưa ta về nhà, để tái khám phá mối tương quan nền tảng với Thiên Chúa mà từ đó tất cả đều tùy thuộc vào. Mùa Chay không phải là tập hợp những trang giấy, nhưng là sự phân định nơi trái tim phải hướng về. Đây là trọng tâm của Mùa Chay: trái tim của chúng ta hướng về đâu? Chúng ta thử tự hỏi chính mình: Người hoa tiêu của cuộc đời tôi mang tôi đi đâu, hướng về Thiên Chúa hay hướng về cái tôi của tôi? Tôi sống bởi ý muốn của Thiên Chúa hay để được chú ý, được ca tụng, được yêu thích, để ở vị trí đầu tiên và như thế vân vân? Tôi có trái tim của người “vũ công”, nhảy một bước tiến và một bước lùi, yêu Thiên Chúa một chút và yêu thế gian một chút, hoặc một trái tim kiên định trong Thiên Chúa? Tôi an tâm với sự đạo đức giả của mình, hoặc đấu tranh để giải phóng trái tim khỏi sự lặp đi lặp lại và khỏi sự giả dối đang trói buộc tôi không?

Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành, là cuộc xuất hành từ nô lệ sang tự do. Bốn mươi ngày Mùa Chay nhắc nhớ đến bốn mươi năm dân Chúa đi trong sa mạc để trở về đất hứa. Nhưng thật khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Còn khó hơn nữa là rời bỏ Ai Cập trong trái tim của dân Thiên Chúa, Ai Cập đó họ mang mãi trong trái tim mình, bỏ đất Ai Cập… Thật khó để bỏ Ai Cập. Trong suốt hành trình này luôn luôn xuất hiện cám dỗ nuối tiếc củ hành, củ tỏi, cám dỗ quay lại đằng sau, gắn bó với những kỷ niệm của quá khứ, với một vài thần tượng. Đối với chúng ta cũng vậy: Hành trình trở về với Thiên Chúa bị cản trở bởi những dính bén không lành mạnh, và bị kiềm hãm bởi những quyến rũ của các thói xấu, bởi những thành công giả dối của tiền bạc và của bề ngoài, từ những than thở của các nạn nhân làm tê liệt. Để tiến bước người ta cần phải vạch mặt những ảo tưởng này.

Nhưng chúng ta tự hỏi: Làm thế nào có thể tiến lên trên hành trình hướng về Thiên Chúa? Những quãng đường trở về mà Lời Chúa kể cho chúng ta, có giúp chúng ta không?

Chúng ta nhìn vào người con hoang đàng và chúng ta hiểu rằng, đối với chúng ta cũng vậy đây là thời gian quay về với Cha. Như người con hoang đàng ấy, chúng ta cũng có thể đã quên mùi hương của gia đình, chúng ta phung phí của cải cho những thứ nhỏ nhặt và để lại hai bàn tay trắng với trái tim bất mãn. Chúng ta té ngã: Chúng ta là những người con té ngã liên hồi, chúng ta như những trẻ thơ tập đi nhưng lại không đi trên đất, và mỗi lần như thế chúng cần được nâng dậy bởi người cha. Chính sự tha thứ của người Cha làm cho chúng ta đứng vững trên đôi chân: sự tha thứ của Thiên Chúa, Thống Hối là bước đầu tiên của hành trình quay trở về của chúng ta. Tôi nói đến bí tích Thống Hối, tôi khuyên các cha giải tội: các cha hãy như người cha, không với roi da nhưng với vòng tay mở rộng.

Chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, làm như người phong cùi được chữa lành đã quay trở lại cảm tạ Ngài. Mười người được chữa lành, nhưng chỉ một mình anh ta được cứu độ, bởi vì anh đã quay trở lại với Chúa Giêsu (x. Lc 12, 17 – 19). Tất cả, tất cả chúng ta đều mắc bệnh thiêng liêng, một mình chúng ta không thể chữa lành chúng; tất cả chúng ta đều có những tật xấu tận căn, một mình chúng ta không thể loại trừ chúng; tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ làm chúng ta tê liệt, một mình chúng ta không thể đánh bại chúng. Chúng ta cần bắt chước người phong cùi ấy, quay trở lại với Chúa Giêsu và quỳ sụp dưới chân Ngài. Sự chữa lành của Chúa Giêsu giúp chúng ta, đặt những nỗi đau của chúng ta trước mặt Ngài và nói với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con ở đây trước mặt Ngài, với tội lỗi của con, với nỗi khốn cùng của con. Ngài là thầy thuốc. Ngài có thể giải thoát con, chữa lành trái tim con”.

Còn nữa, Lời của Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa Cha, kêu mời chúng ta trở về với Chúa Giêsu và chúng ta được mời gọi trở về với Chúa Thánh Thần. Tro bụi trên đầu nhắc nhớ chúng ta là bụi tro và sẽ trở về với bụi tro. Nhưng trên tro bụi này Thiên Chúa đã thổi Thần Khí sự sống của Ngài. Vì thế chúng ta không thể sống theo cát bụi, chạy theo những thứ hôm nay có mai lại biến mất. Trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng Trao Ban sự sống, trở về với Lửa làm bừng cháy tro bụi của chúng ta, trở về với Lửa dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta sẽ mãi là cát bụi nhưng, như vinh tụng ca đã nói, hạt bụi được yêu thương. Chúng ta quy về cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, chúng ta tái khám phá lửa ca tụng, đốt cháy tro bụi của than phiền và của cam chịu.

Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta khả thi chỉ vì có hành trình của Ngài đang hướng về chúng ta, nếu không thì chẳng thể thực hiện được. Trước khi chúng ta đến với Ngài, Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đã đi bước trước đến với chúng ta, Ngài đến gặp chúng ta. Vì chúng ta Ngài hạ mình đến mức chúng ta có thể tưởng tượng: Ngài trở nên tội nhân, đã chết. Như Thánh Phaolo nhắc nhớ chúng ta: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5, 21). Để không bỏ chúng ta một mình mà đồng hành cùng chúng ta trong hành trình này, Người đã đi vào trong tội lỗi của chúng ta và vào trong sự chết của chúng ta, Ngài đã chạm đến tội lỗi và chạm đến sự chết của chúng ta. Vì thế, hành trình của chúng ta là để Ngài nắm lấy tay chúng ta. Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta quay trở về với Đấng ra khỏi nhà để đến tìm kiếm chúng ta. Thiên Chúa chữa lành chúng ta là Đấng để mình bị thương tích trên thập giá; Thần Khí làm thay đổi cuộc sống chúng ta là Đấng thổi hơi với sức mạnh và sự ngọt ngào trên cát bụi của chúng ta.

Vì thế, lời nài xin của vị Tông Đồ: “Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Hãy làm hòa: hành trình này không dựa trên những nỗ lực của chúng ta; không một ai có thể làm hòa với Thiên Chúa với chính sức của mình, không thể. Hoán cải trái tim được thể hiện qua những thái độ và những thực hành cụ thể, nó chỉ khả thi nếu khởi đi từ bước trước của Thiên Chúa. Làm cho chúng ta trở về với Ngài không là khả năng của chúng ta và không phải là công trạng của chúng ta để có thể khoa trương, nhưng là ân sủng để đón nhận. Ân sủng cứu thoát chúng ta, cũng vậy ơn cứu độ là ân sủng và nhưng không. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta điều đó cách rõ ràng trong Tin Mừng: Không phải những điều đúng đắn mà chúng ta thực hiện trước mặt con người làm chúng ta nên công chính, nhưng là mối tương quan chân thành với Thiên Chúa Cha. Khởi đầu cuộc trở về với Thiên Chúa là biết rằng chúng ta cần Ngài, cần lòng thương xót và cần ân sủng của Ngài. Đây là con đúng đắn, con đường của sự khiêm nhường. Tôi cảm thấy mình nghèo túng hay đầy đủ?

Hôm nay chúng ta cúi đầu để nhận tro. Đến cuối hành trình Mùa Chay chúng ta còn cúi sâu hơn nữa để rửa chân cho anh em mình. Mùa Chay là khiêm nhường hạ xuống trong chúng ta và hướng về người khác. Là hiểu rằng ơn cứu độ không phải là bậc thang vinh quang, nhưng là sự cúi mình vì yêu thương. Làm cho chúng ta trở nên bé nhỏ. Trong hành trình này, để không lạc đường, chúng ta hãy đặt mình trước thập giá Chúa Giêsu: là ngai tòa thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày những thương tích của Ngài, những thương tích Ngài đã mang về Trời và cho Thiên Chúa Cha thấy, mọi ngày, trong lời nguyện chuyển cầu. Chúng ta hãy ngắm nhìn mỗi ngày những thương tích của Ngài. Trong những lỗ hổng ấy, chúng ta nhận biết sự trống rỗng của chúng ta, sự thiếu thốn của chúng ta, những thương tích của tội lỗi, những tổn thương làm chúng ta đau khổ. Cũng vậy, chính nơi đó chúng ta thấy Thiên Chúa không chỉ tay chống lại chúng ta, nhưng mở rộng vòng tay cho chúng ta. Những thương tích của Ngài mở ra vì chúng ta và từ những thương tích ấy chúng ta được chữa lành (x. 1Pr 2,25; Is 53,5). Chúng ta hôn những vết thương ấy và chúng ta sẽ hiểu chính ở đó, trong những lỗ đau thương nhất của cuộc sống, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô biên của Ngài. Bởi vì, ở đó, nơi chúng ta dễ tổn thương nhất, nơi chúng ta xấu hổ nhất, Ngài đến gặp chúng ta. Và đây là giờ Ngài đến gặp chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta trở về với Ngài, để tìm lại niềm vui được yêu thương.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: www.vatican.va
Từ khóa:

Lễ Tro, Mùa Chay

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc